Mặt trận Việt Minh ra đời
Ngày 2 tháng 9 nǎm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Người tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
|
Ngày 2 tháng 9 nǎm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: Tư liệu. |
Có thể nói đến đây, khát vọng cháy bỏng độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam của Hồ Chí Minh, trải qua hơn 30 năm kiên trì phấn đấu bền bỉ đã được thực hiện.
Điều này bắt nguồn và xuất phát từ lòng yêu nước thương nòi, từ trái tim nhân hậu của người thiếu niên Nguyễn Sinh Cung, đến chàng thanh niên Văn Ba, Nguyễn Tất Thành những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỷ XX, khi đất nước đang chìm đắm dưới ách nô lệ của thực dân phong kiến. Những cảnh lầm than tôi đòi của dân chúng cần lao, rên xiết dưới gót giầy quân xâm lược và bè lũ tay sai đã hun đúc, cháy bỏng trong trái tim người thiếu niên đầy lòng thương dân với khát vọng độc lập tự do cho dân tộc.
Và vào năm 1911, với khát vọng chảy bỏng đó, người thanh niên yêu nước Nguyến Tất Thành quyết ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, với một quyết tâm cháy bỏng “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, trải bao khó khăn, vất vả Người đã tiếp cận với Luận cương của Lênin, từ đó hình thành nên con đường cứu nước cho dân tộc.
Đến với Chủ nghĩa Mác-Lê nin, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, mang tên Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy Chủ nghĩa Mác-Lê nin và vấn đề giải phóng dân tộc là con đường cứu nước cứu dân, con đường cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn và khoa học nhất.
Với nhận thức đó, ngày 3 tháng 2 năm 1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc có một quyết định quan trọng cho thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo phong trào cách mạng vô sản ở Việt Nam.
Sự ra đời của Đảng với hệ thống tổ chức chặt chẽ và cương lĩnh cách mạng đúng đắn đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về lãnh đạo cách mạng kéo dài mấy chục năm đầu thế kỷ XX. Sự ra đời của Đảng là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính chất quyết định cho những bước phát triển trong tiến trình lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Ngay từ ngày mới thành lập "Đảng đã giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời, xé tan màn đêm đen tối, soi đường dẫn lối cho Nhân dân vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong".
Tháng 6 năm 1940, được tin Pháp đầu hàng Đức, Nguyễn Ái Quốc lúc này đang ở Côn Minh, Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp Cơ quan ở nước ngoài của Đảng để phân tích tình hình và chuẩn bị kế hoạch hành động. Và Người dự báo: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Sau cuộc họp này, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị cho Phùng Chí Kiên, Vũ Anh đến Quý Dương để cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đi Quế Lâm, tìm cách về nước.
Cuối tháng 9 năm 1940, Người đưa ra một nhận định cực kỳ quan trọng: “Đồng minh sẽ thắng; Nhật, Pháp ở Đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau; Việt Nam sẽ giành được độc lập”.
Và ngày 28 tháng 01 năm1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc cùng với Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba lên đường về nước.
Ngày 8 tháng 2 năm 1941, Người đã đặt chân tới cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam-Trung Quốc và chọn Cao Bằng là nơi xây dựng căn cứ cách mạng. Ở đây, Người và các đồng chí bắt tay vào công tác vận động, tập hợp và tổ chức lực lượng quần chúng.
Sau thời gian xây dựng thí điểm các đoàn thể cứu quốc, từ ngày 10 đến 19 tháng 5 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Tám phân tích tình hình thế giới đang bị tác động sâu sắc bởi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Người dự báo: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”.
|
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu. |
Từ nhận định trên, nhằm tập hợp, quy tụ các lực lượng, cá nhân yêu nước trong toàn quốc cùng thực hiện các mục tiêu chung là giành lại độc lập dân tộc, thực hiện tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, theo chủ trương của Nguyễn Ái Quốc, ngày 19 tháng 5 năm 1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh ra đời; Người mang tên Hồ Chí Minh bắt đầu từ đây.
Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến
Ngày 25 tháng 10 năm 1941, Việt Minh ra bản Tuyên ngôn: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn…”. Đây là quyết định về tổ chức có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cách mạng Việt Nam lúc này.
Cùng với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là sự phát triển mạnh mẽ của các đoàn thể trong mặt trận, như Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc…
Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, mọi tầng lớp nhân dân yêu nước được tập hợp đoàn kết tham gia phong trào đứng lên đánh đổ thực dân xâm lược giành độc lập tự do. Có thể nói, sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là yếu tố quyết định cho thắng lợi Cách mạng Tháng Tám sau này.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, năm 1951. Ảnh tư liệu. |
Vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Ngọ năm 1942, Nguyễn Ái Quốc cho xuất bản tác phẩm "Lịch sử nước ta". Đây là một bài diễn ca gồm 236 câu lục bát kể lại lịch sử nước ta từ thời vua Hùng dựng nước đến năm 1942; ca ngợi truyền thống yêu nước, bất khuất, đoàn kết của Nhân dân ta. Cuối tác phẩm, Hồ Chí Minh đã đưa ra dự báo thiên tài là năm 1945 - Việt Nam độc lập.
Song song với việc thành lập Mặt trận Việt Minh, để làm cơ sở và nòng cốt cho đấu tranh chính trị, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cho xây dựng lực lượng vũ trang mà đầu tiên là thành lập đội vũ trang Cao Bằng, làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng, huấn luyện chính trị quân sự cho các đội tự vệ, dân quân du kích địa phương, hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh của quần chúng.
Tháng 12 năm 1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách.
