Trong chương 5 "Về Bộ Chỉ huy miền trực tiếp đánh Mỹ trên chiến trường B2" của cuốn hồi ký "Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" do NXB Chính trị quốc gia - Sự thật (2015), đồng chí Lê Đức Anh đã chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc trên chiến trường. Qua đó, bạn đọc thêm cảm phục vị Đại tướng tài ba, dám quyết, dám chịu trách nhiệm và đầy bảnh lĩnh giữa chiến trường ác liệt thời kháng chiến chống Mỹ.
Ngày 13/8/1963, tôi được bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng. Những ngày này tôi cùng cơ quan Bộ Tổng Tham mưu tổ chức cho anh em cán bộ miền Nam tập kết tiếp tục huấn luyện và rèn luyện hành quân đường dài, mang vác nặng để chuẩn bị vào Nam chiến đấu, mà lúc đó thường gọi là "đi B". Vào một ngày trung tuần tháng 11/1963, Tổng Tham mưu trưởng nói tôi chuẩn bị đi B và căn dặn:
- Vào tới nơi, anh báo cáo với anh Linh và anh Trà, xúc tiến ba việc lớn: Thứ nhất, xây dựng lực lượng tại chỗ. Thứ hai, mở vùng giải phóng miền Đông Nam Bộ xuống tận biển Đông. Thứ ba, cố giành và khai thác nhân tài, vật lực để phát triển cách mạng.
Tiếp đó, tôi sang gặp anh Lê Duẩn tại nhà số 6, phố Hoàng Diệu. Anh Duẩn bảo:
- Ba ý kiến anh Dũng nói, đúng. Nhưng thêm một việc nữa là chú trọng xây dựng lực lượng và hoạt động vũ trang ở trong đô thị và vùng ven đô...
Trước khi đi, anh Song Hào - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - mời tôi đến ăn cơm.
Một ngày cuối tháng 12/1963, tôi lặng lẽ ra đi. Gia đình tôi ở nhà số 91, phố Lý Nam Đế, gần cơ quan Bộ Quốc phòng nhưng không biết. Anh em đồng đội trong cơ quan Bộ Tổng Tham mưu cũng không biết. Cùng đi với tôi có anh Trần Minh Tâm quê ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Anh cũng để vợ và một con nhỏ ở miền Bắc. Sau này, anh làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5, là một trong ba sư đoàn chủ lực đầu tiên của Nam Bộ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Tối hôm đó, hai chúng tôi xuống con tàu "Không số”, lặng lẽ rời bến Đồ Sơn, Hải Phòng, ra hải phận quốc tế, rồi hướng thẳng về phương Nam. Trên tàu, ngoài hai cán bộ miền Nam chúng tôi và đội thủy thủ của Đoàn 125 Hải quân Việt Nam còn có những hòm súng, đạn chở vào miền Nam và khối thuốc nổ TNT, phòng khi gặp tình huống tàu địch phát hiện và vây bắt thì sẽ cho nổ tàu, kiên quyết không để người và vũ khí rơi vào tay giặc.
|
Trung tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Nam (người đang chỉ tay trên bản đồ) và Tham mưu trưởng Lê Đức Anh (người ngồi bên phải Trung tướng Trần Văn Trà) trong cuộc họp Bộ chỉ huy miền Nam tại Căn cứ Lộc Ninh (Bình Phước) năm 1972. Ảnh: Lao động. |
Đêm cuối năm, gió bấc thổi lạnh buốt. Trong khoang tàu, hai chúng tôi khi ngồi, khi nằm, tâm sự và chuyện tào lao trên trời dưới bể. Những kỷ niệm về Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc với những vùng đất, những con người gian lao mà anh dũng lại hiện về... Tôi bỗng nhớ gia đình, quê hương da diết, nhớ xứ Huế mộng mơ với "giọng hò xa vọng, nhắn tình nước non!".
Khi tàu cập Cà Mau thì rừng đước, rừng tràm đã che chở cho con tàu nên chuyến đi của chúng tôi suôn sẻ và giữ được bí mật đến phút chót. Ông Thãng, Phó Bí thư Khu ủy Khu 9 ra đón hai chúng tôi về Khu bộ. Từ căn cứ của Bộ Tư lệnh Khu 9, các đồng chí giao liên dẫn chúng tôi đi theo đường bộ sang biên giới Việt Nam - Campuchia. Từ đây, chúng tôi đi giữa ban ngày trên ôtô với giấy tờ "hợp pháp" do tổ chức Việt kiều ở Campuchia bố trí. Cuộc hành trình của chúng tôi kết thúc thắng lợi tại Bộ Chỉ huy Miền, đứng chân ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, ở chiến khu Dương Minh Châu, thuộc miền Đông Nam Bộ.
Bộ Chỉ huy giao cho tôi việc làm kế hoạch xây dựng lực lượng tại chỗ. Lúc đó, anh Nguyễn Văn Linh là Bí thư Trung ương Cục, anh Trần Văn Trà là Tư lệnh B2, tôi làm Tham mưu trưởng.
Khi làm kế hoạch quân sự, tôi đề nghị trong kế hoạch, phần xây dựng lực lượng ở vùng đô thị thì mời anh Võ Văn Kiệt (trước đó làm Bí thư Sài Gòn - Chợ Lớn) lên ít ngày để cùng bàn bạc và làm kế hoạch. Bộ Chỉ huy bàn về tổ chức xây dựng lực lượng trước, sau đó mới bàn kế hoạch mở địa bàn ra hướng đông. Không khí làm việc thật hào hứng, sôi nổi. Anh Trà nêu ý kiến: "Cả một vệt phía bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu, ta chưa có gì, phải xây dựng lực lượng ở đó. Hiện ta có hai trung đoàn chủ lực nên đưa cả xuống đó. Cả vùng Long Điền - Đất Đỏ ra tới Hàm Tân dân cư đông đúc và giàu có nữa. Ta mở vùng hoạt động ra rừng Sác - sông Lòng Tàu thành một vệt, gắn với nó là việc xây dựng lực lượng tại chỗ để khi hai trung đoàn chủ lực hút đi thì bàn giao địa bàn và phong trào cho lực lượng tại chỗ".
Họp bàn về kế hoạch xong, anh Trà cử tôi sang báo cáo với Trung ương Cục. Nghe tôi báo cáo toàn bộ bản kế hoạch, hầu hết mọi người đều nhất trí, chỉ có đồng chí Phạm Văn Xô (tức Hai Xô) băn khoăn hỏi lại:
- Gạo ở đâu? Có chạy được gạo không? Đưa hai trung đoàn chủ lực xuống, ngần ấy con người, lấy gạo đâu mà ăn?
Trước câu hỏi bức xúc về gạo, anh Trà và tôi đều im lặng vì chưa biết trả lời cách nào. Đến khi xuống họp bàn với ngành hậu cần, anh Lê Thành Công (tức Lê Minh Thịnh, Sáu Thịnh) nói:
- Nếu cứ ngồi đây mà bàn thì không ra gạo. Để tôi xuống gặp anh Phạm Văn Lạc, Tỉnh đội trưởng Long Khánh.
Anh Lạc vốn là dân Công giáo miền Bắc di cư vào, người của công nhân cao su Long Khánh. Anh có cơ sở trong đoàn ôtô vận tải chuyên chở thuê từ Sài Gòn đi Phan Thiết. Khi anh Công xuống trao đổi, anh Lạc nói:
- Được!
- Gạo cho hàng nghìn người ăn trong ba tháng ròng, vậy mà anh nói “Được", liệu có chủ quan không? - Anh Công ngạc nhiên hỏi lại.
- Một tháng thì chắc rồi, còn hai tháng nữa sẽ tính - Anh Lạc trả lời.
- Cứ mượn tiền để mua gạo, ít bữa cấp trên sẽ trả đầy đủ - Anh Công nói với anh Lạc.
Sau một thời gian chuẩn bị, khi đoàn xe cam nhông chạy tới, anh Lạc mặc bộ đồ của cai kiểm lâm, đội mũ phớt, cầm cây ba toong ngoắc một cái ra hiệu cho xe tới chở gạo. Đoàn xe trước đó vẫn chuyên chở thuê từ Sài Gòn ra Phan Thiết trên quốc lộ 1, đến địa phận Long Khánh thì đi theo đường kiểm lâm như là đoàn xe chở gỗ, rồi cho gạo vào các kho trong rừng của chiến khu. Phần lớn là gạo thơm mua từ Thái Lan về, cùng với số gạo do anh em ta vào mua trong các ấp chiến lược và số gạo do dân tự nguyện đóng góp…
Các đơn vị bộ binh lúc đó hầu hết là xây dựng ở quy mô cấp tiểu đoàn. Ở cấp trung đoàn chủ lực của Miền có hai trung đoàn Q761 và Q762. Về bộ đội đặc công, ta đã xây dựng được một số đơn vị, anh em huấn luyện khá tốt. Chỉ còn lực lượng "biệt động thành" thì Bộ Chỉ huy thấy khó vì nhất thiết phải lấy người tại chỗ, tức là người ngay trong lòng đô thị và vùng ven đô. Vậy mà anh Võ Văn Kiệt khẳng định là "Được" và rồi được thật, tuy lúc đầu mới chỉ là những đội, tổ hoạt động tình báo, quân báo.
Về pháo binh, có Đoàn 80 gồm năm tiểu đoàn, đứng chân ở vùng căn cứ miền Đông Nam Bộ, được bổ sung quân số và trang bị tương đối khá. Bộ Chỉ huy điều Trung đoàn 3 thuộc Khu 9 ở Tây Nam Bộ lên đứng chân ở khu Lò Gò - căn cứ Trung ương Cục. Các căn cứ hậu cần A, B, C, D đổi tên thành các đoàn hậu cần 81, 82, 83 và 84. Mỗi đoàn đều xây dựng kho dự trữ hàng, xưởng quân giới, bệnh xá, đội vận tải, các đội sản xuất, thu mua, tiếp nhận, phấn đấu theo hướng bảo đảm cho bộ đội hoạt động trên một hướng của chiến dịch. Đầu mùa mưa năm 1964, để gấp rút chuẩn bị hậu cần, nhất là về vũ khí, đạn dược, Bộ Chỉ huy Miền đã tăng cường cán bộ, bổ sung quân số cho các đoàn 340B và 445B, thành lập trung đoàn tiếp vận mang phiên hiệu Đoàn K101 đặt căn cứ ở Hắc Dịch (thuộc Bà Rịa), đã tiếp nhận (từ các đoàn tàu “Không số” ngoài Bắc đưa vào) và vận chuyển hàng tấn vũ khí để cung cấp cho các hoạt động quân sự trên toàn miền.
