Theo trang QQ của Trung Quốc, có thông tin cho rằng vào năm Càn Long thứ 15 (1750), tức là khi vua Càn Long 40 tuổi, để bắt chước chuyến tuần du của các vị vua Nghiêu, Thuấn, Vũ nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc đến "Ngũ Nhạc" (5 ngọn núi thiêng của nước này, bao gồm: Đông Nhạc - Thái Sơn, Tây Nhạc - Hoa Sơn, Nam Nhạc - Hành Sơn, Bắc Nhạc - Hằng Sơn và Trung Nhạc - Tung Sơn), Càn Long đã cho tổ chức một chuyến tuần du quy mô lớn đến Trung Nhạc - Tung Sơn.
Vào ngày 17/8 năm đó, Càn Long đưa Hoàng thái hậu, Thân vương, Bối lặc và văn võ bá quan đi thăm Hà Nam - nơi có Tung Sơn.
Ngày 30/9, đoàn người của Càn Long đã đến Tung Sơn. Vào một ngày đầu tháng 10, Càn Long đã đến học viện Tung Dương - một trong bốn học viện lớn ở Trung Quốc thời bấy giờ, chiêm ngưỡng cây bách còn tồn tại từ thời nhà Hán tại nơi đây. Lúc đó, Càn Long đột nhiên cao hứng, liền vẽ lại phong cảnh trước mắt và còn đề cả thơ bên trên.
Kể từ đó, bức tranh "Tung Dương Hán Bách Đồ" trở thành tác phẩm tiêu biểu của Càn Long và được lưu truyền trong Hoàng cung. Tuy chỉ đơn giản là một trong những bức tranh của hoàng đế thời bấy giờ, nhưng cùng với sự biến thiên của lịch sử, nó cũng mang một số ý nghĩa đặc biệt.
Tuy nhiên, vào cuối thời nhà Thanh, do bối cảnh "thù trong giặc ngoài", "Tung Dương Hán Bách Đồ" cũng bị thất lạc trong chiến loạn. Không ai biết bức tranh này đã bị mất từ khi nào, chứ đừng nói là nó mất ở đâu.
Bức tranh mất tích 100 năm bỗng xuất hiện trở lại
Hơn một trăm năm sau, "Tung Dương Hán Bách Đồ" bỗng xuất hiện trở lại trong một chương trình thẩm định cổ vật của Đài truyền hình tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vào năm 2009. Vào thời điểm đó, bức tranh được sở hữu bởi hai anh em Chu Vân đến từ thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam), và mục đích chính của việc thẩm định là để biết cổ vật này của tổ tiên họ có giá trị như thế nào.
Khi đó, hai anh em Chu Vân đã mang "Tung Dương Hán Bách Đồ" đến chương trình thẩm định cổ vật. Ngay lập tức, một chuyên gia cổ vật tên là Lưu Nham đã chủ động làm quen và nhận thẩm định bức tranh miễn phí. Hai anh em Chu Vân rất ấn tượng với sự nhiệt tình của Lưu Nham nên đã không ngần ngại khoe báu vật của tổ tiên với ông Lưu.
Sau một hồi nghiên cứu, Lưu Nham nói với hai anh em Chu Vân: "Bức tranh này tuy cổ, nhưng là đồ giả. Nó mô phỏng "Tung Dương Hán Bách Đồ" vào cuối thời nhà Thanh. Với tình hình hiện tại, nó có giá hàng chục nghìn Nhân dân tệ" (NDT, khoảng vài chục triệu VNĐ).
Nghe những gì Lưu Nham nói, hai anh em Chu Vân vô cùng sửng sốt, đều biết đây là bức tranh cổ do tổ tiên truyền lại, nhưng không ngờ lại là đồ giả. Sau đó, hai anh em họ thất thểu trở về nhà.
Không lâu sau, Lưu Nham đưa một nhà sưu tập đồ cổ tên là Trình Công đến gặp Chu Vân và giải thích tình hình cho Chu Vân. Ý của Lưu Nham rất rõ ràng, Trình Công sẵn sàng trả giá cao để mua lại bức tranh "Tung Dương Hán Bách Đồ" giả trong tay Chu Vân. Chu Vân nghe xong liền cảm thấy chuyện này khá đáng tin cậy, nên đồng ý thương lượng với Trình Công.
Sau đó, Trình Công đã mua thành công "Tung Dương Hán Bách Đồ" với mức giá 170.000 NDT (hơn 600 triệu VNĐ). Về việc này, hai anh em Chu Vân trong lòng cảm thấy rất may mắn, không ngờ bức tranh được chuyên gia cho rằng là "đồ giả" lại có thể bán với giá cao như vậy. Đối với họ, vào thời điểm đó, 170.000 NDT là hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng.
"Vụ lừa đảo lớn"
Hơn một năm sau khi nhận số tiền 170.000 NDT, hai anh em Chu Vân bỗng biết được một thông tin rằng bức tranh "Tung Dương Hán Bách Đồ" mà tổ tiên họ truyền lại được bán với giá cao ngất ngưởng 87 triệu NDT (hơn 310 tỷ VNĐ) vào tháng 6/2011.
Hai anh em Chu Vân cảm thấy rất tức giận và nhận định rằng rất có thể đây là một trò lừa đảo. Có lẽ ngay từ đầu, chuyên gia Lưu Nham đã cố tình nhận định bức tranh là "đồ giả", khiến họ nhầm tưởng là bức tranh không có giá trị. Sau đó, Lưu Nham và một "đồng phạm" là Trình Công đến mua tranh. Có thể khẳng định rằng, vào thời điểm đó, chỉ cần một mức giá tương đối cao được đưa ra, hai anh em Chu Vân chắc chắn sẽ rất vội vàng bán tranh.
Về vấn đề này, hai anh em Chu Vân cảm thấy rằng họ đã bị lừa dối và kiện Lưu Nham ra tòa. Khi tòa án và các bộ phận liên quan tiến hành điều tra, họ phát hiện ra một điều bất ngờ, hóa ra có hai chuyên gia cổ vật tên là Lưu Nham. Và người thẩm định bức tranh "Tung Dương Hán Bách Đồ" của hai anh em Chu Vân là Lưu Nham đến từ Bắc Kinh.
Có thông tin xác thực về việc ông Lưu Nham này từng chụp ảnh ba đầu thú trong Viên Minh Viên và chiếc bình lục giác màu phấn hồng của Càn Long, đồng thời đã tham gia nhiều chương trình thẩm định cổ vật. Danh tính và uy tín của người này là hoàn toàn có thật.
Lưu Nham cũng kiên quyết không thừa nhận tội lừa đảo và đưa ra rất nhiều lời giải thích cho sự việc liên quan đến bức tranh "Tung Dương Hán Bách Đồ".
Ý của ông ta là bản thân đã thu thập gần như tất cả những bức tranh "Tung Dương Hán Bách Đồ" giả. Do thổi giá nên bức tranh mới có giá lên tới 87 triệu NDT, chứ xét theo tình hình thực tế, giá trị của bức tranh không cao như vậy.
Với những bằng chứng mà anh em Chu Vân cung cấp không thể chứng minh Lưu Nham có hành vi lừa đảo, nên ông ta đã được tòa xử vô tội.
Mặc dù để xảy ra sự việc này, nhưng uy tín của Lưu Nham không hề bị ảnh hưởng, mà càng nổi tiếng hơn lớn. Sau đó, ông ta tiếp tục tham gia các chương trình thẩm định cổ vật lớn với tư cách là một chuyên gia.
Theo Gia Đình