Vị tướng hiếm hoi thoát khỏi kết cục bi thảm
Trong lịch sử Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng nổi tiếng là vị quân vương có nhiều công lao nhưng tính tình kiêu ngạo, độc tài và rất đa nghi. Tần vương đặc biệt đề phòng và thẳng tay trừng trị những kẻ âm mưu lật đổ ngai vàng của mình, bao gồm cả em trai cùng cha khác mẹ là Doanh Thành Kiệu khi ông ta có ý đồ mưu phản.
Bởi lẽ đó, nếu bị Tần Thủy Hoàng nghi ngờ có ý đồ tạo phản thì đúng là chẳng khác nào đang tự tìm đường tới cái chết. Những đại thần càng có quyền lực, binh lực trong tay thì càng khiến Tần vương đề phòng. Thế nhưng, có một vị danh tướng nắm toàn bộ quân đội nước Tần mà vẫn được Tần Thủy Hoàng hết sức tin tưởng. Nguyên nhân xuất phát từ hai điều kiện mà vị tướng này đòi Tần vương thực hiện trước khi ra chiến trận. Người đó chính là Vương Tiễn.
Vương Tiễn (tiếng Trung: 王翦, 304 TCN-214 TCN) là một trong "tứ đại danh tướng" thời Chiến Quốc cùng Liêm Pha, Lý Mục và Bạch Khởi. Không chỉ giúp Tần Thủy Hoàng dẹp nội loạn, ông còn đóng góp quan trọng trong công cuộc chinh phạt sáu nước, công lao của ông lớn đến nỗi Tần vương còn phải tôn ông làm thầy!
Đáng chú ý, Vương Tiễn còn là một trong những vị tướng tài hiếm hoi của Trung Quốc có số phận khá may mắn, thuận lợi. Ông được Tần vương tin tưởng, khi chiến tranh kết thúc, Vương Tiễn cũng được an hưởng tuổi già chứ không bị Tần Thủy Hoàng coi như cái đinh trong mắt để tìm cách loại bỏ.
Vậy tại sao Vương Tiễn lại có thể bình yên sống đến cuối đời? Nguyên do nằm ở những điều kiện oái ăm của viên tướng này. Hóa ra, trước mỗi lần xông pha trận mạc, Vương Tiễn đều đòi Tần Thủy Hoàng phải cho mình hai thứ.
Trong đó có một thứ khiến Tần vương cau mày, biến sắc; một thứ lại khiến Tần vương mỉm cười chấp thuận. Chính hai "yêu sách" này đã bảo toàn mạng sống cho Vương Tiễn!
Không huy động tối đa quân binh thì không ra trận
Tần Thủy Hoàng bình định 6 nước thì trong đó, cha con tướng quân Vương Tiễn đã góp công đánh thắng 5 nước. Đây là vị tướng tài bách chiến bách thắng, chiến công lẫy lừng. Vậy rốt cuộc phong cách đánh trận của Vương Tiễn như thế nào mà lại luôn giành thắng lợi? Nếu phải dùng một cụm từ để miêu tả phong cách đánh trận của ông thì hẳn sẽ là "sư tử vồ thỏ".
Cụ thể, trước mỗi lần ra trận, Vương Tiễn đều ra điều kiện với Tần Thủy Hoàng, đó là: Điều động toàn bộ nguồn lực của nước Tần, bất luận là binh lực hay là lương thực đều phải tuyệt đối đầy đủ. Nếu Tần Thủy Hoàng không đồng ý thì Vương Tiễn sẽ không xuất trận!
Nói cách khác, dù cho đối phương chỉ là một con mồi nhỏ thì Vương Tiễn cũng sẽ huy động tối đa nguồn lực của nước Tần!
Điển hình nhất là lần đi đánh nước Sở. Khi đó, tướng quân Lý Tín đã nói: "200.000 quân là đủ thắng nước Sở!" nhưng Vương Tiễn thì lại cương quyết phải huy động tới 600.000 quân. Bởi sự chênh lệch này mà Tần Thủy Hoàng quyết định giao cho Lý Tín nắm giữ ấn soái chỉ huy trận chiến đó, kết quả nước Tần thảm bại một phen. Sau này Tần Thủy Hoàng đành phải đồng ý yêu cầu của Vương Tiễn, huy động tối đa binh lực thì nước Sở mới bị tiêu diệt, dù rằng trước đó ông hồ nghi điều kiện này.
