Chị Nguyễn Bích Thủy (SN 1972, quê Cần Thơ) là vợ anh Nguyễn Phước Bảo Tài (SN 1964) có phụ thân là hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu. Anh Tài là cháu nội Vua Thành Thái và mang quan hệ huyết thống với một vị vua yêu nước khác của dân tộc - Vua Duy Tân.
Yêu phải con Hoàng tử
Phóng viên Vntinnhanh gặp chị Thủy khi đang cùng chồng chuẩn bị đồ đạc quay trở lại cuộc sống mưu sinh ở đất Sài Gòn tất bật. Năm nay chị đã ngoài ngoài bốn mươi, gánh nặng mưu sinh cùng tiền thuốc thang cho con gái bị liệt hệ thần kinh số 9s bẩm sinh khiến cho chị hom hem, ốm yếu hẳn đi.
Chị cho hay, mình sinh ra trong một gia đình rất đông anh em. Từ nhỏ chị đã phải chịu nhiều thiệt thòi về cái ăn, cái mặc vì vậy chị đành bỏ học đi làm kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Những ngày đầu ra đời chị phải trải qua không biết bao nhiêu chuyện.
|
Chị Thủy cùng chồng và con gái. |
Chị Thủy đi bán vé số bị người ta lừa lọc, khóc hết nước mắt. Sau đó chị xin vào phụ bán tại một quán cơm đường Phan Đình Phùng, TP Cần Thơ. Công việc mới ổn hơn nhưng cũng vất vả không kém gì bán vé số.
Số phận đưa đẩy, trước quán cơm ấy là nơi anh Nguyễn Phước Bảo Tài sau này thường hay đứng đợi khách vì anh làm nghề xe ôm thồ. Hai người cứ thế gặp nhau, biết nhau rồi yêu lúc nào không hay.
Cháu nội Vua Thành Thái kể chuyện với phóng viên về những ký ức từ thuở thơ ấu đến thời thanh niên của mình và những lo nghĩ về cuộc sống hiện tại.
Chị nhận thấy ở chàng trai ấy sự hiền hòa, chăm chỉ lại quan tâm yêu thương chị hết lòng. Vì vậy mà cô gái miền Tây sông nước ấy chấp nhận làm vợ anh Tài sau câu nói chân thành “Về làm vợ tui, tui thương cô lắm”.
“Lúc nhận được câu nói như vậy thực sự tôi khá bất ngờ nhưng tôi thương yêu chồng tôi lắm. Ảnh nói ít làm nhiều, chẳng bao giờ thấy anh than vãn về cuộc sống khó khăn cả. Chúng tôi yêu nhau vì cái duyên, cưới nhau vì cái phận mà”, chị cười nói.
Trước khi về nhà chồng, chị chỉ nghe anh Tài kể rằng gia cảnh cũng khó khăn như chị, nhà đông anh em, không ai được học hành đầy đủ chứ không hề biết anh có dòng dõi hoàng tộc. Khi gặp cha chồng cũng thấy ông hiền từ, không có gì khiến chị phải căng thẳng. Duy chỉ có một điều là cách sinh hoạt của ông rất khác với người Việt.
Chỉ một thời gian sau đó, năm 2004, cô gái Nguyễn Bích Thủy và anh Nguyễn Phước Bảo Tài về sống chung một nhà. Hai vợ chồng làm lụng suốt ngày để “rau cháo nuôi nhau” cùng các khoản chi tiêu khác trong gia đình.
Mọi chuyện mới vỡ lẽ chỉ khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu năm 2005. Chị quả thực rất bất ngờ về thân thế của bên nhà chồng, ai mà biết được rằng cô gái miền quê sông nước lại lấy con của một Hoàng tử, cháu của một vị Vua yêu nước, nổi tiếng thông thái của nhà Nguyễn.
Như một câu chuyện trong truyện cổ tích, nhưng nó lại chẳng đẹp long lanh.
“Tôi cũng không giận gì chuyện ảnh không nói về gia thế xưa của nhà mình. Tôi biết được cũng vui nhưng chỉ là để đó thôi. Trước mắt chúng tôi phải lo mưu sinh nữa, thời thế giờ đã khác lắm rồi. Mọi chuyện quá xa rồi, chỉ biết sống tốt cho ba vui lòng!”, chị Thủy chia sẻ.
Đời mưu sinh vất vả song hành cùng lòng yêu thương con gái nhỏ bất hạnh
May mắn năm đó, nhờ sự giúp đỡ của cố Thủ tướng mà gia đình được chính quyền và các nhà hảo tâm giúp đỡ xây cho một ngôi nhà tình nghĩa. Ngôi nhà lúc trước đã quá cũ nát không còn trụ vững được nữa.
