Chàng trai khiếm thị vượt lên số phận bằng âm nhạc

Google News

Tuy không thể nhìn thấy ánh sáng, nhưng Nguyễn Đức Thiện (sinh năm 2000) đã nỗ lực vượt lên số phận, trở thành sinh viên tài năng của Khoa Nhạc cụ truyền thống (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, Thiện vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tuyên dương là một trong 35 thanh niên khuyết tật tiêu biểu, cống hiến sức trẻ trong các hoạt động vì cộng đồng tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023.
Chang trai khiem thi vuot len so phan bang am nhac
 Ban nhạc “Nắng mới” biểu diễn tại Hội thảo người mù khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 16, năm 2023.
 
Vượt qua bóng tối
Sinh ra trong gia đình có 3 chị em ở tỉnh Hà Nam, Nguyễn Đức Thiện không may bị khiếm thị từ lúc mới lọt lòng. “Gia đình đã tìm mọi cách để chạy chữa ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ nhưng đều không mang lại kết quả”, Thiện kể. Từ đó, Thiện chỉ có thể cảm nhận thế giới xung quanh qua âm thanh, mùi vị… qua đôi bàn tay và làm bạn với cây đàn organ mẹ mua tặng.
Năm 7 tuổi, Thiện từ Hà Nam lên Hà Nội nhập học ở Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Rời xa vòng tay cha mẹ, cậu bé 7 tuổi ấy bắt đầu phải tự làm nhiều việc.
"Chưa hình dung ra con đường phía trước, nhưng tôi đã luôn tự nhủ với bản thân mình, dù đôi mắt không được nhìn thấy ánh sáng, song tâm trí và kiến thức không thể bị mai một. Bằng mọi giá phải học tập thật tốt", Thiện tâm sự. Quyết tâm như vậy, Thiện dần vượt qua, tự lập trong từng việc sinh hoạt dù là nhỏ nhất khi thiếu vắng người thân bên cạnh.
Trong 10 năm học tập tại đây, Thiện đã bộc lộ khả năng thiên phú trong bộ môn sáo trúc. Năm 2010, Thiện may mắn gặp được thầy giáo Trần Bình Minh, giáo viên dạy trong trường, cũng là người khiếm thị cùng có niềm đam mê sáo trúc. Giữa hai thầy trò có sự đồng cảm, sẻ chia.
Kể về người thầy của mình, Thiện chia sẻ: “Thầy Minh đã giúp tôi tìm thấy được đam mê của mình. Khi học hết lớp 9, thầy đã khuyên thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam để có thể học sáo một cách chuyên nghiệp, bài bản. Tôi đã ôn luyện và thi đỗ vào hệ trung cấp của học viện năm 2017”.
Thời gian đó, Thiện vừa học sáo, vừa học văn hóa ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố. Đó là những ngày tháng vất vả nhưng tràn ngập niềm vui. Trong 4 năm học, Nguyễn Đức Thiện liên tục đạt danh hiệu “Học sinh giỏi”.
“Với người bình thường, việc học và luyện nhạc đã khó, với chúng tôi càng khó hơn. Người khiếm thị không thể nhìn được tổng phổ bản nhạc, từng nốt, từng câu, từng đoạn đều phải học bằng cách ghi nhớ, học thuộc, rồi lần mò đánh cho đúng nốt, đúng nhịp. Nhưng với quyết tâm và niềm say mê, những khó khăn trở ngại ấy đều vượt qua được”, Thiện bày tỏ.
Năm nay, bước sang năm thứ ba đại học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, dù cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng chàng trai này luôn lạc quan, không ngừng cố gắng và tự mày mò tìm hiểu thêm nhiều nhạc cụ.
Hiện tại, Thiện có thể chơi được sáo trúc, đánh phách, kéo nhị, chơi piano và organ. Cùng với đó, Thiện còn đảm nhận cương vị Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt - câu lạc bộ đàn, hát xẩm đầu tiên của người khiếm thị tại Việt Nam.