Nhân đây, tôi xin đề cập một số tình hình trong bối cảnh triển khai chiến lược chung giữa ta và đế quốc Mỹ. Đến năm 1963, tình hình quân sự và chính trị của Mỹ - Diệm càng xấu đi, đến nỗi Tổng thống Kennedy (Kennơđi) phải thốt lên: "Chúng ta hiện đang ở trong đường hầm không lối thoát!". Cuối năm 1963, "quốc sách ấp chiến lược" của Mỹ và tay sai cơ bản bị phá sản, kéo theo sự thất bại hoàn toàn của kế hoạch chiến lược Staley-Taylor, qua đó, báo hiệu sự thất bại không sao tránh khỏi của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt". Tập đoàn cầm quyền ở Mỹ đứng đầu là Johnson (Giônxơn) (lên thay Tổng thống Kennedy bị ám sát ngày 22/11/1963) lại ráo riết chuẩn bị một kế hoạch chiến tranh mới theo hướng tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược nước ta.
Tháng 12/1963, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) ra nghị quyết khẳng định phương châm chiến lược của cách mạng miền Nam là chiến đấu lâu dài, dựa vào sức mình là chính, phương châm đấu tranh là kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang một cách linh hoạt. Hai hình thức đấu tranh đều là cơ bản và có vai trò quyết định, trong đó đấu tranh vũ trang có vai trò quyết định trực tiếp đối với việc tiêu diệt lực lượng quân sự địch. Về mặt chỉ đạo, cần hết sức tranh thủ khả năng thắng địch trong "Chiến tranh đặc biệt", đồng thời tích cực chuẩn bị sẵn sàng đối phó với "Chiến tranh cục bộ".
Thực hiện Nghị quyết 9 của Trung ương Đảng, Hội nghị Quân ủy Trung ương đầu năm 1964, xuất phát từ hai chiến lược cách mạng ở hai miền, đã xác định hai nhiệm vụ chiến lược quân sự của Đảng là bảo vệ miền Bắc và đẩy mạnh chiến tranh giải phóng miền Nam; và nhiệm vụ giúp đỡ về quân sự cho cách mạng hai nước bạn, đặc biệt là cách mạng Lào.
Quân ủy Trung ương nêu rõ phương hướng chỉ đạo trước mắt là đẩy mạnh tác chiến thường xuyên đi đôi với tổ chức từng đợt hoạt động quy mô lớn hay tương đối lớn, tiêu diệt và làm tan rã từng đại đội, tiểu đoàn địch, chuẩn bị tốt để tiêu diệt trung đoàn địch; xây dựng lực lượng vũ trang cả ba thứ quân, đặc biệt coi trọng tăng cường lực lượng cơ động, tổ chức bộ chỉ huy dã chiến ở Miền để chỉ huy phối hợp tác chiến mấy trung đoàn, khi có điều kiện thì tổ chức sư đoàn; tập trung giải quyết công tác vận chuyển chiến lược từ hướng Campuchia sang, nhất là từ đường Trường Sơn vào.
Nghị quyết 9 của Trung ương cuối năm 1963 và Nghị quyết Quân ủy Trung ương đầu năm 1964 đã thúc đẩy đòn tiến công quân sự và tạo mọi điều kiện để các chiến trường ở miền Nam đẩy mạnh hoạt động tác chiến, đánh bại các cố gắng chiến tranh của địch, chủ động đối phó với bước leo thang chiến tranh của chúng. Để gỡ thế thất bại ở miền Nam và tăng cường các hoạt động biệt kích, gián điệp ra miền Bắc, lúc này, Mỹ ráo riết xúc tiến mưu đồ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân2.
Thấy rõ âm mưu của đế quốc Mỹ và dự đoán đúng ý đồ của chúng đối với miền Bắc, Đảng đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt. Do đó, ở miền Bắc, cùng với những thành tựu lớn về xây dựng chủ nghĩa xã hội trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), ta đã chủ động chuẩn bị tốt và đánh thắng địch ngay trận đầu (ngày 5/8/1964), đợt đầu chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ (ngày 7/2/1965), đồng thời không ngừng tăng cường lực lượng vào chiến trường miền Nam3 góp phần tạo thế vững chắc cho cuộc chiến đấu ở miền Nam.
Trên cơ sở phát triển dân quân du kích ở cơ sở, Bộ Chỉ huy Miền từng bước xây dựng lực lượng bộ đội địa phương và chủ lực. Miền Đông Nam Bộ từng bước được xây dựng thành một chiến trường tiến công tiêu diệt địch. Đến cuối năm 1964, việc xây dựng lực lượng đã hình thành. Nhiều vùng trắng trước đây quân địch thả sức tung hoành hành quân càn quét, bắn giết đồng bào ta, nay cơ sở và lực lượng vũ trang cách mạng đã được xây dựng và bắt đầu hoạt động có hiệu quả.
Trong tháng 9/1964, Bộ Chính trị cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ Chính trị vào miền Nam để cùng Trung ương Cục chỉ đạo phong trào. Cùng đi vào miền Nam đợt này có một số cán bộ cao cấp như các anh Lê Trọng Tấn, Trần Độ, Hoàng Cầm, Nguyễn Hòa. Khi các anh vào tới Bộ Chỉ huy Miền thì trong này chúng tôi đã chuẩn bị xong về cơ bản cho chiến dịch tiến công Bình Giã. Cần nói rõ thêm là lúc tôi vào B2 thì anh Trần Đình Xu trong thời gian làm Tham mưu trưởng B2 đã chuẩn bị xong kế hoạch đánh trận Bình Giã. Ngoài Khu 5, anh Nguyễn Đôn cũng chuẩn bị mở chiến dịch An Lão.
Sau khi cơ quan tham mưu nghiên cứu chiến trường và báo cáo đề đạt, Bộ Chỉ huy Miền trình lên Trung ương Cục quyết tâm mở chiến dịch Bình Giã. Phạm vi chiến dịch nằm trên địa bàn ba tỉnh Bà Rịa, Bình Thuận và Biên Hòa, khu vực tác chiến chỉ cách thành phố Sài Gòn (về phía đông) chừng 60km, có các trục lộ lớn 1 và 15, tỉnh lộ 2 chạy qua. Lực lượng tham gia chiến dịch trên hướng tiến công chủ yếu có hai trung đoàn bộ binh chủ lực của Miền (Q761 và Q762), bốn tiểu đoàn trợ chiến (gồm cối 81 ly, ĐKZ75 và súng máy cao xạ 12,7 ly) và bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa; trên hướng tiến công thứ yếu do lực lượng Quân khu 6 đảm trách; hướng phối hợp do lực lượng Quân khu 7 và bộ đội địa phương tỉnh Biên Hòa đảm nhiệm.
Bộ Chỉ huy Miền chỉ định anh Trần Đình Xu làm Chỉ huy trưởng chiến dịch. Anh Lê Văn Tưởng (tức Hai Chân), Chủ nhiệm Chính trị Miền làm Chính ủy chiến dịch.
Tỉnh ủy Bà Rịa đã thành lập Hội đồng cung cấp để giải quyết hậu cần tại chỗ cho chiến dịch và vận động nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm. Trong vòng hai tháng, ta đã vận động thu mua được 50 vạn lít gạo và một khối lượng lớn thực phẩm, thuốc men đủ sử dụng trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch. Các xã đã huy động hàng trăm dân công đi phục vụ chiến dịch. Riêng khu vực các đồn điền cao su dọc theo hai bên liên tỉnh lộ 2 và vùng Long Tân, Hòa Long, Phước Long tổ chức được hai đại đội dân công hỏa tuyến theo suốt chiến dịch. Đặc biệt, đêm 22/12/1964, chuyến tàu "Không số" chở 44 tấn vũ khí đã cập bến Lộc An an toàn, kịp thời bổ sung trang bị cho các đơn vị trước khi bước vào đợt 2 của chiến dịch.
Trong hơn một tháng chiến đấu tiến công (từ đêm 2/12/1964 đến ngày 3/1/1965), chiến dịch Bình Giã đã giành thắng lợi to lớn. Mục tiêu cơ bản của chiến dịch đặt ra đều thực hiện được: giải phóng gần 2 vạn dân huyện Hoài Đức, vùng căn cứ được củng cố và mở rộng bảo đảm cho việc tiếp nhận trang bị vũ khí của Trung ương từ miền Bắc chi viện bằng đường biển vào chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Trên hướng phối hợp, Quân khu 7 tổ chức các trận đánh phục kích giao thông ở Long Thành - Nhơn Trạch, Tỉnh ủy Biên Hòa và Bà Rịa tổ chức ba mũi giáp công vây đồn, lùng diệt ác ôn, làm chủ xã, ấp cũng giành nhiều thắng lợi.
Trận Bình Giã đã đánh dấu sự thất bại cơ bản của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt"4 của Mỹ và tay sai. Chiến thắng này chứng tỏ rằng ta có khả năng xây dựng những đơn vị chủ lực lớn tại chỗ, phát triển lên xây dựng Sư đoàn 5 để có thể đánh lớn, thắng lớn, và chủ lực ta hoàn toàn có khả năng tiêu diệt được chủ lực địch.
Một tháng trước khi nổ súng mở màn chiến dịch Bình Giã đêm 31 tháng 10, đoàn pháo binh của Miền (U80) đã bí mật hành quân vượt sông Đồng Nai, bất ngờ nổ súng cấp tập vào sân bay Biên Hòa, phá hủy 59 máy bay các loại, phá hủy các kho đạn, kho xăng, đài quan sát, diệt và làm bị thương nhiều tên địch.
Phối hợp với Bình Giã, bộ đội Quân khu 6, Quân khu 8, Quân khu 9 và Quân khu 5 đánh địch, giành thắng lợi. Các trận đánh đã hỗ trợ tích cực cho đồng bào ta nổi dậy phá ấp chiến lược, giành quyền làm chủ. Trong chiến dịch này, ta đã xây dựng được 2 trung đoàn và 3 tiểu đoàn chủ lực tại chỗ. Sau chiến dịch Bình Giã, ta mở thêm chiến dịch Đồng Xoài và Phước Bình - Phước Long.
Đến giữa năm 1965, thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt", Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam từ 18.000 quân (tháng -1965) lên 180.000 quân (tháng 11-1965). Đồng thời, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Chúng cố gắng ổn định tình hình chính trị, củng cố chính quyền tay sai, ngăn chặn đảo chính, bình định có trọng điểm và tăng cường hành quân càn quét từ miền Trung đến Nam Bộ.
