Theo Independent, những năm gần đây, Trái đất ngày càng nóng lên do lượng khí gây hiệu ứng nhà kính thải vào khí quyển ngày càng nhiều, cộng với khả năng phản xạ tự nhiên của Trái đất ngày càng kém đi do băng bị tan chảy ở Bắc cực. Hậu quả là một số khu vực trở nên lạnh hơn nhưng cũng có nhiều khu vực trên Trái đất có nhiệt độ trung bình tăng lên 0,74 độ C. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái đất sẽ tiếp tục tăng lên, kéo theo là những hậu quả khó lường, tác động trực tiếp đến cuộc sống của con người.
Trước tình hình này, một số chuyên gia thế giới đã đưa ra những ý tưởng, giải pháp nhằm chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu. Một trong những ý tưởng nổi bật đối phó với sự nóng lên của Trái đất nhận được sự quan tâm lớn là giải pháp của nhà thiên văn học Gregory Benford.
Vào năm 2005, nhà thiên văn học Gregory Benford trình bày ý tưởng con người có thể xây dựng một thấu kính lõm và đặt chúng vào quỹ đạo xung quanh Trái đất để chặn đứng những tia sáng Mặt trời. Giải pháp này được cho là sẽ làm giảm lượng nhiệt từ Mặt trời. Thấu kính này có thể sẽ có kích thước lên đến 1.000 km (621 dặm) đường kính và cần phải có động cơ để giữ nó cố định ở một vị trí thích hợp so với Trái đất.
Nhiều chuyên gia đánh giá giải pháp này khá an toàn và có hiệu quả. Tuy nhiên, để biến giải pháp này trở thành hiện thực thì sẽ cần đến khoản kinh phí vài nghìn tỷ USD và sẽ được thực hiện trong hàng chục năm mới hoàn thành.
|
Ảnh: kwest/Shutterstock.com. |
Giải pháp đối phó với sự nóng lên toàn cầu của nhà thiên văn học Roger Angel công tác tại ĐH Arizona (Mỹ) cũng được đánh giá cao. Ý tưởng hạ nhiệt Trái đất của nhà thiên văn học này chính là sử dụng các tàu vũ trụ chạy bằng điện từ trường để bắn hàng tỷ các tinh thể silicon cực nhỏ vào không gian để phản xạ các tia bức xạ của mặt trời. Trước đây, các chuyên gia đã thử nghiệm với một khoảng che phủ rộng gần 170.000 km2 và kết quả cho thấy có thể giảm được 2% tia bức xạ từ mặt trời. Qua đó có thể thấy giải pháp này khá khả thi và đạt được hiệu quả đáng mong đợi.
Johannes Lehmann là nhà khoa học về đất thuộc ĐH Cornell đưa ra giải pháp sử dụng đất để giảm phát thải khí nhà kính.
“Chúng ta có thể làm giảm đáng kể lượng lượng CO2 khí thải trong khí quyển bằng cách sử dụng đất, sử dụng công nghệ quản lý đất để giảm khí nhà kính”, nhà khoa học Lehmann nói.
Theo nhà khoa học Lehmann, nếu thực hiện giải pháp trên thì hiệu ứng nhà kính sẽ giảm đáng kể cũng như giúp tăng độ phì nhiêu của đất, tăng năng suất cây trồng và đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm nước và xói mòn, bảo vệ cây trồng khỏi các tác động của biến đổi khí hậu.
Tâm Anh