Theo TS Lê Hữu Phước, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), chỉ 7 ngày sau cao điểm tập kích chiến lược của đợt 1 Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tướng Westmoreland - Tư lệnh Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ, Tư lệnh Lục quân quân đội Mỹ - phải thừa nhận: "Đối phương đã giáng cho Chính phủ Nam Việt Nam một cú đấm nặng nề; họ đã đưa chiến tranh vào các thành phố, đô thị, gây thương vong và thiệt hại nghiêm trọng cho chúng ta".
Chia rẽ sâu sắc
Báo chí Mỹ và báo chí Sài Gòn bấy giờ cho rằng "chiến tranh đã vào tận giường ngủ" của Đại sứ E. Bunker, của tướng Westmoreland, của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu... Đặc biệt, trận tập kích tòa Đại sứ Mỹ trở thành cú sốc mạnh đối với cả nước Mỹ. Một nhà báo Mỹ nhận xét: "Khi được tin sứ quán Mỹ bị tấn công, mọi người đều hiểu rằng Việt cộng đang tiến công vào trái tim của nước Mỹ ở giữa Sài Gòn".
Đưa chiến tranh vào tận sào huyệt đối phương, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ngay từ đợt 1 đã đồng thời "đưa chiến tranh vào lòng nước Mỹ". Tổng thống Johnson thừa nhận Mỹ và chính quyền Sài Gòn "bị một đòn choáng váng". Cựu tổng thống Eisenhower phát biểu vào ngày 27-3-1968 rằng "chưa bao giờ gặp phải tình trạng đáng buồn như tình cảnh hiện nay của nước Mỹ, bị chia rẽ sâu sắc vì cuộc chiến tranh".
TS Lê Hữu Phước cũng cho biết hồi ký của Taylor - một tướng Mỹ - viết: "Những quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ cảm thấy rằng cuộc tiến công của đối phương năm 1968 chứng minh là Mỹ không bao giờ có thể đạt được thành công ở Việt Nam bằng những phương tiện quân sự. Lần đầu tiên trong lịch sử 200 năm của mình, quân đội Mỹ đã bị đánh bại trong một trận quyết chiến chiến lược, dẫn đến hậu quả đặt Mỹ vào vị trí thua trận trong một cuộc chiến tranh.
Những trận tiến công của đối phương được báo chí Mỹ tường thuật bằng những tít lớn, đã được chiếu trên truyền hình Mỹ và đã làm cho dân chúng Mỹ, quan chức Mỹ kinh hoàng".
|
Quân giải phóng chiếm Nha hành chính của Quân đội Sài Gòn, năm 1968. Ảnh: TƯ LIỆU.
|
Hệ quả trực tiếp của đợt 1 Mậu Thân là hàng loạt nhân vật quan trọng trong chính giới và quân đội Mỹ hoặc bị thay thế hoặc bị triệu hồi về nước như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng McNamara, Tư lệnh Westmoreland...
Ngay cả Tổng thống Mỹ Johnson cũng buộc phải tuyên bố không ứng cử vào nhiệm kỳ thứ hai. Tiếp đó, giới lãnh đạo Mỹ buộc phải xét lại toàn bộ đường lối tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, xuống thang chiến tranh và chấp nhận đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo đại tá Lê Đức Hạnh - Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử quân sự thế giới, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - hậu quả của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không chỉ làm suy sụp lòng tin của người dân Mỹ về cuộc chiến, mà còn làm suy giảm uy tín của Tổng thống Johnson. Số liệu các cuộc thăm dò tại Mỹ cuối tháng 2/1968 cho thấy uy tín của Tổng thống Johnson về điều hành chiến tranh giảm từ 51% (tháng 11-1967) còn 26%; về điều hành đất nước nói chung cũng giảm từ 48% còn 36%. Số liệu điều tra của Viện Gallup còn chỉ ra rằng đã có thêm hơn 30% người Mỹ trước đây không phản chiến nay chuyển sang phản chiến và đấy là cú sốc đối với chính trường Mỹ.
Chỉ ít ngày sau khi đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 kết thúc, cựu Tổng thống Mỹ Eisenhower thừa nhận: "Chưa bao giờ nước Mỹ gặp phải tình trạng đáng buồn và bị chia rẽ sâu sắc về cuộc chiến tranh như hiện nay". Tại một phiên điều trần ở Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, 113 thượng nghị sĩ đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu tổng thống cung cấp đầy đủ các thông tin về quá trình điều hành chiến tranh.
Mâu thuẫn lộ rõ
Để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị sau sự kiện Mậu Thân, cuối tháng 3/1968, Tổng thống Johnson phải triệu tập gấp cuộc họp cố vấn cấp cao không chính thức. Nhưng khác với những gì tổng thống mong đợi, nếu như trong cuộc họp hồi tháng 11/1967, phần lớn các thành viên đều ủng hộ chính sách leo thang của tổng thống thì lần này đa số đều khẳng định đã đến lúc nước Mỹ nên chấm dứt leo thang chiến tranh và rút quân về nước.
Mâu thuẫn trong chính trường Mỹ sau sự kiện Mậu Thân 1968 còn lộ rõ ở các quyết sách liên quan đến cuộc chiến sau đó. Cụ thể, nhiều tướng lĩnh đã tìm cách thuyết phục tổng thống Mỹ mở rộng "Chiến dịch Sấm Rền" đánh phá miền Bắc và tăng thêm 206.000 quân tới miền Nam Việt Nam nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường, củng cố tinh thần binh lính và làm chỗ dựa cho chính quyền và quân đội Sài Gòn.
Trong các kỳ họp Quốc hội Mỹ bấy giờ, Đảng Cộng hòa liên tiếp lên tiếng buộc tội Tổng thống Johnson và các đảng viên Đảng Dân chủ "non tay với cộng sản", thực hiện chính sách "nửa vời" và không theo đuổi đến cùng các mục tiêu quân sự đã đề ra khiến Nam Việt Nam rơi vào tình trạng như hiện nay. Đảng Dân chủ coi đây là hệ quả tất yếu của những suy tính chiến lược vô căn cứ. Trong các phiên họp thường kỳ và bất thường của Quốc hội Mỹ, nhiều đảng viên Đảng Dân chủ công khai tuyên bố chống chiến tranh; thúc giục Tổng thống Johnson chấm dứt ném bom miền Bắc và tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam.
Bất đồng cũng được phản ánh trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968, rõ nét nhất là việc Tổng thống Johnson buộc phải tuyên bố không tái tranh cử nhiệm kỳ hai.
Mọi chi phí trở nên vô nghĩa
Tính đến giữa năm 1967, bình quân hằng năm Mỹ đã chi phí cho cuộc chiến tại Việt Nam hơn 20 tỉ USD. Đến giữa năm 1968, số binh lính Mỹ có mặt tại Việt Nam đã lên tới 540.000 quân. Chi phí và tổn thất của quân đội Mỹ đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội của Mỹ. Và cho đến khi sự kiện Tết Mậu Thân 1968 kết thúc, nhân dân Mỹ mới thực sự thấy rằng mọi chi phí cho chiến tranh đã trở nên vô nghĩa, nó không thể bảo đảm cho một chiến thắng tại Việt Nam.
(Dẫn theo tài liệu tại hội thảo về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, do Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP HCM tổ chức).
Theo Sỹ Nhân - Trường Hoàng/Người Lao động