HỎI: Tôi được tặng một mặt dây chuyền an lạc có hình Phật (kỷ vật lễ Phật đản Vesak 2019 tại Hà Nam, Việt Nam) rất đẹp. Tôi muốn đeo nhưng có người khuyên tôi nên mang mặt dây chuyền ấy đến chùa, nhờ quý Tăng (Ni) gia trì, chú nguyện cho rồi hãy đeo. Có người khác nói không cần, mình đeo luôn cũng được. Xin quý Báo giải đáp giúp tôi ý kiến nào đúng?
(HOÀI AN, hoaianbk0205@gmail.com)
|
Ảnh minh họa. |
ĐÁP: Bạn Hoài An thân mến!
Trước khi đeo các mặt dây chuyền có hình Phật, Bồ-tát một số Phật tử thường nhờ chư Tăng (Ni) gia trì chú nguyện (tẩy tịnh, thỉnh Phật nhập tượng), sau đó mới đeo. Quan niệm này dựa trên tinh thần của lễ An vị (miền Nam) hay lễ Hô thần nhập tượng (miền Bắc), thỉnh một trong vô lượng hóa thân Phật, Bồ-tát nhập tượng, quang giáng đạo tràng, chứng minh công đức.
Theo đó, một pho tượng hay bức tranh Phật, Bồ-tát nếu chưa được an vị hay hô thần nhập tượng thì chỉ là sản phẩm tranh tượng. Sau khi làm lễ, được sự gia trì của chư Tăng (Ni) thì tranh tượng ấy chính là một trong những hóa thân Phật, Bồ-tát. Bấy giờ, phụng thờ, lễ bái, công phu mới nhận được sự chứng minh, gia hộ của các Ngài.
Những Phật tử theo quan niệm này thì nhất nhất phải gửi mặt dây chuyền lên chùa chú nguyện rồi mới đeo. Chư Tăng (Ni) lấy sự gia trì chú nguyện làm phương tiện gieo trồng tín tâm khiến cho Phật tử tin sâu Tam bảo, được Tam bảo che chở và gia hộ cho vạn sự cát tường. Điều này trợ duyên rất nhiều cho hàng Phật tử trong việc sống đúng Chánh pháp, tâm hạnh trở nên tốt đẹp và hiền thiện hơn.
Ngược lại, một số Phật tử khác tâm niệm việc đeo hình Phật, Bồ-tát vì tôn kính và để răn mình học theo công hạnh của các Ngài, làm lành tránh ác. Do đó, những vị này tự đeo dây chuyền mà không nhờ chư Tăng (Ni) chú nguyện, điều này cũng không có gì sai.
Chúc các bạn tinh tấn!
Theo Giác Ngộ