“Những ngày này, khi cơn bão dữ mang tên Covid-19 đã dần rút khỏi TP.HCM, ta đọc lại những ghi chép, tâm sự của người trong cuộc vẫn không khỏi bàng hoàng... Trong căng thẳng, những âm thanh huyền diệu đã cất lên, xoa dịu tổn thương, mất mát và để không ai thấy mình cô độc trong trận chiến này", trích lời mở đầu Sài Gòn chọn nhớ những điều thương.
Cuốn sách tập hợp 26 bài viết của 25 cây bút. Họ đã âm thầm nắm tay nhau đi qua đại dịch, ghi lại đôi điều về một mùa hoa nở trong bão dữ.
Tập sách không chỉ là những câu chuyện trong tháng ngày thành phố gồng mình chống dịch, mà còn là lời cảm ơn chân thành nhất từ trái tim mỗi người.
|
Sách Sài Gòn chọn nhớ những điều thương do Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Ảnh: Thu Huệ.
|
“Đại dịch rồi sẽ qua đi, nhưng tình người sẽ còn mãi”
Đợt bùng dịch lần thứ tư là ký ức không thể phai mờ với những người đã chứng kiến hoặc trực tiếp trải qua. Nhiều bài học, trải nghiệm đáng nhớ được kể qua câu chuyện tại bệnh viện tuyến đầu hay đơn giản là thùng rau quả chuyền tay nhau.
Ở đó, ta thấy được câu chuyện nhân văn, đáng suy ngẫm và trên tất cả là cảm xúc thật của những con người đang sống giữa lòng đại dịch.
Trong thời điểm đó, Nhà xuất bản Trẻ đã lên ý tưởng cho một cuốn sách tập hợp những bài viết của 25 cây bút là nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia, bác sĩ và cả người rất bình thường, mà bản thân hoặc gia đình họ đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của Covid-19.
Sài Gòn chọn nhớ những điều thương được thực hiện với sự “góp chữ” của Đàm Hà Phú, Cù Mai Công, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Phi Vân, Phong Việt, Dương Thụy, Trịnh Võ Trung Nghĩa... Họ cất lên tiếng nói đầy xúc cảm về một giai đoạn TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung vượt qua gian khó.
Mỗi bài viết mang một góc nhìn, lời tâm sự, sẻ chia và cả niềm hy vọng. Tất cả ghép lại thành bức tranh toàn cảnh về giai đoạn khó quên.
Không khó để bắt gặp trong cuốn sách những câu chuyện về tấm lòng thảo thơm của người dân cả nước. Cây bút Đàm Hà Phú viết: “Có những người bạn mà tôi biết rõ là không phải giàu có, dư dả gì, vẫn sẵn lòng góp 10 tấn gạo cho chúng tôi đi phát cho bà con. Có người hễ khi có chút tiền thì gửi vài trăm ký rau xanh, mấy gói đồ khô… Dịch bệnh càng kéo dài tôi mới nhận ra người mình giàu có quá, họ giàu lòng thương, họ giàu sẻ chia”.
Sài Gòn chọn nhớ những điều thương vẫn còn nhiều câu chuyện như thế. Không riêng Đàm Hà Phú, các cây bút khác cũng tin tưởng rằng rồi chúng ta sẽ sớm kể lại với con cháu cách mà ta đã vượt qua đại dịch, không phải bằng thuốc hay vaccine, mà bằng cách chia sẻ với đồng bào mỗi ngày.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn - Trưởng khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM - cũng cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống và tình người ấm áp lan tỏa.
Ông viết: “Có những người chưa bao giờ gặp mặt, nhưng sẵn sàng nấu hàng trăm suất cơm ngon lành, nóng hổi mỗi ngày dành tặng tuyến đầu. Có người đóng góp những ngày lương để mua khẩu trang, máy trợ thở, tặng cho bệnh viện để cấp cứu bệnh nhân. Có người dành số tiền tích cóp xây nhà để mua rau củ, thịt trứng hỗ trợ người nghèo tại cách khu cách ly".
Nhiều tấm gương thầm lặng, đã quên bản thân mình. Chúng ta đã cùng nhau đi qua những ngày tháng khó khăn nhất và cũng đã sống những ngày đáng sống nhất trong cuộc đời mình. Đại dịch rồi sẽ qua đi, nhưng tình người sẽ còn mãi.