Chiến thắng Đông - Xuân 1965-1966 có ý nghĩa rất quan trọng. Ta đã đánh thắng chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ ngay từ keo đầu, đánh thắng quân viễn chinh xâm lược Mỹ ngay từ hiệp đầu.
Cuối tháng 11/1966, tôi được Trung ương gọi ra miền Bắc báo cáo tình hình. Ở Hà Nội, tôi tranh thủ về thăm nhà, căn hộ số 91, phố Lý Nam Đế. Đang thời điểm không quân Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc rất dữ nên con tôi đã đi sơ tán, còn vợ thì trực ở bệnh viện nên tôi không gặp được. Anh Lý Ban, quê gốc Cần Giuộc và vợ anh, là người Hoa, mời tôi tới nhà riêng ăn cơm. Hôm đó, chị làm món thịt gà rang muối, món ăn truyền thống khá ngon của người Hoa. Ăn cơm xong, anh hỏi tôi một câu: "Anh ở trong ấy ra, quân Mỹ vào, găng lắm phải không?". Tôi bảo: “Quân và dân ta đâu có sợ! Nó kéo vào thế chứ kéo vào nữa cũng đánh!". Sau đó, tôi và anh Lý Ban cùng đi trong đoàn cán bộ Việt Nam sang Trung Quốc, do anh Phạm Văn Đồng (anh Tô) dẫn đầu. Trước khi đi, tôi sang thăm anh Võ Nguyên Giáp nhưng không gặp nên tôi viết thư cho anh chị và nhờ đồng chí Sinh, cán bộ Văn phòng Bộ Quốc phòng chuyển giúp.
Tôi từ miền Nam đi ra Bắc và cả khi đi cùng đoàn cán bộ sang Trung Quốc đều đi bằng máy bay của Hoàng gia Campuchia. Việc đi lại rất khẩn trương nên lúc đi Tổng cục Chính trị tiễn và đưa chúng tôi sang Quảng Châu, rồi từ Quảng Châu đi Tô Châu để gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông. Lúc đó, đại diện Tổng cục Chính trị đưa và đón chúng tôi là đồng chí Hồ Bá Phúc, Phó Cục trưởng Cục Cán bộ, người quê gốc miền Nam.
Sang tới Tô Châu, trong cuộc gặp với Chủ tịch Mao Trạch Đông, anh Tô gọi tôi cùng đi. Chủ tịch Mao Trạch Đông hỏi không nhiều, nói rất ngắn gọn:
- Quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam đông, tư tưởng của người dân và chiến sĩ thế nào? Hiện nay, cách mạng ở miền Nam của các đồng chí có khó khăn gì?
Khi đó anh Tô bảo tôi mới ở miền Nam ra, hãy trả lời Chủ tịch Mao Trạch Đông. Tôi nói:
- Về tư tưởng, Mỹ vào đông vậy chứ đông hơn nữa thì bộ đội và nhân dân miền Nam cũng quyết đánh. Về khó khăn, hiện tại đồng bào miền Nam chiến đấu bằng vũ khí có gì đánh nấy, chủ yếu là súng đạn tự tạo, súng trường bá đỏ K44 sản xuất theo kiểu mẫu trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Xe tăng và máy bay của Mỹ rất nhiều nhưng Việt Nam thiếu vũ khí chống tăng, bắn máy bay và đánh tàu thủy. Chúng tôi cũng thiếu đôla để mua gạo, vì từ trước đến nay cách mạng miền Nam Việt Nam vẫn mua gạo từ Campuchia và Thái Lan là chủ yếu, mà mua bên đó phải bằng đôla.
Nghe tôi trả lời vậy, Chủ tịch Mao Trạch Đông liền chỉ tay vào các quan chức dưới quyền mình đang có mặt tại đó:
- Hãy giải quyết cho các đồng chí ở miền Nam Việt Nam súng đạn và tiền!
Tôi cứ nghĩ Chủ tịch Mao Trạch Đông nói vậy thôi, chứ nếu có được thì chắc còn lâu. Nào ngờ, khi đoàn chúng tôi về nước đã được tin Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Trung quốc đang tích cực thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch.
Sau chuyến đi Trung Quốc về, tôi cứ suy nghĩ mãi. Trước đó, Trung Quốc chỉ giúp ta súng trường K44, nhưng đến năm 1966 thì khác, súng chống tăng B40, B41, súng máy cao xạ 12,7 ly, đôla tiền mặt, tất cả sự giúp đỡ đều do đích thân Chủ tịch Mao Trạch Đông chỉ thị. Tại sao? Và, Trung Quốc quan hệ với Quốc vương Sihanouk (Xihanúc) thế nào mà có thể chở thẳng vũ khí từ Trung Quốc sang cảng Sihanoukville; súng đạn lại giao cho Thủ tướng Lon Nol (Lon Non) và quân đội Hoàng gia Campuchia chuyên chở từ cảng Sihanoukville đưa tới Kampong Cham (Kôngpông Chàm), Klachie, rồi từ đó chở về biên giới Việt Nam rất nhanh. Hồi đó cứ cho 1kg hàng từ cảng Sihanoukville về tới đất Việt Nam thì trả công một đôla. Tại sao vậy?... Và như vậy, đến đầu năm 1967, súng đạn và tiền bạc đã vào tới Bộ Chỉ huy Miền. Ta thực hiện được ý tưởng của anh Nguyễn Chí Thanh là "Mở mặt trận B3 (Tây Nguyên)". Việc giao gạo và chở đạn do anh Tư Võ đảm nhiệm. Quả nhiên, khi ta mở thông được chiến trường Đông Nam Bộ (B2) với Tây Nguyên tức mặt trận B3, thì việc bảo đảm hậu cần cho B2 mới thực sự chắc chắn và thường xuyên. Điều này là vô cùng quan trọng trong chiến tranh.
Mỹ tổ chức cuộc hành quân "tìm diệt" liên tục, căng thẳng và quyết liệt. Dưới đất thì xe tăng, xe bọc thép lội nước M113, xe tải quân sự kéo từng đàn. Trên trời thì máy bay cường kích, tiêm kích, ném bom CBU xuống phát quang cả một khu rừng để cho máy bay trực thăng hạ xuống đổ quân. Mỹ chủ trương dùng trực thăng chở quân với số lượng lớn đổ bộ vào bên sườn hoặc phía sau, bất ngờ đánh tập hậu vào đội hình của quân ta, trong khoảnh khắc vừa đẩy nhanh được tốc độ tiến công vừa nhanh chóng làm thay đổi cục diện chiến trường, thay đổi tương quan lực lượng; trong chốc lát đẩy đối phương từ chỗ chủ động sang thế bị động, lúng túng, bị bao vây và có nguy cơ bị tiêu diệt dưới hỏa lực sát thương nhiều chủng loại và dày đặc của chúng.
Cuộc phản công mùa khô lần thứ nhất (1965-1966) thất bại, nhưng đế quốc Mỹ vẫn nung nấu một giải pháp giành thắng lợi bằng quân sự để giải quyết cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Bước vào mùa khô năm 1966-1967, Mỹ và tay sai mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai, tập trung binh lực, hỏa lực tiến công ồ ạt, tạo thế áp đảo đánh vào vùng Đông Nam Bộ, mà trọng điểm là vùng căn cứ bắc Tây Ninh, nhằm nhanh chóng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến; tiêu diệt bộ đội chủ lực; bịt chặt biên giới, đánh phá căn cứ kháng chiến của ta; mở rộng vành đai an ninh cho Sài Gòn. Địch ráo riết chuẩn bị cho cuộc hành quân với quy mô lớn mang tên "Junction City" (Gianxơn Xity) tiến công vào căn cứ kháng chiến của ta. Lực lượng được huy động tổng lực gồm: quân Mỹ với 31 tiểu đoàn bộ binh, 1 trung đoàn và 8 tiểu đoàn tăng - thiết giáp, 4 trung đoàn pháo, 8 tiểu đoàn công binh; quân đội Sài Gòn với 1 lữ đoàn dù, 8 đại đội biệt kích và 4 đại đội. Lực lượng không quân gồm: 9 phi đoàn máy bay phản lực chiến đấu F100 và F5A; 5 tiểu đoàn máy bay trực thăng vũ trang (CH47, HU1A, HU1B); 3 phi đoàn máy bay vận tải gồm hai loại máy bay C123, C130; 22 máy bay trinh sát L19, SR101, MOHOC và một số máy bay B52,... Đây là cuộc hành quân lớn nhất của quân Mỹ vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh và là cuộc hành quân thua đau nhất của Mỹ.
Nắm được ý đồ của Mỹ sẽ tổ chức cuộc hành quân “Junction City" càn quét lên vùng đứng chân của Trung ương Cục, tức căn cứ chiến khu Dương Minh Châu, Bộ Chỉ huy Miền nhất trí chỉ để Trung đoàn 3 trấn giữ ở vùng Lò Gò, phía tây chiến khu Dương Minh Châu, nhưng tổ chức phân tán lực lượng, sử dụng lực lượng tác chiến quy mô cấp đại đội là chủ yếu để cùng với bộ đội và du kích cơ quan đánh địch. Trung đoàn 16 độc lập đang đứng chân và hoạt động ở hướng Củ Chi và Trảng Bàng, Đức Hòa. Còn hai trung đoàn ở Bến Cát và Dầu Tiếng là Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 ở hướng Dầu Tiếng - Căm Xe, ngoài trọng điểm tấn công của địch. Tuy cả ba trung đoàn chủ lực (1, 2 và 3) là đội hình của Sư đoàn 9, nhưng lúc này phải bố trí phân tán để đối phó với chủ trương, âm mưu tìm diệt chủ lực “Việt cộng" của Mỹ.
Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền họp, thống nhất nhận định: địch sẽ tổ chức cuộc hành quân đánh vào cơ quan Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và chủ lực của ta. Ta cần phải di chuyển cơ quan (người, tổ chức gọn nhẹ). Bộ đội chủ lực ở vòng ngoài, khi xuất hiện thời cơ thì đánh tập kích. Lực lượng tại chỗ sẽ tổ chức đánh địch bằng một phương thức mới, bám trụ và bung ra đánh. Mà bám trụ trong hoàn cảnh trên địa bàn tác chiến không có dân thì ta sẽ tổ chức cán bộ, nhân viên ở các cơ quan của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền thành nhiều đội du kích xã, ấp để phát huy cao độ ưu thế của du kích chiến, nhất định ta sẽ bẻ gãy được tất cả các cuộc tiến công, đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của địch.
