|
Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ảnh: Dân Việt.
|
Đại tướng Phùng Quang Thanh, sinh ngày 02/02/1949 tại Thạch Đà, Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay là Mê Linh, Hà Nội), trong một gia đình yêu nước, giàu truyền thống cách mạng, có cha là liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Có lẽ, được kế thừa truyền thống cách mạng của gia đình, được thừa hưởng sự anh dũng, ngoan cường từ người cha liệt sĩ của mình đã giúp tôi luyện nên một người chiến sĩ đầy bản lĩnh, tài năng, dũng mãnh trên chiến trường. Cuộc đời binh nghiệp của ông là một tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, ý chí và nghị lực vươn lên.
Vị tướng trưởng thành qua chiến đấu
Báo Quân đội nhân dân trích dẫn thông tin trong "Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam" khái quát sự nghiệp của Đại tướng Phùng Quang Thanh như sau:
Trong kháng chiến chống Mỹ, từ 1967-1971 ông trưởng thành từ chiến sĩ đến Đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Nam Lào. Tháng 6/1971, ông được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân. Năm 1972, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1.
Tháng 8/1974, ông là học viên của Học viện Lục quân. Từ 1977, ông giữ chức Tham mưu trưởng Trung đoàn, Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1. Tháng 12-1983, ông là Phó sư đoàn trưởng phụ trách Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390 rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Năm 1989, ông được cử đi học tại Học viện Vôlôxilôp (Liên Xô).
Năm 1990, ông là học viên Học viện Quân sự cấp cao. Năm 1991, ông giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Tháng 9-1993, ông là Phó cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu (BTTM). Tháng 6-1995, ông là Cục trưởng Cục Tác chiến BTTM. Tháng 8/1997, ông được cử đi học tại Học viện Chính trị Quân sự. Tháng 12/1997, ông là Tư lệnh Quân khu 1. Tháng 5-2001, ông được bổ nhiệm giữ chức Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP).
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và phân công làm Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011), ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và phân công làm Phó bí thư Quân ủy Trung ương. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, Đại tướng Phùng Quang Thanh được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tháng 4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Với những chiến công hiển hách và công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự phát triển, trưởng thành của Quân đội. Đảng, Nhà nước đã phong tặng ông danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND; Huân chương Chiến công (2 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba), Huân chương Kháng chiến hạng Ba… Ông là Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII.
Đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Năm 1968, Đại tướng Phùng Quang Thanh tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, làm nhiệm vụ trinh sát, nhiều lần cùng tổ vào căn cứ địch điều tra tình hình, giúp cấp trên chỉ huy chiến đấu thắng lợi.
Trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (địch gọi là cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971), quân ta mở chiến dịch phản công quy mô lớn. Ngày 11/2/1971, ông khi đó là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 trực tiếp chỉ huy một tiểu đội chốt giữ đồi Không Tên.
Địch dùng 1 đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tấn công chốt. Ông đã chỉ huy tiểu đội chờ địch vào gần mới nổ súng, diệt 38 tên địch, đẩy lùi địch ra xa, riêng ông diệt 8 tên.
Hai ngày sau địch lại tiến công lên chốt, ông bị thương và được cho lui về tuyến sau nhưng ông xin ở lại chiến đấu. Ông nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn, đeo quanh người, nhờ y tá băng và treo cánh tay trái cho đỡ vướng rồi dẫn đầu tiểu đội xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn 1 đại đội địch. Riêng tiểu đội ông chỉ huy diệt 37 tên, bắt 1 tên, thu 2 súng...
Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào là chiến dịch có vị trí quan trọng đặc biệt, bởi Đường 9 - Nam Lào là đường vận chuyển chiến lược bảo đảm hậu cần cho chiến trường miền Nam. Nếu địch chiếm được sẽ cắt đứt tuyến vận tải của ta. Đồng thời, tạo điều kiện cho chúng tiếp tục thực hiện kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh. Trung đội do ông chỉ huy đã chiến đấu hết sức dũng cảm và tiêu diệt được phần lớn sinh lực địch.
Chiến thắng đã góp phần quyết định bẻ gãy xương sống của kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm mà tiêu biểu là Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngay sau khi kết thúc chiến dịch.
Sau này, phát huy phẩm chất của người anh hùng, ông tiếp tục trưởng thành trong chiến đấu, trong thời bình, hoàn thành xuất sắc mọi cương vị công tác, nhất là trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Khi đảm đương các cương vị công tác khác nhau, Đại tướng Phùng Quang Thanh vẫn luôn giữ được phẩm chất và bản lĩnh của người lính từng vào sinh ra tử. Dù ở cương vị nào, Đại tướng Phùng Quang Thanh vẫn nguyên vẹn là một vị tướng kiên cường, luôn sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, luôn hướng tới mục đích cao cả phục vụ Tổ quốc và nhân dân.