Covid-19 khiến con người ta không thể quên những buồn đau, nhưng các tác giả chọn “nhớ những điều thương”. Chữ “thương” ấy nằm trong những câu chuyện như: “Viết tại bệnh viện dã chiến” của bác sĩ Dương Minh Tuấn, “Sài Gòn đang giãn cách - Lòng người không giăng dây” của nhà báo Cù Mai Công, “Lại nhớ những ngày huyên náo” của nhà thơ Phong Việt hay “Hết rau rồi em có lấy anh không” của nhà văn Dương Thụy...
|
Cuốn sách tập hợp bài viết của 25 tác giả và một số bức ảnh thể hiện tình người trong mùa dịch. Ảnh: Thu Huệ.
|
Nuôi dưỡng hy vọng
Những ghi chép trong Sài Gòn chọn nhớ những điều thương phần nào nêu bật được cách chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch.
Nếu tác giả Đàm Hà Phú nhận định “Sài Gòn đang đứng dậy, một sáng mai, sáu rưỡi, nhịp sống lại sôi réo khắp nơi”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong thời điểm dịch bệnh đã tự tạo cho mình một cuốn “Từ điển riêng, mùa hè 2021”.
“Quyển từ điển riêng của bạn từ lâu đã nghèo nàn, giờ thêm nhiều trang trắng. Không còn rạp chiếu phim, nhà sách, cả quán nước cũng phù phiếm xa vời… Nhiều từ được định nghĩa lại. Công viên là nơi tụ tập của gió, của thảm lá ngày càng dày. Hẹn hò đồng nghĩa với bất định, bỏ lỡ”, Nguyễn Ngọc Tư viết.
Quá khứ không thể thay đổi khiến con người ta luôn chọn cách nhớ về. Chưa khi nào cả thành phố im lìm như trong những tháng cao điểm dịch, thế nhưng cũng chưa khi nào tình người, sự kiên cường của con người lại lan tỏa mạnh mẽ đến vậy.
Vì lẽ đó, tập sách 232 trang này không khơi gợi nỗi bi thương, mà như một lưu dấu về thời kỳ chưa kịp xa, để bạn đọc cùng nhìn lại và nắm tay nhau đi tiếp.
Biên tập viên Kim Tuyến - Trưởng ban quản lý sách Văn hóa - Xã hội, Nhà xuất bản Trẻ; đồng biên tập cuốn sách Sài Gòn chọn nhớ những điều thương - chia sẻ với Zing: “Bài viết của các tác giả đã thể hiện được tinh thần chung là bước qua đại dịch và đi tiếp. Hy vọng cuốn sách sẽ giúp bạn đọc bỏ lại quá khứ một cách nhẹ nhàng nhất và tiếp tục chung tay giúp nhau, giúp thành phố”.
Cảm hứng cho thời bình thường mới cũng là cảm xúc của người dân thành phố trong thời khắc chuyển giao sang năm mới: Buông bỏ những muộn phiền, nuôi dưỡng hy vọng, bước tiếp và sống tốt.
Sau những trang sách, chúng ta thấy con người đã thật sự yêu thương nhau, dìu dắt nhau đi qua chuỗi ngày gian khó.
Nhà báo Cù Mai Công thể hiện niềm tin ấy bằng những vần thơ: “Chợ giăng, mẹ đừng lo / Hẻm giăng, em đừng sợ / Còn đây tiệm vui vẻ / Còn đây quán nụ cười / Còn đây những lòng người / Mở tình, không giãn cách / Em ngại chi cái vạch / Chút thôi, một suất cơm / Chị ơi, bịch gạo ngon / Anh ơi, ổ bánh nóng / Sài Gòn cùng nhau sống”.
Sài Gòn chọn nhớ những điều thương là ấn phẩm đầu tiên được Nhà xuất bản Trẻ phát hành trong dịp đầu năm mới 2022. Toàn bộ lợi nhuận của sách sẽ được ủng hộ vào quỹ phòng, chống dịch Covid-19.
Theo tiết lộ của đơn vị này, các tác giả trong sách cũng nhận mức nhuận bút tượng trưng, trong đó nhiều người tặng nhuận bút của mình để góp quỹ.
Theo Thu Huệ/Zing News