Trong cuộc hôn nhân này có một điều rất đặc biệt: dưới triều Trần con gái hoàng tộc không được lấy người ngoại tộc. Đây là một đặc ân rất lớn của nhà vua dành cho Nguyễn Chế Nghĩa...
Nguyễn Chế Nghĩa là người có võ công tài giỏi lại văn hay. Quê ông ở trang Cối Xuyên, huyện Tràng Tân, lộ Hồng Châu (thời Trần), nay là thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Đến đời Lê Gia Tông (1672-1675) vì kỵ húy vua Lê Duy Cối nên Cối Xuyên được đổi là Hội Xuyên. Thuở nhỏ, ông được cha mẹ cho theo học một thầy đồ trong làng. Ông thích chơi đố chữ. Lớn lên, Nguyễn Chế Nghĩa càng tỏ rõ sự thông minh, chịu khó học hành, yêu thích văn chương, tinh thông Thái Ất, hiểu sâu kinh dịch. Năm 18 tuổi ông đã làm thơ chữ Hán. Ngoài việc học văn, ông còn say mê luyện tập võ thuật, đánh còn, cưỡi ngựa, bắn cung.
Năm 19 tuổi, giặc Nguyên sang xâm lược nước ta, ông xung phong đi diệt giặc, lập nhiều chiến công, trở thành tướng giỏi của Trần Hưng Đạo. Trong trận đánh ở Chi Lăng (Lạng Sơn) do Phạm Ngũ Lão chỉ huy, ông là tướng tiên phong. Ông cũng đã từng tham gia nhiều trận đánh ở lộ Hồng Châu, Rừng Đa (Gia Lâm), ải Nội Bàng (Bắc Giang)... Trước thế giặc mạnh, thực hiện cuộc lui quân chiến lược, Nguyễn Chế Nghĩa được lệnh hộ giá thượng hoàng và vua tạm lánh vào Thanh Hóa. Kháng chiến thắng lợi, vua Trần hạ chiếu bình công. Ông được phong chức Khống Bắc tướng quân, tước Nghĩa Xuyên công.
Sau chiến thắng Nguyên Mông, ông được cử làm Tổng trấn Lạng Sơn trong 6 năm liền. Tuy ý đồ xâm lược nước ta không thành nhưng kẻ thù vẫn rất mạnh. Để giữ hòa hiếu lâu dài, các vua Trần đã 3 lần cử Nguyễn Chế Nghĩa tham gia đoàn sứ bộ đi Nguyên vào các năm 1312 đời Trần Anh Tông, 1321 đời Trần Minh Tông và 1331 đời Trần Hiến Tông. Ông được vua Trần Anh Tông yêu mến, gả cho công chúa Nguyệt Hoa. Trong cuộc hôn nhân này có một điều rất đặc biệt: dưới triều Trần con gái hoàng tộc không được lấy người ngoại tộc. Đây là một đặc ân rất lớn của nhà vua dành cho Nguyễn Chế Nghĩa. Khi tuổi cao, ông xin về trí sĩ tại quê nhà ở Hải Dương.
Nhưng cuộc đời thật nghiệt ngã, trên đường từ Thăng Long về đến làng Kiêu Kỵ, ông đã bị một nhóm đạo sĩ mai phục bất ngờ nhảy ra chém chết tại quán Ninh Kiều ngày 27 tháng 8 (âm lịch) năm Thiệu Phong thứ nhất (1341). Nguồn gốc sâu xa của sự ám hại này là do "Nguyễn Chế Nghĩa là một trong ba người không tán thành lập Trần Dụ Tông lên ngôi vua. Khi vua Dụ Tông yên vị đã ngầm sai người giết Nguyễn Chế Nghĩa ở quán Ninh Kiều, Kiêu Kỵ, Gia Lâm".
Tuy nhiên, triều đình vẫn hạ chiếu đưa ông về an táng tại quê nhà ở Cối Xuyên và tổ chức lễ tang cấp vương giả, truy phong thần hiệu cho ông là An Nghĩa đại vương và sắc phong làm thành hoàng làng Hội Xuyên (làng Cuối). Đây có lẽ là lý do khiến võ tướng Nguyễn Chế Nghĩa có nhiều công lao trong kháng chiến chống Nguyên Mông, được phong làm Khống Bắc tướng quân, từng làm phò mã, được phong tước công, từng giữ chức đô úy và thái úy, đã không được nhắc đến trong chính sử của triều đại nhà Trần.
Mặc dù vậy, công tích của Nguyễn Chế Nghĩa vẫn được ghi nhận tại nhiều văn bản quan trọng như "Trần triều thế phả hành trạng", "Hội Xuyên xã thần tích" (tức sự tích đức Thành hoàng làng xã Hội Xuyên), hiện lưu giữ tại Viện Hán Nôm. Không những thế, Nguyễn Chế Nghĩa còn được nhân dân nhiều địa phương thờ phụng, từ Kiêu Kỵ, Gia Lâm (Hà Nội) đến làng Cuối (Gia Lộc) có hơn 80 nơi thờ cúng. Đó là những địa phương ông từng đóng quân và đánh giặc lúc sinh thời, những nơi thi hài ông đi qua trên đường từ Kiêu Kỵ, Gia Lâm về Cối Xuyên (Gia Lộc). Ngày mất của ông trở thành hội làng của làng Cuối và làng Kiêu Kỵ, diễn ra trong 3 ngày 26, 27 và 28 tháng 8 âm lịch.
Trong quyển "Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam" của Hà Văn Thơ và Trần Hồng Đức (xuất bản năm 2001), ở phần ghi những nhân vật lịch sử nổi tiếng triều Trần gồm 12 người, trong đó Nguyễn Chế Nghĩa được xếp thứ 10 trên cả hai vị đại thần nổi danh là Lê Văn Hưu và Chu Văn An. Điều ấy chứng tỏ các sử gia đương thời và nhân dân là những người làm nên lịch sử vào thời ấy rất công bằng, minh bạch đối với những người có công lao với đất nước. Chính vì vậy mà làng Kiêu Kỵ, nơi ông qua đời và làng Cuối quê hương và cũng là nơi có lăng mộ ông từ xa xưa đã có quan hệ gắn bó vì cùng tôn thờ Nguyễn Chế Nghĩa làm thành hoàng làng. Ngày nay, các bô lão ở làng Kiêu Kỵ vẫn thường về làng Cuối dự hội làng. Để đáp lễ, làng Cuối cũng cử một đoàn bô lão đến Kiêu Kỵ dự hội làng vào ngày 28 tháng 8 âm lịch hằng năm.
Theo K.N/Báo Bình Phước