Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước ”.
|
Sau 55 ngày đêm chiến đấu, ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ảnh: TTXVN. |
Lòng yêu nước của dân tộc ta đã tạo nên tinh thần đoàn kết và nhờ có đoàn kết mà Nhân dân ta đã vượt qua tất thẩy mọi gian nan thử thách, viết lên những trang sử vẻ vang và Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong số đó.
Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong chiến dịch Điện Biên Phủ là vô cùng to lớn. Ta đã huy động tới 261.453 dân công với 18.301.570 ngày công, 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn lương thực khác, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 mảng nứa và hàng nghìn con ngựa thồ. Phục vụ chiến dịch còn có hàng chục nghìn thanh niên xung phong và nhân lực to lớn tại chỗ của Nhân dân.
Đối với một đất nước còn quá nghèo nàn, hết sức lạc hậu, phải tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước, con số trên thật là to lớn, bởi đó là công sức đóng góp của các tầng lớp Nhân dân trên khắp mọi miền đất nước với tinh thần: “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”. Từ vùng tự do Việt Bắc, từ Liên khu 3, Liên khu 4, vùng mới giải phóng Tây Bắc cho đến các vùng du kích, các khu căn cứ ở Đồng bằng Bắc Bộ… mọi tầng lớp Nhân dân đều đoàn kết dồn sức cho Điện Biên Phủ.
|
Dân công dùng xe đạp thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. |
Với 7.310 tấn lương thực “vét tận đáy bồ” của nhân dân Tây Bắc đã giảm được biết bao công sức và số gạo ăn đường của dân công từ xa chuyển đến. Tuy lúc này đồng bào đang gặp phải muôn vàn khó khăn, nhưng nếu không huy động hậu cần tại chỗ thì không thể đáp ứng được nhu cầu cho chiến dịch. Đưa gạo ở hậu phương xa lên rất tốn kém và còn phải có thời gian huy động, tổ chức vận chuyển. Một tạ gạo từ Sơn La chuyển tới có giá trị bằng hàng tấn ở nơi khác chuyển đến. Trong kế hoạch, ta chỉ dự kiến huy động 6.000 tấn gạo, bằng một phần sáu tổng sản lượng thu hoạch, nhưng nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã tự nguyện đóng góp vượt mức trên 1.300 tấn.
Đặc biệt là sự đóng góp của các dân tộc tỉnh Lai Châu, nơi trực tiếp diễn ra trận đánh Điện Biên Phủ. Nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương tại chỗ của mình, phục vụ tốt cho bộ đội, đồng thời còn vận động nhau cung cấp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo, vượt mức trên giao 64 tấn; 226 tấn thịt, vượt mức 43 tấn; 112 tấn rau xanh; 16.972 người đi dân công với 51.7219 ngày công; 348 ngựa thồ; 38 thuyền mảng; 25.070 cây gỗ chống lầy.
Có địa phương như Tuần Giáo đã huy động tới 45% tổng số lúa thu hoạch để cung cấp cho chiến dịch. Châu Điện Biên Phủ, nơi chiến trường diễn ra ác liệt, Nhân dân cũng đóng góp được 555 tấn gạo, 36 tấn thịt, 104 tấn rau, 38.000 ngày công.
Nhân dân các dân tộc ít người trong cả nước đều thi đua đoàn kết lập công. Bất kể đồng bào dân tộc ở Lai Châu hay Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Hoà Bình hay miền tây Thanh Hoá, bất kể là người Thái, Hà Nhì, Mường, Thổ hay Nùng, Tầy đều hăng hái thi đua đoàn kết giúp đỡ bộ đội. Đồng bào Mèo ở Tà Xia - Thán Chỉ, tuy chỉ chuyên trồng ngô và sống bằng ngô, bằng sắn vẫn có gạo đem đóng góp cho bộ đội. Đồng bào Mán, Nùng còn dùng cả trâu để thồ rau, gạo, thịt đến tận nơi trú quân giao cho bộ đội.
|
Mỗi chiếc xe thồ có thể chở trung bình từ 80kg đến 100kg tương đương với sức mang của 5 người. Ảnh tư liệu. |
Có người đầu đội rau quả, lưng gùi gạo, tay xách gà, dắt lợn trèo đèo lội suối đi không biết bao nhiêu ngày đường để trao tận tay cho các bếp. Có những nơi đồng bào thoả thuận giao tất cả những nương lúa chín vàng cho bộ đội tự thu hoạch, kịp làm gạo nuôi quân rồi sau đó ghi sổ báo lại. Không chỉ góp của, đồng bào các dân tộc còn góp công góp người cho chiến dịch. Trong tổng số hơn 26 vạn dân công, các dân tộc đã tham gia gần 8,7 vạn người.
