Nhắc đến thời phong kiến cổ đại, chúng ta thường sẽ nghĩ ngay đến thời đại mà các vị hoàng đế chuyên quyền. Họ đứng đầu một nước có quyền quyết định tất cả mọi việc, bảo sống thì người đó được sống, còn phán chết thì quân thần phải chấp nhận cái chết.
Hoàng đế đưa ra các quy tắc, quy định dù có vô lý, khắt khe thì các quân thần đều phải nghe theo. Một trong những quy định được coi là man rợ nhất của các vị hoàng đế đó là bắt các phi tần phải tuẫn táng theo mình. Vào thời nhà Minh, Chu Nguyên Chương đã ra lệnh bồi táng các phi tần, nhưng chỉ vì lời nói của con gái 3 tuổi mà thay đổi thánh chỉ, vì sao?
Chu Nguyên Chương ra lệnh bồi táng phi tần
Chu Nguyên Chương là một vị hoàng đế có xuất thân từ dân thường, cuộc sống tuổi thơ của ông vô cùng khó khăn.
Ông là vị hoàng đế đầu tiên lập ra nhà Minh, có công lớn. Trong thời gian trị vì, ông đã thực hiện nhiều chính sách giúp cho nhân dân dưới thời nhà Minh dần ổn định. Có năm xảy ra nạn đói, Chu Nguyên Chương đã đích thân ra khỏi cung vi hành và kiểm tra xem người dân có được nhận lương thực mà ông cứu trợ hay không.
Đối với người dân, Chu Nguyên Chương là một vị hoàng đế tốt luôn quan tâm và lo lắng như vậy. Nhưng ngược lại, đối với các phi tần, ông lại rất nghiêm khắc. Chỉ cần phát hiện một phi tần, cung nữ nào đó dù mắc những lỗi nhỏ cũng có thể bị phạt rất dã man, thậm chí có thể bị xử tử.
Thích Phi bị nghi ngoại tình đã bị đánh đập và tra tấn dã man mà chết. Những năm cuối đời, Chu Nguyên Chương đã hạ chỉ yêu cầu sau khi ông chết thì tất cả các phi tần và cả cung nữ trong hậu cung sẽ phải bồi táng theo. Lúc Chu Nguyên Chương 70 tuổi, cảm thấy bản thân mình không sống được bao lâu nữa nên đã quyết định để 38 vị phi tần của mình và 10 cung nữ giấu tên bồi táng theo. Thánh chỉ Chu Nguyên Chương đưa ra khiến cho toàn bộ hậu cung sợ hãi tột cùng. Sợ rằng một ngày nào đó vị hoàng đế này lâm bệnh mà ra đi, họ sẽ bị bắt bồi táng theo.
Hoàng đế thay đổi thánh chỉ vì lời nói của con gái
Một ngày nọ, Chu Nguyên Chương lâm bệnh, một vị phi tử là Trương Mỹ Nhân đã đến thăm. Các đại thần trong triều đều biết bệnh của ông đã hết đường cứu chữa, nên cũng đến thăm. Sau khi ân cần hỏi thăm, bọn họ liền hỏi ông về việc chọn người kế vị. Nghe thấy vậy, Chu Nguyên Chương đã rất tức giận cho rằng không ai thực sự quan tâm đến sức khỏe của mình.
Ông nằm trên giường, thấy người con gái 3 tuổi của mình Bảo Khánh Công chúa đến tìm mẹ là Trương Mỹ Nhân.
Bình thường nhìn thấy Chu Nguyên Chương, Bảo Khánh Công chúa có phần sợ hãi. Mặc dù có chút sợ nhưng vị công chúa nhỏ đã lấy hết can đảm hỏi thăm cha mình. Cô công chúa vuốt mặt Chu Nguyên Chương rồi an ủi rằng: "Chỉ cần cha nhắm mắt ngủ một giấc sẽ hết bệnh. Vì khi con bị bệnh chỉ cần ngủ một giấc dậy là khỏi liền!".
Nghe con gái nói vậy, ông ngập ngừng nói rằng bệnh của mình đã không thể chữa được nữa rồi. Công chúa Bảo Khánh đã khóc và an ủi cha nhất định sẽ khỏi bệnh.
Thấy con gái khóc, Chu Nguyên Chương cảm thấy rằng trong cả hoàng cung rộng lớn này chỉ có mỗi con gái nhỏ là mong ông khỏi bệnh. Cũng chính vì tình cảm đó của con gái, ông quyết định miễn cho vị phi tần là Trương Mỹ Nhân không cần phải bồi táng. Trong chỉ dụ của mình, hoàng đế Chu Nguyên Chương viết: "Tất cả các phi tần thị tẩm đều phải bồi táng, vì công chúa còn nhỏ nên Trương Mỹ Nhân không phải bồi táng để sống và nuôi dưỡng công chúa".
Nhờ đó mà đã cứu Trương Mỹ Nhân một mạng. Trước đây bà từng không vui khi sinh ra con gái, chỉ muốn sinh được hoàng tử vì cho rằng chỉ có sinh hoàng tử mới có chỗ dựa vững chắc trong hậu cung. Nhưng ai ngờ rằng, chính người con gái này đã cứu sống bà khỏi số phận bị bồi táng.
Theo Nguyễn Lành/Doanh nghiệp Việt Nam