Trần Tử Bình là nhà cách mạng, một trong những vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông là người lãnh đạo phong trào công nhân cao su Phú Riềng 1930, một trong những cốt cán của Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội tại cuộc khởi nghĩa tháng 8/1945. Sau Cách mạng tháng Tám, ông đã được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ của quân đội và Nhà nước.
Tác giả tiểu thuyết là Trần Việt Trung - con trai thiếu tướng Trần Tử Bình. Trần Việt Trung từng xuất bản các cuốn sách như: Quyền sư, Sư đệ học phái Dưỡng sinh Nhu quyền (NXB Trẻ), Thầy Thiên Đức (NXB Kim Đồng). Người công giáo cộng sản - cuốn tiểu thuyết với hơn 600 trang - là nén tâm nhang mà tác giả dành tặng cho người cha kính yêu của mình.
Lễ ra mắt cuốn sách được tổ chức sáng 21/12 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hà Nội). Tác giả Trần Việt Trung chia sẻ về quá trình viết cuốn sách, cùng những kỷ niệm về người cha.
|
Sách Người công giáo cộng sản do NXB Văn học phát hành. Ảnh: Y Nguyên.
|
Đức tính nổi trội ở cha là niềm tin
- Khi viết về một nhân vật lịch sử, tại sao ông không viết tiểu sử, mà chọn tiểu thuyết?
- Nếu viết tiểu sử, nó sẽ gần hồi ký, gần chuyện nhân vật chính kể hơn. Về nhân vật Trần Tử Bình, tôi phải lựa chọn hình thức viết nào để phù hợp, bởi tôi viết từ vị trí của người con.
Tư liệu về ông trong gia đình không nhiều. Cha tôi là người không kể nhiều chuyện hoạt động, công việc với con. Bởi vậy, tôi lựa chọn hình thức tiểu thuyết.
Nói như vậy không có nghĩa tác phẩm không cần dựa trên tư liệu. Thậm chí nguồn tư liệu rất quan trọng. Thế hệ cách mạng còn ai thì mình phải đến gặp. Câu chuyện của nhân chứng sẽ tốt hơn từ nguồn tư liệu thứ cấp. Điều đó cũng giúp tôi tái hiện không khí của một thời kỳ lịch sử.
Cứ thế, tôi đọc, đi gặp, tập hợp và lựa chọn viết tiểu thuyết lịch sử. Khi là lịch sử, người ta thấy nó khô khan; khi là tiểu thuyết, người ta thấy nó hư cấu. Nhưng khi văn và sử đi cùng nhau, nó cho ta cảm giác thoải mái. Nó vẫn có sự thật, những khốc liệt, mà vẫn có độ mềm mại, đồng thời không làm mất đi sự nghiêm túc.
|
Ông Trần Tử Bình trong những ngày ở Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu.
|
- Vậy trong tác phẩm này, bao nhiêu phần trăm là sự thật, bao nhiêu phần trăm hư cấu?
- Chúng ta đang dùng một phép tính về phần trăm thì quả là khó khăn, không tính được. Tuy nhiên, những phần chính, điều có thật đã diễn ra phải là điểm tựa để phần hư cấu dựa vào cho logic.
Nếu có hư cấu, cũng phải hư cấu sao cho hợp lý, dựa trên cái có thật. Nếu ước lượng, phần hư cấu khoảng 5-7%, ít lắm. Rất ít.
- Quá trình tìm kiếm tư liệu cho tác phẩm của ông diễn ra thế nào?
- Tôi phải đi tìm gặp những người cùng thời với nhân vật, tìm tư liệu về nhân vật và những người liên quan.
Với những đoạn gắn với bối cảnh cụ thể, ngoài tư liệu, tôi phải gặp cụ Nguyễn Thọ Chân - một người tù Côn Đảo - để biết cụ thể hơn về cuộc sống bị tù đày.
Tôi cũng phải ra tận nơi để biết cảm xúc thực về xà lim, tôi phải vào trong, nằm trên bệ, chân còng, tôi cũng bảo họ sập cửa thật mạnh để tôi cảm nhận tiếng vang lên, và nhìn bên ngoài chỉ có một lỗ, nếu thấy ánh sáng là ban ngày…
Tôi cũng vào hầm xay lúa Côn Đảo, tới Phú Riềng nơi cha mình lãnh đạo cuộc khởi nghĩa… Khi gặp ai liên quan, tôi cũng tìm kiếm, lưu trữ nhiều tư liệu, cảm nhận mọi thứ để viết.
|
Tác giả Trần Việt Trung. Ảnh: Y Nguyên.
|
Nhiều đoạn viết trong nước mắt
- Cuốn sách hơn 600 trang khiến ông mất bao lâu để viết? Khi viết, sẽ có những lúc ông hồi tưởng về cha. Đức tính nào từ cha khiến ông cảm kích nhất?
- Tôi viết trong gần hai năm, từ 2015 đến 2017. Thời gian tìm tư liệu, đi điền dã, gặp nhân chứng cũng không dưới hai năm.
Những cảm xúc, kỷ niệm thường xuyên đến trong quá trình viết. Những lúc ấy, tôi thường tách ra, rằng mình đang viết về một nhân vật chứ không phải người cha. Nhưng lý trí không thể gạt bỏ hoàn toàn cảm xúc. Đức tính nào nổi trội nhất của ông ư? Đó là niềm tin.
- Viết tác phẩm có nhân vật chính là cha, điều đó khác thế nào so với các tác phẩm trước đây ông từng sáng tác?
- Bất cứ cuốn nào muốn hay, đầu tiên tác giả phải rung động đã, sau đó hãy viết. Tuy nhiên, khi viết về cha mẹ, có những lúc vừa viết vừa nhòe mắt.
Ví dụ, thời điểm mẹ sinh chị cả của tôi là lúc bà đã tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Hưng Yên xong. Sinh con xong được hai tuần, bà phải chia tay. Lần cho chị tôi bú no dòng sữa ấy, người mẹ chỉ nói tiếng lòng thôi, người con không thể biết được. Rồi bà xách túi đi, không dám quay lại. Phải đến 10 năm sau mới có cuộc hội ngộ giữa hai mẹ con. Những đoạn như vậy, tôi viết trong nước mắt nhòe.
- Thông qua cuốn sách, ông muốn gửi gắm điều gì tới bạn đọc trẻ hôm nay?
- Một cuốn sách luôn luôn có thông điệp. Tôi muốn nói rằng các bạn trẻ hôm nay được sống trong một xã hội thanh bình. Các bạn có đầy đủ điều kiện để vươn lên, không ai ngăn cản chúng ta, trừ việc ta không làm việc, không lao động.
Tuy nhiên, mọi cái không phải trên trời rơi xuống. Nó là quá trình hy sinh, xây dựng cho hai từ thiêng liêng nhất của dân tộc, đó là “độc lập”. Hai chữ độc lập ấy, chúng ta vẫn phải giữ gìn, chúng ta không được thờ ơ với nó.
Các bạn trẻ ngày nay, ngoài làm việc, sống theo định hướng tốt, đừng bao giờ quên lịch sử. Bởi, chính lịch sử của một dân tộc hun đúc cho chúng ta phẩm chất để đi vào tương lai.
Theo Zingnews