Chuyện về người tình bí mật cuối cùng của trùm phát xít Mussolini

Google News

Mặc dù có nhiều tình nhân nhưng độc tài phát xít Italy Benito Mussolini thực sự chỉ quan tâm tới một người, đó là Claretta Petacci, một cô gái thần tượng ông ta từ khi còn đi học.

Cuộc gặp định mệnh
Câu chuyện bắt đầu như một tiểu thuyết lãng mạn. Vào một ngày mùa xuân đẹp trời ở Rome tháng 4-1932, cô gái 20 tuổi Claretta Petacci và vị hôn phu, một trung úy quân đội, lên chiếc limousine để đi nghỉ ở bãi biển. Ngồi ở hàng ghế đằng sau là cô em gái 9 tuổi Myriam của Claretta.
Con đường tới bờ biển là một đường cao tốc hiện đại, được xây dựng theo yêu cầu của độc tài phát xít Italy, Thủ tướng Benito Mussolini. Khi 49 tuổi, Mussolini đang ở đỉnh cao quyền lực, được người Italy sùng kính, gọi là Il Duce, được các lãnh đạo khắp thế giới chào đón. Thủ tướng Anh Winston Churchill gọi Mussolini là "thiên tài La Mã", thậm chí anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi cũng ca ngợi "tình yêu nhiệt thành dành cho nhân dân" của Mussolini.
Vào ngày mà Claretta đi nghỉ cùng vị hôn phu, Mussolini cũng đang trên chiếc xe Alfa Romeo 8C màu đỏ nhạt lăn bánh dưới ánh mặt trời ở Via del Mare. Tới gần Ostia, chiếc ô tô của Mussolini liều lĩnh vượt chiếc limousine, còi xe kêu inh ỏi. Cô gái trẻ ngồi trong xe mỉm cười và vẫy tay. Trong một khoảnh khắc, Mussolini nhìn vào mắt cô gái và mê mệt.
Chuyen ve nguoi tinh bi mat cuoi cung cua trum phat xit Mussolini
Claretta thần tượng Mussolini từ bé. 
Đáp xe vào lề đường, trùm phát xít Mussolini ra tín hiệu cho chiếc limousine dừng lại. Claretta nhận ra Mussolini ngay lập tức và vội vã ra khỏi xe. Cô nói với vị hôn phu: "Em sẽ tới tỏ lòng kính trọng với ông ấy. Em đã đợi điều này lâu rồi".
Lần gặp gỡ và cảm xúc đầu tiên định mệnh ấy kéo theo một mối tình cuồng nhiệt nhưng bi đát giữa Mussolini và Claretta. Cuộc gặp đã được kể lại trong cuốn tiểu sử mới về Claretta Petacci của sử gia Richard Bosworth.
Claretta đã mê đắm Mussolini nhiều năm trời, kể từ khi Mussolini bị ám sát hụt năm 1926. Khi đó, Claretta là một nữ sinh 14 tuổi, rất tức giận khi nghe tin về vụ ám sát và đã viết một bức thư cho Mussolini: "Giá như em ở với ngài lúc đó. Em có thể đã bóp nghẹt mụ đàn bà giết người đó". Cô còn nói rằng cô mơ thấy mình ngả đầu lên ngực Mussolini để có thể "nghe thấy nhịp đập trái tim vĩ đại của ngài" và thốt lên "Duce, cuộc sống của em là vì ngài". Với cuộc gặp mặt đầu tiên, giấc mơ thời nhỏ dường như sắp thành hiện thực.
"Sát gái"
Claretta không phải là người đầu tiên chết mê chết mệt Mussolini. Nhiều phụ nữ cảm thấy Mussolini là người không thể cưỡng lại nổi. Năm 1926, bà Clementine, vợ ông Churchill, đã viết thư cho chồng nói rằng Mussolini là người "ấn tượng nhất: rất tôn quý, với nụ cười quyến rũ, đôi mắt sắc sảo vàng nâu đẹp nhất mà anh có thể thấy nhưng không thể nhìn. Ông ta khiến anh tràn ngập nỗi kính sợ thích thú".
Tuy nhiên, cách Mussolini đối xử với phụ nữ rất kinh khủng. Sinh năm 1883 ở thành phố Predappio miền bắc Italy, Mussolini là con trai một thợ rèn theo chủ nghĩa xã hội. Khi còn tuổi thiếu niên, Mussolini là một khách quen ở nhà thổ. Sau này, người ta nói rằng để có thể kích thích, hắn phải tưởng tượng người phụ nữ trên giường mình là một gái điếm.
Chuyen ve nguoi tinh bi mat cuoi cung cua trum phat xit Mussolini-Hinh-2
Thi thể Mussolini và người tình bị treo ngược. 
Mussolini là người có nhu cầu tình dục rất lớn và với một người như vậy, ngủ với một phụ nữ tức là cưỡng hiếp. Theo một vài luồng thông tin, Mussolini cần tới 4 phụ nữ mỗi ngày và có lúc có tới hơn chục người tình một lúc.
