Ở Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có một ngôi miếu gọi là miếu Bà, cũng có tài liệu ghi là An Sơn miếu, nhưng phổ biến nhất là tên gọi đền thờ bà Phi Yến. Cũng phải nói ngay rằng miếu Bà là ngôi miếu duy nhất ở Côn Đảo, ngày 18/10 âm lịch hàng năm, có diễn ra lễ hội trang trọng do ngành văn hóa tổ chức. Ngôi miếu này đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh và là một trong rất ít di sản văn hóa dân gian của Côn Đảo. Sẽ không có gì để bàn nếu nguồn gốc của ngôi miếu này không được dựa trên một “truyền thuyết” về chuyện Nguyễn Ánh tuyệt tình, tống giam vợ, ném con xuống biển tại Côn Đảo…
Nguồn gốc miếu Bà đã được đăng tải trên mạng, được giới thiệu trong hầu hết các website, ấn phẩm, báo chí quảng bá du lịch từ trung ương đến địa phương, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, và bất cứ du khách nào ra Côn Đảo, đến miếu Bà đều được nghe “truyền thuyết” sau đây:
Miếu Bà được xây lần đầu tiên từ năm 1785 để thờ bà Phi Yến, vợ của Nguyễn Ánh, sau này là vua Gia Long. Ngôi miếu này rất linh thiêng đối với những người dân trên đảo và nó gắn liền với một câu chuyện bi thương của người phụ nữ tài sắc, giàu lòng yêu nước.
|
Miếu Bà ở Côn Đảo. (Ảnh qua dulichcondaosense.com). |
Năm 1783, sau khi thua quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh mang theo vợ, con và khoảng 100 gia đình thuộc hạ chạy ra đảo Côn Sơn. Cùng với những người dân chài đang sinh sống ở Côn Sơn, Nguyễn Ánh đã lập nên 3 làng là: An Hải, An Hội và Cỏ Ống. Để đánh lại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh dự định gửi con cả là hoàng tử Cảnh đi theo cố đạo Bá Ða Lộc sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm là vợ thứ của Nguyễn Ánh đã can ngăn chồng, đừng làm việc “cõng rắn cắn gà nhà” để người đời chê trách. Nguyễn Ánh không những không nghe lời khuyên của bà mà còn tức giận, nghi bà thông đồng với quân Tây Sơn, nên định giết bà.
Nhờ quân thần can xin, Nguyễn Ánh đã tống giam bà vào một hang đá trên đảo Côn Lôn nhỏ, về sau núi đó được đặt tên là hòn Bà. Khi quân Tây Sơn đánh ra đảo, Nguyễn Ánh bỏ chạy ra biển. Hoàng tử Cải (còn gọi là hoàng tử Hội An), con bà Phi Yến lúc đó mới 4 tuổi đòi mẹ đi cùng. Trong cơn tức giận và nghĩ rằng bụng dạ Cải rồi cũng như mẹ nó nên Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Xác hoàng tử Cải đã trôi vào bãi biển Cỏ Ống. Dân làng đã chôn cất hoàng tử.
Bà Phi Yến, theo truyền thuyết được một con vượn và một con hổ cứu ra khỏi hang và về sống với dân làng Cỏ Ống để trông nom mộ hoàng tử Cải. Một lần, sau khi bị một kẻ xấu xúc phạm bà đã tự tử để thủ tiết với chồng.
Nhân dân trên đảo vô cùng thương tiếc bà và đã lập nên ngôi miếu to, đẹp để thờ bà. Năm 1861, sau khi chiếm đảo, Pháp đã quyết định di dời toàn bộ dân vào đất liền để xây nhà tù. Ngôi miếu bị đổ nát dần.
Năm 1958, nhân dân trên đảo đã xây dựng lại ngôi miếu trên nền cũ. Từ truyện tích trên mà Nam Bộ có câu ca:
Gió đưa cây Cải về trời,
Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay.