Trong xã hội thời xưa, điều động càng nhiều binh lực thì nguồn lực và tiền bạc của triều định tiêu hao sẽ càng lớn. Vậy nên yêu cầu của Vương Tiễn khiến Tần Thủy Hoàng phải "xót xa" nhăn mặt. Nhưng nhìn vào kết quả các trận đánh thì đã đủ hiểu nước đi này của Vương Tiễn tướng quân đúng đắn thế nào!
Đòi đất đai, thưởng tiền nhưng Tần Thủy Hoàng vẫn vui vẻ chấp nhận
Vương Tiễn tài hoa hơn người trên chiến trận nên trong thời chiến, Tần Thủy Hoàng đương nhiên không thể giết ông. Nhưng sau khi bình định xong 6 nước, tại sao Tần vương lại không "động thủ" với Vương Tiễn? Việc này có liên quan đến điều kiện còn lại của vị tướng tài này.
Hóa ra, trước mỗi trận chiến lớn, Vương Tiễn đều làm một việc tự bôi xấu hình tượng bản thân, biến ông thành quan tham điển hình, đó là đòi thưởng tiền, đòi phong đất, đòi nhà cao cửa rộng! Hơn nữa, càng là trận chiến lớn thì Vương Tiễn càng đòi hỏi nhiều.
Trong sách "Sử Ký" còn ghi lại, trước khi ra trận đánh nước Sở, Vương Tiễn bẩm báo với Tần vương đòi phần thưởng, đại ý nói mình tuổi đã già, lương bổng cũng không dư dả nên muốn một căn nhà to và vài trăm mẫu đất. Tần Thủy Hoàng nghe xong bật cười đáp Vương Tiễn cứ yên tâm ra trận, Tần vương chắc chắn sẽ không bạc đãi ông.
Nhưng Vương Tiễn mỉm cười trả lời: "Nhân lúc đại vương hẵng còn trọng dụng tôi, tôi phải xin chút gia sản để lại cho con cháu. Đợi khi tôi già rồi không ra trận nổi nữa, muốn đến tìm đại vương xin những thứ này cũng khó". Nghe xong, Tần vương bật cười lớn, sau đó phất tay, phê chuẩn yêu cầu của Vương Tiễn.
Thực chất, Vương Tiễn làm vậy không phải vì tham lam vinh hoa phú quý mà bởi ông biết Tần vương vốn tính tình kiêu ngạo, khó tin người, giờ lại phải giao toàn bộ binh quyền cho ông nắm giữ nên càng bất an. Nếu Vương Tiễn không đòi xin đất đai, bổng lộc để ổn định cơ nghiệp cho con cháu thì Tần vương ắt sẽ sinh nghi.
Từ cổ chí kim, các vị hoàng đế vốn không sợ đám quan lại tham lam, háo sắc mà chỉ sợ những vị đại thần không có sở thích, cũng không có nhược điểm gì. Nếu đại thần có tài, lại không tham lam hay háo sắc thì chắc chắn tham vọng duy nhất chính là tranh giành ngôi vương với hoàng đế! Bởi vậy, càng là những vị tướng tài năng đức độ đến nỗi gần như hoàn hảo lại càng khiến hoàng đế đứng ngồi không yên.
Vì lẽ đó, sự đòi hỏi của Vương Tiễn ngược lại còn khiến Tần vương thấy rất vui. Nguyên nhân đơn giản là việc này chứng minh Vương Tiễn không có mưu đồ tạo phản. Do vậy, yêu cầu thứ hai của Vương Tiễn luôn được Tần Thủy Hoàng rộng rãi chấp nhận.
Chính nhờ nước đi khôn khéo này mà Vương Tiễn được sống một cuộc đời giàu sang vinh hiển, hưởng thọ 90 tuổi. Quả thực là một vị tướng không chỉ tài năng trên chiến trận mà còn mưu lược trong cách đối nhân xử thế!
Theo Minh Anh/ Tổ Quốc