Sau khi lên nắm quyền năm 1922, nhân viên của Mussolini được lệnh rà soát thư của những người phụ nữ hâm mộ, phần lớn là phụ nữ đã có chồng, và chọn ra những ứng cử viên tình dục từ đó. Mussolini luôn nhận được vô số bức thư gạ gẫm như vậy qua bưu điện mỗi ngày.
Vài người được chọn sẽ được mời tới văn phòng của Mussolini và được đưa đi "tiếp" ông chủ của nó. Mỗi cuộc "tiếp" như vậy hiếm khi dài hơn 5 phút và Mussolini thường không quan tâm tới cảm giác của đối tác. Mussolini thích phụ nữ thuộc tầng lớp thấp hơn có lẽ vì cảm thấy sợ những phụ nữ quyền lực. Khi con gái Vua Italy là Công chúa Maria Jose tìm cách quyến rũ Mussolini trong một phòng tắm ở bể bơi tại Rome, trút bỏ quần áo trước mặt, ông ta thừa nhận rằng đã không có cảm hứng gì.
Người tình cuối cùng
Claretta Petacci, một cô gái xuất thân từ một gia đình nhiều mối quan hệ, lại là một kiểu khác. Cô gái này tôn thờ Mussolini nhưng không ngay lập tức sẵn sàng cho quan hệ xác thịt và là một trải nghiệm lạ lẫm.
Mussolini, lúc đó đã kết hôn và có 5 con, đã mời Claretta tới thăm tư dinh của mình là Palazzo Venezia bằng cầu thang phía sau. Em gái Claretta là Myriam được đưa đi cùng. Họ trò chuyện về thể thao, thơ ca khi gặp mặt. Claretta nói rằng cô muốn làm điệp viên hoặc một ngôi sao điện ảnh.
Sau đó, Mussolini bắt đầu gọi điện cho Claretta tới cả chục lần mỗi ngày. Mussolini mời mẹ cô là bà Giuseppina Petacci tới văn phòng và hỏi: "Con gái bà có thuần khiết không? Hãy giám sát cô ta… Bất kỳ ai có đặc ân được gần Mussolini không thể có bạn trai".
Cuối cùng, Mussolini xin phép bà Giuseppina cho mình làm người tình của Claretta. Bà mẹ đáp: "Được. Việc con bé sẽ được gần một người như ông khiến tôi thấy rất bằng lòng".
Bà Giuseppina rất hợp tác trong mối quan hệ này. Bà đã mời Mussolini tới nhà ngủ qua đêm trong tòa biệt thự hiện đại 32 phòng của gia đình ở ngoại ô phía bắc Rome. Mussolini ở trong phòng ngủ trang trí màu hồng của Claretta. Đây là căn phòng mà cả chiếc điện thoại cũng đồng màu với bộ váy ngủ lụa yêu thích của cô con gái. Bà Giuseppina cho lắp những chiếc gương lớn trên tường và trần nhà để tăng hưng phấn cho Mussolini và con gái.
Tuy nhiên, Claretta là gái chưa chồng nên "tình bạn" của cô với một người đàn ông có vợ không thể được công khai nhằm tránh bê bối. Vì thế, Mussolini hài lòng khi Claretta lấy vị hôn phu Federici năm 1934. Sau kỳ trăng mật ở Venice, Claretta về Rome trong vòng tay của người tình.
Mussolini đối xử với Claretta đầy thú tính. Có lần, kẻ cuồng dục để lại trên vai cô một vết cắn sâu, có lần lại cắn rách tai cô. Mussolini nói với cô: "Anh mất kiểm soát… Anh là một con thú hoang". Đáp lại, Claretta phỉnh nịnh người tình là "tình yêu vĩ đại, hiếu chiến như sư tử".
Hiện vẫn không rõ Rachele, người vợ của Mussolini, đã hành động gì với việc chồng ngoại tình. Năm 1910, bà sinh cho Mussolini cô con gái Edda ngoài giá thú. Bốn năm sau, Mussolini bỏ bà để cưới người đẹp Ida Dalser hơn mình ba tuổi.
Họ có một con trai năm sau nhưng cuộc hôn nhân tan rã. Ida dọa sẽ làm tiêu tan hi vọng chính trị của ông chồng tham vọng bằng cách phơi bày các giao dịch tài chính của Mussolini. Mussolini đáp lại bằng cách buộc cho Ida bị tuyên bố là điên và nhốt vào nhà thương điên cho tới khi chết 20 năm sau đó. Con trai Benito của họ cũng bị cách ly.
Sau khi hủy cuộc hôn nhân, Mussolini quay lại với Rachel và họ kết hôn tháng 12/1915. Rachel biết về nhu cầu tình dục của chồng với hàng chục phụ nữ. Mussolini cho vợ đọc những bức thư phụ nữ cầu xin gặp mình và bà coi thường họ. Nhưng chuyện với Claretta không phải dễ bỏ qua.