Ngay sau khi thành lập, đội đã gây được tiếng vang lớn với chiến thắng diệt gọn 2 đồn địch ở Phay Khắt và Nà Ngần. Uy tín của đội lan tỏa khắp cả nước và nhiều địa phương đã chủ động thành lập các đội vũ trang. Lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh đã tạo điều kiện vô cùng quan trọng cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Về vấn đề thời cơ cách mạng, ngay từ khi còn bị giam cầm trong nhà tù của Quốc dân Đảng Trung Quốc, Hồ Chí Minh luôn nhận thức được vấn đề thời cơ trong quá trình chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Trong tác phẩm Nhật ký trong tù, Người đã viết:“Lạc nước, hai xe đành bỏ phí-Gặp thời, một tốt cũng thành công”.
Đối với cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương, “trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi được”.
Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Hồ Chí Minh, công tác xây dựng lực lượng cách mạng, phát động phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra sôi nổi trong toàn quốc. Phong trào xây dựng các đoàn thể cứu quốc diễn ra sôi nổi từ cuối năm 1941 ở cả nông thôn và thành thị.
Song song với việc xây dựng các đoàn thể cứu quốc, tổ chức Mặt trận Việt Minh, việc xây dựng các căn cứ địa cũng được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Người, khu căn cứ địa Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên đã phát triển mạnh mẽ và trở thành khu giải phóng Việt Bắc. Đến giữa năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, lực lượng cách mạng trên toàn quốc đã phát triển vượt bậc, sẵn sàng cho thời cơ đến.
Ngày 9 tháng 03 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, bắt sống Toàn quyền Decoux và các sĩ quan cao cấp tại Sài Gòn, chiều ngày 10 tháng 03, quân Pháp đầu hàng Nhật.
Ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng đã họp ở Đình Bảng, đưa ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta nêu rõ: “Ngay bây giờ phát động chiến tranh du kích, chiếm căn cứ, duy trì và mở rộng chiến tranh du kích, phải là phương pháp duy nhất của dân tộc ta để đóng vai trò chủ động trong việc đánh đuổi quân ăn cướp Nhật bản ra khỏi nước, chuẩn bị hưởng ứng quân Đồng minh một cách tích cực”.
Tháng 5 năm 1945, sau khi phát xít Italia, phát xít Đức bị đánh bại ở châu Âu, phát xít Nhật hoàn toàn bị cô lập và đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.
Tiếp đến, ngày 9 tháng 8 năm 1945, Hồng quân Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật và chỉ trong vòng một tuần lễ, đã tiêu diệt đạo quân Quan Đông - đạo quân tinh nhuệ bậc nhất của quân đội Nhật, giải phóng vùng Đông bắc Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Trước đó nhằm gây sức ép với Chính phủ Nhật và phô trương sức mạnh vũ khí hạt nhân, trong hai ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống 2 thành phố của Nhật là Hirôsima và Nagazaki làm hàng chục vạn người chết và để lại những hậu quả nặng nề kéo dài.
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật “chấp nhận bản Tuyên bố chung của các cường quốc - Tuyên bố Potsdam”. Nước Nhật bị quân Mỹ chiếm đóng. Quân đội Nhật đang đồn trú tại các quốc gia khác ở nguyên vị trí chờ quân Đồng minh đến giải giáp. Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Thông tin từ nước Nhật, khiến quân đội Nhật đang đóng ở Việt Nam hoang mang, rệu rã; Chính phủ thân Nhật bị lung lay cực điểm.
Ngay từ ngày 12 tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh đã biết được thông tin về khả năng đầu hàng của quân Nhật, đồng thời Người cũng nắm rõ tinh thần cách mạng sôi sục của quần chúng Nhân dân.
Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ đã ra thông báo khẩn: “Thời kỳ tiền khởi nghĩa đã hết, chúng ta đứng trong tình thế trực tiếp khởi nghĩa”.
Hồ Chí Minh nhận rõ thời cơ tổng khởi nghĩa đã chính thức xuất hiện và thời cơ này chỉ tồn tại trong khoảng hai mươi ngày, từ 5-8/1945 (Nhật hoàng chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh) đến ngày 5-9/1945 (quân đồng minh kéo vào nước ta để giải giáp quân Nhật).
Và Người đã khẩn trương chỉ đạo Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân tại Tân Trào, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam-Chính phủ lâm thời sau khi cách mạng thắng lợi.
Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng đã khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”, cách mạng Việt Nam lúc này đang trong “tình thế vô cùng khẩn cấp”, Người khẳng định: “Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Ngày 17/8/1945, trước đình Tân Trào, thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của Nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo Nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước…”.
Trong thư kêu gọi đồng bào cả nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8). Đặc biệt, ngày 19/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội gây tiếng vang lớn trong cả nước.
Cuộc khởi nghĩa nổ ra thắng lợi ở Hà Nội đã góp phần làm tan rã nhanh chóng toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền tay sai của Nhật trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta" đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong 15 ngày, Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân.
|
Bản Tuyên ngôn Độc lập mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do, tạo thế và lực cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Ảnh: Tư liệu. |
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, trước hàng chục vạn người dân nước Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên của độc lập, tự do, tạo thế và lực cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.
Đến đây, khát vọng cháy bỏng đấu tranh giành độc lập tự do cho Nhân dân Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam của người thiếu niên Nguyễn Sinh Cung, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện trọn vẹn và trở thành hiện thực.
Đại tá, TS.Nguyễn Thành Hữu, Nguyên cán bộ nghiên cứu lịch sử Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam