Hạnh phúc vô biên, xen lẫn nỗi buồn
Trong buổi trò chuyện với PV Tri thức & Cuộc sống, Cựu trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc nhiều lần ngưng lại, nghẹn ngào khi nhắc tới khoảnh khắc trước thềm chiến thắng, giải phóng miền Nam – 30/4/1975.
|
Cựu trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc. |
“Tôi cùng các đồng đội đã ôm nhau khóc. Một hạnh phúc vô biên trào xen lẫn nỗi buồn. Hạnh phúc vì mình vẫn còn sống sót, góp phần vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, còn buồn là có nhiều đồng đội của mình đã hy sinh, đặc biệt là trước thời khắc lịch sử này”, ông Phúc xúc động chia sẻ.
Có niềm xúc động ấy, là bởi vì, ông Phúc đã cùng đồng đội trải qua những tháng ngày khốc liệt, vào sinh ra tử. Bản thân ông Phúc cũng nhiều lần đối diện với cái chết, ông không nghĩ mình còn sống đến ngày toàn thắng, thống nhất non sông.
|
Trải qua bao nhiêu trận đánh khốc liệt cùng bom đạn, ông Phúc không nghĩ mình lại có thể sống sót đến ngày thống nhất đất nước. Ảnh: NVCC. |
Ông Phúc kể, từ năm 1963 đến 1968, ông là trung đội trưởng cảnh vệ, Đại đội trưởng trinh sát 16 tỉnh Quảng Nam.
Năm 1969, ông Phúc ra miền Bắc, học trường chính trị và trường đặc công. Sau khi học xong, từ năm 1970 ông vào miền Nam chiến đấu tại Đồng Nai, Lâm Đồng. Từ năm 1973 đến năm 1975, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn đặc công 200C, Tiểu đoàn 840 (Quân khu VI).
Chiến tranh khốc liệt, ông Phúc đã nhiều lần viết thư về cho mẹ vì nghĩ mình không còn sống. “Má ơi, có thể con không về nữa, nếu đồng đội con gửi ba lô về cho má là con không còn nữa", ông Phúc viết trong một lá thư gửi về cho mẹ.
Trong những lần chiến đấu sinh tử ấy, có một kỷ niệm “rợn” đến mức ông cũng không muốn nhắc lại. Đó là năm 1972, đơn vị của ông Phúc do ông chỉ huy đánh xáp lá cà với lính Mỹ trong trận đánh vào công sự Mỹ ở núi Bà Đen.
Ông Đức bị một lính Mỹ đánh vào 2 má làm gẫy cả răng. Sau đó, tên lính dùng tay bóp cổ ông Phúc khiến ông không kêu được, chỉ ú ớ. Trời tối đen như mực, không nhìn rõ mặt người. Thiếu tướng Hồng Minh Hải (khi đó là là trinh sát kỹ thuật đi cạnh ông Phúc) hỏi: “Anh nằm trên hay dưới?”. Ông Phúc trả lời: “nằm dưới”. Thiếu tướng Hải liền dí súng K54 vào mang tai tên lính. Tên lính buông ông Phúc ra, và ông thoát chết.
|
Ông Nguyễn Đức Phúc (người không đội mũ) tại sân bay Phan Thiết ngày 20/4/1975. Ảnh tư liệu. |
Ngày 19/4/1975, ông Phúc cùng các đồng đội đã giải phóng thị xã Phan Thiết (Bình Thuận), một trận đánh quan trọng làm thay đổi cục diện và tạo đà làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.
|
Giấy chứng nhận Dũng sĩ của Cựu Trung tá Nguyễn Đức Phúc. Ảnh: NVCC. |
“Mỗi trận đánh là một kỷ niệm trước sự sống chết. Cứ giải phóng được một nơi nào, từng tấc đất, từng địa danh… niềm vui lại dâng trào. Ngày 30/4/1975, giải phóng Sài Gòn, tôi mới nghĩ mình sống. Tôi đã khóc cả một tuần sau đó, hạnh phúc lắm, vì đã cùng đồng đội góp phần bé nhỏ vào chiến thắng”, ông Phúc chia sẻ.
“Khóa cửa rừng bằng trái tim ta”
Sau ngày đất nước thống nhất, cựu trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc không về quê mà xin chuyển ngành làm ở Ủy ban nhân tỉnh Lâm Đồng.
Với ông Phúc, rừng có ý nghĩa đặc biệt. “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, rừng cũng là nơi nằm lại của biết bao đồng đội của ông đã mãi mãi dừng lại tuổi 20. Có nhiều đêm, nhắm mắt lại, trong tâm trí ông lại hiện lên hình ảnh của đồng đội. Trong đêm vắng, ông lắng nghe tiếng bước chân khe khẽ của những chàng trai trẻ vào trận địa, pháo sáng bay trên đầu, những đau đớn, mất mát …
|
Ông Phúc giữ rừng để tưởng nhớ đồng đội, tri ân rừng, tri ân đồng bào dân tộc đã nuôi giấu bộ đội. |
Ông xin ở lại Lâm Đồng là để giữ rừng, tưởng nhớ đồng đội và cũng là tri ân những đồng bào dân tộc đã nuôi, giúp bộ đội trong những năm kháng chiến trường kỳ.
Về hưu, ông Phúc xin Nhà nước nhận khoán 355ha rừng. Ông lội suối, vượt đèo, chăm sóc rừng như chăm chính người thân của mình.
Ông đã lập làng Darahoa dưới chân núi Voi (huyện Đức Trọng) kêu gọi những bà con dân tộc thiểu số người Chill, Lạch về sinh sống trong làng. Người dân được cấp đất, được tạo công ăn việc làm từ các công ty du lịch do ông thành lập để thôi phá rừng, thay vào đó là cùng ông giữ rừng, bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, nhiều cánh rừng ở Đà Lạt vẫn bị tàn phá nghiêm trọng, điều đó khiến ông buồn bã. “Rừng có cửa rừng không có khóa, khóa cửa rừng bằng trái tim ta”, câu thơ của ông Phúc cũng là nỗi lòng đau đáu của ông hướng tới rừng.
Ở tuổi 80, ông Phúc nước da vẫn hồng hào, khỏe, nhanh nhẹn. Tuy nhiên, ông biết quỹ thời gian để ông có thể bảo vệ rừng vơi dần.
“Có nhiều đêm tôi không ngủ được. Biết bao lâu để có được một cây cổ thụ? Biết bao lâu để lại có được một cánh rừng? Nếu không có những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời sẽ khó mà giữ được rừng”, ông Phúc nói.
|
Ông Nguyễn Đức Phúc đi thăm đồng đội. Ảnh: NVCC. |
Ông cũng dành thời gian đi thăm các đồng đội nhiều hơn. Mấy chục năm qua, ông vẫn đi tới các nghĩa trang, thắp hương cho đồng đội – những người đã cùng ông vào sinh ra tử năm nào. Nhiều khi đi qua một con đường, một địa danh mà ông bật khóc, ký ức ùa về.
Ông đã lập quỹ Nghĩa tình đồng đội để giúp đỡ gia đình những đồng đội của mình.
“Tôi muốn làm sao cho cuộc đời mình trọn vẹn không chỉ với Tổ quốc mà còn với những đồng đội với gia đình đồng đội”, ông Phúc chia sẻ.
Cựu trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc sinh năm 1942 tại Hoài Nhơn, Bình Định. Năm 1969, ông ra Bắc, học trường đặc công. Từ năm 1970 - 1975 ông vào Nam chiến đấu ở hàng loạt các chiến trường khốc liệt như Đồng Nai, Lâm Đồng, Hàm Tân (Bình Tuy), Tánh Linh, Phan Thiết, Ma Lâm (Bình Thuận) Ninh Thuận… Tiếp quản Đà Lạt vào ngày 2/4/1975.
Ông từng được tặng Danh hiệu Dũng sĩ (1966) do đã bắn hạ máy bay đế quốc Mỹ.
Mời quý độc giả xem video: Ông Nguyễn Đức Phúc cùng người dân trồng rừng. Video: NVCC.
Mai Loan