Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng có công đánh tan quân Nguyên, được triều đình phong làm Tiết độ sứ. Không chỉ có công trong cuộc chiến kháng Nguyên, Quốc Tảng còn lập công trong chiến dịch dẹp loạn Sầm Tử năm 1279.
Quốc Tảng lại trở thành quốc trượng khi 2 người con gái của ông lần lượt làm chính cung của vua Trần Anh Tông. Sau Quốc Tảng còn được phong làm Đại vương và truy phong chức thái úy khi mất. Thế nhưng, người ta chỉ nhớ ông với điển tích "xúi cha làm Tống Thái Tổ". Vậy, công lao của Hưng Nhượng vương lại ít được nhắc đến và hậu thế cũng không mấy nhớ tới Hưng Nhượng vương còn có một người con trai giỏi giang không kém là Trần Quang Triều.
Trần Quang Triều (1286-1325) là con trai cả của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Ông còn có tên là Nguyên Đạo, Nguyên Thụ, hiệu là Cúc Đường. Năm 14 tuổi, Trần Quang Triều đã được phong tước Văn Huệ Vương. Vua Trần Nhân Tông rất yêu quý Quang Triều nên đã gả con gái là Thượng Trân công chúa cho ông. Năm Khai Thái nguyên niên (1324), dưới triều Trần Minh Tông, Trần Quang Triều được triệu ra gánh vác việc nước. Ông giữ chức Nhập nội kiểm hiệu Tư đồ. Ông được biết đến như người văn võ song toàn nhưng văn thì nổi tiếng hơn vì thời của ông thì không có những cuộc chiến lớn. Sử cũng không ghi chép về các chiến công võ lược của ông mà chỉ dựa trên bài thơ của danh sĩ Nguyễn Ức khi ấy:
Tống Cúc Đường chủ nhân chinh Thích Na
Tướng đàn bái liễu, phụng thiên tru,
Thố quật na dung thủ thử mưu.
Cổ giốc lệnh nghiêm chiên trướng dạ,
Cung đao thanh động Ngọc Sơn thu.
Dã phân vạn táo man yên tản.
Khoáng hiệp tam quân sĩ khí trù.
Bi ký bình Hoài tuyên thịnh sự,
Mạc trung hoàn hữu Thoái Chi phầu?
Dịch nghĩa
Nhận chức tướng quân xong, vâng lệnh trời đi chinh phạt,
Không để cho thỏ trong hang mưu thập thò như chuột.
Hiệu lệnh trống còi nghiêm nhặt nơi chiên trướng lúc ban đêm,
Tiếng cung đao vang động miền Ngọc Sơn giữa mùa thu.
Muôn bếp tán loạn, khói xóm Mường lên rải rác,
Ba quân đùm bọc, khí thế tràn đầy.
Bia ghi công bình định đất Hoài tuyên dương việc hay,
Trong quân trướng còn có Hàn Thoái Chi hay không?
Bài thơ đó cũng phần nào tả được tài cầm quân của cháu nội Hưng Đạo vương với việc tốc chiến, nghiêm lệnh và chiến thắng được lưu tên vào bia đá. Ngay khi ở đỉnh cao quyền lực với chức vụ tư đồ, Quang Triều đã không ham phú quý, chán ghét danh lợi. Thay vào đó, ông thích cuộc sống nhàn nhã, làm bạn với thi ca hơn. Sau khi Thượng Trân công chúa qua đời, ông về ở Bích Động am và dành toàn thời gian cho thơ.
Ông là chủ soái của Bích Động thi xã. Đây là một trong những hội thơ sớm nhất của nền thi ca phong kiến Việt Nam, có từ thế kỷ 14, trước cả Tao đàn Nhị thập bát Tú do vua Lê Thánh Tông sáng lập. Hội thơ của Quang Triều tập hợp những danh sĩ nổi tiếng nhất thời Trần khi đó như Nguyễn Sưởng, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Ức, Tự Lạc tiên sinh. Quang Triều đứng đầu thi xã không chỉ vì thân phận cao quý, chức vụ lớn trong triều đình mà ông thực sự có tài làm thơ.
Tháng 8 năm Khang Thái thứ 2 (1325), Văn Huệ vương Quang Triều mất khi mới 38 tuổi. Sau khi Trần Quang Triều mất, bạn bè ông đã thu thập và biên tập thơ ông thành tập Cúc Đường di cảo. Đáng tiếc trong thời gian kháng Minh, tập thơ ấy đã thất lạc. Đến đầu thời Lê, Phan Phu Tiên sưu tầm được 11 bài bèn chép trong Việt âm thi tập. Đó là các bài
Chu trung độc chước; Đề Gia Lâm tự; Đề Liêu Nguyên Long tống hoạ cảnh phiến; Đề Phúc Thành từ đường; Điếu tẩu; Giang thôn tức sự; Hoàng Châu đạo lộ tác; Mai thôn phế tự; Quá An Long; Quy chu tức sự; Trường An hoài cổ vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Đáng chú ý nhất trong số đó là bài Trường An hoài cổ được coi như dạng Sấm truyền báo trước nhà Trần sẽ mất.
