Người đời vẫn nói, Hoàng đế là những người được hưởng mọi vinh hoa phú quý, nhưng cụ thể đó là những gì?
Theo những ghi chép từ các tài liệu cổ, dưới triều đại nhà Thanh (1636-1912), khi Hoàng đế thức giấc đã có 5 người tới hầu hạ phục vụ chuyện đánh răng rửa mặt.
Tiếp đó, 6 cung nữ là người giúp Hoàng đế mặc trang phục để thiết triều, gồm long bào, đội mũ, đeo vòng, đi giày. Một hầu cận khác sẽ phụ trách chải đầu, tết tóc, tỉa râu cho Thiên Tử (con Trời).
Khi Hoàng đế cần đi vệ sinh sẽ có đội ngũ 6 người hầu kề cận phục vụ. Trong đó bao gồm 2 người bê chiếc bô đựng đầy nước và phủ lông ngỗng, một người bê ghế lót đệm thêu hình rồng, 2 người đỡ hai bên còn một người cầm giấy vệ sinh để làm sạch.
Ngoài ra, một số cung nữ, thái giám khác làm nhiệm vụ bưng bê đồ vật. Tất cả tổng cộng khoảng 20 người hầu phục vụ cho quy trình buổi sáng của Hoàng đế.
Khi nhà Vua thiết triều, 3 thái giám của Thượng Bảo Giám cầm con dấu mà Hoàng đế thường dùng, 4 thái giám khác làm nhiệm vụ bưng bê khay đựng tiền.
Trong buổi thiết triều, khi Hoàng đế thưởng tiền cho ai, thái giám sẽ bưng khay tới đưa tiền cho người đó. Ước tính mỗi ngày, người đứng đầu triều đình phải đọc khoảng 400 bản tấu chương của quan thần khắp cả nước gửi về. 8 thái giám của Tư Lễ Giám làm nhiệm vụ phân loại từng bản tấu. Tiếp đó, 8 đại thần sẽ tóm tắt các bản tấu chương.
Tùy theo tâm trạng mỗi ngày, lúc vui vẻ, Hoàng đế sẽ đích thân đọc và cầm bút phê từng bản tấu. Những lúc khác, phần lớn bút phê của Hoàng đế do các thái giám của Tư Lễ Giám ghi chép lại.
Ngoài ra, có một sử quan ở bên cạnh là người ghi chép mọi chi tiết quan trọng diễn ra trong ngày của nhà Vua. Như vậy, ước tính mỗi ngày có ít nhất 28 thái giám và quan thần hỗ trợ công việc triều chính cho Hoàng đế.
Vậy chuyện ăn uống của Hoàng đế nhà Thanh diễn ra thế nào?
Nhắc tới chuyện ăn uống của nhà Vua, sử sách thường đề cập tới Ngự Thiện Phòng. Đây là nơi được chia nhỏ thành các phòng chuyên phục vụ những món từ thịt, rau, điểm tâm, cơm, mỳ...
Tổng cộng, Ngự Thiện Phòng có 31 đầu bếp và 191 cung nữ thái giám, chuyên tâm chuyện ăn uống cho Hoàng đế. Các đầu bếp đều là những bậc thầy trên khắp cả nước, được đào tạo các kỹ năng nấu nướng đủ sơn hào hải vị.
Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, Hoàng đế là biểu tượng của quyền lực cao nhất. Với vị trí "một người trên vạn người", phục vụ nhu cầu ẩm thực cho Thiên Tử cũng phải khác người thường.
Ở mỗi triều đại, các vị vua đều có khẩu vị ăn uống khác nhau và sự phong phú của những món ăn cũng nhiều khác biệt.
Nhà Thanh là triều đại phong kiến gần nhất với thời hiện đại nên có rất nhiều tư liệu cổ được lưu lại. Qua đó, hậu thế phần nào hiểu được cuộc sống các vị Hoàng đế qua từng thời kỳ ra sao.
Trong cuốn hồi ký nổi tiếng "Nửa đời trước của ta" của Vua Phổ Nghi - vị Hoàng đế cuối cùng của triều nhà Thanh - có tiết lộ những sự thực "giật mình". Số ngân lượng chi cho việc ăn uống của Phổ Nghi trong quãng thời gian ông còn tại vị lên tới gần 15.000 lượng bạc mỗi năm.
Nhà Thanh đưa ra rất nhiều nguyên tắc cho mỗi bữa ăn của Hoàng đế (Ảnh minh họa).
Trong khi đó, vào thời kỳ đỉnh cao của triều Thanh dưới thời vua Càn Long, bình quân thu nhập thường dân chỉ khoảng 2-3 lượng bạc/tháng. Sự chênh lệch quá lớn cho thấy mức độ xa xỉ và tốn kém dành cho người đứng đầu Hoàng tộc nhà Thanh.
Sở dĩ tốn kém như vậy bởi thời nhà Thanh đặt ra nhiều quy tắc cho các bữa ăn. Cụ thể, bàn ăn dành cho Hoàng đế phải đủ 120 món, Hoàng hậu gồm 96 món và Hoàng phi là 64 món.
Dù nhà Thanh quy định bữa ăn của Hoàng đế phải đủ 120 món, nhưng một số Hoàng đế như Khang Hy, Ung Chính đã chủ động giảm số lượng các món trong một bữa để tiết kiệm ngân khố. Nhưng tới khi Từ Hy thái hậu lên nắm quyền, mỗi bữa ăn 120 món sẽ không được giảm món nào.
Dù số lượng món ăn lên tới cả trăm, nhưng Hoàng đế dùng bữa luôn theo nguyên tắc tuyệt đối không ăn quá 3 miếng mỗi món. Khi dùng bữa, một thái giám thân cận sẽ đứng cạnh hầu hạ Hoàng đế. Người này có nhiệm vụ gắp từng món do Hoàng đế chỉ định.
Với một món đã gắp tới lần thứ 3 trong một bữa sẽ bị mang ra ngoài ngay lập tức. Trong vòng nửa tháng, món ăn này không được phép xuất hiện trên bàn ăn nữa.
Quy tắc này được nhà Thanh đưa ra nhằm tránh để sở thích của Thiên Tử bị lọt ra ngoài, từ đó phòng ngừa kẻ gian có mưu đồ xấu hạ độc vào đồ ăn. Ngoài ra, việc ăn không quá 3 lần một món còn thể hiện quyền thế của một vị đế vương.
Theo Huy Hoàng/Dân trí