1. Khung giờ vàng để cúng táo quân
Trong 1 năm, chỉ có duy nhất một ngày Ngọc Hoàng nghe các Táo báo cáo, chính vì vậy Táo Quân phải lên chầu thật đúng giờ, sớm quá thì vẫn phải chờ mở cổng vào thiết triều, lên muộn thì bãi triều rồi cho nên không được phép cúng sau 23 tháng Chạp.
|
Ảnh minh họa. |
– Tốt nhất là làm lễ tạ Táo vào ngày 22 tháng Chạp. Giờ cúng tốt nhất vào giờ Ngọ (11-13 giờ), hoặc giờ Mùi (13-15 giờ). Nhưng những người tuổi Tý không nên cúng tạ Táo vào ngày 22 tháng Chạp.
– Ngày cúng Táo tốt thứ hai là ngày 20 tháng Chạp (ngày Mậu Thìn). Giờ cúng tốt nhất là giờ Tị (9-11 giờ), và giờ Mùi (13-15 giờ). Những người tuổi Tuất không nên cúng vào ngày này.
– Ngày cúng Táo tốt thứ ba là ngày 23 tháng Chạp. Nên cúng xong trước 12h trưa để các Táo kịp lên chầu Trời. Vào ngày này tất cả các tuổi đều làm lễ cúng tạ Táo được.
2. Mâm cỗ cúng táo quân gồm những gì là đầy đủ nhất?
Gia chủ nên chuẩn bị mâm cúng có đầy đủ các món sau:
– 1 đĩa gạo
– 1 đĩa muối
– 5 lạng thịt vai luộc
– 1 con cá chép rán hoặc cá chép sống
– 1 bát canh mọc hoặc canh măng
– 1 đĩa xào thập cẩm
– 1 đĩa giò
– 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng
– 1 đĩa chè kho
– 1 đĩa hoa quả
– 1 ấm trà sen
– 3 chén rượu
– 1 quả bưởi
– 1 quả cau, lá trầu
– 1 lọ hoa đào nhỏ
– 1 lọ hoa cúc
– 1 tập giấy tiền, vàng mã
Gia chủ lưu ý không được quên cá chép vì đây chính là phương tiện để Táo Quân lên chầu.
Bên cạnh đó, gia chủ có thể thay thịt vai luộc bằng gà luộc. Canh măng thành canh khoai tây, canh xương… Bạn cũng có thể thêm một số món ăn khác phù hợp với tính truyền thống và bản sắc như:bánh chưng gấc, xôi vò, xôi chè, thịt đông, nem rán, cá kho riềng…
3. Điều tối kỵ khi cúng ông Công, ông Táo nhà nào cũng nên biết
Khấn xin tài lộc, sung túc
Thực chất, lễ cúng 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì thế, việc cầu xin tài lộc, sung túc là không nên. Các gia đình chỉ nên khấn xin Táo báo những việc tốt đẹp trong năm.
Chuẩn bị đồ cúng
Việc cúng lễ trong ngày 23 tháng Chạp không nhất thiết phải quá cầu kỳ. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ chay hoặc mặn. Tuy nhiên, thông thường, lễ vật cúng ngày 23 tháng Chạp cần chuẩn bị 3 bộ quần áo, mũ, giày cho 3 vị thần với một con ngựa bằng giấy với yên cương đầy đủ hoặc 3 con cá chép và tiền vàng. Những đồ vàng mã này sẽ được đốt đi để gửi cho các vị thần sử dụng khi về trời.
Cúng lễ sau buổi trưa ngày 23 tháng Chạp
Theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này.
Thông thường, bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.
Thả cá chép từ trên cao
Trong ngày 23 tháng Chạp, cá chép tương trưng chính cho thần linh. Sau khi cúng lễ và thả cá chép, các gia đình không nên thả cá từ trên cao như đứng trên cầu, bờ xa ném cá xuống nước vì như vậy cá sẽ chết. Bạn nên chọn một địa điểm mép nước ở sông, hồ và thả cá từ từ. Đặc biệt, không nên ném cả túi nilon xuống nước để tránh gây ô nhiễm môi trường.
( Bài viết mang tính tham khảo, chiêm nghiệm)
Theo Thu Mai (t/h)/Khoevadep