Lê Văn Hưng người thôn Kiên Đông, huyện Bình Khê (Bình Định) từ nhỏ đã có tiếng là nghĩa khí, khi trưởng thành là một thanh niên đẹp trai, hào hoa, ưa ca hát, thích xem hát bội lại rất giỏi võ nghệ. Tuy nhiên, bản tính ngang tàng, phóng khoáng, giao du rộng lại nhiều đàn em, do đó Lê Văn Hưng thường xuyên tổ chức các vụ cướp bóc, sống ngoài vòng pháp luật, bị quan quân truy lùng.
Một thời gian Lê Văn Hưng lang thang, phiêu bạt rồi vào làm cho một nhà họ Dương ở huyện Tuy Viễn, tại đây tình cờ làm quen và trở nên thân thiết với cô hầu gái tên là Ngọc Bích, là người mặt hoa da phấn, xinh đẹp, vui vẻ, duyên dáng. Tình cảm của họ ngày một gắn kết. Lê Văn Hưng có tặng cho nàng một chiếc nhẫn đính ước, hẹn ngày trở thành vợ chồng.
Khi quân Tây Sơn khởi nghĩa, Lê Văn Hưng quyết định tham gia, trước khi lên đường đã tìm gặp Ngọc Bích nhắn nhủ, hứa bao giờ thành đạt sẽ trở về đón và cưới nàng làm vợ. Khi Ngọc Bích hỏi phải chờ đến bao lâu thì sẽ gặp lại, Lê Văn Hưng hẹn 5 năm sau hai người hội ngộ, quyết không sai lời thề ước.
Thế là từ đó Ngọc Bích ở lại Tuy Viễn chờ đợi, ngóng trông Lê Văn Hưng quay về, nhưng tháng năm trôi qua mà người vẫn bặt vô âm tín. Còn Lê Văn Hưng từ khi vào Tây Sơn, được đầu quân dưới trướng của Nguyễn Huệ, từ đó chinh chiến vào Nam ra Bắc rất vất vả, gian lao nay đây mai đó, lập nhiều chiến công dần đến chức Đô đốc.
Ngày hẹn chót của năm thứ 5 với Ngọc Bích chính là thời điểm Lê Văn Hưng theo đại quân ra Bắc đại phá quân Mãn Thanh xâm lược trong đầu xuân năm Kỷ Dậu (1789). Chính vì bận việc quân quan trọng như thế nên Lê Văn Hưng không trở về Tuy Viễn với người mình yêu như đã hẹn.
Cho rằng trên bước đường sương gió, Lê Văn Hưng đã không may gặp nạn chết từ lúc nào không rõ, bởi thế mới không về như đã hẹn. Trong tâm trạng nhớ nhung, đau khổ đến tột cùng, Ngọc Bích nhịn ăn mà chết. Khi theo vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) về Tuy Viễn, Lê Văn Hưng đi theo, nhớ đến người cũ, vị dũng tướng vội vã đến ngay nhà họ Dương, thế nhưng nghe chuyện về Ngọc Bích mà như sét đánh ngang tai, thương xót vô cùng. Đến bên mộ người yêu, Lê Văn Hưng vật vã khóc than, tướng sĩ ai nấy cũng cảm động rơi nước mắt.
|
Vị dũng tướng và người đẹp. Hình minh họa – Nguồn: Đại Việt cổ phong. |
Vì có nhiều công lao, dũng tướng Lê Văn Hưng được triều đình phong làm Đốc trấn Diên Khánh. Bấy giờ có rất nhiều người muốn gả con cháu cho ông làm vợ, nhưng vì không nguôi nhớ Ngọc Bích nên Lê Văn Hưng đều từ chối. Một đêm khi đang đọc sách, gió mát hiu hiu khiến ông thiếp đi, trong giấc mộng Lê Văn Hưng thấy Ngọc Bích đến nói rằng có số phận không thể thành vợ chồng nhưng hẹn sau sẽ gặp lại để báo đền, trả món nợ ân tình.
Quả nhiên hơn 10 năm sau, vào dịp cuối năm, khi đang làm quan ở kinh đô Phú Xuân, có một thương gia mở tiệc mời Lê Văn Hưng dự. Trong buổi tiệc, biết ông thích nghe ca hát nên thương gia có mời một đoàn hát đến góp vui. Trong lúc uống rượu, bỗng Lê Văn Hưng nghe tiếng xênh phách rồi một giọng ca trong trẻo, ngọt ngào cất lời:
Duyên tao ngộ,
Hội trùng phùng.
Vũ trụ vần xoay, năm tháng hẹp.
Mai vàng tươi tốt,
Giọng hát bổng trầm.
Mừng gặp bạn tri âm,
Lời xưa còn nhớ.
Chỉ biển thề non,
Một lòng vàng đá.
Thương nhớ héo hon,
Ai người quân tử ham chốn vàng son?
Lê Văn Hưng giật mình vì giọng hát thấy rất quen, khi ngước nhìn trông thấy cô đào hát có khuôn mặt giống Ngọc Bích đến lạ thường. Đang trong men say mà vị tướng thảng thốt như bừng tỉnh rồi chăm chú lắng nghe, quan sát. Khi canh hát kết thúc, Lê Văn Hưng vội đến thưởng tiền, rót rượu mời cung văn và cô đào cùng cạn chén sau đó hỏi tên cô gái.
Nghe người đào hát nói tên là Ngọc Bích, vị dũng tướng triều Tây Sơn lấy làm lạ, chợt nhớ đến giấc mộng năm xưa, ông khấp khởi mừng thầm cho là điềm ứng nghiệm. Sau đó Lê Văn Hưng cho người dò tìm chỗ gánh hát, ông lại cho người mang tiền đến xin chuộc Ngọc Bích, lại cậy nhờ bà mối. Thế rồi tiệc cưới của họ diễn ra vào ngày mồng 5 tháng Giêng năm ấy, đám cưới rất đông vui, ai cũng cho là duyên kỳ ngộ, và điều đặc biệt hơn là trên một ngón tay của cô dâu có vết hằn sâu như vết một chiếc nhẫn.
Bấy giờ có kẻ ghen ghét, cho rằng Lê Văn Hưng là quan chức lớn trong triều mà lại đi lấy con hát làm vợ, thật không xứng. Có người biết chuyện nói lại với ông, nghe xong Lê Văn Hưng chỉ cười vang.
Lê Thái Dũng