Từ xẩm tối, mấy người dân chài đã vô tình thấy gần bờ biển xuất hiện một đoàn thuyền sơn son thiếp vàng. Trên thuyền văng vẳng tiếng nhạc trầm bổng cùng sóng nước, quân lính, người hầu gái đi lại tấp nập, thuyền nọ nối đuôi thuyền kia nhẹ lướt về Nam.
Đó là một đêm sáng trăng cuối thu năm 1306, đoàn thuyền đi đến vùng biển Cửa Hội (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh). Trên bờ, một viên tướng khoác áo choàng xanh, đeo kiếm dát bạc, mắt xa xăm dõi về hướng đoàn thuyền.
Ông cưỡi ngựa trắng phi nước kiệu, bám sát là 18 người gồm cả gia tướng và thân binh phi ngựa theo. Đoàn thuyền đó chở công chúa Huyền Trân cùng nhiều của hồi môn hướng đích là đất nước Chiêm Thành, còn viên tướng si tình đi theo tiễn biệt chính là Trần Khắc Chung.
Căn nguyên sự việc xuất phát từ năm 1301, khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông (nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông) nhận lời mời của quốc vương Chiêm Thành tới thăm kinh đô Đồ Bàn.
Thượng hoàng được quốc vương nước này là Chế Mân tiếp đãi trọng thị, lưu lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Trước khi chia tay, Thượng hoàng vui vẻ hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, mặc dù biết Chế Mân đã có chính thất là vương hậu Tapasi, người đảo Java (Indonesia ngày nay).
Về sau, nghe tả hữu bẩm công chúa Huyền Trân xinh đẹp, nhà Trần đang thịnh, kết thông gia rất lợi, nên Chế Mân nhiều lần cử sứ giả sang Thăng Long hỏi việc hôn lễ.
Nhiều người trong hoàng thất và quan lại nhà Trần phản đối, kể cả vua Trần Anh Tông vì thương em gái cũng không đồng ý, chỉ có Văn Túc vương Trần Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung cho rằng nên giữ lời hứa với nước láng giềng.
Trần Đạo Tái là con trai Chiêu minh vương Trần Quang Khải đương thời được coi là tuổi trẻ tài cao, có tầm nhìn vì đại cục, còn Khắc Chung vốn họ Đỗ nhờ lanh trí, có tài biện thuyết đi gặp tướng Nguyên không nhục mệnh nên năm 1289, được vua Trần Nhân Tông khen thưởng, ban quốc tính họ Trần, tuy nhiên có nhiều người chê bai Chung.
Họ cho rằng, Trần Khắc Chung là người hay tỏ vẻ ta đây, cố làm chuyện khác thường để gây sự chú ý từ các chị em công chúa, hoàng phi. Khắc Chung có để mắt tới công chúa Huyền Trân, nhưng do địa vị chênh lệch, Chung có vợ và mang tiếng thị phi không ít nên Huyền Trân cũng không chú ý nhiều.
Tháng 6/1306, Chế Mân dâng đất hai châu Ô, Rý (còn gọi là Lý) làm sính lễ, triều đình thấy cương thổ được thêm, khi bàn luận số đông đều tán thành hôn sự của công chúa Huyền Trân. Sau mấy ngày suy nghĩ, Thượng hoàng cũng nhẹ nhàng nói vun vào, vua Trần Anh Tông mới đồng ý gả công chúa cho Chế Mân.
Người ta tưởng rằng thuyền công chúa phải đi vào giữa đoàn để dễ bảo vệ hay đi gần đầu đoàn vì đây là đến nhà chồng cơ mà, nhưng thực tế công chúa hết đứng lại ngồi cạnh cửa sổ mé phải mạn thuyền gần cuối đoàn để quan sát nhóm binh gia do Khắc Chung đi tiễn nàng.
Nàng không muốn đi nhanh, và nếu không phải đi nữa thì càng tốt, nàng mơ ước được dừng lại bên bờ để chuyện trò với Trần Khắc Chung. Dù sao tâm lý của người con gái mới lớn về nhà chồng (ở xứ sở khác) có nhiều phức cảm, Huyền Trân cũng hiếu kỳ, không hiểu viên tướng Khắc Chung kia tiễn mình bởi lý do gì?
Người ta truyền lại rằng: Công chúa rất đẹp, tóc dài, da trắng mịn, chân dài. Nổi bật là cặp mắt buồn, đen, sâu thẳm nằm trên khuôn mặt màu hoa đào (người xưa gọi là "đào quang diện").
Nàng gặp Trần Khắc Chung vài lần trong các nghi lễ hoàng gia, và Huyền Trân có chút kính nể Khắc Chung khi đức vua, Thượng hoàng giới thiệu ngắn gọn về Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung (được phong năm 1301) như sau: Các khanh thấy đấy, nếu đánh nhau với giặc Nguyên Mông, các tướng ai cũng dũng cảm, mưu trí như Trần Khắc Chung của ta thì chắc là bọn chúng không dám sang dòm ngó Đại Việt.
Sau lần đó công chúa Huyền Trân và Trần Khắc Chung có cảm tình với nhau hơn... Khắc Chung cũng không hiểu vì sao mình lại ủng hộ việc gả công chúa vào Chiêm Thành, có người bảo ông xu thời.
Trở lại năm định mệnh 1306 ấy, khi Huyền Trân chính thức được gả cho vua Chiêm là Chế Mân, Khắc Chung mới thấy tiếc nuối và ông đã theo đoàn thuyền rước dâu vào tận Hà Tĩnh.