Bộ Chỉ huy Miền giao cho tôi nhiệm vụ tổ chức lực lượng đánh địch tại chỗ.
Tôi chỉ đạo các cơ quan xác định phương châm tác chiến là tổ chức các "ấp, xã chiến đấu", bám trụ đánh địch tại chỗ, giữ chắc các ấp, xã chiến đấu. Nơi địch không đến thì bung ra tìm địch mà đánh, bám địch mà diệt, thực hiện tiêu hao địch rộng rãi, vừa chiến đấu vừa bảo đảm phục vụ chiến đấu, bảo vệ an toàn cơ quan và kho tàng, duy trì cuộc sống và sinh hoạt bình thường trong căn cứ để đánh lâu dài với địch. Chỉ Trung đoàn 3 thực hiện phân tán lực lượng, còn hai trung đoàn ở ngoài phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa lực lượng trong và ngoài căn cứ.
Tôi trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đồng chí cán bộ đầu ngành của các cơ quan Bộ Chỉ huy Miền và Trung ương Cục. Đối với cơ quan Bộ Chỉ huy Miền thì mỗi ngành sẽ tổ chức thành một “huyện đội" do đồng chí chủ nhiệm ngành làm “huyện đội trưởng", tổ chức triển khai đứng chân và xây dựng trận địa chiến đấu trên một địa bàn huyện (hành chính) với các "xã chiến đấu", "ấp chiến đấu" có chiều sâu và chiều rộng phòng ngự liên hoàn. Chẳng hạn, huyện Tà Đạt, do ngành thông tin của Bộ Chỉ huy Miền đảm nhiệm, đồng chí Tư Diệp, Chủ nhiệm Thông tin làm "Huyện đội trưởng". Ngành có trong tay gần bốn tiểu đoàn thông tin, được tăng cường Đại đội 3 bộ binh làm lực lượng cơ động. Huyện Sóc Ky giao cho ngành công binh đảm nhiệm. Huyện Châu Thành do Trung đoàn Bảo vệ do phụ trách. Huyện Tần Ken do cơ quan Bộ Tham mưu Miền đảm nhiệm. Huyện Kà Tum do Cục Chính trị Miền đảm nhiệm. Huyện Bà Chiêm giao cho Đoàn Pháo binh 69. Huyện Bà Hảo giao cho Đoàn Hậu cần 82. Cụm Rùm Đuôn - Sóc Mới giao cho cơ quan bảo vệ; cụm Suối Mây giao cho cơ quan binh vận; cụm Bảy Bầu giao cho cơ quan tổ chức; cụm Xa Mát - Tà Xin giao cho cơ quan an ninh; cụm Lò Gò - Bến Ra giao cho cơ quan tuyên huấn; cụm Xóm Giữa - Đồi Thơ giao cho cơ quan dân y; khu vực Móc Câu giao cho bệnh viện của Bộ Chỉ huy Miền phụ trách, v.v.. Từ 20 đến 30 người tổ chức thành một "ấp" chiến đấu và có một tiểu đội du kích. Từ hai đến ba "ấp" thành một "xã". Xã có có ba đội du kích; huyện có đại đội cơ động. Công sự thì đào hố cá nhân và giao thông hào là chủ yếu, không làm hầm to kiên cố. Cứ 5 đến 10m lại đào một hố cá nhân, còn thời gian thì làm nắp chống đạn. Các cơ quan và đơn vị phải đào hầm bí mật dự trữ ba tháng lương thực, thực phẩm. Thời điểm đó, mặt trận B2 đã nhận được các chuyến hàng vũ khí từ miền Bắc vào nên Bộ Tư lệnh chiến dịch đã ưu tiên bổ sung trang bị cho Sư đoàn 9 chủ lực Miền. Trên các khu vực được phân công, các cơ quan và đơn vị tiến hành kiểm tra, bổ sung phương án tác chiến, phương án hiệp đồng, nhận vũ khí, đạn dược và hoàn thành mọi công tác chuẩn bị trước tháng 2/1967.
Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Chỉ huy Miền do tôi phụ trách đặt vị trí cơ động từ Sóc Ôm, Móc Câu đến Cầu Bà Chiêm…, khi bước sang đánh đợt hai thì đặt tại Mỹ Hạnh. Nói là Sở Chỉ huy, nhưng khi chiến sự diễn ra chỉ có sáu người: tôi, Võ Thanh Hùng (tức Bảy Hùng, Võ Đình Tương, người cùng Chi đội 1 với tôi thời chống Pháp) - phụ trách quân lực, Huỳnh Minh (tức Hai Đấu, Huỳnh Ngọc Đấu) và ba chiến sĩ bảo vệ và thông tin. Trên đường đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của các đơn vị, lúc ngồi ăn cơm trưa, Võ Thanh Hùng cười và nói với tôi:
- Anh em giờ tản cư gần hết, tôi theo anh như đi an dưỡng thế này thì khỏe.
- Ừ, an dưỡng, chờ đó rồi chạy không kịp - Tôi tức cười bảo.
Tôi bàn hai việc:
- Một là, chiều nay tôi thay mặt Bộ Chỉ huy thông qua quyết tâm chiến đấu của Sư đoàn 9. Cậu làm công tác bảo đảm. Hai là, theo ý các cậu, nên điều anh nào bảo vệ kho súng đạn ở biên giới?
- Sẽ không anh nào dám nhận bảo vệ kho súng đạn, vì nếu chúng càn đến, kho nổ thì không sử dụng được. Trước đây có lúc quân ta cứ phải tìm địch để đánh, giờ địch tự mang đầu ra cho quân ta đánh thì tội gì không mở kho phát cho anh em. Không sợ thất thoát nhiều đâu. Đánh xong thu lại - Hùng nói.
- Đúng.
Ý này cũng trùng hợp với ý của tôi và tôi bảo cậu Hùng viết giấy, để tôi ký.
Đoàn tiếp nhận vũ khí do anh Bùi Phùng làm Trưởng đoàn, anh Năm Thái làm Chính ủy (sau này làm Cục trưởng Bảo vệ). Thoạt đầu anh Năm Thái nói với Bảy Hùng là "Không được!". Có lẽ anh cũng biết đây là kho dự trữ chuẩn bị cho đánh lớn. Nhưng khi Bảy Hùng đưa giấy có chữ ký "Sáu Nam" ra thì anh Thái bảo: "Sao nãy không đưa?" và chấp hành liền. Bảy Hùng nói với anh em vận chuyển, cõng gạo ít thôi, còn vô đây lãnh súng. Chúng tôi phát cho mỗi chiến đấu viên một tiểu liên AK, mỗi tổ một súng chống tăng B40 và ba quả đạn. Anh em mừng lắm. Nhiều cậu sướng quá cứ vuốt ve ngắm nghía súng mãi một chập mới vác về.
Ngày 1/2/1967, địch cho máy bay trinh sát quần đảo, rồi phản lực và máy bay B.52 ném bom rải thảm, rải chất độc hóa học. Chúng tôi biết địch sắp đánh rồi.
Đến ngày 21 tháng 2, Sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ triển khai Lữ đoàn 1 và Bộ Tư lệnh sư đoàn ở Minh Thạnh; Lữ đoàn 2 bố trí một tiểu đoàn ở Quản Lợi, hai tiểu đoàn ở Thủ Đức, Dĩ An; Lữ đoàn 3 lên Bàu Cỏ. Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ bố trí lực lượng ở Trảng Lớn, Cần Đăng và lộ 22. Lữ đoàn dù 173 có hai thuộc Sư đoàn 4 Mỹ có hai tiểu đoàn giữ đường Bến Củi - suốt Ông Hùng, một tiểu đoàn ở Dầu Tiếng. Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn 9 Mỹ triển khai trên tuyến đường 1 từ Sài Gòn đi Trảng Lớn. Trung đoàn 11 thiết giáp ở Tây Ninh. Bộ Tư lệnh dã chiến 2 do tướng Jonathan Seaman (Giônathan Siman) chỉ huy, đứng chân ở Dầu Tiếng.
Từ trên núi Bà Đen địch quan sát hết cả vùng chiến khu Dương Minh Châu của ta. Chúng dùng hỏa lực bom, pháo có cả máy bay B.52 ném bom rải thảm, rải chất độc hóa học suốt ba ngày đánh vào khu Trung ương Cục, dùng trực thăng cho quân đổ bộ xuống rồi xe tăng, thiết giáp và bộ binh cơ giới đột phá dưới sự yểm trợ của pháo cặp hai con lộ (2 và 4), dàn hàng tiến vào. Suối cạn đang là mùa khô nên xe thiết giáp cơ động dễ dàng. Quân đông, xe nhiều, phương tiện hiện đại, chúng bao vây cơ quan Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền. Chúng đánh cách căn cứ của Bộ Tham mưu Miền chỉ vài trăm mét xe chúng bị ta bắn cháy ngay trước cửa. Như vậy là địch đã vào và đánh đến chỗ cơ quan đầu não rồi. Trong tình huống địch dàn đội hình có phi pháo yểm trợ mạnh mà ta lại tập trung quân đối diện thì sẽ mắc vào đúng ý định của chúng, địch sẽ tập trung binh hỏa lực áp đảo diệt ta. Nhưng không! Ta đã phân tán lực lượng và chủ động dùng lối đánh du kích vô hiệu hóa ý đồ phân tuyến của chúng và tiêu hao tiêu diệt chúng để bảo vệ cơ quan đầu não, hạn chế tối đa uy lực của hỏa lực và bom pháo của địch. Có cô y tá cũng xin súng rồi chạy ra lộ 4 diệt địch. Có bệnh viện chỉ 24 người cũng tổ chức đánh địch. Vào trận chiến thực sự mới thấy ta tổ chức các "xã, huyện chiến đấu" là rất phù hợp. Anh em chủ động tổ chức đánh địch. Có người cứ nói Bộ Chỉ huy Miền chỉ huy đánh địch co cụm là không phải. Anh em các trung đoàn chủ lực bố trí ở vòng ngoài thấy bộ đội vào vừa trinh sát vừa đánh. Đến khi thấy quân địch đã oải mệt, tập trung cụm lại, thì trung đoàn chủ lực tổ chức đánh lớn vào nơi địch đồn trú dã ngoại, co cụm. Lúc đó tinh thần chủ động đánh địch của các đơn vị rất cao. Anh em đã thực sự “tìm Mỹ mà đánh, tìm Mỹ mà diệt", khẩu hiệu này do chính anh em khởi xướng. Nói chiến dịch Junction City là nói đến tinh thần chủ động chiến đấu của anh em. Cách đánh của anh em là lập tổ ba người, ngụy trang kín đáo, khi Mỹ tiến vào, bị bắn một tên, hai tên sau lên lấy xác, đội thiện xạ tiêu diệt nốt. Khi hai tên lên sau bị bắn thì chúng đốc ba, bốn tên lên tiếp để lấy xác, lại bị bắn tiếp. Quân Mỹ to xác nên bắn dễ trúng, bởi vậy lính Mỹ chết nhiều. Tuy nhiên một số nơi báo cáo là "diệt gọn đại đội, tiểu đoàn Mỹ" là không đúng. Cách đánh của ta là nhằm vào chỗ sơ hở của địch, tập kích nhanh, rút nhanh làm sao đếm chính xác số địch bị tiêu diệt? Tôi bảo anh em trinh sát kỹ thuật nắm tình hình cho thật sát để các đơn vị báo cáo đúng, không nên chạy theo chủ nghĩa thành tích. Đơn vị nào cũng nói tăng lên thì khi tới Bộ Chỉ huy Miền tổng hợp lại sẽ có một sai số rất lớn. Hôm trước báo cáo "Đã tiêu diệt!", hôm sau lại thấy chính tiểu đoàn đó hành quân càn quét. Bởi vậy, số lượng địch bị diệt do các nơi báo cáo chỉ là con số tham khảo.