Chữ cải trong lời ca trên được người ta viết hoa vì cho rằng đó là tên mà cũng là tượng trưng cho hoàng tử Cải, tương tự chữ răm cũng vậy (theo thuyết này thì Phi Yến là thụy hiệu, tên thật của bà là Răm).
Nội dung câu chuyện trên (di sản văn hóa phi vật thể) gắn với ngôi đền (di sản văn hóa vật thể) là căn cứ để di tích này được xếp hạng. Với tính chất là di sản văn hóa dân gian, miếu Bà rất được chú ý trong quần thể di tích lịch sử cách mạng nhà tù Côn Đảo.
Câu chuyện gắn với miếu Bà trên gần như được thừa nhận “hiển nhiên” và không ai đặt lại vấn đề vì cho rằng truyền thuyết đó đã được lưu truyền “rộng rãi từ rất lâu”, liên quan nhiều sự kiện lịch sử và quá trình bôn tẩu của Nguyễn Ánh cũng như vài tính cách mà người đời suy xét ở ông. Với sự sưu tầm còn có hạn, bài viết này muốn đặt lại vấn đề có phải miếu Bà hay An Sơn miếu ở Côn Đảo từ năm 1785 đã thờ bà Phi Yến, thứ phi của Nguyễn Ánh không?
Nguyễn Ánh – vua Gia Long có bao nhiêu vợ con?
Theo Nguyễn Phúc Tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc biên soạn, nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 1995 thì Nguyễn Ánh có tất cả 21 bà vợ, 13 hoàng tử và 18 hoàng nữ. Thế phả ghi rõ họ tên, lai lịch từng bà nhưng không thấy có ai tên là Răm (Lê Thị Răm) hay thụy là Phi Yến cũng như không có hoàng tử nào tên là Cải hay Hội An. Nhưng chúng ta hãy tạm tin giả định bà Lê Thị Răm và đứa con trai mới 4 tuổi của Nguyễn Ánh vì làm trái ý đã bị ông giết nên không được đưa vào Thế phả!
Nguyễn Ánh sinh ngày 8/2/1762. Ông cùng chúa Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần phải cậy nhờ bóng tối chạy thoát khỏi thành Phú Xuân đêm 28 Tết Ất Mùi (1775) trước sự truy đuổi của quân Trịnh. Lúc ấy Nguyễn Ánh là một cậu bé 13 tuổi. Không thấy tài liệu nào nói hoàng tôn Nguyễn Ánh đã mang theo một bà vợ nào trong khi chạy trốn.
Người vợ đầu tiên của Nguyễn Ánh là bà Tống Thị Lan được “tiến cung” rồi tấn phong là “Nguyên phi” (cũng có thể hiểu là người vợ thứ nhất) trên đất Gia Định vào năm 1778. Khi ấy, Nguyễn Ánh 16 tuối, trở thành Nhiếp chính quốc sau khi Duệ Tông và Tân Chính vương bị quân Tây Sơn giết ở Long Xuyên. Người vợ thứ hai là bà Trần Thị Đang (sinh năm 1769) được tấn phong “Nhị phi”, vốn là người có công hầu hạ mẹ Nguyễn Ánh trong những ngày bà chạy trốn quân Trịnh ở An Du và đã cùng bà trốn vào Gia Định khi Nguyễn Ánh trở thành Nhiếp chính. Những bà vợ khác của Nguyễn Ánh đều được tiến cung khi ông đã là vua Gia Long (từ 1802).