Chỉ một năm sau khi có cuộc thăm hỏi của Cố thủ tướng, vợ chồng chị có tin vui. Chị mang thai và sinh được một cô con gái. Ấy vậy mà số phận trêu ngươi, cô bé Nguyễn Thanh Tuyền (SN 2006) chào đời khi mới trong bụng mẹ được có 7 tháng.
Với cân nặng chỉ chưa đầy 1kg, đứa trẻ sơ sinh có huyết thống là một công nương hoàng tộc phải vào phòng chăm sóc đặc biệt, nằm lồng kính trong nhiều tháng. Tin đau đớn hơn đến khi bé bị liệt hệ thần kinh số 9 bẩm sinh.
Để chăm sóc cho con thuận tiện, chị Thủy nghỉ làm còn anh Tài phải một mình lăn lội. Các khoản từ viện phí, ăn ở đi lại một mình anh Tài gồng gánh. Cũng năm đó hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu mất.
Ánh mắt người phụ nữ chùng xuống, nhìn xa xăm. Bệnh của bé Tuyền khiến tứ chi không thể hoạt động, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào ba mẹ. Chị Thủy cũng thôi không đi làm mà ở nhà coi sóc con.
Chút vận may đến vào tháng 3/2015 nhờ người mách bảo rằng ở quân Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh có một vị thầy thuốc chữa bệnh bằng phương pháp Đông y truyền thống bấm huyệt rất giỏi. Biết vậy, hai vợ chồng khăn gói lên đường ngay.
“Gặp được vị lương y này chúng tôi mừng và hy vọng nhiều lắm. Chỉ mong con đỡ được phần nào vì sau này nếu không có chúng tôi nó còn tự chăm sóc được mình", chị Thủy nghẹn ngào.
Khi lên thành phố, vợ chồng chị thuê trọ gần phòng khám để tiện bề việc chữa trị cho con. Mỗi tháng phải trả hơn 2 triệu tiền trọ, sau không trang trải nổi, cả nhà phải chuyển lên tầng 3 với giá 1 triệu. Hằng ngày, anh chị đều phải thay nhau cõng con lần dò từng bước một từ tầng 3 đến hết để đưa đi học.
Nhìn chồng vất vả, muốn đỡ đần cho anh, chị quyết định đi kiếm việc làm. Về phần anh Tài, đi xe ôm thô ba cọc ba đồng không ổn định, không đủ để mua thuốc thang chạy chữa cho con nên anh xin làm phụ hồ. Cả anh và chị đều được nhận làm.
Lương mỗi ngày của hai người là 400.000 đồng. Sau đó, chị Thủy mới đổi sang quét rác, dọn vệ sinh và tưới cây thuê vì sức khỏe không tốt để làm những việc nặng nhọc.
Bệnh của Thanh Tuyền, ngày 2 lượt châm cứu chi phí 50.000 đồng cho một lần. Vậy là 1 tuần phải chi hơn 1 triệu để chữa trị cho con. Nhờ kiên trì mà gần một năm nay bệnh tình của cô con gái khởi sắc. Bé có thể ngồi dậy được, đi lại cũng được nếu có người dìu, thay vì nằm liệt giường như trước đây.
Chừng đó thôi cũng đủ làm vợ chồng anh Tài chị Thủy sung sướng. Vì đứa con duy nhất ấy trong tâm họ không hề giống gánh nặng mà là cả một tình yêu lớn!
Chúng tôi nhớ như in cảnh bé Tuyền dù bệnh vẫn biết cố gắng khoanh tay cúi chào chúng tôi khi vừa gặp mặt. Lúc nghe thấy ba mẹ cùng chúng tôi nhắc về mình, tôi dường như cảm thấy cô công nương bất hạnh ấy nhìn mọi người cười nhiều hơn.
Tháng 3/2016, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã quyết định hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại, nơi ăn chốn ở của gia đình anh về dự húy kị “3 Vua một ngày” – Vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân. Bên cạnh đó Trung tâm còn giúp đỡ khám bệnh và tặng một phần tiền để phần nào giúp đỡ cho anh chị.
Hiện có khá nhiều ý kiến mong rằng chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế có thể cho gia đình anh Nguyễn Phước Bảo Tài trở về quê cha đất tổ để góp phần trông coi những di tích mà tiên tổ Triều Nguyễn đã dựng nên và tiện săn sóc cho bé Tuyền, nhưng đó có lẽ còn là chuyện hạ hồi phân giải.
Mời quý độc giả xem video:
Theo VnTinnhanh