Bộ phim Phượng Khấu kể về cuộc đời của Từ Dụ Hoàng Thái hậu gần đây đã thu hút sự quan tâm rất lớn của mọi người. Bà là một trong hai bà hoàng sinh ra ở xứ Gò Công.
Khi triều đình nhà Nguyễn thất thế và ký hòa ước hàng Pháp, vua Tự Đức – con trai của bà Từ Dụ - đã tìm mọi cách để giữ lại vùng đất quê ngoại. Do đó trong Hòa ước Giáp Tuất (1874) có một điều khoản quan trọng và đặc biệt liên quan đến điều này.
Cuộc đời bà Hoàng Thái hậu xứ Gò Công
Bà Phạm Thị Hằng (1810-1902), tự là Nguyệt, là người ở Giồng Sơn Quy (Gò Rùa), làng Gò Công, huyện Tân Hòa, đất Gia Định (nay là thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Bà là con gái của Lễ bộ Thượng thư Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Thị Vị. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã nổi tiếng là người con hiếu thảo, thông minh, hiền thục, tinh thông kinh sử và rất xinh đẹp.
|
Nhân vật Hiệu Nguyệt Phạm Thị Hằng trong bộ phim dã sử Phượng Khấu của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. |
Năm 14 tuổi, bà được Đức Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang tuyển chọn vào cung để hầu hạ cho hoàng tử trưởng Nguyễn Phúc Miên Tông. Qua năm sau thì bà hạ sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa Nguyễn Phúc Tĩnh.
Năm thứ hai nhập cung, bà sinh thêm một công chúa là Nguyễn Phúc Uyên Ý, tuy nhiên cô công chúa này chỉ sống được 3 tuổi. Năm 1829, bà sinh được một trai và đặt tên là Nguyễn Phúc Thì, sau đổi tên là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
Khi Nguyễn Phúc Miên Tông nối ngôi (tức là vua Thiệu Trị), bà đã được phong làm Cung tần. Khi vua Thiệu Trị tuần du đất Bắc để giải quyết chuyện bang giao, bà đã được theo hầu và sớm tối lúc nào cũng túc trực chăm sóc cho vua. Thêm vào đó, vua còn giao cho bà giữ ngọc tỷ và ấn tín. Sau đó bà được vua sung chức Thượng nghi, cai quản Lục thường (tức là 6 công việc hầu hạ vua trông cung).
Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), bà được phong lên làm Thành phi, đứng đầu các tước Phi thuộc hàng nhị giai. Ba năm sau, bà tiếp tục được phong làm Quý phi, đứng đầu các tước Phi thuộc hàng nhất giai.
Người trong cung ai cũng yêu quý và kính trọng bà bởi tính nhân từ, hiền lương, hòa nhã với mọi người. Khi vua Thiệu Trị ốm nặng, bà đã ngày đêm hầu hạ thuốc thang nhưng không qua khỏi. Kế hoạch phong Hậu cho bà của vua Thiệu Trị đã không được thực hiện.
|
Đức Từ Dụ Hoàng Thái hậu trong tranh vẽ. |
Vua Thiệu Trị băng hà. Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (tức vua Tự Đức) nối ngôi đã phong bà làm Hoàng Thái hậu. Tuy nhiên, bà đã từ chối tôn hiệu cao quý đó. Hai năm sau, bà mới chịu thực hiện nghi lễ tấn phong nhưng chỉ thực hiện đơn giản, không tốn kém.
Dưới triều vua Tự Đức, bà đã cố gắng dạy dỗ, uốn nắn để vua Tự Đức trở thành một vị vua chí hiếu. Bà cũng thường xuyên góp ý, hướng dẫn vua cách trị quốc an dân.
Điều khoản quan trọng và đặc biệt trong hòa ước Giáp Tuất (1874)
Dưới thời vua Thiệu Trị, xứ Gò Công thuộc về tỉnh Gia Định. Khi Pháp tấn công và đánh chiếm được thành Gia Định, triều đình Huế thất bại và phải ký hòa ước đầu hàng.