Bà Tống Thị Lan sinh được hai hoàng tử là Nguyễn Phúc Chiêu (mất lúc còn nhỏ) và Nguyễn Phúc Cảnh, tức hoàng tử Cảnh được đưa sang Pháp làm con tin lúc 4 tuổi (1784). Còn Nhị phi Trần Thị Đang những ngày cùng Nguyễn Ánh phiêu dạt trước sự truy đuổi của Tây Sơn thì ngày đêm cầu khẩn xin thái bình rồi mới sinh con. Vì nếu có con mà bỏ đi thì bất nhân mà mang theo thì bận lòng chúa thượng. Mãi tới năm 24 tuổi (1791), khi Nguyễn Ánh đã làm chủ Nam Bộ và Bình Thuận thì bà sinh được hoàng tử Đảm (sau này là vua Minh Mạng). Như vậy, trong 17 năm bôn ba, Nguyễn Ánh chỉ sinh được 3 hoàng tử, trong đó Nguyễn Phúc Chiêu bị bệnh chết lúc còn nhỏ. Không thấy có bà vợ nào là Phi Yến sinh hoàng tử Cải cả.
Cũng cần nói thêm các bà vợ của Nguyễn Ánh trong thời gian ông bôn tẩu khắp nơi chưa thấy ai được ban tên thụy. Vì vậy, nếu bà Răm đã làm trái ý ông phải tội chết mà lại mang cái tên thụy Phi Yến thì không thể có chuyện Gia Long đã ban tặng sau năm 1802.
“Gió đưa cây cải về trời, Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” là câu ca khá phổ biến ở Nam Bộ, nhưng không rõ xuất hiện trong thời kỳ nào. Có điều nếu theo câu chuyện trên thì câu ca đó phải ra đời sau khi bà Phi Yến qua đời. Ai cũng biết ẩn ý của câu ca này chủ yếu là để bày tỏ sự trách cứ người gây ra một việc gì đó rồi ra đi để người ở lại phải chịu hậu quả, điều tiếng… Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của câu ca chẳng ăn nhập gì với nội dung câu chuyện của bà Phi Yến và hoàng tử Cải, kể cả khi câu chuyện này là có thật đi nữa. Nhưng…
Nguyễn Ánh có tới Côn Đảo không?
Câu chuyện về bà Phi Yến và hoàng tử Cải dễ dàng được chấp nhận vì ngay trong biên niên sử của nhà Nguyễn có nói rằng Nguyễn Ánh đã chạy ra Côn Đảo tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn vào đúng cái thời điểm mà truyện tích trên “sắp đặt”.
Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 2 và cả Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập viết rằng tháng 7 năm Quý Mão 1783, Nguyễn Ánh đem binh ra đảo Côn Lôn. Quân Tây Sơn biết nên đem đại đội chiến thuyền ra vây ba vòng, quân binh trùng trùng điệp điệp. Tưởng không thể thoát được nhưng may thay khi trời đang trong thì giông bão lại nổi lên nhấn chìm nhiều chiến thuyền Tây Sơn, nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát được về đảo Phú Quốc.
Dù là ghi chép của các sử gia Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có ít nhất hai điều làm người ta nghi ngờ:
Thứ nhất, trước đó (tháng 6) Nguyễn Ánh đã bị quân Tây Sơn đánh cho tơi bời trên vùng biển Hà Tiên-Phú Quốc, đến nỗi Cai cơ Lê Phước Điển phải đóng vai Lê Lai cứu chúa, Nguyễn Ánh mới thoát được. Nhiều tướng lĩnh của Nguyễn Ánh đã bị quân Tây Sơn bắt và giết. Liệu Nguyễn Ánh còn đủ thuyền bè, binh lực để vượt biển ra Côn Đảo được chăng?
Thứ hai, đảo Côn Lôn cách đất liền hơn trăm cây số, từ Đông sang Tây dài hơn 15km, nơi rộng nhất đến 9km với diện tích trên 51km2, quân Tây Sơn do Phò mã Trương Văn Đa chỉ huy làm sao đủ thuyền ghe để vây kín ba vòng giữa muôn trùng biển khơi?