Có thể nói, thắng lợi trong chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Junction City có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là ta đã biết rút kinh nghiệm và vận dụng những điều hay từ trận đối đầu với cuộc hành quân Attleboro (Áttenbôrô) của Mỹ trước đó. Cuộc hành quân này diễn ra ở phía nam chiến khu Dương Minh Châu - vùng Bến Cát, Dầu Tiếng, Củ Chi. Lực lượng chiến đấu tại chỗ là bộ đội của các huyện và dân quân du kích có trên địa bàn. Chủ lực của Miền có ba trung đoàn 1, 2 và 16 tham gia. Phương châm tác chiến là trung đoàn chia nhỏ (trung đội, tiểu đội) để bám địch, vừa trinh sát vừa đánh. Ban đêm quân Mỹ đồn trú dã ngoại thì trung đoàn chủ động tổ chức đánh tập kích. Trong chỉ huy tác chiến, điều quan trọng nhất là nắm chắc hành động của địch - chúng đi hướng nào, lực lượng bao nhiêu, trưa, tối chúng dừng lại chỗ nào. Tôi và nhóm công tác đi trinh sát ở mạn Củ Chi. Lúc đó, ta chỉ thu sóng thông tin của địch chứ không phát sóng. Bởi vậy ở Bộ Chỉ huy Miền chúng tôi mức độ nắm địch không hề kém đơn vị. Hồi đó chúng tôi không ra "mệnh lệnh cứng" chỉ thị mục tiêu cụ thể cho từng đơn vị, bởi sẽ rất khó cho đơn vị, mà để cho anh em cấp dưới chủ động. Cơ quan nghiệp vụ của Bộ Chỉ huy tiến hành trinh sát kỹ thuật, nắm chính xác tình hình địch rồi thông báo xuống cho trung đoàn. Còn trung đoàn thì cơ động rất linh hoạt và chủ động tiếp cận đánh địch. Bởi vậy, quân Mỹ dàn đội hình tổ chức hành quân càn quét với quy mô lớn để tìm diệt chủ lực ta mà tìm không ra. Tất cả các cấp của ta đều tổ chức trinh sát nắm địch nên chúng đi đến đâu, dừng chân chỗ nào, ta đều nắm vững. Cả dân quân cũng rất chủ động, thực sự “tìm Mỹ mà diệt". Cuộc hành quân không đạt được mục tiêu đề ra, lại bị tổn thất nặng nề, quân Mỹ buộc phải lui quân, kết thúc cuộc hành quân.
Cuộc hành quân mang tên Junction City của quân Mỹ chẳng những không tìm và diệt được cơ quan đầu não kháng chiến của ta, không tìm và diệt được các đơn vị chủ lực của ta, không phá được căn cứ kháng chiến, không bịt được biên giới, mà còn bị tổn thất nặng nề. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên chủ yếu là Mỹ; phá hủy hơn 900 xe quân sự, 112 khẩu pháo, bắn rơi và phá hủy 160 máy bay, đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ.
Trong bối cảnh quân địch áp đảo về lực lượng, phi pháo và sức cơ động, chủ lực của ta chỉ có ba trung đoàn, ta đã khéo tổ chức các cơ quan quân dân, chính, đảng thành những đơn vị dân quân du kích tự vệ. Tất cả cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Miền, cơ quan của tỉnh Tây Ninh, bộ đội địa phương, dân quân du kích tỉnh Tây Ninh và dân quân du kích huyện Dương Minh Châu được biên chế thành xã, ấp tổ chức đánh du kích. Cơ quan của Trung ương Cục triển khai tổ chức chiến đấu đánh địch tại chỗ, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân để phân tán, căng kéo lực lượng địch, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực tác chiến ở vòng ngoài, và ban đêm, khi chúng co cụm trú quân thì ta tổ chức tập kích, tập trung đánh những đòn mạnh vào bên trong đội hình quân địch và đánh thiệt hại nặng các cụm quân Mỹ. Thế trận chiến tranh nhân dân do ta tạo nên ở một địa bàn không có dân là một bất ngờ lớn đối với địch. Quân địch đi tới đâu cũng bị ta đánh. Chính vì lực lượng tại chỗ chiến đấu tốt đã tạo điều kiện cho chủ lực rảnh tay đánh những trận mang tính tiêu diệt các đơn vị quân Mỹ. Quân Mỹ không tìm diệt được chủ lực ta nhưng khi chúng trú quân hoặc đổ bộ để càn quét thì lại bị quân ta giáng cho những đòn đau. Tuy mở đầu chiến dịch, quân Mỹ chủ động tiến công, nhưng do ta tạo được thế chủ động về chiến thuật về cách đánh nên đã chuyển thành sự chủ động về chiến dịch, kiên quyết và liên tục phản công đánh bại cuộc tiến công lớn nhất của quân Mỹ nên địa bàn miền Đông Nam Bộ.
Biết tin ta đánh bại cuộc hành quân Junction City của địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh điện vào khen: "Các chú đánh giặc giỏi, Bác khen, nhưng giải quyết thương binh thế nào?...". Bộ Chỉ huy Miền điện báo cáo với Bác là thương binh đã đưa được hết ra ngoài, bảo đảm an toàn.
Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, trong đó có cuộc hành quân Junction City. Ở miền Bắc, quân và dân ta đánh bại các bước leo thang chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ. Bị thất bại liên tiếp, nhưng Westmoreland (Oétmolen) - Tổng Chỉ huy quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam - vẫn tiếp tục đề nghị tăng 256.756 quân, chuẩn bị kế hoạch mở cuộc phản công lần thứ ba với quy mô lớn hơn.
Tuy chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi, nhưng chưa làm chuyển biến cơ bản cục diện chiến tranh. Một vấn đề lớn đặt ra là ta cần có một đòn chiến lược có ý nghĩa quyết định để tạo ra cục diện mới - một bước ngoặt của cách mạng miền Nam.
Những cố gắng chiến tranh của Mỹ đã ở mức cao, nhưng không xoay chuyển được tình thế. Trong nước, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Phong trào nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh của nhà cầm quyền Mỹ tiến hành ở Việt Nam dâng cao và sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến của ta ngày càng rộng lớn. Mỹ ở thế bất lợi cả về quân sự và chính trị.
Bám sát và phân tích động thái chiến trường, tình hình nước Mỹ và thế giới, Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12/1967) (sau đó, nghị quyết của Hội nghị Bộ Chính trị họp vào tháng 12/1967 đã được Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương (khóa III) họp vào tháng 1/1968 thông qua và trở thành Nghị quyết Trung ương 14 khóa III), dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận định: "Chúng ta đang đứng trước triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Đế quốc Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược"5. Từ đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định: "... động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta tiến lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định"6. Bộ Chính trị cho rằng cần phải tập trung toàn bộ sức mạnh của chiến tranh cách mạng miền Nam, đánh địch bằng cả tiến công quân sự và tiến công chính trị. Đây là "nhiệm vụ trọng đại và cấp bách" nhằm giáng cho địch một đòn thật mạnh, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra sự thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta, chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định"7. Hướng tiến công chiến lược chủ yếu là các thành phố, trung tâm đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên toàn miền Nam. Thời gian được chọn là vào dịp Tết Mậu Thân.
Căn cứ vào chủ trương trên, ta triển khai nhiều biện pháp tổ chức thực hiện: xây dựng quyết tâm tạo sự nhất trí cao giữa Trung ương và chiến trường cả về tư tưởng, hành động; tiến hành nghi binh bằng quân sự, tiến hành mọi công tác chuẩn bị theo một kế hoạch chặt chẽ, nghiêm ngặt, giữ bí mật ý định chiến lược của ta.
Nhớ lại đầu năm 1967, Trung ương Cục đã đánh giá đúng và chỉ đạo mùa mưa này cần chuẩn bị thật tốt để mùa khô tới giành thắng lợi lớn hơn. Bộ Chỉ huy Miền tăng cường và phát triển lực lượng biệt động thành và tăng cường cán bộ chỉ đạo các lực lượng chính trị trong nội thành. Đồng thời, Trung ương Cục chỉ đạo Bộ Chỉ huy Miền và các quân khu phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy làm tốt công tác chuẩn bị.
Anh Nguyễn Chí Thanh ra Bắc họp rồi mất đột ngột sáng ngày 6/7/1967. Bộ đội và nhân dân Nam Bộ vô cùng thương tiếc người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tài đức vẹn toàn của mình. Anh vào chỉ đạo chiến trường mới có ba năm nhưng đã để lại dấu ấn sâu sắc, tăng thêm niềm tin cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Nam Bộ. Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ trên toàn chiến trường, anh đã khái quát thành phương châm "nắm thắt lưng địch mà đánh" và chỉ đạo kiện toàn mặt trận B3 nối thông đường vận tải từ Bắc vào Nam. Anh Nguyễn Chí Thanh là nhà chính trị - quân sự lỗi lạc.
Tháng 10/1967, anh Nguyễn Văn Linh và anh Trần Văn Trà ra Trung ương họp. Sang tháng 11, hai anh trở vào phổ biến việc Bộ Chính trị quyết định tổng công kích, tổng khởi nghĩa.