Tất cả đều hướng ra mặt trận, các miền, các vùng, các địa phương thi đua với nhau, các tầng lớp công nhân, nông dân trí thức, học sinh, nhà buôn và cả một số địa chủ, tư sản, ai ai cũng sẵn lòng đóng công góp sức; đâu đâu cũng có phong trào ra quân rầm rộ.
Biết đồng bào miền núi chỉ biết dùng cối nước hay chày tay để làm gạo, vừa ít lại vừa chậm, đồng bào miền xuôi đã huy động từng đoàn thợ đóng cối xay lên giúp đồng bào miền núi làm gạo cho nhanh. Biết đồng bào miền xuôi không quen lái thuyền, lái mảng ở những nơi suối sâu, thác cao, nước xiết, đồng bào các dân tộc miền núi đã tình nguyện đảm nhận các công việc này, dành đồng bào miền xuôi phục vụ các tuyến trên bộ.
Có thể nói, đồng bào cả nước, các dân tộc sát cánh bên nhau cùng xẻ núi, san đồi, đẵn gỗ làm đường, cùng hợp lực phá hàng trăm thác lớn nhỏ trên các dòng sông Đà, sông Nậm Na để mở lối quân đi, cho thuyền mảng chở hàng qua lại.
Nhờ sự nỗ lực như vậy, nên điều khó khăn lớn nhất của chiến dịch là công tác hậu cần đã được giải quyết. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đã giúp chúng ta vượt qua tất cả. Bên cạnh đó phải kể đến những hoạt động của Nhân dân cả nước ủng hộ, phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ bằng việc nhất tề vùng lên, diệt ác phá tề, giành quyền làm chủ; những cuộc đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hoá trong các vùng địch tạm chiếm liên tiếp nổ ra cùng với việc tích cực tham gia cùng các lực lượng vũ trang các địa phương tiến công địch trên khắp các chiến trường, buộc định phải phân tán lực lượng để đối phó, giam chân chúng ở nhiều nơi làm địch càng thêm lúng túng bị động đối phó.
Công tác binh địch vận cũng được đẩy mạnh làm phá sản kế hoạch dự định nâng số quân ngụy lên 29 vạn tên vào năm 1953-1954. Đồng thời còn vận động được hơn 32.000 ngụy binh trở về với kháng chiến... Từ những hoạt động tích cực đó, khả năng tăng quân tiếp viện cho Điện Biên Phủ của địch bị hạn chế...
Những con số, những sự kiện cơ bản nói trên cho thấy, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ là vô cùng to lớn. Tạo được sức mạnh đoàn kết toàn dân như vậy cho chiến dịch là một thành công. Thành công đó có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết phải nói sức mạnh đó được huy động trên cơ sở tư tưởng Đại đoàn kết do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng. Tư tưởng đó được thông qua lời kêu toàn quốc kháng chiến với sức lay động vô cùng mạnh mẽ: “Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng, dùng súng, ai có gươm dùng gươm không có gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
|
Đại đoàn kết toàn dân đã mang lại chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN. |
Đại đoàn kết toàn dân đã mang lại chiến thắng Điện Biên Phủ. Sức mạnh đó thật to lớn và tiêu biểu. Nó là kết quả đóng góp của tất cả mọi tầng lớp Nhân dân trên mọi miền đất nước; nó là sức mạnh của cả dân tộc ra trận, bằng sự tham gia trực tiếp trên các tuyến đường mặt trận, bằng cả những hoạt động nhằm phối hợp với mặt trận chính Điện Biên Phủ.
Hơn 60 năm qua, bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được huy động cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ còn nguyên giá trị, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, mang tính nhân văn sâu sắc, là nguồn sinh lực bất tận để Nhân dân ta lập nên những chiến công hiển hách và làm cho dân tộc ta trường tồn, phát triển.
Đại tá, TS Nguyễn Thành Hữu - Nguyên cán bộ nghiên cứu lịch sử Bộ Tổng tham mưu