Cụ Hồ và chuyện về hai bà hoàng triều Nguyễn

Google News

Ông Lê Văn Hiến là một trong những người từng giữ 2 chức Bộ trưởng, là đặc phái viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là người nhận chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh có cuộc gặp với tôn thất nhà Nguyễn ngay sau khi vua Bảo Đại thoái vị, đó là Hoàng hậu Thành Thái và Hoàng hậu Duy Tân...
 

Ghé Đà Nẵng, thư thả sải bước trên con đường đẹp ở quận Hải Châu mang tên Lê Văn Hiến.
Ông quê ngay ở thành phố Đà Nẵng đây. Từng bị đày nhà tù Kon Tum suốt 5 năm. Sau này, Lê Văn Hiến viết cuốn Ngục Kon Tum nổi tiếng. Trong chính phủ lâm thời, Lê Văn Hiến được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động.
Đầu năm 1946 nhận chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Cứ như giai thoại, Lê Văn Hiến từng là bộ trưởng 2 bộ, Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên..., tham gia thực hiện hơn 50 nhiệm vụ khác nhau trong bộ máy lãnh đạo, nhưng chưa bao giờ là… Ủy viên Trung ương!
Một Lê Văn Hiến bộ trưởng cẩn trọng, chu tất việc công, việc nước. Một Lê Văn Hiến tài hoa dồi dào khiếu viết lách. Nhưng tác phẩm để lại không nhiều. Ngoài cuốn Ngục Kon Tum khá nổi tiếng, sau này ông có một cuốn hồi ký mỏng. Ban đầu có tên Nhật ký một bộ trưởng.
Thử lật giở cuốn Nhật ký...
Tháng 12 năm 1945, Bộ trưởng Lê Văn Hiến được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Đặc phái viên Chính phủ, có nhiệm vụ đi kiểm tra, chỉnh đốn các cơ quan chính quyền địa phương, kinh lý các mặt trận Trung Bộ và Nam Bộ. Chuyến đi có nhiều việc trọng.
Trong những thứ quan trọng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thân gọi Lê Văn Hiến gặp riêng để trao đổi một việc mật. Và dặn cứ thế, cứ thế...
Đó là việc gặp hai bà hoàng hậu, vợ vua Thành Thái và vua Duy Tân.
Chỉ trong thời gian nửa năm, thế gian biến cải cùng cục diện đổi thay nhanh chóng. Pháp đổ, Nhật với chính phủ Trần Trọng Kim nắm chính quyền, rồi lại bị đổ. Bảo Đại thoái vị. Chính phủ cách mạng ra đời với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà lúc ấy tên tuổi của Người chưa được nhiều người biết.
Không phải chỉ có hai bà hoàng hậu mà cả hoàng tộc, tôn thất nhà Nguyễn, con cái gia đình họ hàng các quan lại triều đình Huế trước đây đều lo âu, không biết rồi chính phủ cách mạng sẽ đối đãi, xử trí thế nào đây?
 Tháng 12 năm 1945, Bộ trưởng Lê Văn Hiến (người đứng giữa) được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Đặc phái viên Chính phủ.
Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã liên lạc trước với Ủy ban kháng chiến Trung Bộ việc bí mật này. Rất may anh em đã tìm gặp được và trực tiếp ngỏ lời với mẹ chồng và bà con dâu - hoàng hậu Thành Thái, hoàng hậu Duy Tân rằng, ông phái viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ thân gặp hai bà!
Hai bà rất bất ngờ... Nhưng vui vẻ đồng ý. Giờ gặp là 3h chiều ngày 10-12-1945.
Nơi gặp là Trụ sở Ủy ban hành chính kháng chiến Trung Bộ tại thành phố Huế.
Đúng 15h, hai bà cùng đến một lúc. Tôi ra chào hai bà từ ngoài cửa và mời vào phòng khách.
Hai bà, hai mẫu người có chỗ giống và khác nhau rõ rệt. Giống ở tư thế đàng hoàng, lịch sự, lễ độ phong kiến, cốt cách của vị hoàng hậu trước đây. Khác là một bà - bà Thành Thái - vào trạc tuổi 60 ăn mặc trang nhã, nói năng lịch thiệp, cốt cách phong kiến vẻ người tu hành thoát tục, đeo chuỗi hạt bồ đề.
Còn bà con dâu - bà Duy Tân - trạc trên dưới 40, trang sức giản dị, vẫn còn giữ nét đẹp của thời trẻ, trông khỏe mạnh và đượm vẻ lam lũ của người thường xuyên lao động.
Tôi tiếp chuyện hai bà, nhưng ngạc nhiên thấy rõ ràng hai phong cách đối xử với nhau cũng cách biệt tôn ty giữa bà mẹ chồng và nàng dâu, mặc dầu cả hai bà đều trải qua cương vị hoàng hậu.