Trước khi nổ ra Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tuy đã có bước chuẩn bị trên các hướng, nhưng còn nhiều việc phải làm, thời gian lại quá gấp, chúng tôi thảo luận: phải nghiên cứu tìm ra cách đánh táo bạo cho đòn tiến công có ý nghĩa chiến lược, dự kiến các tình huống và các phương án cụ thể. Trong quá trình xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược, Bộ Chỉ huy Miền chú trọng việc theo dõi, đánh giá khả năng hành động của bộ đội ta khi đánh vào thành phố và khả năng nổi dậy của quần chúng, cũng như khả năng binh biến trong quân đội và chính quyền Sài Gòn...
Anh Võ Văn Kiệt (tức Sáu Dân) lo công tác chuẩn bị trong đô thị. Bộ Chỉ huy Miền giao cho đồng chí Trần Hải Phụng phụ trách việc xây dựng lực lượng biệt động thành, đồng chí Nguyễn Đức Hùng (tức Ba Tam) vào trong nội thành trực tiếp lo việc này. Chúng tôi chỉ đạo mỗi đơn vị biệt động phải hiểu và nắm rõ hai mục tiêu, khi có lệnh thì chọn một mục tiêu mà đánh. Như vậy, nếu ta định đánh sáu mục tiêu thì phải trinh sát nắm vững và chuẩn bị đánh 12 mục tiêu. Trong nội đô có một lực lượng chuyên môn vận tải, do phụ nữ đảm nhiệm. Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo không để các chị, các cô vận tải đi đánh, chỉ trừ các mục tiêu nhỏ lẻ (ví dụ nhà hàng Caravelle (Caraven)) thì để các chị cải trang vào đặt chất nổ, đánh. Riêng việc đánh sân bay giao cho đặc công và bộ đội chủ lực. Mục tiêu Tổng nha Cảnh sát giao cho bộ binh và đặc công đánh. Tất cả đã được chuẩn bị, chỉ còn cho Trung ương quyết định. Trung ương Cục giao cho anh Võ Văn Kiệt lo chuẩn bị chính trị trong nội thành, anh Năm Hộ vào tăng cường công tác công đoàn đứng chân ở Cần Giuộc, Nhà Bè, sát Sài Gòn. Anh Trần Bạch Đằng lo công tác thanh niên, sinh viên. Anh Trần Bửu Kiếm lo lực lượng trí thức. Chị Hai Liên phụ trách công tác phụ nữ.
Phía nam Long An, Tiền Giang, từ nam lộ 4 đến phía nam sông Vàm Cỏ ta chuẩn bị mở vùng giải phóng ở Nhà Bè, Cần Giuộc, Cần Được, Gò Công. Lúc đó lãnh đạo hỏi các địa phương có làm được không, thì đều trả lời là được.
Tôi nhớ khi trên điều anh Hoàng Văn Thái đang làm Tư lệnh Quân khu 5 vào làm Tư lệnh Miền, anh Trần Văn Trà xuống làm Phó Tư lệnh, tôi làm Tham mưu trưởng. Lúc đó tôi băn khoăn không hiểu. Anh Trà đang làm Tư lệnh, có nhiều kinh nghiệm, đang rất hăng hái, không có khuyết điểm gì, bỗng nhiên "xuống" làm phó, tôi thấy anh cũng buồn. Đến khi anh Nguyễn Văn Linh đi họp ngoài Bắc trở vào giải thích thì mọi người mới được hiểu là trên "tăng cường". Tuy nhiên, anh em cũng chưa thật thoải mái, vì không được tăng cường thêm lực lượng.
Lúc đó Trung đoàn 16 và Trung đoàn Gia Định đang chuẩn bị đánh vùng ven. Quân ta đã ém sát tường rào Bộ Tổng Tham mưu địch và khu gia binh của sĩ quan trong một đêm một ngày. Biệt động thành đã ở sẵn trong đó, chỉ chờ cho đạn vào (theo kế hoạch phải làm sao để có đủ đạn trước "ngày N-3" tức trước ngày nổ súng ba ngày). Còn phía nam Sài Gòn, từ Cần Giuộc (Long An) thì lấy hai tiểu đoàn của Long An do anh Huỳnh Công Thân chỉ huy để đánh vào Tổng nha Cảnh sát. Quy định ngày N-2 có mặt. Các đơn vị chủ lực vẫn đứng chân ở vùng Củ Chi - Bến Cát, mục tiêu tiến công ở vùng ven đô (Gò Vấp). Dự kiến Sư đoàn 9 đứng chân ở Củ Chi và nam Bến Cát. Sư đoàn 5 ở Bà Rịa - Vũng Tàu và các trung đoàn độc lập của Khu 7, Khu 8 và Khu 6 sẽ đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất và Đài Phát thanh.
Sau thắng lợi mùa khô 1967, trước cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, tinh thần cán bộ và bộ đội rất phấn khởi, tin tưởng, nên khi nghe phổ biến nhiệm vụ, nhiều cán bộ và chiến sĩ cũng còn giản đơn, lúc triển khai kế hoạch, không dự kiến hết các tình huống.
Ta đã giữ được bí mật đến tận giờ nổ súng mặc dù thời gian chuẩn bị rất gấp. Ta phải nhanh chóng đưa được một khối lượng lớn vũ khí và phương tiện chiến đấu vào ém sát các mục tiêu dự định tiến công trong sự canh gác, kiểm soát gắt gao của quân địch, nhất là ở thành phố Sài Gòn, cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền tay sai. Nói như vậy không có nghĩa là đến lúc nhận lệnh ta mới chuẩn bị, mà những cái gì lo trước được, ta đã tính toán chuẩn bị, nhất là việc xây dựng các cơ sở cách mạng quần chúng, hồi đó gọi là các "lõm" ngay trong lòng thành phố, nơi địch đang chiếm giữ và khống chế. Chẳng hạn ở Sài Gòn - Gia Định, ngay từ năm 1965, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã chỉ đạo lực lượng biệt động xây dựng các hầm chứa vũ khí và ém quân trong nội thành. Tính đến cuối năm 1967, ta đã thiết lập được 19 "lõm" chính trị ngay sát những mục tiêu trọng yếu của địch, bao gồm 325 gia đình cơ sở, tạo nên 400 điểm ém quân và 12 kho vũ khí. Với kỹ thuật ngụy trang và sự mưu trí, các đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển vào nội thành một khối lượng lớn vũ khí chuẩn bị chiến đấu. Đây là thắng lợi của phương châm đánh địch trên ba vùng chiến lược, là một trong những cơ sở quan trọng để Đảng ta hạ quyết tâm đưa chiến tranh vào đô thị, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trong dịp Tết Mậu Thân 1968.
Cho đến nay, đã gần nửa thế kỷ, nhiều nhà nghiên cứu quân sự trong nước và ngoài nước kể cả Mỹ, vẫn cố tìm hiểu bằng cách nào mà ta triển khai trên diện rộng toàn miền Nam, đồng loạt nổ súng tiến công ở tất cả các đô thị, tỉnh lỵ mà vẫn giữ bí mật tuyệt đối. Lúc đó, tôi còn nhớ, gần sát thời điểm tổng tiến công, Bộ Chính trị và đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn mới triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 14; họp xong là tản về ngay để triển khai nhiệm vụ. Còn ở Trung ương Cục thì tiến hành gọi riêng từng đồng chí bí thư tỉnh ủy lên giao nhiệm vụ, căn dặn, hiệp đồng. Mỗi tỉnh chỉ duy nhất một người biết rõ giờ "G," ngày "N" - thời điểm nổ súng đồng loạt tiến công địch.
Sự thống nhất ý chí và hành động đã tạo nên sức mạnh tiến công đối với quân thù. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên chiến thắng trong Tết Mậu Thân 1968.
Quần chúng đã tham gia tích cực công tác chuẩn bị cũng như quá trình diễn biến cuộc tổng tiến công bằng nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực. Nhân dân trinh sát, nắm tình hình, che giấu cán bộ và trực tiếp dẫn đường tham gia chiến đấu tiếp tế cơm nước cho bộ đội, nuôi dưỡng thương binh rồi đưa về căn cứ an toàn. Có trường hợp cả gia đình bị bắt, khủng bố, tù đày,... vẫn một lòng hướng về cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Do xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân từ trước nên chúng ta đã làm tốt công tác chuẩn bị, giữ được bí mật cho đến giờ nổ súng và tiến công địch theo kiểu Mậu Thân 1968. Điều này khiến giới lãnh đạo Washington (Oasinhtơn) kinh hoàng. Khi cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân vừa xảy ra, nhiều nhà hoạt động chính trị Mỹ đã ý thức ngay được rằng: cuộc tấn công "Tết Mậu Thân" chứng tỏ Mỹ hoàn toàn không kiểm soát được gì đất nước này"8, "…chứng tỏ nhân dân Nam Việt Nam ủng hộ kẻ thù của Mỹ"9.
Thực hiện kế hoạch đã định, cuối tháng 1-1968, ta bắt đầu mở đợt hoạt động lớn ở mặt trận đường 9 - Khe Sanh nhằm đánh lạc hướng, thu hút một bộ phận đáng kể quân cơ động của Mỹ; vây hãm, giam chân và tiêu hao chúng, tạo thế cho các chiến trường khác tiến công và nổi dậy. Lập tức, tướng Westmoreland - Tổng Chỉ huy quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam - phải điều quân tăng cường, chống giữ; cho không quân ném bom các khu rừng xung quanh căn cứ Khe Sanh và khu vực giới tuyến. Như vậy, tướng Westmoreland đã sập bẫy đòn nghi binh chiến lược của ta.
Đêm 29 rạng ngày 30-1-1968 (tức đêm giao thừa Tết Mậu Thân, theo lịch miền Nam), quân và dân ta đồng loạt nổ súng tiến công trên toàn chiến trường miền Nam, tại 4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn địch, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần của chúng. Trong đó có những trận đánh đã gây chấn động lớn như trận đánh vào dinh tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tổng Tham mưu, Đài Phát thanh Sài Gòn, tòa đại sứ Mỹ.
