Nếu đi từ cổng chính Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào, không khó để nhìn thấy bức tượng một người đàn ông Pháp đặt ở vị trí trang trọng. Trên tấm bia này còn khắc câu nói: “Tôi đã nghỉ hưu nhưng còn quá nhiều việc để làm cho ngành thực vật, chỉ tiếc là không còn thời gian và cuộc đời thì quá ngắn ngủi”.
Không phải ngẫu nhiên mà người này được dựng tượng ở Thảo Cầm Viên. Ông được coi như “cha đẻ” của “lá phổi xanh” này. Người đó chính là Jean Baptiste Louis Pierre (1833-1905), một nhà thực vật học người Pháp.
Ảnh: Vũ Phượng
Năm 1850, J.B. Louis Pierre là giám đốc Vườn bách thảo Calcutta (Anh). 15 năm sau, ông được bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên của Vườn bách thảo (tiền thân của Thảo Cầm Viên Sài Gòn).
J.B. Louis Pierre đã có 12 năm phụ trách Thảo Cầm Viên Sài Gòn, để lại hơn 100.000 tiêu bản hiện được lưu giữ ở Bảo tàng thực vật (Viện Sinh học Nhiệt đới TP.HCM). Từ năm 1865, nhà thực vật học này đã xây chuồng nuôi chim, hươu, nai… Ông kêu gọi mọi người đóng góp chim, thú săn bắt được cho nơi đây. Dần dần, Thảo Cầm Viên trở thành nơi có rất nhiều giống thực vật, động vật quý hiếm, độc lạ.
Ảnh: Internet
Cùng với đó là hàng nghìn cây cổ thụ trên đường phố, công viên ở thành phố này cũng đều có công J.B. Louis Pierre mang về. Rộng hơn, ở khu vực Đông Nam Á có nhiều vườn ươm, cây đại mộc được du nhập từ các đại lục khác vào cũng nhờ người đàn ông này.
Ảnh: Báo Thiếu niên Tiền phong.
Bà Huỳnh Thu Thảo – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, trước đây tượng ông J.B. Louis Pierre được khắc thông tin bằng tiếng Pháp nên nhiều người dân, du khách không chú ý và không biết ông là ai. Về sau thông tin được sửa lại, khắc bằng tiếng Việt để mọi người ghi nhớ công ơn J.B. Louis Pierre.
Ảnh: T.L
Có thể nhiều người không biết, Thảo Cầm Viên là một trong những niềm tự hào của TP.HCM. Được xây dựng vào năm 1864, đến nay vườn thú này đã được 159 tuổi và là 1 trong 8 vườn thú cổ nhất thế giới. Vào năm 2024, Thảo Cầm Viên Sài Gòn sẽ kỷ niệm 160 năm thành lập.
Theo PV/SHTT&ST