Trường An hoài cổ
Hà nhạc chung tồn cố quốc phi,
Sổ hàng lăng bách bối tà huy.
Cựu thời vương khí mai thu thảo,
Mộ vũ tiêu tiêu dã điệp phi.
Dịch nghĩa
Sông núi rốt cuộc vẫn còn mà nước cũ đã đổi khác,
Mấy hàng bách trồng trên gò đứng phơi lưng dưới nắng chiều.
Khí đế vương triều xưa chôn vùi dưới cỏ mùa thu,
Mưa chiều hiu hắt bướm nội bay.
Thực sự trong hầu hết các bài thơ của Quang Triều còn lưu lại đều phảng phất nỗi buồn về thời cuộc bể dâu. Tuy nhiên, đó không hẳn là buồn vì vận nước mà giống nỗi buồn của một con người trước cảnh vật vô thường mà thôi. Cần nhớ rằng Quang Triều là một người nghiên cứu rất sâu về đạo, đặc biệt là Phật giáo nên các bài thơ của ông đều có hơi thở của Thiền. Chẳng hạn như bài
Mai thôn phế tự
Hoang thảo tiền triều tự,
Thu phong cựu chiến trường.
Tàn bi trầm mộ vũ,
Cổ Phật ngọa tà dương.
Thạch thất tàng vân nạp,
Hoa đài cúng dã hương.
Ứng thân vô xứ sở,
Dữ thế cộng hưng vong.
Dịch nghĩa
Ngôi chùa của triều đại trước lẫn giữa đám cỏ hoang,
Bãi chiến trường xưa đang phơi mình trước gió thu.
Tấm bia tàu chìm trong mưa chiều,
Pho tượng cổ nằm phơi bóng xế.
Tấm áo mây đã cất trong ngôi nhà đá,
Mùi hương đồng nội dâng lên đài hoa.
Ứng thân không có chỗ nhất định,
Với đời cùng hưng vong.
hay bài
Đề Gia Lâm tự
Tâm hôi oa giác mộng,
Bộ lý đáo thiền đường.
Xuân vãn hoa dung bạc,
Lâm u thiền vận trường.
Vũ thu thiên nhất bích,
Trì tịnh nguyệt phân lương.
Khách khứ tăng vô ngữ,
Tùng hoa mãn địa hương.
Dịch nghĩa
Lòng nguội lạnh với giấc mơ sừng con sên
Dạo bước đến cửa thiền
Xuân muộn, dáng hoa mỏng mảnh
Rừng sâu, tiếng ve ngân dài
Mưa tạnh, trời xanh biếc một màu
Ao trong, trăng mát dịu toả xuống
Khách ra về, sư chẳng nói
Mặt đất thơm ngáy mùi hoa thông.
Những bài thơ trên của Quang Triều đều phảng phất hơi buồn theo phong cách giống nhau. Chỉ có điều bài Trường An hoài cổ lại có những chữ nhạy cảm nên hậu thế sau khi xem và chiêm nghiệm thì ngỡ như một bài dự báo nhà Trần sẽ mất. Thực tế thì thời vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông cai trị, vận nước còn mạnh lắm, chỉ là thiếu những chiến công rạng rỡ như thời Trần Thái Tông, Thánh Tông hay Nhân Tông mà thôi.
Theo các tư liệu ghi chép trong sách vở và bia chùa Quỳnh Lâm, thì Trần Quang Triều và vợ là công chúa Thượng Trân đã đóng góp rất nhiều công của cho chùa Quỳnh Lâm. Sách Tam tổ thực lục có ghi lại rằng, năm 1317 khi bắt đầu tu tạo lại chùa Quỳnh Lâm, Trần Quang Triều đã đóng góp 4.000 quan tiền (bia chùa Quỳnh Lâm thì ghi 40 vạn). Đến năm 1324, ông còn cúng thêm 300 mẫu ruộng ở Gia Lâm, hơn 1.000 mẫu ruộng ở An Lưu (thuộc đất phong của An Sinh vương Trần Liễu) và 1.000 nô tì để làm của tam bảo vĩnh viễn cho chùa.
Tại thành phố Nam Định hiện giờ có phố Trần Quang Triều dài 88m, rộng 8m, có địa giới từ phố Nguyễn Văn Hoan đến phố Phạm Công Trứ.
Theo Anh Tú / Một Thế Giới