Cuộc Tổng tiến công táo bạo của ta đã làm cho bộ máy điều hành chiến tranh ở Việt Nam của Mỹ sững sờ, choáng váng. Chỉ trong 24 giờ đồng hồ, toàn bộ hậu phương an toàn nhất của kẻ địch, hầu hết các thành phố, tỉnh lỵ mà trước đó hầu như đứng ngoài cuộc chiến, đều bị tiến công đồng loạt. Cái thế của hai bên trong chiến tranh bị đảo lộn, hậu phương của kẻ địch bỗng chốc trở thành tiền tuyến nóng bỏng. Đúng là ta đã ra những đòn sấm sét ngay trong lúc Mỹ và tay sai có hơn 1 triệu quân, nắm trong tay những phương tiện chiến tranh hiện đại, lại bố trí trong thế phòng thủ liên hoàn, vững chắc. Nghe tin ở Huế, quân giải phóng của ta không những tiến công mãnh liệt, đạt hiệu suất chiến đấu cao mà còn làm chủ thành phố Huế suốt 25 ngày đêm, thì tôi nói là Huế rất giỏi. Có thể nói, đợt đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, chúng ta đã ra đòn bất ngờ và đánh trúng vào “hệ thần kinh trung ương" của địch, đánh vào “huyết mạch", vào "tim óc" và "yết hầu” của chúng.
Trong Tổng tiến công Tết Mậu Thân, bộ đội tưởng rằng sẽ chiếm luôn đô thị, nhưng kết quả không như thế nên trong tư tưởng một bộ phận có phần hẫng hụt, niềm vui không trọn vẹn và có cái gì đó man mác. Khi nghe phổ biến là “tổng công kích, tổng khởi nghĩa" giành thắng lợi quyết định, nhiều anh em đã hình dung ta sẽ giành chính quyền như trong Cách mạng Tháng Tám 1945, nên khi có lệnh rút ra thì tư tưởng ắt có băn khoăn.
Vậy có khởi nghĩa không? Nói không có thì không đúng, nhưng khởi nghĩa chỉ mức độ. Có một bộ phận quần chúng nhân dân tích cực tham gia, ủng hộ. Nhưng chưa có sự nổi dậy đồng loạt của đông đảo nhân dân; một bộ phận tầng lớp nhân dân đô thị, kể cả bà con Hoa kiều ở Chợ Lớn đã hưởng ứng và tham gia hoạt động với những mức độ khác nhau.
Tôi được phân công chỉ huy bộ đội ở hướng tây Sài Gòn, từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát đô thành. Sở chỉ huy của tôi đặt bên sông Vàm Cỏ Đông. Trước Tổng tiến công, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền tổ chức bố trí chiến trường, thành lập khu trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, có hai “Bộ Chỉ huy tiền phương" (tức Sài Gòn và vùng phụ cận). Anh Trần Văn Trà và anh Mai Chí Thọ phụ trách Tiền phương Bắc, còn gọi là Tiền phương I. Anh Võ Văn Kiệt phụ trách Tiền phương Nam, còn gọi là Tiền phương II.
Khi đánh vào Sài Gòn, tôi gặp anh Trần Bạch Đằng (anh cùng ở Tiền phương II với anh Võ Văn Kiệt), anh Linh cũng có mặt tại đây. Tôi đề xuất không nên mở đợt 2 đánh vào nội đô nữa, vì không còn yếu tố bí mật, bất ngờ; đợt 2 có mở thì nên đánh ra vùng ven đô và phụ cận. Lúc đó máy bay trực thăng của địch hoạt động nhiều. Anh Hoàng Văn Thái nói rằng hướng của tôi gặp sình lầy, khó khăn, nên sẽ tăng cường cho tôi một trung đoàn nữa. Tôi lấy một tiểu đoàn của Long An do anh Hai Hoàng làm Tiểu đoàn trưởng đánh thọc sâu, đưa Trung đoàn 3 vào áp sát quận 6, gần tới Phú Lâm. Các đơn vị này đánh rất giỏi, thọc sâu vào tận quận 5, ở lại một ngày, quân địch bu tới đánh, tôi lệnh cho các anh rút ra. Đồng bào Hoa kiều đã chỉ dẫn cho các anh đục xuyên các tường nhà để bí mật rút ra. Chỗ nào không đục được thì vận động trên mái nhà. Còn thương binh thì bà con người Hoa và người Việt mang giấu, cứu chữa và nuôi dưỡng, khi nào lành mới đưa anh em ra. Tôi được biết trong đợt 1, ở quận 3 có bà mẹ che giấu một chiến sĩ ta bị thương trong nhà mình, con trai của bà là trung tá hải quân Việt Nam Cộng hòa còn đi mua thuốc để chữa chạy cho đồng chí thương binh này. Ở quận 1 cũng có một bà mẹ có hành động tương tự. Cậu con trai của bà là trung úy thông tin của Việt Nam Cộng hòa đã trực tiếp lo liệu và đưa chiến sĩ ta ra khỏi nội đô trở về đơn vị.
Sau đợt 2, tôi đề nghị dứt khoát rút ra. Dân mới chỉ giúp đỡ chứ chưa đồng loạt “nổi dậy" thì quân ta rút ra! Riêng biệt động thành ở lại.
Đòn tiến công Mậu Thân 1968 đã gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ. Khắp các bang của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ rộ lên những cuộc biểu tình chống chiến tranh. Nhiều người trong chính giới Mỹ đòi xét lại chính sách của Mỹ với cuộc chiến này. Ngày 27/2/1968, Crokite, một phóng viên của Hãng truyền hình CBS Mỹ đến Sài Còn tận mắt xem xét tình hình đã bình luận: “Giờ đây, có lẽ điều chắc chắn hơn bao giờ hết là cuộc chiến tranh ở Việt Nam sẽ đi vào bế tắc" và nói thêm rằng “Chỉ còn một cách để người Mỹ thoát khỏi vũng lầy là thương lượng với Hà Nội”10. Trước tình hình đó, Quốc hội Mỹ phải xem xét lại toàn bộ chính sách và chiến lược của Mỹ ở Nam Việt Nam. Trong nội bộ các cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ diễn ra sự chia rẽ gay gắt về quan điểm đối với cuộc chiến tranh mà Mỹ đang theo đuổi ở Việt Nam. Dư luận Mỹ và phần lớn nghị sĩ Quốc hội, quan chức cao cấp trong chính quyền và giới tài phiệt nhận thức rõ rằng: Mỹ không thể giành chiến thắng ở Việt Nam; rằng có tăng quân, tăng tiền của, Mỹ cũng không thể giành lại quyền chủ động trên chiến trường. Ngày 23/3/1968, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara (Mắc Namara) nộp đơn từ chức, sự kiện này như một quả bom nổ giữa chính trường nước Mỹ. Ngày 25/3/1968, Tổng thống Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford (Clắc Clípphớt) (mới thay McNamara) phải triệu tập một cuộc họp gồm những thành phần gọi là “những người am hiểu và khôn ngoan nhất", mà thực chất là 14 quan chức cấp cao. Sau ba ngày tranh cãi gay gắt, 10 trên 14 vị đã tán đồng chấm dứt leo thang chiến tranh và có biện pháp rút lui ra khỏi cuộc chiến11. Tiếp đó, ngày 26/3/1968, Bộ trưởng Quốc phòng Clifford đã báo cáo với Tổng thống rằng, theo ý ông, cuộc chiến tranh ở Việt Nam là "một canh bạc thua thực sự"12. Cuối cùng, nước Mỹ đã đi đến quyết định: Tướng Westmoreland - Tổng Chỉ huy quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam bị cách chức; Đô đốc Sharp (Sáp) thôi giữ chức Tư lệnh Bộ Chỉ huy Mỹ ở Thái Bình Dương. Ngày 31/3/1968, Johnson buộc phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán song phương với ta tại Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam, chấm dứt việc đưa quân Mỹ vào chiến trường miền Nam và tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Đây là sự công khai thừa nhận chiến lược “Chiến tranh cục bộ" của Mỹ đã phá sản. Tuy chúng ta có khuyết điểm là sau đợt 2 đã chậm chuyển hướng tiến công, lực lượng cách mạng bị tổn thất, nhưng thất bại của đế quốc Mỹ trong "Chiến tranh cục bộ" là không thể nào cứu vãn được.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động Sài Gòn có 88 đội viên vào trận. Trong vòng vây của kẻ thù, cán bộ, chiến sĩ đặc công - biệt động Sài Gòn đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, 74 người hy sinh, hoặc sa vào tay giặc trong tư thế "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Tôi muốn nói thêm về lực lượng biệt động. Đây là một sáng tạo về hình thức tổ chức lực lượng vũ trang của Đảng ta: gọn nhẹ, bí mật, linh hoạt, nằm trong dân, hòa vào dân, thường xuyên hoạt động trong lòng địch. Biệt động là lực lượng chiến đấu, thường đánh đòn hiểm, táo bạo, bất ngờ vào cơ quan đầu não và các mục tiêu quan trọng của địch ở các đô thị. Lực lượng biệt động Nam Bộ ra đời từ kháng chiến chống thực dân Pháp và phát triển mạnh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đặc biệt ở Sài Gòn - Gia Định. Sự ra đời, trưởng thành và phương thức hoạt động của lực lượng này đánh dấu bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân và là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong cuộc Tổng tiến công đồng loạt Tết Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động đã mở đầu xuất sắc cuộc tiến công ở Sài Gòn và các đô thị. Với tinh thần dẫn cảm vô song, lối đánh táo bạo, thông minh và sự hy sinh to lớn của lực lượng biệt động đã góp phần xứng đáng trong việc tạo nên hiệu lực chiến lược lớn của cuộc tổng tiến công, đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất của đế quốc Mỹ. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị, xây dựng thế trận xây dựng lực lượng trong nhiều năm trước đó, trong đó có kết quả xây dựng cơ sở chính trị và cơ sở vũ trang ở các đô thị theo phương châm của Đảng: đánh địch trên ba vùng chiến lược.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân cùng những cú “đánh bồi" tiếp theo đã thực sự tạo nên một đòn đánh “đủ đô", đủ sức nặng làm nhụt ý chí của đế quốc Mỹ, tạo ra bước ngoặt mới về chiến lược của cuộc chiến tranh, buộc địch phải hủy bỏ cuộc phản công chiến lược lần thứ ba, bị động đối phó. Cuối cùng, Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán để dẫn tới ký kết Hiệp định Paris năm 1973, thừa nhận “Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam", rút hết quân Mỹ và không điều kiện ra khỏi Nam Việt Nam. Nhưng cùng với việc rút quân, Mỹ đã thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh" - "phi Mỹ hóa". Để thực hiện kế hoạch "Việt Nam hóa chiến tranh", chúng tiến hành ba bước. Bước một, đến 30/6/1970: thực hiện “bình định" vùng đông dân để quân Mỹ rút một bộ phận. Bước hai, đến 30/6/1971: “bình định" được tất cả các vùng đông dân để quân Mỹ rút đại bộ phận lực lượng chiến đấu. Bước ba, đến 30/6/1972: cơ bản, Sài Gòn chỉ huy được miền Nam. Hoàn thành giai đoạn cơ bản nhất của “Việt Nam hóa chiến tranh", Mỹ sẽ rút hết quân về nước.