Hòa ước Nhâm Tuất (1862) đã làm cho vua Tự Đức ăn ngủ không yên bởi vua không muốn quê ngoại là Gò Công mất vào tay Pháp. Xứ Gò Công khi đó có lăng mộ dòng họ Phạm Đăng, bên ngoại của vua Tự Đức.
Những ngôi mộ nhà họ Phạm là: Phạm Đăng Dinh, nội tổ Phạm Đăng Hưng; Phạm Đăng Long và Phạm Thị Tánh: ông bà cố ngoại vua Tự Đức. Phạm Đăng Hưng và Phạm Thị Du: ông bà ngoại vua Tự Đức.
|
Lăng Hoàng gia ở Gò Công (Tiền Giang). |
Triều đình vua Tự Đức đã cử sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp thương lượng để chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Sách Bang giao Đại Việt triều Nguyễn cho biết là vua Tự Đức đã dụ cho Phan Thanh Giản:
“Trẫm ngày ngày mong ngươi thu lại 3 tỉnh ấy, báo cho trẫm. (Lấy lại được) thì ngươi giả sử có chết cũng nhắm được mắt, trẫm (có chết) cũng an tâm. Không thế thì (trẫm) cùng với ngươi cùng mang tội đến muôn đời, không bao giờ chuộc được. (Khi chết xuống) hồn vía cũng không tan, cũng làm hùng kiệt loài quỷ để mong báo thù mới hả. Nói đến đây đau lòng không thể viết được nữa”.
Tuy nhiên, sứ bộ Phan Thanh Giản đã không chuộc được. Sau khi Pháp chiếm thêm 3 tỉnh miền Tây, vua Tự Đức tiếp tục gửi sứ bộ sang thương lượng để chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ.
Pháp tiếp tục đưa quân ra Bắc đánh chiếm thêm một số tỉnh. Năm 1874, dưới sức ép của Pháp, một hòa ước mới được ký kết để thay thế cho Hòa ước Nhâm Tuất (1862), đó là Hòa ước Giáp Tuất (1874).
Hòa ước Giáp Tuất (1874) có 22 điều khoản, trong đó điều khoản thứ 5 là điều khoản quan trọng và đặc biệt nhất. Nội dung điều khoản thứ 5: “…Duy nước Đại Nam có phần mộ quê ngoại về họ Phạm, họ Hồ công 14 sở, trong đó họ Phạm 11 sở, ở thôn Tân Niên Đông và thôn Tân Quan Đông thuộc Gia Định, họ Hồ 3 sở ở thôn Linh Chiểu Tây và xã Tân Mai thuộc tỉnh Biên Hòa. Các mộ ấy nghiêm cấm các hạng người đều không được xâm phạm.
Nước Đại Pháp lại xin trích 200 mẫu ruộng đất gần mộ trong đó giao cho họ Phạm 100 mẫu, họ Hồ 1.000 mẫu để làm nhu phí vâng giữ các phần mộ. Còn như ruộng đất ấy và nhân định họ Phạm, họ Hồ, nước Đại Pháp đều miễn trừ đi lính, đi phu và các thuế đinh thuế điền”.
|
Chân dung Vua Tự Đức – người đã giữ lại lăng mộ dòng họ ngoại |
Vua Tự Đức vui mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ với gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, vua Tự Đức lại chưa làm tròn nhiệm vụ với đất nước khi để Pháp đánh chiếm nước ta. Sau này, Từ Dụ Hoàng Thái hậu đã đề nghị vua Thành Thái về thăm Gò Rùa, thăm mộ tổ tiên họ ngoại và tiện thể dò xét nhân tình.
Năm 1992, Lăng Hoàng Gia đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.
Mời quý độc giả xem video: Cố đô Huế - một điểm đến di sản - nhìn từ flycam.
Lưu Minh Triều