Nhưng theo ghi chép trong "Nguỵ lược", cuối cùng Trương Cáp lại chết bởi một chiêu mượn dao giết người của Tư Mã Ý. Cùng trong phe cánh của Tào Tháo, tại sao Tư Mã Ý lại ra tay tàn độc, đẩy Trương Cáp vào đường chết?
Ban đầu Trương Cáp là thuộc hạ của Viên Thiệu ở Hà Bắc. Ông là người trí dũng song toàn, khéo ứng biến khi cầm quân, giỏi dự đoán địa hình tác chiến. Sau thất bại của Viên Thiệu, ông đầu hàng Tào Tháo và được chủ mới hết sức quý mến, trở thành một trong số Ngũ tử lương tướng dưới trướng Tào Tháo.
Sau khi đầu hàng Tào Tháo, Trương Cáp nhiều lần lập được chiến công. Bởi Trương Cáp vốn là tướng tài, Tào Tháo vô cùng yên tâm khi để ông cầm quân, vì thế đã giao quân đội cho ông, để ông theo mình tấn công Nghiệp Thành. Nhờ sự chiến đấu dũng mãnh của Trương Cáp, quân Thào thuận lợi chiếm được Nghiệp Thành.
Về sau, Trương Cáp lại theo Tào Tháo đến Bột Hải tấn công Viên Đàm. Khi ấy ông tự mình dẫn theo một cánh quân bao vây Ung Nô, đánh tan tác quân Viên chỉ trong một trận.
Sau này Trương Cáp lại cùng Tào Tháo chinh phạt Liễu Thành. Khi ấy ông đảm nhiệm vai trò tiên phong cùng với mãnh tướng Trương Liêu, hai người đều là nhân vật lấy một chọi trăm trên chiến trường, phá quân công thành thế như chẻ tre.
|
Hình ảnh nhân vật Trương Cáp trên phim. |
Bởi nhiều lần lập được chiến công, Trương Cáp được thăng làm Bình Địch tướng quân. Về sau Trương Cáp còn từng mang quân chinh phạt quận Đông Lai, thảo phạt Quản Thừa, cùng những đồng đội thân thiết như Trương Liêu thảo phạt đám Trần Lan, Mai Thành.
Trương Cáp đánh đâu thắng đó, trăm trận trăm thắng. Khi theo Tào Tháo đến Vị Nam, Trương Liêu còn đánh tan thế lực quân phiệt Tây Lương như Mã Siêu, Hàn Toại, đồng thời bao vây An Định, áp Dương Thu đầu hàng.
Trương Cáp và Hạ Hầu Uyên cùng đem quân tấn công tên cường đạo Lương Hưng đang chiếm giữ Phu Thành và quân phiến loạn người dân tộc Đê ở khu vực Vũ Đô, đánh bại đội quân mà Mã Siêu đã vất vả tập hợp lại, bình định được khu vực Tống Kiến thống trị chỉ với một trận.
Về sau, Hạ Hầu Uyên bỏ mạng trên chiến trường vì khinh địch, lúc này ba quân không còn thống soái, Trương Cáp nhận nhiệm vụ lúc nguy cấp, thay thế vị trí thống soái của Hạ Hầu Uyên.
Lưu Bị vốn đã biết khả năng cầm quân chinh chiến của Trương Cáp, hay tin Trương Cáp thống soái ba quân sau khi Hạ Hầu Uyên bỏ mạng đã cảm thấy rất lo lắng, bởi vì ông sợ Trương Cáp chứ không sợ Hạ Hầu Uyên.
Lưu Bị nói với thuộc hạ của mình: "Cần giết chết Trương Cáp, giết Hạ Hầu Uyên cũng vô dụng thôi".
Trương Cáp và Tư Mã Ý đều là lão tướng của phe Tào Tháo, quan hệ giữa hai người họ không phải là mối quan hệ xa lạ không quen biết.
Ngay trong thời gian quản lý thuỷ quân ở Kinh Châu, khi Tào Tháo định men theo Miện Thủy đi vào Trường Giang, tiến tới tấn công Đông Ngô, Tào Duệ từng hạ lệnh cho Trương Cáp thống soái quân ở Quan Trung, chịu sự chỉ huy của Tư Mã Ý.
Vào lần Bắc phạt thứ tư của Gia Cát Lượng, quân Thục đánh với quân Tào của Tư Mã Ý, Trương Cáp. Khi Tư Mã Ý rút quân, không ngờ ông lại hạ lệnh ép Trương Cáp truy kích Gia Cát Lượng.
Trương Cáp vốn là không muốn đuổi theo, bởi ông biết Gia Cát Lượng giỏi bố trí mai phục, phía trước chắc chắn có bẫy. Thế nhưng Tư Mã Ý không chịu nghe, dùng quân lệnh ra lệnh cho Trương Cáp phải xông lên. Cuối cùng Gia Cát Lượng quả thực có bố trí mai phục, Trương Cáp bị bắn chết ở đường Mộc Môn.
Khi ấy Tư Mã Ý đã ra lệnh ép Trương Cáp truy kích, dù thừa hiểu Gia Cát Lượng có bố trí mai phục, đây hiển nhiên là chiêu mượn dao giết người. Suy cho cùng thì khi ấy Trương Cáp trung thành với Tào Tháo, trong tay có binh quyền, nếu không sớm diệt trừ hẳn sẽ là mối hoạ lớn cản trở ý đồ soán quyền đoạt vị của Tư Mã Ý, đó cũng chính là lý do khiến Trương Cáp phải chết.
Tiếc thay cho một đại tướng trí dũng song toàn, cầm quân khiến Lưu Bị cũng phải cảm thấy sợ hãi mà cuối cùng phải ôm hận bỏ mạng dưới tay Tư Mã Ý.
Theo Khánh An/Dân Việt