Huyện Sỹ (1841-1900), người có tên khai sinh là Lê Nhứt Sỹ, sinh ra tại Sài Gòn. Ông là ông ngoại của Nguyễn Hữu Thị Lan - hoàng hậu cuối cùng của phong kiến Việt Nam.
Vốn người mộ đạo, ông đã dùng gia sản khổng lồ của mình để xây các nhà thờ bề thế ở Sài Gòn như nhà thờ Huyện Sỹ và nhà thờ Chí Hòa ngày nay. Con trai của ông là kỹ sư Lê Phát Thanh cũng bỏ tiền xây nhà thờ Hạnh Thông Tây, nay thuộc quận Gò Vấp, TP.HCM.
Trong khi đó, Trần Trinh Trạch (1872-1942) được xem là một trong những đồng sáng lập Ngân hàng Việt Nam năm 1927, ngân hàng đầu tiên do chính người Việt sáng lập và điều hành, trụ sở đặt tại Sài Gòn.
Trong top những nhà tư sản hàng đầu giàu nhất Việt Nam thời kỳ này, ông Bạch Thái Bưởi là người duy nhất ở miền Bắc. Ông sinh ra trong gia đình nhà nông nghèo ở tỉnh Hà Tây (cũ). Xuất thân từ tầng lớp nghèo, nhưng với ý chí làm giàu và nghị lực hơn người, về sau, ông rất thành đạt trong kinh doanh. Sở hữu rất nhiều tàu thủy, ông Bạch Thái Bưởi được mệnh danh “ông vua tàu thủy”.
Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy là người ăn chơi nức tiếng Nam Kỳ trong những năm 1930-1940. Theo sách "Công tử Bạc Liêu", ông từng tiêu hết 5 tấn vàng của cha mẹ. Dù rất giàu có, do ăn chơi, không chú tâm làm ăn, sau khi cha qua đời, gia sản của Trần Trinh Huy nhanh chóng suy sụp. Sau khi ông mất, con cháu rơi vào cảnh nghèo khó.
Ngô Tử Hạ (1882-1973) từng là nhà tư sản dân tộc nổi tiếng trong công nghiệp in ấn. Ông được mệnh danh là Mạnh Thường Quân của các nhà trí thức yêu nước muốn in sách báo. Sau cuộc tổng tuyển cử bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 1, ông giữ chức Chủ tịch Đại hội đồng Quốc hội khóa 1, đồng thời là đại biểu Quốc hội khoá 1 cao tuổi nhất.
Trịnh Văn Bô là nhà tư sản giàu có và nổi tiếng yêu nước. Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, ông cùng vợ là Hoàng Thị Minh Hồ ủng hộ chính quyền cách mạng 5.147 lượng vàng. Hiện nay, tên ông được đặt cho một tuyến phố tại thủ đô Hà Nội.