Từ đầu đến cuối buổi chuyện, bà Thành Thái vì là cương vị mẹ đối với bà Duy Tân nên bà tiếp lời hết. Bà Duy Tân không nói lời nào, thỉnh thoảng bà hé miệng cười để tỏ ý đồng tình, tán thưởng.
...Ông phái viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa lại tư thế ngồi rồi nghiêm cẩn cất giọng. Trước khi đi công cán ở miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh có ủy thác cho tôi là đến Huế phải tìm cho được hai bà để nói lên lời ân cần thăm hỏi của Cụ Hồ đối với hai bà và chúc hai bà dồi dào sức khỏe, trường thọ.
Nói đến đây, cả hai bà đều đứng dậy vừa chắp tay vái vừa nói:
- Đội ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh! Đội ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Và đến phần chính yếu.
- Thưa hai bà. Cụ Hồ cũng nhắn thêm rằng từ ngày ông Thành Thái và ông Duy Tân vì lòng yêu nước, mong nước nhà tự do, độc lập nên bị thực dân Pháp bắt đưa đi đày các nơi xứ lạ, hai bà đều lâm vào cảnh lẻ loi, cô đơn đằng đẵng hàng mấy chục năm.
Chắc hai bà có gặp nhiều khó khăn. Hồ Chủ tịch muốn báo để hai bà biết: Chính phủ Việt Nam từ nay sẽ trợ cấp cho hai bà hằng tháng mỗi bà năm trăm đồng để chi dùng trước thời buổi khó khăn này. Nếu hai bà thấy không có gì trở ngại mà vui lòng chấp thuận, tôi sẽ báo cáo với Hồ Chủ tịch để Người hài lòng.
Nghe xong, hai bà tỏ ra vô cùng xúc động, nghẹn ngào, không nói nên lời.
Sau phút im lặng, bà Thành Thái với nét mặt cảm động bắt đầu nói:
- Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ, chồng và con tôi vì lòng mong muốn cho nước nhà độc lập, tự chủ, nên bị Pháp bắt đày quê người đất khách. Chúng tôi phải lâm vào cảnh sống lẻ loi, cô đơn không ai để ý. Ngay trong hoàng tộc, nhiều người cũng sợ phải liên lụy. Bản thân tôi phải nương nhờ cửa Phật lần lữa qua ngày. Không ngờ! Thật là không ngờ!
Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mới thành lập mấy tháng nay, “quốc gia đại sự” dồn dập, mà cụ Chủ tịch đã nghĩ ngay đến chúng tôi, gửi lời thăm hỏi ân cần, lại còn gửi tặng cho tôi và dâu tôi, bà Duy Tân, một món trợ cấp hằng tháng rất hậu hĩ. Chúng tôi quả thật đứng trước một bất ngờ rất lớn! Rất cảm kích!
Nghẹn ngào! Xúc động quá! Biết nói lời gì để xứng đáng với lòng chiếu cố của Người. Bây giờ xin thế này có được không. Trước nay tôi đi tu, từ nay về sau tôi vẫn tu. Buổi sáng và buổi tối, tôi thường tụng kinh niệm Phật. Kinh nhật tụng của tôi thường kết thúc bằng câu:
“Cầu chúc hoàng triều vạn tuế, vạn vạn tuế!”.
Giờ đây, thời thế đã thay đổi, Hồ Chủ tịch là lãnh tụ cao nhất và uy tín lớn nhất của quốc dân, để tỏ lòng biết ơn và quý mến Người, tôi sẽ sửa lại câu kết thúc kinh hằng ngày của tôi bằng câu:
“Cầu chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn tuổi, muôn tuổi!”.
Như vậy có được không?
Tôi cũng rất cảm động. Rót thêm nước trà mời hai bà.
Cuộc tiếp xúc xong. Hai bà cáo từ ra về.
Bà Thành Thái ra về trước. Tôi đưa bà ra tận xe.
Bà Duy Tân ở nán lại vài phút. Cầm tay tôi, bà khóc nức nở, không nói ra lời. Cuối cùng, bà tạm biệt với một câu ngắn gọn và chân thật:
- Ý nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng quá. Chúng tôi sống lẻ loi, cô đơn. Phải chịu đựng mấy chục năm nay với hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chỉ có Hồ Chủ tịch mới nghĩ đến chúng tôi.
Rồi bà ra về.
Đến đây cũng cần mở thêm cái ngoặc lớn. Trong nhật ký của mình, ông Lê Văn Hiến không chép tên của bà hoàng hậu vợ vua Thành Thái và bà hoàng hậu vợ vua Duy Tân này là gì.
Tài nhân Nguyễn Thị Định và Diệu phi Mai Thị Vàng. (Ảnh trong bài: Tư liệu LG). 