Mỹ đề ra kế hoạch "phát triển tối tân hóa" quân đội Sài Gòn, tiến hành trong ba giai đoạn: giai đoạn 1.875.790 quân; giai đoạn 2, đưa quân số lên 992.836 người, bổ sung cho giai đoạn 1; giai đoạn 3, đưa số quân lên 1.100.000 người. Trong quá trình rút quân, Mỹ củng cố và tăng cường quân đội và chính quyền Sài Gòn, tập trung lực lượng tấn công quyết liệt giành đất, giành dân và đánh phá miền Bắc ác liệt hơn, kể cả việc sử dụng máy bay ném bom chiến lược B52. Đến cuối năm 197l, quân Mỹ cơ bản đã chấm dứt vai trò chiến đấu trên bộ. Tính đến ngày 31/1/1972, tổng số quân Mỹ ở miền Nam chỉ còn 139.000 quân. Tính theo đơn vị, 30 trên tổng số 34 lữ đoàn đã rút. Như vậy, đến đầu năm 1972, Mỹ đã cơ bản triển khai thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh". Nhưng lúc đó, bộ đội ta, kể cả lãnh đạo chỉ huy chưa hiểu hết sự khó khăn, khốc liệt của Việt Nam hóa chiến tranh và chưa thấy hết sự hiểm độc của Mỹ, nên từ cuối năm 1968 đến cuối năm 1971, bộ đội chủ lực ta phần lớn đã thoát ly khỏi địa bàn, làm mất chỗ dựa cho dân và cơ sở chống bình định.
Tôi trở về chiến khu Dương Minh Châu. Những ngày này, bộ đội chỉ nghe mang máng và hiểu đơn giản là bây giờ "Việt Nam hóa", là Mỹ rút, giao cho chính quyền Sài Gòn.
Cuối năm 1968, tôi cùng với hai anh Hoàng Văn Thái, Phạm Hùng ra Bắc báo cáo tình hình. Đi bằng máy bay của Hoàng gia Campuchia từ sân bay ở Phnom Penh, hạ cánh tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Chúng tôi được bố trí nghỉ ở nhà khách của Trung ương trên phố Phan Đình Phùng. Anh Lê Duẩn gặp tôi cho biết bố trí tôi sẽ phụ trách Quân khu 9, nhưng trước mắt phải đi chữa bệnh. Tôi được Bác Hồ cho gọi, nhưng vì tôi bị ốm nên không đến được, chỉ có anh Hoàng Văn Thái và anh Phạm Hùng đến gặp Bác.
Đến đầu năm 1969, tôi khỏi bệnh. Được Bác gọi lên, tôi báo cáo: Thưa Bác, Mỹ trước kia cùng quân đội Sài Gòn làm hai việc bình định và tìm diệt, bây giờ chúng tập trung làm bình định rất quyết liệt, nên trước mắt ta còn khó khăn. Nhưng Mỹ đã công khai tuyên bố là sẽ rút quân, đến khi Mỹ rút quân hết, ta sẽ đánh bại quân đội Sài Gòn. Bác cười và nói, chú ở lại ăn cơm. Bác ăn hết một bát cơm đầy và bảo: “Chú thấy Bác còn khỏe đấy! Chú hãy chuẩn bị để đưa Bác vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam". Tôi chỉ dạ vâng mà không nói gì thêm. Khi chào và chia tay Bác, Bác nhắc lại: "Chú về chuẩn bị cho Bác đi vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam". Lúc này tôi rất hiểu tâm trạng và tấm lòng yêu thương của Bác đối với đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Tôi cố nén xúc động, im lặng, chỉ "Vâng", chứ không dám hứa với Bác.
Khi về, tôi thưa với anh Phạm Hùng chuyện đó và nói với anh rằng Bác nói chuyện đó kiên quyết lắm. Anh Hùng nói: “Chưa được! Bác cũng đã nói với tôi, nhưng tôi thưa với Bác khó lắm!". Tôi nói nếu anh đồng ý thì tôi có thể tổ chức được, vì Bác tha thiết lắm. Trong lòng tôi cũng muốn được đưa Bác vào. Tôi cứ suy nghĩ mãi làm sao có thể đưa được Bác vào thăm miền Nam.
Đến ngày 3 tháng 9, tôi đang ở Quân khu 9 thì nghe tin Bác mất, trong tôi xúc động nghẹn ngào, nước mắt cứ trào ra. Tôi vừa thương tiếc, vừa ân hận vì Bác tha thiết vào thăm miền Nam mà mình không làm được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời để lại niềm tiếc thương và sự hẫng hụt trong lòng đồng bào và chiến sĩ cả nước nói chung, đồng bào và chiến sĩ miền Nam nói riêng. Sau đó, đồng chí Tôn Đức Thắng đảm nhận cương vị Chủ tịch nước. Cụ Tôn Đức Thắng là một người mẫu mực về đạo đức, lối sống vô cùng khiêm tốn và kiên định lập trường đánh Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam. Từ một người thợ, cụ là một trong những người tham gia cách mạng sớm nhất, là người kéo cờ búa liềm trên hạm đội tàu chiến của phương Tây để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga.
Khi tôi trở vào miền Nam, Bộ Chỉ huy Miền vẫn ở Tây Ninh. Vào tới chiến trường, tôi cảm nhận thấy có sự hụt hẫng về tư tưởng trong cán bộ chiến sĩ. Cảm giác như có một làn sóng ngầm không biết từ đâu, cứ lấy sự tổn thất của Mậu Thân làm cái cớ để chỉ trích lãnh đạo. Không khí trầm lắng, cứ rì rầm bàn tán, nhưng khi hỏi thì không ai nói gì.
Đánh giá về Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Đảng ta chỉ ra: “… chủ quan trong việc đánh giá tình hình, cho nên ta đã đề ra yêu cầu chưa sát với tình hình thực tế lúc đó"13. Mặc dầu có khuyết điểm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) vẫn giữ một vị trí rất to lớn và oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước"14. Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đã giành những thắng lợi quan trọng cả về quân sự, chính trị và ngoại giao, về cơ bản đã đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ" của Mỹ, mở ra cho ta khả năng thực hiện chiến lược “đánh cho Mỹ cút" để tiến tới “đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam"
-----
Chú thích
1. Ban Chỉ huy Đoàn K10 do các anh: Lâm Quốc Đăng, tức Nguyễn Thược, làm Chỉ huy trưởng; Nguyễn Huỳnh Ngân, tức Ba Vinh, làm Chính ủy; Lê Thành Công, tức Lê Minh Thịnh, Phạm Văn Bính và Trương Văn Ngọc làm Chỉ huy phó. Anh Phạm Văn Bính phụ trách khu Rừng Sác và vận tải thủy, anh Trương Văn Ngọc phụ trách đường dây vận tải bộ từ Hắc Dịch về chiến khu Đ. Mỗi trạm chỉ huy đều trang bị một đài vô tuyến điện và một máy dự phòng để bảo đảm thông tin liên lạc. Đoàn Pháo binh U80 do các anh Lương Văn Nho, tức Hai Nhã và Nguyễn Văn Bứa, tức Hai Hồng Lâm chỉ huy.
2. Ngày 17-4-1964, Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương thông qua kế hoạch "OPLAN 37” gồm ba giai đoạn, dùng không quân đánh phá đường Trường Sơn và miền Bắc Việt Nam. Cùng ngày, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ quyết định 54 mục tiêu oanh tạc ở miền Bắc nước ta.
3. Năm 1964, 17.427 bộ đội đi B, tăng 14 lần so với năm 1960 (1.217 bộ đội); 3.475 tấn hàng được đưa vào miền Nam, tăng 10 lần so với năm 1960 (337 tấn).
4. Tên gọi “chiến tranh đặc biệt" được dùng lần đầu tiên trong một báo cáo của tướng Mỹ Trinder (Trinđơ) trước Thượng viện Mỹ tháng 3-1962; trước đó thường gọi là loại “Chiến tranh thứ ba", "Chiến tranh chống du kích", "Chiến tranh chống lật đổ" hay "Chiến tranh dưới mức cục bộ". Mục đích của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" là chống lại chiến tranh du kích, chống lại chiến tranh giải phóng của nhân dân (Mỹ vẫn gọi là "Chiến tranh chống lật đổ" không có chiến tuyến cố định và thường ít huy động các binh đoàn lớn. Hình thức của nó là phối hợp đầy đủ các hành động quân sự, chính trị, kinh tế và tâm lý. Lực lượng quân sự chủ yếu là quân đội tay sai với vũ khí, phương tiện chiến tranh, tiền của của Mỹ và do cố vấn Mỹ chỉ huy (Xem Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t.2, tr.157).
5, 6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, 2004, t.29, tr.47,48.
8, 9. Lời của E.Mccarthy (E. Mắc Cácti), G.Rooney (G. Rônnây), R. Kennedy (R.Kennơđi). Dẫn theo Don Oberdorfer (Đôn Obớcđoiphơ): Tet!, Doubleday and Company, New York, 1971, Nxb.Tổng hợp An Giang trích dịch, 1988, tr.116.
10. Theo J. Pimlott, trong cuốn Việt Nam - những trận đánh quyết định, Trung tâm Khoa học công nghệ - môi trường, Bộ Quốc phòng, 1997, tr.104.
11. 14 vị thuộc phái diều hâu đến họp gồm: Acheson, Goldberg, George Ball, Megxorge Bund, Henry Cabot Lodge, Abe Fortas, Douglas Dillon, John J.McCloy, Robert Murphy, Maxwell Taylor, Omar Pnadley, Mathew Ridgway, Rusk, Rostows; tất nhiên còn có Johnson, Wheeler và Clifford. Chỉ trừ có Bradley Murphy, Fortas và Taylor, còn lại tất cả đều muốn rút ra khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam (tổng thuật qua tài liệu của Mỹ của Thiếu tướng tình báo Nguyễn Đôn Tự).
12. Theo J. Pimlott, trong cuốn Việt Nam - những trận đánh quyết định, Sđd, tr. 122.
13, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, 2004, t.34, tr.215,216.
Thùy Liên (lược chép)