TS Lê Viết Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh nói rằng, mỗi Thủy tổ đều có những tích truyện ly kỳ, thú vị gắn bó mật thiết với lịch sử nước Nam.
Gò đất thiêng đất Việt
Dễ đến mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội vua Hùng: Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.
Truyền thuyết cho rằng, đó là gò đất rồng gắn liền với vận số nước Nam, bởi mạch khí ấy hòa linh cốt Nam Bang Thủy Tổ.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết rằng: Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh gặp một nàng tiên, lấy nhau, sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, tự xưng là Kinh Dương Vương.
Kinh Dương Vương làm vua năm Nhâm Tuất (2879 TCN), lập nước lấy quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, đẻ ra Sùng Lãm.
Sau này Sùng Lãm kế vị, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ. Cứ theo truyền thuyết ấy, thì vua Hùng, là cháu nội Kinh Dương Vương. Sinh thời, Kinh Dương Vương đi kinh lý khắp núi cao, rừng sâu, biển xa nước Việt. Vương trông nom, gây dựng, mở mang, gìn giữ bờ cõi giang san.
Trên đường đi kinh lý, Ngài qua đất Phúc Khang (làng Á Lữ ngày nay) phát hiện ra thế đất quý tứ linh, lại có sông núi bao quanh, rồng chầu, hổ phục. Ngài đã đem những cư dân Việt cổ quy tụ về lập nên xóm làng đầu tiên.
Khi vua Kinh Dương Vương qua đời, thi hài được táng tại gò đất thiêng ven dòng sông Đuống. Người dân lập miếu thờ để con cháu đời đời ghi nhớ. Bởi thế ngôi đền Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ thờ cả tam vị Thánh Tổ.
TS Lê Viết Nga cho biết: “Hiện giới sử gia chưa xác định được ngôi đền thờ tam vị Thánh Tổ có từ bao giờ, chỉ biết được trùng tu, tôn tạo lại thời Lê - Trịnh. Sau đó, đến thời vua Gia Long, trùng tu lại đền Kinh Dương Vương. Năm 1940, vua Bảo Đại tôn tạo hai đại tự”.
Lăng và đền Thủy tổ Kinh Dương Vương cách nhau chừng vài trăm mét. Đền ở bên trong đê, còn lăng ở ngoài đê sông Đuống. Chưa ai rõ lăng được xây dựng thời nào nhưng vẫn còn tấm bia đá ghi 4 chữ nho: Kinh Dương Vương Lăng. Trên lăng còn 2 chữ Hán: Bất Vong - tức không bao giờ mất.
Các sắc phong đều công nhận Kinh Dương Vương là Thuỷ tổ nước Nam.
Ông tổ nghề dạy học
Cách lăng Kinh Dương Vương không xa là đền thờ Sĩ Nhiếp ở thôn Tam Á, xã Gia Đông - “ông tổ” của nghề dạy học nước Nam – Thái thú Sĩ Nhiếp. Hơn 1.700 năm đã trôi qua từ thời Tam quốc phân tranh, thì mộ Sĩ Nhiếp đến nay vẫn nằm yên giữa vùng đất kinh đô xưa – kinh đô Luy Lâu.
Với lịch sử hàng nghìn năm Bắc thuộc, dân nước Nam ít ai phục lòng quan quân phương Bắc, nhưng với Sĩ Nhiếp lại là một ngoại lệ. Như lời nhà sử học Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Sĩ Nhiếp độ lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là vương”.
Nhưng Sĩ Nhiếp là ai? Chỉ biết đó là một thái thú đất Giao Chỉ, chức quan ấy tựa như toàn quyền thời Pháp. Nhưng thử đi sâu trích ngang lý lịch của Sĩ Nhiếp mới thấy gia tộc ông gắn bó với đất Giao Chỉ thế nào.
Sĩ Nhiếp sinh năm 137, tuy là người gốc Hoa nhưng ông lại sinh ra trên đất Việt. Ông là hậu duệ đời thứ 7 của một viên quan người nước Lỗ thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Như vậy, lịch sử sau này không ghi rõ nhưng đến đời Sĩ Huy con trai Sĩ Nhiếp thì gia đình ông đã 8 đời an cư nơi đất Việt.
Ông dạy dân cày cấy, khai mở lập làng và giúp cho kinh đô Luy Lâu cả mấy chục năm phồn thịnh. Nhưng cái công lớn của Sĩ Nhiếp khi đương chức có lẽ là tài nội trị ngoại giao giúp cho Giao Chỉ không lầm cảnh chiến tranh tàn khốc giữa lúc ba nước tranh hùng.
Là thái thú thuộc nước Đông Ngô dưới quyền cai trị tối cao của Tôn Quyền, nhưng với dân Giao Chỉ thì Sĩ Nhiếp trở thành Vương. Cho nên sau này, khi biên sử kim sách, các nhà sử học nước ta đều gọi Sĩ Nhiếp là Sĩ Vương.
Mộ Thái thú Sĩ Nhiếp tại Tam Á (Thuận Thành).
“Đền thờ Sĩ Nhiếp ở Tam Á là một di tích cực kỳ quan trọng. Ẩn sau tam quan đền là cả một câu chuyện dài. Nhưng ở đây chúng ta không phải thờ Sĩ Nhiếp trong vai một thái thú mà với vai trò là một ông tổ của nghề dạy học”, TS Lê Viết Nga cho hay.
