Nhà Hán được đánh giá là một triều đại hoàng kim trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Hán kéo dài hơn 400 năm và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều triều đại sau này ở Trung Quốc.
Hoàng đế là người có địa vị cao nhất, đồng thời nắm giữ quyền lực tối thượng trong hệ thống thứ bậc xã hội nhà Hán. Bất cứ ai cũng không dám đắc tội với hoàng đế. Tuy nhiên, trong lịch sử nhà Hán, có một cung nữ nhỏ bé dám cả gan "qua mặt" hoàng đế.
Nàng là Đường Cơ (hay còn gọi là Đường Nhi), một thị nữ hay cung nữ của Trình Cơ, phi tần của Hán Cảnh Đế Lưu Khải (188 TCN – 141 TCN), hoàng đế thứ 6 của nhà Hán. Ông cùng với cha mình là Hán Văn Đế Lưu Hằng tạo nên giai đoạn cực thịnh Văn Cảnh chi trị nổi tiếng của nhà Hán. Giai đoạn này tạo nền tảng chắc chắn dưới thời đại của con trai ông là Hán Vũ Đế.
Theo ghi chép trong lịch sử, một đêm nọ, Hán Cảnh Đế say rượu đã cho gọi Trình Cơ tới hầu hạ. Tuy nhiên, không may hôm đó Trình Cơ lại "tới tháng" nên không thể hầu hạ hoàng đế. Để không làm mất lòng hoàng đế, Trình Cơ đã cho thị nữ thân cận là Đường Nhi cải trang thành mình tới cung điện của "thiên tử".
Đường Nhi tuy là cung nữ nhưng có nhan sắc rất xinh đẹp. Nàng đã trang điểm và mặc đồ giống với Trình Cơ để tới gặp Hán Cảnh Đế. Lúc bấy giờ, do say rượu nên vị hoàng đế này không phân biệt được ai với ai. Ông cứ ngỡ mỹ nhân tới hầu hạ mình là ái phi Trình Cơ. Chính vì vậy, cung nữ Đường Nhi cũng may mắn được hoàng đế nổi tiếng của nhà Hán sủng hạnh một đêm.
Đến khi Hán Cảnh Đế tỉnh dậy sau một đêm say rượu, ông phát hiện mỹ nhân nằm cạnh mình không phải là Trình Cơ, thay vào đó là một cung nữ. Vị hoàng đế này cũng không quá kinh ngạc trước "tình một đêm" bất ngờ này, nên không làm lớn chuyện.
Tuy nhiên, điều khiến Hán Cảnh Đế không ngờ tới là Đường Nhi, mỹ nhân chỉ được ông sủng ái một đêm, lại thực sự có thai. Sau đó, nàng sinh ra hoàng tử Lưu Phát (? - 129 TCN). Theo sử sách, Lưu Phát là con trai thứ 6 của Hán Cảnh Đế.
Đường Nhi do sinh được hoàng tử Lưu Phát nên được trở thành phi tần của hoàng đế, gọi là Đường Cơ. Tuy nhiên, nàng cũng không được Hán Cảnh Đế coi trọng.
Do Đường Nhi vốn chỉ là một cung nữ, nên con trai là Lưu Phát cũng không được Hán Cảnh Đế yêu thương và chú ý nhiều. Đến tuổi trưởng thành, hoàng tử Lưu Phát chỉ được phong làm Trường Sa Định vương với đất phong ở một vùng đất cách xa kinh thành, cằn cỗi.
Vì sao mỹ nhân "tình một đêm" của Hán Cảnh đế giúp vương triều kéo dài gần 200 năm?
Hoàng tử Lưu Phát, con trai của Đường Cơ, mỹ nhân "tình một đêm" của Hán Cảnh Đế, có cuộc đời không mấy nổi bật. Nhưng hậu duệ của ông đã tạo nên kỳ tích, giúp nhà Hán có thể kéo dài gần 200 năm.
Theo ghi chép trong lịch sử, Lưu Phát làm Trường Sa Định vương được 28 năm thì qua đời. Con trưởng của ông là Lưu Dung được kế thừa vương vị. Con thứ của Lưu Phát là Lưu Mãi chỉ được phong Hầu tước ở Thung Lăng, huyện Linh Đạo, thuộc quận Linh Lăng (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), gọi là Thung Lăng hầu. Lưu Mãi chính là tổ 5 đời của Lưu Tú, tức Hán Quang Vũ Đế (5 TCN – 57), vị hoàng đế sáng lập triều Đông Hán (25 -220), đồng thời chính là vị hoàng đế thứ 16 của nhà Hán.
Hán Quang Vũ Đế chính là cháu 7 đời của Hán Cảnh Đế Lưu Khải. Ông có công lớn thống nhất quốc gia và mở ra thời kỳ thịnh trị cho nhà Hán sau nhiều năm biến động và bị gián đoạn bởi Vương Mãng, một quyền thần nhà Hán. Sử gọi thời kỳ này là Quang Vũ trung hưng.
Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú được đánh giá là vị hoàng đế có tài cầm binh. Sau khi xưng đế, ông đã đích thân dẫn binh đi thảo phạt tứ phương và thu phục được nhiều quân phiệt, củng cố vững chắc chính quyền nhà Hán sau thời gian bị gián đoạn.
Thật không ngờ vị cung nữ giả dạng phi tần hầu hạ hoàng đế một đêm lại lập công lớn khi sinh ra được hoàng tử và hậu duệ 6 đời của người này giúp nhà Hán kéo dài thêm gần 200 năm. Đây quả là chuyện ly kỳ và hiếm có trong lịch sử.
Theo Minh Hằng/Phụ nữ số