Tìm đến tận nhà nhân chứng để viết về Bác
Đại tá.TS Nguyễn Văn Khoan sinh ngày 11/11/1929. Ông quê gốc ở làng Dương Xuân hạ, tổng Cự Chánh huyện Hương Thủy, nay là phường Thủy Xuân, thành phố Huế.
Năm lên 1 tuổi, ông theo cha ra Thanh Hóa. Năm 1946, ông tốt nghiệp Thành chung ở Thanh Hóa. Năm 1947, khi mới 18 tuổi, ông đã trở thành hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Thiệu Hóa.
|
Đại tá. TS Nguyễn Văn Khoan lật giở cho phóng viên xem những cuốn sách ông viết về Bác Hồ. Ảnh: Mai Loan. |
Năm 1949, Đại tá. TS Nguyễn Văn Khoan rời quê hương, lên đường nhập ngũ. Vào bộ đội, ông học khóa 5 Trường Lục quân rồi công tác ở Cục Thông tin, sau là Phòng Tuyên huấn. Với vai trò một cán bộ tuyên huấn, ngày đêm ông nghiên cứu, học tập, tìm đọc các sách báo viết về Bác Hồ.
"Tôi đi bộ đội 41 năm liền, trong những năm tháng bộ đội ấy, tôi may mắn có cơ hội được gặp Bác 2 lần. Tôi thấy Bác là người chân tình, gần gũi, thương yêu bộ đội nên tôi có ấn tượng sâu sắc đặc biệt là những câu nói, những việc làm rất hay của Bác ở các địa phương. Năm 1989, tôi rời bộ đội và bắt đầu viết sách về Bác Hồ", Đại tá, TS Nguyễn Văn Khoan chia sẻ.
Đại tá, TS Nguyễn Văn Khoan đọc thông viết thạo được 4 ngoại ngữ (Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc). Việc thông thạo ngoại ngữ khiến ông không chỉ tìm hiểu, tra cứu tài liệu trong nước, mà còn có thể đọc được những tư liệu quý về Bác ở các nguồn thông tin chính thống tại nước ngoài.
Đặc biệt, để có đủ tài liệu phục vụ việc viết sách, ông Khoan thường đọc và tìm đến các nhân chứng từng may mắn có cơ hội được gặp Bác Hồ. Mỗi khi đọc được mẩu chuyện hay, tư liệu quý về Bác Hồ, ông lại tự mình liên hệ với tác giả rồi tìm đến tận nhà nhân chứng để kiểm chứng thông tin.
Những người ông tìm gặp đủ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, từ cựu chiến binh, giáo viên đến các cụ già, bà lão... ở nhiều vùng trên đất nước. Có những người ở xa, tận Cao Bằng, Bắc Kạn, Nghệ An, Thanh Hóa... ông cũng lặn lội đến tận nơi tìm gặp.
Cũng vì lẽ đó, những bài viết của ông luôn có tính xác thực cao, phong phú, đa dạng, hấp dẫn người đọc.
Quy nhuận bút thành sách tặng đồng đội cũ
Cho đến nay, đại tá Nguyễn Văn Khoan đã có khoảng 50 đầu sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều cuốn sách được dịch ra tiếng Anh, tiếng Lào và được tái bản như “Nguyễn Ái Quốc và vụ án Hồng Kông năm 1931” (Nhà xuất bản Trẻ, 2008), “Tấm gương Bác - Ngọc quý của mọi nhà” (Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2009).
|
Cuốn "Tấm gương Bác - ngọc quý của mọi nhà". |
Sau nhiều năm nghiên cứu về Bác, một trong những phẩm chất đáng quý ở con người Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông thấy, đó chính là lòng yêu nước. Người luôn đặt lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, nhân dân và độc lập tự do lên trên hết.
Trong số những đầu sách của mình, "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh" (2 tập) và "Tấm gương Bác, ngọc quý của mọi nhà" là hai bộ sách ông cảm thấy tâm đắc nhất. Ở hai cuốn sách này, ông đã cố gắng khắc họa được tư tưởng, quan điểm, đạo đức của Bác, cũng như phẩm chất “vàng” trong con người cộng sản chân chính Hồ Chí Minh.
Ông chia sẻ, viết về Bác không dễ. Tuy nhiên, khi có cơ hội tiếp xúc được với những tư liệu quý, ông lại có khao khát được chuyển tải tới cho nhiều người được biết đến.Và từ những câu chuyện về Bác, điều ông mong muốn là mỗi người, dù ở tầng lớp nào đều có thể rút ra được một điều gì đó ý nghĩa để làm theo Bác.
Những cuốn sách viết được, Đại tá, TS Nguyễn Văn Khoan đem in thành nhiều bản đem tặng các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các trường học và bạn bè của ông. Tại các trường học, sách được bán với giá thấp để các em học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận thông tin phong phú hơn về Bác.
Nhiều cuốn sách được in ra, nhà xuất bản trả nhuận bút, ông không lấy. Ông đề nghị quy đổi số tiền đó thành sách để dành tặng cho những người bạn là đồng đội cũ đã chiến đấu tại chiến trường năm xưa của ông. Hoặc tặng cho những giáo viên, sinh viên, học sinh.
Các nhà xuất bản cũng hay tìm đến ông mỗi khi có các cuộc triển lãm sách về Bác Hồ. Nhiều người nghiên cứu về lịch sử, về Bác, hoặc những học sinh, sinh viên chuyên ngành lịch sử cũng thường tìm đến ông mỗi khi muốn mượn sách hay tham khảo thông tin về Bác Hồ. Với ông, đó là niềm vui.
“Thấy tôi cứ in sách ra biếu tặng, con gái tôi đã có lần phàn nàn, nhưng tôi chỉ nói với con rằng: “Để ngàn vàng trong tủ không bằng để lại cho đời sau một cuốn sách”. Đại tá Khoan chia sẻ.
Hình ảnh vị đại tá già với chiếc xe đạp cũ tới cơ quan lưu trữ, gặp các nhân chứng lịch sử để khai thác tư liệu, rồi cho ra đời các tập sách đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Với những cống hiến của mình, ông được trao giải Bạc cho cuốn "Hồ Chí Minh tiểu sử" năm 2007 do Hội Xuất bản Việt Nam và Hội đồng Giải thưởng sách Việt Nam tặng; giải Nhì cho tác phẩm "Những năm tháng hào hùng sôi nổi" do Binh chủng Thông tin liên lạc tặng nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Thông tin liên lạc (9/9/1945 - 9/9/2005) và rất nhiều giải thưởng khác.
Mai Loan