Khi vầng trăng cuối thu bị một đám mây che bớt ánh sáng, Trần Khắc Chung xuống thuyền nhẹ áp vào thuyền lớn rồi bước nhanh lên thuyền, Huyền Trân đã chờ sẵn, trăng mờ vì mây nhưng viên tướng vẫn thấy những giọt nước mắt rơi trên đôi má ửng đỏ của người thiếu nữ 18 xuân xanh, có lẽ vì buồn, lo, hồi hộp, xấu hổ.
Dù không có ai đến gần họ, hai người không dám bộc lộ tình cảm của mình lộ liễu, Khắc Chung cất giọng trầm buồn: "Xin công chúa hãy bảo trọng, đây lại Cửa Hội, nên thần và công chúa mới có duyên tụ hội ở đây và biết đâu khó có lần gặp lại".
Khắc Chung hạ thấp giọng và để tay lên ngực mình: "Rồi đây cách xa ngàn dặm, nhưng hình công chúa sẽ luôn ở chỗ này". Công chúa chỉ gật đầu luôn mấy cái, rồi lui bước. Khắc Chung lên bờ, sau khi căn dặn quan lại sở tại mọi việc, ông lầm lũi dẫn đoàn tùy tùng phi ngựa về kinh thành ngay trong đêm.
Còn công chúa phải thực hiện cuộc hôn nhân chính trị ở nơi xa xôi thì vô cùng buồn bã, tương truyền nàng đã tức cảnh viết nên bài ca "Nước non ngàn dặm" (Sau có soạn giả phổ nhạc theo điệu Nam Bình):
Nước non ngàn dặm ra đi...
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Lý.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?...
Sau khi Huyền Trân về đến nhà chồng, quan dân Châu Ái (Thanh Hóa), Châu Hoan (Nghệ An) được phép vào tiếp nhận đất dẫn cưới của vua Chiêm là Châu Ô và Chân Lý (được nhà Trần đổi thành Châu Thuận và Hóa). Làm vợ vua Chiêm 11 tháng, Huyền Trân sinh hạ được hoàng tử thì vua Chiêm mất (tháng 5/1307).
Không hiểu ai đưa tin rằng theo phong tục Chiêm Thành, hoàng hậu chính thất và cả vương hậu khác phải được hỏa thiêu để xuống âm phủ hầu hạ vua. Tin cấp báo truyền về Thăng Long, vua Trần Minh Tông vừa xót thương vừa lo cho số phận em gái vội kíp truyền quan nhập nội hành khiểu, thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung dẫn đầu phái bộ sứ giả vào viếng để tìm cách cứu Huyền Trân.
Thuyền gặp gió thuận, Khắc Chung đốc thúc đi suốt ngày đêm đến tháng 10/1307 thì đến kinh đô Chiêm. Khắc Chung nói với triều đình Chiêm Thành rằng: Lúc này vẫn là thời gian lập đàn chay cúng tế vua Chế Mân, vương hậu là người Đại Việt, hãy để công chúa được thắp hương bái vọng báo cho tổ tiên việc tang chồng.
Nếu phong tục Chiêm cho phép cả hoàng hậu chính thất và vương hậu đều có vinh dự được hỏa táng theo quốc vương, thì trước hết hãy mời vương hậu ra bờ biển hướng về phía chân trời làm lễ chiêu hồn, đón linh hồn vua Chiêm về tận đàn chay cho trọn nghĩa, rồi hỏa thiêu vương hậu.
Triều đình Chiêm Thành đồng ý, thế là Khắc Chung mang thuyền nhẹ đón công chúa lên rồi hô tướng sĩ chèo nhanh ra khơi, đến khi người Chiêm phát hiện thì đoàn thuyền đã đi ra ngoài tầm kiểm soát.
Có sách chép: Trên thuyền riêng của Khắc Chung đầu tiên hai người còn giữ lễ đôi chút, sau đó mặc sức yêu nhau nồng nàn.
Cuộc tình kỳ lạ này và đoàn thuyền lênh đênh trên biển 10 tháng mới chịu cập bến ở kinh thành Thăng Long và buộc phải chấm dứt do phép tắc triều đình và lễ giáo phong kiến thời đó.
Cùng năm ấy (1308), Thượng hoàng Trần Nhân Tông, vua cha của Huyền Trân mất, vua Trần Anh Tông (anh cả của công chúa) thương em gái út nên bề ngoài không trách mắng Khắc Chung và Huyền Trân. Nhưng vua ngầm sai nội thị truyền chỉ cấm hai người không được phép gặp gỡ nhau nữa.
Vua Anh Tông có tìm cho Huyền Trân vài đám nhưng nàng không chịu lấy ai mà sống bằng hồi tưởng kỷ niệm. Trần Khắc Chung đa tình thuở nào do bận tham dự các mưu đồ chính trị để tuổi tác trôi theo năm tháng.
Về tình cảm ông chẳng mặn mà với ai, kể cả phu nhân chính thức. Thỉnh thoảng gặp lại Huyền Trân trong những dịp hiếm hoi, Khắc Chung thở dài, nhìn nhanh sang Huyền Trân, còn trên khuôn mặt hồng của nàng má lại hơi đỏ lên, nàng nhìn xuống, không nói gì.
Theo PV/ Giáo dục & Thời đại