Tam quan đền thờ Sĩ Nhiếp, phía ngoài hướng vào nhìn chếch lên bên trên có bốn chữ Nho với nét bút lẫn cả lối chân lối khải. Bốn chữ là Nam Giao Học Tổ, đó là danh hiệu mà vua các triều đại của nước ta ban cho Sĩ Nhiếp qua 33 đạo sắc phong.
Sĩ Nhiếp đã tự tay dạy dân ta chữ Hán, sau này khi các Hán thần vì muốn lánh nạn cũng chạy xuống Giao Chỉ nương nhờ Sĩ Nhiếp. Nhiếp cho họ ăn ở và cũng nhờ những nho sĩ này truyền dạy chữ Hán cho người dân đất Việt.
Sĩ Nhiếp trở thành một người thầy lớn, một ông “đốc học” với công lao lập ra hàng chục làng nghề liên quan đến chữ nghĩa văn chương, như làng đúc đồng, canh cửi, làng tranh, làng chế mực viết và chùa Bình - nơi Sĩ Nhiếp dựng lên để ngày hội tụ lại bình văn thi thơ.
Dẫu việc gọi Sĩ Nhiếp là Nam Giao Học Tổ cho đến ngày nay còn nhiều tranh cãi, nhưng giới học giả nước ta đều công nhận công lao của Sĩ Nhiếp trong việc tạo tiền đề cho sự học của người dân nước Nam từ đó.
Người sinh ra Tứ Pháp
Tượng Phật mẫu Man Nương tại chùa Tổ (Bắc Ninh).
Với Phật tử xa gần, chùa Tổ Phúc Nghiêm tự không chỉ là “cái nôi” mà còn là thánh địa. Chùa thuộc làng Mèn, xã Hà Mãn. Từ lâu đời, chùa Tổ đã nổi tiếng với truyền thuyết về Phật mẫu Man Nương, gắn liền với hệ thống các chùa thờ Tứ Pháp.
Theo thư tịch cổ, chùa Tổ thờ Phật mẫu Man Nương là người sinh ra Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Truyền rằng, chùa được xây trên nền nhà cũ của ông bà Tu Định - thân phụ và Ưu Di - thân mẫu của Man Nương.
Truyền thuyết kể rằng, bên cạnh thành Luy Lâu có ông bà Tu Định kính mộ phép thuật của nhà sư Khâu Đà La người nước Thiên Trúc. Tu Định có một người con gái nết na, đã cho theo thầy học đạo. Một hôm, bỗng có rồng mây cuốn quanh mình Man Nương rồi nàng mang thai.
Ông bà Tu Định kinh ngạc vào núi để nói rõ sự tình. Nhà sư bảo rằng: “Man Nương có thai là do nhân thiên hợp khí”. Được 14 tháng, Man Nương sinh một bé gái, trong phòng toả hương thơm khác lạ. Nàng bế con vào nơi núi non tìm thầy nhưng chỉ nghe thấy tiếng tụng niệm, bèn quay lại nói với cây dung thụ rằng: “Nếu có thiêng hãy ôm lấy hài nhi này”. Cây bèn mở thân, nàng đặt đứa bé vào đó, cây khép lại.
Sau đó, trời nổi gió lớn giật đổ cây dung thụ trôi đến cửa bến thành Luy Lâu. Sĩ Nhiếp thấy lạ lệnh cho quan quân xem xét, đến đêm mộng thấy Thần nói rằng: “Cây này là thần mây, mưa, sấm, chớp”. Vương bèn cho cắt cây làm bốn đoạn tạc thành bốn tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.
Đến khi rước vào chùa, ba tượng xe chở rất nhẹ, còn tượng Pháp Vân nặng không đi được. Vương cho thợ tạc tượng đến hỏi, mới biết trong cây có hòn đá nên vứt xuống sông. Vương lệnh đi mò vì biết hòn đá đó là con của Man Nương. Hòn đá được Sĩ Nhiếp cho tạc thành tượng Thạch Quang.
Chùa Tổ vốn được khởi dựng từ lâu đời và được nhiều triều đại trùng tu, đến nay chỉ còn Thượng điện là công trình kiến trúc của thời Nguyễn còn bảo lưu khá nguyên vẹn.
Trung tâm điện là nơi thờ Phật mẫu Man Nương. Tượng Phật mẫu tọa thiền trên tòa sen, cao gần 1,7 m được tạo giống với các tượng Tứ Pháp, toàn thân phủ một lớp sơn mầu mận chín. Phía trên là tượng ông bà Tu Định, toàn thân sơn mầu nâu sẫm, áo cà sa khoác ngoài.
Hiện chùa Tổ còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật quý giá như: Tượng thờ, bia đá, sắc phong, hoành phi, câu đối... Các tài liệu cổ vật quý giá chứng minh sự có mặt của Khâu Đà La và Man Nương là có thật, và chính họ đã tạo nên Sơn môn Dâu cùng hệ thống Tứ Pháp thời đầu công nguyên.
“Hệ thống di khảo cổ tại Thuận Thành (Bắc Ninh) không chỉ phong phú mà còn rất đặc biệt. Ba Thuỷ tổ nổi tiếng trong sử Việt còn có nhiều liên hệ trong việc lập làng, lập nghề, lập chùa và đặc biệt là những truyền thuyết huyền bí trong kho tàng dân gian”, TS Lê Viết Nga cho biết.
Theo Trần Hòa/ Giáo dục và Thời đại