Cuối năm 1939, Mussolini phái chồng của Claretta tới Tokyo, Nhật Bản làm tùy viên không quân. Giờ khi Claretta đã là người tình của mình nhưng Mussolini bị ám ảnh bởi ý nghĩ cô ở với những người đàn ông khác. Khi hắn nghi ngờ cô trở nên quá thân thiết với một người bạn, hắn nổi cơn thịnh nộ và dọa cắt cổ cô hoặc tống cô vào nhà thương điên: "Tôi sẽ giết cô như một con bò".
Nhưng Mussolini lại tự coi mình được quyền tự do có nhiều người tình, trong số đó có một nhà báo Pháp là nữ Bá tước Magda Fontanges - người hay mặc áo lông cáo bạc và đi giày da linh dương. Claretta lại có sở thích nghe kể chi tiết về các cuộc vui của Mussolini với những phụ nữ khác.
Trong khi Mussolini kể với Claretta thì Magda Fontanges lại viết về cuộc vui với Mussolini để đăng lên tờ báo tiếng Pháp Le Matin, kể rằng Mussolini nóng vội đến mức xé toạc quần áo bà và xong việc nhanh tới mức bà chưa kịp nhận ra. Bài báo gây ồn ào đến mức bà bị sa thải.
Cái kết bi thảm
Khi châu Âu đang trên bờ vực chiến tranh, tình dục không còn là động lực trong cuộc sống của Mussolini nữa. Sự nổi lên của Đế chế Thứ ba tại Đức đã khiến quan hệ của nước Ý với trùm phát xít Đức Adolf Hitler thay đổi. Một thời, Mussolini từng là người thâu tóm mọi quyền lực. Năm 1934, chiến tranh giữa hai nước suýt nữa đã xảy ra sau khi Hitler không tuân theo ý muốn của Mussolini và định sát nhập Áo. Giờ đây, chính Hilter lại là người mà Mussolini tìm cách làm hài lòng.
Chuyen ve nguoi tinh bi mat cuoi cung cua trum phat xit Mussolini-Hinh-3
Hitler (trái) và Mussolini. 
Vì thế, Mussolini bắt đầu hành quyết người Do Thái ở Italy. Tháng 6-1940, khi Pháp sắp thất thủ, Italy tham chiến cùng phe với phát xít Đức. Sau khi Mỹ tham chiến năm 1941, vận may của Mussolini mới bắt đầu cạn.
Italy khốn cùng giữa vòng kìm kẹp của quân Đồng minh và binh sĩ Italy đã bị đánh bật. Khi quân Đồng minh bắt đầu vào châu Âu qua Sicily tháng 7-1943, Mussolini đã gặp Vua Italy Victor Emmanuel cứ hai tuần một lần. Vua Italy nói với kẻ độc tài: "Không còn có ích gì nữa. Italy đã vụn ra từng mảnh. Ông là người bị căm ghét nhất Italy".
Ngày hôm sau, Mussolini bị cách chức và bị bảo vệ vũ trang quản thúc tại nhà cho đến tháng 9 - thời điểm mà những nịnh nọt của ông ta dành cho Hilter đã được báo đáp. Một nhóm lực lượng vũ trang phát xít Đức đã được cử đi để giải cứu Mussolini. Mussolini đón họ trong nước mắt: "Tôi biết anh bạn Adolf của tôi sẽ không bỏ rơi tôi".
Hitler dựng Mussolini thành người đứng đầu bù nhìn của miền bắc Italy đang bị Đức chiếm đóng. Mussolini đưa các tình nhân từ Rome đến. Tuy nhiên, tháng 4/1945, khi quân Đồng minh tiến sát, Mussolini và Claretta quyết định trốn sang nước trung lập Thụy Sĩ.
Gần hồ Como, dân quân kháng chiến Italy đã chặn chiếc xe tải chở Mussolini lúc đó đang cải trang trong một bộ đồng phục Không quân Đức và ôm một va li tiền, trốn trong một đống chăn. Trong xe tải tiếp theo, họ tìm thấy Claretta đang kinh sợ.
Cặp đôi được đưa tới làng Mezzegra - nơi mà vào ngày 27-4-1945, hai ngày trước khi Hitler tự sát, án tử hình đã nhanh chóng được ban cho cả hai. Khi trưởng đội dân quân kháng chiến giơ khẩu súng lên, Claretta, vẫn tận tụy đến phút cuối, đã ôm ngang người Mussolini và hét: "Không! Anh ấy không được chết".
Viên đạn đầu tiên giết chết Claretta ngay lập tức. Khẩu súng bị kẹt và viên đạn thứ hai chỉ làm Mussolini bị thương. Mussolini vạch áo và xin họ kết liễu đời hắn. Họ đã bắn Mussolini vào giữa ngực.
Hai thi thể được đưa tới Piazzale Loreto ở Milan, bị đánh đập và treo ngược bằng mắt cá chân trên một lan can gỉ sét ở một trạm bơm xăng Esso. Claretta không mặc quần lót khi chết. Để che chắn cho cô, một phụ nữ lớn tuổi trong đám đông đã buộc váy của cô giữa hai chân trước khi cô bị treo lên như một miếng thịt, cạnh thi thể người tình.
Theo Minh Nhật/ CAND