Nhưng căn cứ vào chi tiết bà hoàng hậu vợ vua Thành Thái, mẹ chồng của hoàng hậu vợ vua Duy Tân trạc 60 tuổi ăn mặc trang nhã... tra thêm sử, thì đây đích là hoàng hậu vợ vua Thành Thái có tên là Tài nhân Nguyễn Thị Định, quê ở Bình Định, sinh năm 1880.
Khi cha con vua Thành Thái, Duy Tân mưu kháng Pháp bất thành, năm 1916 bị Pháp đày ải tận xứ Reunion thuộc Pháp, bà Nguyễn Thị Định cùng con dâu Diệu phi Mai Thị Vàng, hoàng hậu vợ vua Duy Tân đã tận tụy đi theo.
Sang xứ người, có lẽ không hợp thung thổ, hai mẹ con đau ốm liên miên nên được hơn 2 năm, vua Thành Thái và Duy Tân đã cho về cố quốc. Bà Nguyễn Thị Định mất năm 1972 thọ 92 tuổi.
Bà hoàng hậu Duy Tân tên là Diệu phi Mai Thị Vàng còn gọi là Mai Bá Thị sinh năm 1899 ở Kim Long, Huế. Cha là Mai Khắc Đôn, nguyên tuần phủ Quảng Trị nổi tiếng thanh liêm. Sau này được thăng thượng thư Bộ lễ từng là thầy dạy chữ Hán cho vua Duy Tân.
Có chi tiết vua Duy Tân sau khi vợ về An Nam cảm thương số phận lỡ dở của vợ đã gửi giấy thuận tình ly hôn... Nhưng bà Mai Thị Vàng năm 27 tuổi về Huế vẫn ở vậy không lấy chồng. Hai mẹ con đều nương nhờ cửa Phật.
Bà Mai Thị Vàng mất năm 1980, ở Huế, thọ 81 tuổi. Phần mộ hai mẹ con, hai bà hoàng hậu sau này đều được hợp táng bên hai cha con, hai vị vua Thành Thái và Duy Tân tại Huế.
Đại khái thế. Người viết bài này cũng mạnh dạn chép ra như trên mong được các bậc thức giả chỉ giáo.
Ý nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng quá. Chỉ có Hồ Chủ tịch mới nghĩ đến chúng tôi. Câu ấy thốt lên từ hai bà hoàng hậu dường như luôn mang một thông điệp mới?
Lương dân nước Việt mình thời trước, nhiều vị siêng năng việc Phật sự và kinh kệ vẫn thường có nhời như khuyên răn, như bảo nhau làm việc thiện bằng câu “Cầu tất ứng cảm tất thông”. Câu ấy suy ra như là hai khái niệm đạo với đời?
Ở đây, tôi muốn lẩy ra cái ý, cái khái niệm “cảm tất thông”. Như một thứ giải mã rằng, những tâm hồn đồng điệu thường tìm đến nhau! Bây giờ ta sẵn có từ để dùng gọn gàng tiện lợi là “cảm thông” hay thông cảm có lẽ từ cụm từ cổ này mà ra?
“Cầu tất ứng, cảm tất thông”. Lại có câu “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”. Cụ Hồ mải mốt việc nước từng phải chịu cảnh lẻ loi cô đơn. Hình như từ Bác Hồ có sẵn cái duyên để cảm thông, để hòa hợp và cao hơn là nâng đỡ những thân phận đau khổ, lẻ loi?
Không kể thời gian bôn ba hải ngoại và chịu cảnh tù đày. Ngay cả lúc hanh thông, yên hàn ở căn nhà sàn bên hồ nước trong Phủ Chủ tịch, ngoài giờ làm việc, Cụ vừa phải đối diện, vừa vượt thoát sự lẻ loi, cô đơn ấy?
Bằng cớ là ông Vũ Kỳ - người giúp việc cho Cụ Hồ - chứng kiến nhiều bận vào cữ đêm hôm khuya khoắt vẫn nghe tiếng radio (đài) vọng ra... Ồng Vũ Kỳ tưởng Cụ Hồ đã ngủ nên lén nhẹ nhàng tắt đài. Mỗi bận như vậy, ông Vũ Kỳ lại nghe chất giọng nhắc nhở nhẹ nhàng của Cụ rằng “Chú cứ để thế để có tiếng người!”.
Tiếng người trong đêm vắng, trong căn nhà sàn tịch mịch về đêm trong Phủ Chủ tịch... Nhà thơ Tố Hữu quả đã tinh lẫn tình khi viết “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa...”.
Tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết tưởng cũng nên tính đếm và gẫm thấm cả cái phần khuất nẻo ấy trong phẩm chất Cụ Hồ?
Theo Xuân Ba/Cand