Theo trang SMCP, những ngôi nhà gỗ duyên dáng của Hội An đã mang lại cho thị trấn thương mại miền Trung Việt Nam thế kỷ 15 một danh hiệu di sản của UNESCO, thường xuyên được khen ngợi trong danh sách "phải ghé thăm" của châu Á.
Cách Hội An khoảng 20km, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách bởi hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử hàng trăm năm trước.
Qua 15 năm bảo tồn và phát triển, hệ sinh thái Cù Lao Chàm không chỉ được phục hồi tương đối nguyên vẹn mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước.
Ngày 26/5/2009, với hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử hàng trăm năm trước, Cù Lao Chàm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới.
Trong thời gian dài, chính quyền địa phương luôn tìm cách học hỏi tư duy phát triển du lịch bền vững. Cù Lao Chàm là điểm đến thiên nhiên hấp dẫn bởi quá trình phân bổ số lượng du khách hợp lý và hoạt động du lịch được quản lý bền vững.
|
Một hoạt động kiểm tra các rạn san hô ở Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm. Ảnh: handout
|
Nằm ở phía hạ lưu sông Thu Bồn, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm-Hội An có hệ sinh thái đa dạng, độc đáo của vùng cửa sông và ven bờ, kết nối hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Theo trang SCMP, đảo Cù Lao Chàm có 277 loài san hô, 250 loài cá, động vật giáp xác và 97 loại động vật thân mềm đang sinh sống xung quanh hòn đảo. Kỳ tích bảo tồn đảo có thể thực hiện được nhờ sự tham gia của người dân địa phương - những người đã làm sạch ô nhiễm nhựa và nghiêm túc trong việc triển khai hoạt động đánh bắt cá ở đảo.
Nhà khoa học môi trường Lê Ngọc Thảo, Giám đốc Khu bảo tồn biển (MPA) ở đảo Cù Lao Chàm nhận định không dễ để thuyết phục ngư dân đồng ý ngừng hoạt động đánh bắt ở rạn san hô và chấp nhận các khu vực đánh bắt bền vững.
"Chúng tôi phải thuyết phục rằng họ có thể có thu nhập tốt hơn nhiều nếu đưa những người lặn biển đi xem một rạn san hô nguyên sơ tràn ngập cá", Giám đốc Lê Ngọc Thảo nói.
Sự tham gia tích cực của người dân địa phương trong công tác bảo tồn hệ sinh thái
Điều quan trọng nhất là nhiều người dân đã hợp tác với chính quyền địa phương và sử dụng thuyền để chở khách du lịch, đưa MPA vào hoạt động để bảo vệ các rạn san hô, vốn phải đối mặt với mối đe dọa toàn cầu khi nước ấm lên làm tẩy trắng san hô.
Đáng chú ý, theo SCMP, đây cũng là địa điểm duy nhất ở Việt Nam không sử dụng túi nhựa và chương trình "3R" (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) kể từ năm 2011, cũng như chống nạn đánh bắt quá mức trong nhiều thập kỷ.
Những quy định nghiêm ngặt đã được áp dụng để tránh việc khai thác cua đất quá mức trên đảo - một trụ cột của hệ sinh thái đảo, nơi số lượng cua đã tăng lên 75%.
Sau đó, để đối phó với tình trạng quá tải du lịch, chính quyền địa phương đã cung cấp quy định giới hạn số lượng du khách ghé thăm chỉ khoảng 3.000 người mỗi ngày. Dần dần, công tác bảo tồn và phương pháp tiếp cận du lịch điều độ đã được đền đáp.
"Các loài cá đã tăng lên. Người dân nhận thức về bảo vệ môi trường ở cộng đồng địa phương. Kết quả, Cù Lao Chàm hiện là một trong những hòn đảo sạch nhất ở Việt Nam", Cao Huyền, người từng làm việc cho MPA nhưng hiện làm hướng dẫn viên du lịch, cho biết.
Các đề xuất của MPA phụ thuộc vào sự chấp thuận của chính quyền địa phương, cho thấy trách nhiệm của người dân địa phương kết hợp với hỗ trợ khoa học và quản lý tốt để tạo nên mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.
Ngoài ra, nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững các giống loài ngày càng được nâng cao. Trong đó, tổ tuần tra cộng đồng đã giúp hạn chế khai thác trái phép và bảo vệ nguồn giống, giữ gìn hệ sinh thái từ rừng dừa nước Cẩm Thanh đến tiểu khu Bãi Hương (Cù Lao Chàm) hiệu quả.
Trong thời gian dài, các cơ quan, đoàn thể, cá nhân cũng nỗ lực để tuân thủ nghiêm túc quy định khắt khe, chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của UNESCO theo 7 tiêu chí và 3 chức năng cơ bản dành cho một khu sinh quyển.
Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Hội An và Cù Lao Chàm đang dần chuyển đổi các sản phẩm nhựa một lần sang đồ tái sử dụng nhiều lần. Các hoạt động tại Cù Lao Chàm hướng đến mô hình hòn đảo không rác thải nhựa đầu tiên của Việt Nam.
Tóm lại, khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm góp phần quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ phát triển, cải thiện sinh kế cho cộng đồng cư dân, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường và các giá trị tài nguyên thiên nhiên tại xã đảo Cù Lao Chàm.
Qua 15 năm bảo tồn và phát triển, hệ sinh thái Cù Lao Chàm không chỉ được phục hồi tương đối nguyên vẹn mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước./.
Theo Hồng Nhung / Báo Tổ Quốc