Đồng Hãng, còn gọi là Đồng Công Hãng là một danh sĩ thời Mạc nổi tiếng văn tài cùng tính khí ngang tàng, phóng túng, kiêu ngạo. Ông quê ở xã làng Ốc Dương, xã Triều Dương, huyện Chí Linh, trấn Hải Dương (nay là thôn Lý Dương, xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng.
Có nhiều câu chuyện về tính khí khác thường của Đồng Hãng, như chuyện vào năm 14 tuổi, các quan tổ chức khảo hạch văn chương với đề: Trùng tu Quốc Tử Giám, Đồng Hãng liền làm hai bài, khi các quan hỏi nguyên do, ông đáp rằng vì đầu bài có chữ “trùng” (Trùng trong trùng tu có nghĩa là sửa sang lại, nhưng chữ “trùng” có nghĩa là lặp lại vì thế Đồng Hãng mới làm hai bài).
Lại có lần Đồng Hãng đến trị sở của Thừa ty xứ Hải Dương vào công đường đánh ba hồi trống, các quan nghe tiếng trống tưởng có việc liền vội vã mặc quan phục đến công đường. Sách Tục biên Công dư tiệp ký có ghi lại diễn biến như sau:
“Khi thấy một cậu học trì, họ bèn hỏi:
- Vì sao đánh trống?
Hãng đáp:
- Hàn sĩ muốn đến xin ăn, nhưng sợ khó thấu đến nên phải đánh trống để các quan ở quý nha đến cho dễ xin hơn, thực chẳng có việc gì khác.
Viên Thừa ty nói:
- Ngươi đã là học trò, chúng ta ra cho một đề thơ. Nếu làm được sẽ cho tiền gạo.
Hãng xin ra trăm đề để làm một thể, chứ một đề không đáng làm. Quan Thừa ty và ba viên chức nữa thay nhau ra đề. Hãng cầm bút viết ngay. Đề ra không kịp. Lát sau đã viết xong trăm bài thơ, lời lẽ ý tứ đều hay. Các quan Thừa ty không ai không thán phục, bèn cho Hãng năm quan tiền, một thúng gạo”.
Tiếng tăm của Đồng Hãng nổi cả một vùng, người ta bấy giờ có câu: “Chí Linh Trạng, Bảng, phi Hãng tắc Trĩ” – Nghĩa là đất Chí Linh có hai người giỏi, đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn nếu không phải Đồng Hãng thì là Phạm Công Trĩ.
|
Gặp gỡ vô tình trong gian bếp. Hình minh họa – Nguồn: dongabooks. |
Vì gia cảnh nghèo khó, không có đủ tiền lo giấy bút nên Đồng Hãng phải vừa học vừa đi làm thuê, làm mướn để có tiền trang trải. Trong làng có một ông phú hộ nuôi thầy đồ để dạy học cho con, Đồng Hãng đến xin phụ việc cho gia chủ và học nhờ. Một hôm thầy đồ sai ông xuống bếp châm đóm cho thầy hút thuốc. Xuống bếp, thấy nồi tôm rang thơm phức, đói bụng quá, nhìn quanh không thấy ai, Đồng Hãng liền thò tay bốc một con bỏ vào miệng ăn. Không ngờ đang nhai ngon lành thì con gái ông phú hộ đi xuống trông thấy, Đồng Hãng xấu hổ quá đỏ mặt lên, ấp úng xin cô đừng mách với thầy. Cô gái vốn cũng là người có học, bèn nói:
- Anh muốn không bị thầy đánh đòn trách phạt thì tôi đọc vế đối, đối lại được tôi sẽ tha cho. Câu đối như sau: Hà tài hũ trung bị hoàng bào cúc cung như dã (Nghĩa là: Con tôm ở trong nồi, mặc áo vàng coi bộ khúm núm).
Ý cô gái nói tôm rang lên thân cong lại, vỏ vàng như mặc áo; đó là nghĩa đen còn nghĩa bóng chỉ dáng điệu của anh học trò ăn vụng bị bắt quả tang.
Nghe cô gái ra vế đối, Đồng Hãng thấy bí quá vì chưa nghĩ ra được, bèn lấy cớ mang đóm lên cho thầy xong sẽ đối lại. Lúc lên nhà, thầy đồ lại sai Đồng Hãng ra giếng lấy nước để vào mài mực; khi cúi xuống múc nước, bỗng thấy có con ếch ở dưới đáy liền nảy ra ý hay, Đồng Hãng liền chạy vào bếp xin đối là:
- Oa tàng tỉnh để quải thanh y, mỹ mục miện hề (Nghĩa là: Con ếch ở dưới giếng, mặc áo xanh, mắt liếc đẹp thay).
Câu của ông tả thực về con ếch nhưng lại có ý nữa, đó là theo nghĩa bóng ví hình dáng tươi đẹp của cô gái con chủ nhà.
Người con gái đó đem chuyện nói lại với cha, phú ông mến tài của Đồng Hãng nên ngỏ ý nuôi ông ăn học và nhận làm con rể. Thế là từ đó Đồng Hãng không phải lo chuyện ăn uống mà chỉ chuyên tâm học hành.
Khoa thi năm Bính Thìn (1556) đời Mạc Tuyên Tông, Đồng Hãng chắc mẩm thế nào mình cũng đỗ nên trước khi đi thi đã đòi bố vợ phải mổ trâu làm cỗ ăn mừng. Ai ngờ vào thi gặp đề khó quá ông làm bài không được, thấy vậy một ông già ở lều thi bên cạnh nói sẽ đọc giúp cho để xong bài, Đồng Hãng từ chối rồi thu dọn lều chõng ra khỏi trường thi. Về nhà ông quyết tâm dùi mài kinh sử để thi tiếp, ba năm sau vào năm Kỷ Mùi (1559) ông lại đòi nhà vợ phải mổ trâu ăn khao, nếu không sẽ không đi thi, thế là gia đình phú ông lại phải chiều lòng chàng rể ương ngạnh.
Tương truyền, mới thi xong kỳ đệ nhất, Đồng Hãng đã tự phụ nói:
- Quan trường nào mà ra đề khiến Hãng này không làm được, thế mới thật là giỏi.
Vì ghét tính kiêu ngạo đó của ông, nên vào thi Đình lẽ ra Đồng Hãng đỗ Trạng nguyên nhưng quan trường ác cảm, tìm cách giáng truất nên ông chỉ đỗ Hoàng giáp. Ông có người em nhờ được anh và vợ động viên khích lệ học hành nên cũng đỗ Tiến sĩ năm Mậu Thìn (1568). Trong Hải Dương phong vật khúc có đoạn viết về Đồng Hãng và người em của ông như sau:
Đất làng Triền có tài bảng, Trạng,
Miền Chí Linh suy tưởng nổi danh.
Tể ngưu đóng quyển đăng trình,
Xá sao cắp chữ lão sinh khéo nài.
Chốn thư trai ba năm kinh sử,
Trên tháp nhàn hẳn dự đề tên.
Đồng bào chí học càng bền,
Nghe lời khích khuyến sách đèn nên công.
Lê Thái Dũng