Sự nghi ngờ về sự kiện lịch sử này ghi trong Đại Nam thực lục từ những năm 40 của thế kỷ trước đã được tạp chí Tri Tân đặt ra tranh luận và giải quyết (số 50-14 Juin 1942; số 61- 26 Aout 1942; số 67-7 Octobre 1942)… Họ đã đưa ra được những chứng cớ thuyết phục, kể cả việc phủ nhận tên gọi núi Chúa ở Côn Đảo không “liên quan” gì đến Nguyễn Ánh [3].
Nhưng các tác giả trên tạp chí Tri Tân cũng là người đi sau. Vì sự nhầm lẫn của các sử gia nhà Nguyễn chép lại quá trình bôn ba của Nguyễn Ánh đã được sử gia người Pháp Ch. Maybon đính chính rất rõ ràng trong cuốn Histoire moderne du pays d‘Annam, 1582-1820 (Paris, Plon, 1919), rằng “đảo Côn Lôn” – vốn chỉ được “nghe kể chép lại”, trong Đại Nam thực lục chính là đảo Cổ Long (Koh Kong), một hòn đảo nhỏ nằm phía biển Campuchia, gần vùng biển Hà Tiên-Phú Quốc chứ không phải Côn Lôn/Côn Đảo mà mọi người đã biết – đây chỉ là sự nhầm lẫn khi chuyển chữ Koh Kong sang Hán tự. Trong gần 10 năm bị Tây Sơn truy lùng gắt gao nhất, Nguyễn Ánh chưa từng và cũng không đủ sức để chạy ra Côn Đảo. Đến khi binh lực lớn mạnh thì ông lại bận rộn với việc truy kích quân Tây Sơn đến tận Phú Xuân và ở đó làm vua cho đến lúc qua đời mà không một lần đến Côn Đảo. Vậy thì…
An Sơn miếu thờ ai?
Cho đến cuối thể kỷ 17, Côn Đảo vẫn chưa có cư dân người Việt sinh sống. Theo một số tài liệu thì trước đó hòn đảo này là địa bàn của vương quốc Châu Mạ và sau đó người Chăm từng đến đây sinh sống. Cái tên Pulau Kundur (đảo bí) mà người Pháp sau này phiên âm là Poulo condore vốn là tiếng của người Nam đảo (Malayo-polynesian).
Năm 1723, theo ghi chép của một người Pháp khi đến Côn Lôn thì lúc ấy trên đảo có khoảng 200 người. Đây là lớp cư dân đầu tiên của làng An Hải sau này. Năm 1789, Côn Đảo có “không đầy 60 gia đình đi trốn sống ngắc ngoải trong cảnh nghèo đói cực độ” (dẫn theo Phạm Xanh, Tìm hiểu quá trình hình thành một làng đảo-làng An Hải, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1, 2-1987).
Thời Minh Mạng, Côn Đảo có một đội quân đồn trú thường trực nhưng phải khai khẩn đất hoang để tự túc lương thực. Minh Mạng còn ban dụ chiêu dân trong các tỉnh nếu tình nguyện ra Côn Lôn làm ăn, sinh sống thì cấp tiền vốn mỗi người 10 quan. Vì vậy, đến giữa thế kỷ 19, dân số trên đảo lên tới 1.000 người.
Cư dân đến Côn Đảo từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng khi đến đây, đa số họ đều gắn với nghề biển vì các rẻo đất ven núi chật hẹp, lại phụ thuộc hai mùa mưa nắng nên rất khó bám nghề nông.
An Sơn miếu của ngư dân làng An Hải có thể đã được xây dựng trước khi thực dân Pháp biến nơi đây thành nhà tù (1862). Và có thể là nơi thờ Bà Chúa Tiên hoặc Bà Chúa Ngọc là vị thần bảo trợ cư dân miền biển và hải đảo mà cư dân phía Nam thường tôn thờ (vốn có nguồn gốc từ người Chăm). Cũng có thể đấy là đền thờ Thủy Long Thánh Phi, một nữ thần sông nước, có hai người con là Cậu và “Bà” Cậu là những vị thần cai quản các hải đảo hoặc cù lao ven sông ven biển.
