Gác lại mơ ước để đi tìm “cánh chim cuối đàn”
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Tây Nguyên, thuộc huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, chàng trai 9X Đỗ Mạnh Cương luôn tâm niệm phải làm gì đó để thoát nghèo trên chính mảnh đất Tây Nguyên.
Năm 2017, anh quyết định đi khắp các vùng miền của Tổ quốc để trải nghiệm và quan sát cách mọi người thưởng thức cà phê. Khi đó, Đỗ Mạnh Cương vẫn ấp ủ kế hoạch kinh doanh cà phê theo hướng tự trồng, chế biến và kinh doanh chuỗi cửa hàng cà phê sách.
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là những nơi Cương gắn bó lâu nhất trong khoảng thời gian này. Cuối năm 2021, anh quyết định rời thành phố để về lại mảnh đất Tây Nguyên lập nghiệp. Tuy nhiên, lúc này anh lại rẽ sang một hướng đi hoàn toàn mới.
|
Anh Đỗ Mạnh Cương.
|
Sau 2 tháng đi khắp 11 xã trong huyện, anh chứng kiến cuộc sống của người dân tộc thiểu số, những người chiếm đến 60% dân số huyện Mang Yang.
“Khi đi chứng kiến tận mắt việc họ được xem như công cụ được ai đó sử dụng để lấy tài nguyên với giá rẻ mạt, rồi đi phá rừng để ai đó hưởng lợi. Có những người bị cây gỗ đè phải bỏ mạng tại rừng, có những người mang thương tật đầy người trở về làng, có nhưng người phải ngồi tù,... nước mắt mình đã rơi và mình đã rất đau khi nghe họ kể chuyện, đi rừng cùng họ. Mình hỏi mấy anh có muốn đi vào rừng thế này không? Họ rất hồn nhiên trả lời ngay tức khắc là “Không”. Vì đói nhưng không biết làm gì lên mới làm thôi”, anh Cương bồi hồi kể.
Với suy nghĩ: “Đàn chim mạnh nhất bay theo tốc độ của con chim cuối đàn”, trở về nhà, Cương bị dằn vặt bởi câu hỏi: “Tiếp tục theo đuổi giấc mơ làm cà phê hay giải quyết bài toán “con chim cuối đàn?”.
Quyết định tạm gác lại kế hoạch làm cà phê khi anh nhận ra ngoài văn hóa cồng chiêng, điệu múa xoan, ẩm thực đặc sắc của núi rừng, ... thì người Bana xưa có truyền thống đàn ông phải biết đan lát và làm dụng cụ lao động như gùi để mang lúa về nhà, bẫy thú, đơm cá,.... phụ nữ thì phải biết dệt, may quần áo,...
Từ cái gùi của người Bana được làm từ mây tre đan thủ công, vẫn với nguyên liệu ấy, anh nghĩ ra đủ thứ sản phẩm như túi xách, balo, và các loại dụng cụ gia đình khác,...
|
Những sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống.
|
Đầu tiên là làm ra chiếc kẹp tóc từ chất liệu mây tre đan, sau đó là mày mò để tạo ra những sản phẩm khác, tất cả đều được tạo nên bởi đôi tay của chính những người đàn ông Bana.
“Ban đầu cũng khó khăn lắm, anh em định bỏ cuộc nhưng mình động viên rằng ở làng nghề ngoài Hà Nội phải nhập nguyên liệu từ mình về mà họ còn giàu được, huống chi mình có sẵn nguyên liệu. Vấn đề ở anh em mình làm chưa đúng cách, hoặc mức độ chịu khó chưa đủ. Thời gian sau đó, những sản phẩm mới cứ lần lượt được tạo ra”, anh Cương chia sẻ.
Nhưng khi sản phẩm đã hoàn thiện, cái khó tiếp theo là tìm kiếm thị trường. Mải miết bị cuốn vào làm sản phẩm đến khi hết cả vốn liếng thì anh mới nhận ra rằng khách hàng mới là những người sử dụng và đánh giá sản phẩm.
Sau khi nhận hàng loạt những gợi ý, đánh giá, anh dần cải tiến và hoàn thiện sản phẩm. Cũng từ đó anh luôn tâm niệm những gợi ý của người dùng mới là tiêu chí để chuẩn hoá sản phẩm.
“Người thì nói làm túi xách, người thì thích vali,... anh em làm luôn. Rồi chỉ trong chưa đầy một tháng bám sát người tiêu dùng thì sản phẩm liên tục được ra đời. Và nhưng dòng tiền đầu tiên đã về. Tuy không nhiều nhưng cũng cải thiện được thu nhập cho anh em”, anh Cương nói.
Hiện quy mô sản xuất chưa lớn nhưng cũng đã được thị trường trong nước đón nhận. Anh Cương đang làm thủ tục thành lập doanh nghiệp theo mô hình hợp tác xã để sản phẩm có thể đi xa hơn.
“Chắc chắn sản phẩm của bọn mình sẽ phải được xuất khẩu. Đây đều là những sản phẩm mang tính ứng dụng rất cao trong cuộc sống. Mình làm hoàn toàn vì tình yêu quê hương, chính điều này đã thôi thúc mình ở lại với quê hương”, anh Đỗ Mạnh Cương chia sẻ.
|
Cặp tóc và túi xách làm từ mây tre đan, những sản phẩm được anh Cương và cộng sự sáng tạo nên.
|
Bài học rút ra khi bỏ phố về quê
Với những thành công ban đầu, anh Cương chia sẻ những bài học rút ra cho những người muốn về quê khởi nghiệp. Theo anh, cần tập trung vào việc bám sát thị hiếu người tiêu dùng. Tập trung vào con người và nâng cao năng lực từng cá nhân. Vì con người tạo ra sản phẩm chứ không phải sản phẩm tạo ra con người.
Bài học tiếp theo được anh Cương rút ra là cần “tỉnh đòn” với bài toán dòng tiền, tránh công sức bỏ sông bỏ biển, dẫn đến nợ nần và để lại hệ lụy không tốt khi về quê khởi nghiệp.
|
Một số sản phẩm được đem đi chào hàng.
|
Bên cạnh đó, cần thực sự hoà đồng với bà con, những người cộng sự của mình, tránh tư duy tự đặt mình ở cái “tầm” cao hơn họ; đưa cộng sự địa phương ra thị trường để định hướng cho họ tư duy về việc sản phẩm cần hướng tới thị trường.
Cuối cùng, anh Cương cho rằng cần tận dụng nền tảng công nghệ để kết nối sản phẩm với thị trường.
Theo Tuân Nguyễn / Infonet