Ngũ quả không nhất thiết là ngũ quả
Trong mỗi gia đình của người Việt ngày Tết, hầu như đều không thể thiếu được mâm ngũ quả. Nhưng cách bày mâm ngũ quả thế nào cho đẹp, ý nghĩa, hút được tài lộc, ngũ quả có nhất thiết chỉ 5 loại quả không… là điều mà không ít người băn khoăn.
|
Mâm ngũ quả đặc trưng của miền Bắc. Ảnh: TS Vũ Thế Khanh. |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho hay, đối với người Á Đông, con số 5 được dùng với rất nhiều ý nghĩa. Đặc biệt là trong ngày Tết, nhà nào cũng phải cố gắng bày mâm ngũ quả.
Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Trước là thờ cúng tổ tiên, sau là ước mong năm mới được an khang, thịnh vượng hơn năm trước. Mâm ngũ quả cũng làm cho quang cảnh ngày Tết và không gian thờ cúng gia tiên thêm phần tươi vui, ấm áp và rực rỡ, nhưng trên hết đều có ý nghĩa cầu cho cuộc sống no đủ, bình an, phát đạt và thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên...
“Mỗi loại quả khi bày trên ban thờ đều được gắn một ý nghĩa riêng, vì vậy các gia đình cần hiểu và nắm rõ để gửi gắm ước nguyện, cầu mong của mình trong năm mới”, ông Khanh cho hay.
Theo ông Khanh, ngày nay, hoa trái ngày càng nhiều và phong phú. Vì vậy mâm ngũ quả theo đó mà có thể trở thành lục, thất, bát, cửu, thập… quả, hoặc có nhà chỉ bày vài ba loại quả cũng được. Dù bày biện nhiều hơn hay ít hơn 5 loại quả, thì vẫn gọi là “mâm ngũ quả” do thói quen vì cái tên gọi “ngũ quả” đã đi sâu vào tiềm thức, tâm linh người Việt bao đời.
Tùy theo từng vùng miền với đặc trưng về khí hậu, sản vật và tập quán riêng mà người ta chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả. Tuy nhiên, mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn cần thể hiện là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây, thể hiện thành tựu lao động mà con cháu dâng cúng tri ân thần linh, tri ân gia tiên tiền tổ và ý nguyện cầu bình an, no đủ mà người dân Việt Nam gửi gắm.
Dưới đây là một số gợi ý đối với mâm ngũ quả theo vùng miền hút tài lộc, đem lại may mắn tốt lành cho gia chủ theo truyền thống văn hóa:
Mâm ngũ quả với tín ngưỡng của người miền Bắc: Người miền Bắc thường bài trí 5 loại quả cơ bản: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt hay chuối, ớt, bưởi, quất, lê.
Cách trình bày truyền thống thường gặp là nải chuối được đặt ở dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác. Mâm ngũ quả đẹp là có đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa nải chuối xanh thẫm là quả bưởi căng mọng hoặc quả Phật Thủ chín vàng nổi bật.
Những quả chín đỏ đặt xung quanh. Những chỗ khuyết đặt xen kẽ quýt vàng, táo màu xanh hoặc những trái ớt đỏ mọng
Mâm ngũ quả với tín ngưỡng người miền Trung: Khúc ruột miền Trung nghèo khó, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, ít hoa quả nên thường người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng cúng tổ tiên. Bởi thế, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau, miễn là tươi ngon. Các loại quả thường thấy trong mâm ngũ quả của người miền Trung là thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt,...
Mâm ngũ quả của người miền Nam
|
Mâm ngũ quả theo văn hóa miền Nam. Ảnh: TS Vũ Thế Khanh. |
Thường có các loại trái: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu: “Cầu sung vừa đủ xài”), thêm chân đế là dùng 3 trái thơm (dứa), thể hiện sự vững vàng. Đặc biệt, mâm ngũ quả của người miền Nam không thể thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, tượng trưng cho lòng trung nghĩa và khí tiết của người phương Nam.
Ý nghĩa mâm ngũ quả
TS Vũ Thế Khanh cho hay, ý nghĩa về mâm ngũ quả rất phong phú. Theo đó, NGŨ tượng trưng 5 phạm trù theo từng ý nghĩa riêng.
|
Trái ớt đỏ được bày trên mâm ngũ quả. Ảnh: Internet. |
Với người Việt, đa phần là ước muốn “Ngũ phúc lâm môn”, đó là Phú, quý, thọ, khang, ninh.
1. PHÚ: giàu có về tiền bạc, vật chất,
2. QUÝ: đài các, sang trọng, vinh hiển
3.THỌ: sống lâu để hưởng phúc, để hưởng phú quý .
4. KHANG: khỏe mạnh (kiện khang thân thể).
5. NINH: sống yên ổn, an lành.
Ngoài ra, Ngũ còn tượng trưng cho Ngũ vị : là 5 gia vị cơ bản trong ẩm thực: mặn, ngọt, chua, cay, đắng.
Hoặc tượng trưng cho Ngũ Tạng : tâm, can, tỳ, phế, thận, Tâm là tim, can là gan, tỳ là lá lách, phế là phổi, thận là hai quả cật.
Một số người cho rằng mâm ngũ quả tượng trưng cho Thuyết Ngũ Hành: Đó là quan niệm khá phổ biến của một số người miền Bắc, bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông.
Mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng.
Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau để đẹp mắt, hợp phong cảnh ngày Tết.
Tuy nhiên, theo ông Khanh, việc giải thích ngũ quả là ”ngũ hành” là do có thể họ quá “sùng bái ” với thuyết ngũ hành, nên gán ghép và suy diễn kiểu vẽ rắn thêm chân, chứ về bản chất sự vật thì các loại quả đều chỉ là một thuộc tính của hành MỘC mà thôi, không thể gọi là “ngũ hành” được.
Đó là chưa kể một số quan niệm về màu sắc, về tương sinh, về tương khắc trong thuyết “ngũ hành cổ điển” của người xưa chỉ là cảm tính trong một số hiện tượng cụ thể, nó không bao hàm đầy đủ quy luật về sự chuyển hóa trong vũ trụ và đã không còn phù hợp với khoa học ngày nay.
Hoàng Mai