Hiện nay, ở Côn Đảo vẫn còn một cái am nhỏ gọi là miếu Cậu mà người ta gán cho là đền thờ hoàng tử Cải. Nhưng đây là những phỏng đoán ban đầu, vì miếu Bà nguyên thủy đã bị ngôi miếu mới “chồng lên” từ năm 1958 để thờ bà Phi Yến. Các hoành phi câu đối mới chỉ ca ngợi đức bà chung chung, không đưa lại thông tin gì cho nhận định trên, mặc dù bức hoành phi Hán tự An Sơn miếu sơn son thếp vàng vẫn còn treo trước chính điện.
Có một thực tế là ở Côn Đảo còn lưu truyền nhiều chuyện kể dân gian. Mỗi đỉnh núi, mỗi hòn đảo, mỗi địa danh, mỗi vùng biển, mõm đá… đều có sự tích. Theo tìm hiểu bước đầu của chúng tôi, hầu hết những câu chuyện đó đã ra đời trong thời kỳ Côn Đảo là nhà tù. Đó là câu chuyện của những người tù. Họ đã sáng tác ra chúng trong những tháng ngày bị đày ải để bày tỏ tinh thần lạc quan yêu đời và đôi khi gửi gắm tình cảm yêu nước, căm thù giặc…
Trở lại với truyền thuyết trên có vài điều để suy ngẫm. Câu chuyện có nhiều mâu thuẫn và thiếu lôgic. Nhưng người ta cứ tuyên truyền mỗi khi cần giới thiệu về Côn Đảo như đó là một cách để thỏa mãn việc kết tội Nguyễn Ánh.
Nguyễn Ánh được xem là một người khôn ngoan, tài trí. Dù bao phen phiêu bạt chân trời góc biển vẫn một lòng vì cơ nghiệp tổ tông. Ông biết chọn người, dùng người và giàu lòng thương quân sĩ; chí hiếu với mẹ, chí tình với vợ và rất yêu thương con cháu. Điều này không phải nghe theo một chiều từ ghi chép của Thế phả tộc Nguyễn mà người ta có thể cảm nhận được trong những ngày Nguyễn Ánh 17, 18 tuổi bôn ba trên đất Gia Định.
Giết vợ, vứt con mới 4 tuổi xuống biển đáng sợ hơn cả hổ dữ theo như câu chuyện trên làm sao thu phục nhân tâm, nhất là trong cơn biến loạn bị truy đuổi liên tục để dựng nghiệp đế vương như Nguyễn Ánh đã quyết tâm và làm được? Sự nhầm lẫn địa danh của các sử gia nhà Nguyễn đã tạo chỗ dựa cho một truyền thuyết tai hại, không lấy gì làm dễ chịu về vị vua yêu quý của họ. Các sử gia đâu biết rằng sự sai lầm đó, sau này, một lần nữa (và có thể mãi mãi) đã “giết chết” Nguyễn Ánh trên một hòn đảo đau thương nơi tận cùng đất nước?
Đảo Côn Lôn là một hòn đảo đặc biệt trong số các hòn đảo của Việt Nam. Từ năm 1862, những người dân chài ở đây đã phải ra đi sau hơn 100 năm xây dựng làng xóm để nhường chỗ cho nhà tù. Lịch sử tồn tại 113 năm của nhà tù thực dân đã phủ che lớp văn hóa dân gian hiếm hoi trên đảo để viết nên những câu chuyện khác. Những câu chuyện của nhà tù, của người tù có thể đã khác xa những câu chuyện dân gian của người đánh cá. Câu chuyện về bà Phi Yến là một truyền thuyết lịch sử, nhưng lại quá xa lạ với sự thật lịch sử đã phủ che lớp văn hóa dân gian hiếm hoi của Côn Đảo không biết còn tồn tại đến bao giờ?
Theo Dân Việt