Đào Duy Từ hiệu là Lộc Khê, quê ở làng Vân Trai, xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoa (nay là làng Giáp Nỗ, xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa).
Cha ông là Đào Tá Hán, trước làm lính cấm vệ trong triều, sau bị đuổi về quê làm nghề xướng ca rồi mất sớm.
Quân sư tài ba của chúa Nguyễn
Sách Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn chép rằng Đào Duy Từ vốn là người thông minh, học rộng, đỗ á nguyên khoa thi Hương năm 1593 đời Vua Lê Thế Tông (1567-1584) khi mới 21 tuổi.
Ông thi Hội, bài luận rất tốt được quan chánh chủ khảo là Thái phó Nguyễn Hữu Liêu đánh giá cao. Tuy nhiên, Bộ Lễ đã đưa chứng cứ và truyền lệnh xóa tên, đánh tuột á nguyên, lột mũ áo vì tội đổi họ, man khai lý lịch, bị gạch tên và tống giam.
Nguyên nhân là bởi ở Đàng Ngoài lúc ấy, xướng ca bị cho là “vô loài”, con cái họ không được phép dự thi, không được làm quan. Đào Duy Từ đã đổi tên thành Vũ Duy Từ để đi thi.
Sau khi biết tin chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) ở Đàng Trong chiêu hiền, năm 1625, Đào Duy Từ khăn gói lên đường. Thời gian đầu, chưa có cơ hội yết kiến chúa, ông xin ở lại chăn trâu cho quan Khám lý Trần Đức Hoà.
Sau khi được đọc tập Ngọa Long Cương Vãn của Đào Duy Từ, thấy được tầm nhìn và ý chí của ông, Trần Đức Hòa nhận Đào Duy Từ làm con nuôi.
Sau khi được Trần Đức Hoà giới thiệu với chúa Sãi, chỉ qua một lần đối đáp, Đào Duy Từ nhận được sự tin tưởng và trở thành quân sư của chúa Nguyễn.
Từ đó về sau, những khi có việc chính sự quan trọng, chúa đều cho mời Đào Duy Từ để hỏi ý kiến, đàm đạo. Chính Đào Duy Từ là người đã đốc thúc việc xây luỹ, rèn binh.
Năm 1630, khi Đào Duy Từ đang cho quân đắp luỹ Trường Dục thì Trịnh Tráng đưa quân tiến đánh. Quân Nguyễn chiến đấu anh dũng, đánh bại binh lính Trịnh.
|
Chân dung Đào Duy Từ. Ảnh: Thư viện Lịch sử.
|
Năm sau, theo kế hoạch của Đào Duy Từ, chúa Nguyễn tiếp tục cho xây luỹ Đồng Hới. Những thành luỹ kiên cố đã giúp quân Nguyễn phòng thủ vững chắc, bảo vệ được thành quả trước đợt tấn công của quân Trịnh.
Không chỉ giúp chúa phát triển, xây dựng quân đội, Đào Duy Từ còn tiến cử nhiều tướng giỏi khác vốn là người thân của ông như Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến (con rể), Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật (học trò), Phúc Kiều, Nguyễn Đình Hùng… Những người này đều được chúa Sãi hết lòng tin yêu và giao cho những chức vụ quan trọng.
Chiếc mâm hai đáy và bài thơ bí hiểm
Lúc này, thấy thế lực đã đủ mạnh, chúa Sãi quyết định tuyệt giao với Bắc Hà, không muốn lệ thuộc vào vua Lê, chúa Trịnh nữa. Do đó, đến năm 1630, mặc dù vẫn dâng lễ vật tiến cống, theo kế của Đào Duy Từ, chúa đã cho làm chiếc mâm để dâng cống, trên mâm ghi một bài thơ rất bí hiểm:
Mâu nhi vô dịch / Mịch phi kiến tích / Ái lạc tâm trường / Lực lai tương địch.
Khi thay vua Lê nhận phẩm vật, chúa Trịnh thấy bài thơ khó hiểu, hỏi khắp các quan trong triều không ai giải được. Nhưng vì không muốn sứ giả đánh giá thấp kiến thức triều đình Bắc Hà, chúa Trịnh vẫn cho khoản đãi và tiễn đoàn ra về như thường lệ, không hỏi gì.
Sau khi đã tiễn đoàn sứ giả rời khỏi Thăng Long, chúa Trịnh mới cho tìm người giỏi khắp xứ để giải bài thơ hiểm hóc.
Giai thoại kể rằng chỉ khi có người tiến cử trạng nguyên Phùng Khắc Khoan (trạng Bùng), bài thơ mới được giải. Vừa đọc, trạng Bùng đã hiểu ngay ngụ ý của bài thơ. Ông giảng giải:
Mâu di vô dịch: Chữ Mâu không có nét phẩy ở nách, tức là chữ Dư.
Mịch phi kiến tích: Chữ Mịch không có chữ kiến ở dưới, tức là chữ Bất.
Ái lạc tâm thường: Chữ Ái bị rơi mất chữ Tâm ở dưới, tức chữ Thụ.
Lực lai tương địch, nghĩa chữ Lực đứng sát với chữ Lai, thành chữ Sắc.
Ý của bài thơ là “Dư bất thụ sắc” nghĩa là “ta không nhận sắc”.
Ngoài ra, vì thấy cái mâm dày, trạng Bùng cho rằng giữa mâm chắc chứa cái gì liên quan ý của bài thơ, nên ông khuyên chúa Trịnh cho chẻ đôi cái mâm ra. Quả nhiên thấy giữa mâm có đạo sắc phong cho Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ thành Thuận Quảng, do vua Lê ban trước đây, giờ chúa Nguyễn trả lại.
Giận quá, chúa Trịnh sai quân lính đuổi theo sứ giả để bắt chém thị uy, nhưng sứ Lại Văn Khuông theo lời dặn của Đào Duy Từ vừa ra khỏi kinh đô Thăng Long đã một mạch phi ngựa thẳng vào nam, quân Trịnh không thể đuổi kịp.
Thấy chúa Nguyễn công khai tỏ ý bất phục, chúa Trịnh cảm thấy mối nguy đã lớn dần, không thể ngồi yên. Năm 1633, đích thân vua Lê chúa Trịnh kéo đại quân vào đánh chúa Sãi. Quân Đàng Trong, với tài năng của quân sư Đào Duy Từ, đã đánh lui quân Lê - Trịnh.
Theo Zing News