“Dù mới thành lập nhưng câu lạc bộ đã đoạt 1 giải A, 1 giải C, 1 giải Khuyến khích tại Liên hoan Hát xẩm mở rộng năm 2022 tổ chức ở Ninh Bình. Đầu tháng 11 vừa qua, câu lạc bộ đã đoạt 1 giải B, 1 giải C, 1 giải Khuyến khích tại Liên hoan Hát xẩm mở rộng năm 2023”, Thiện phấn khởi khoe.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong học tập và rèn luyện, tháng 7-2023, Thiện được trao học bổng mang tên Giáo sư Trần Văn Khê, học bổng dành cho sinh viên có thành tích học tập, rèn luyện xuất sắc trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống.
Hơn thế nữa, tháng 11 vừa qua, Thiện vinh dự là một trong 35 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023 của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
“Những phần thưởng này đã tiếp thêm động lực để tôi cố gắng hơn nữa trong quãng đường học tập, cũng như gìn giữ, bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc trong tương lai. Những phần thưởng này còn là niềm tự hào của cha mẹ và người thân trong gia đình về một Nguyễn Đức Thiện tuy khiếm thị, nhưng vẫn có thể làm được những việc có ích cho xã hội”, Thiện tự hào chia sẻ.
nguyen-duc-thien-bieu-dien-.jpg
Nguyễn Đức Thiện biểu diễn sáo trúc.
Truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng
Không có đôi mắt sáng như mọi người, nhưng Thiện luôn giàu tình yêu thương với người đồng cảnh. Bên cạnh việc chăm chỉ học tập, rèn luyện, Thiện còn cùng người thầy Trần Bình Minh của mình thành lập Mái ấm Đông Đô và ban nhạc người khiếm thị “Nắng mới” để thỏa đam mê âm nhạc, đồng thời giúp đỡ những người khiếm thị được học nhạc, chơi nhạc và có thu nhập, tự nuôi sống bản thân.
Thành viên trong Mái ấm Đông Đô, ban nhạc “Nắng mới” đã vinh dự được đại diện cho Việt Nam tham dự Festival Âm nhạc dân tộc dành cho người khiếm thị tại Thái Lan năm 2018; hằng tuần biểu diễn tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm; biểu diễn trong những sự kiện do Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức...
“Chúng tôi rất biết ơn UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã tạo điều kiện để chúng tôi được biểu diễn hằng tuần trên phố đi bộ. Đây không chỉ là điều tốt đẹp nhất về tình người mà còn giúp chúng tôi truyền cảm hứng âm nhạc đến với cộng đồng”, Thiện bày tỏ. Điều Thiện mong muốn là xã hội ngày càng đánh giá cao và trân trọng hơn đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật của những nghệ sĩ khiếm thị.
Sau 7 năm đi vào hoạt động, Mái ấm Đông Đô hiện đã có 20 thành viên và trở thành cầu nối tình yêu âm nhạc với các thành viên và công chúng. Với vai trò Phó Chủ nhiệm Mái ấm Đông Đô, Thiện đã dạy sáo cho nhiều học sinh khuyết tật, giúp đỡ họ trưởng thành như mình.
Thiện chia sẻ: “Hiện nay, hơn 6 triệu người khuyết tật thì không thể giúp hết được, nhưng tôi và thầy Minh đều tâm niệm là giúp được ai là làm hết mình. Bản thân mình sống được bằng âm nhạc, thì các bạn khác nhìn vào sẽ có niềm tin và nỗ lực phấn đấu”.
Là một trong những học sinh được Thiện kèm cặp, dìu dắt và đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, hệ trung cấp tháng 9-2022, Vũ Minh Tú (sinh năm 2009), thành viên của Mái ấm Đông Đô, chia sẻ với lòng ngưỡng mộ: “Anh Thiện rất giỏi, hơn nữa lại nhiệt tình và tốt bụng. Anh đã truyền dạy cho em nhiều kinh nghiệm giúp chơi sáo và học tập tốt hơn để thi đỗ vào học viện. Giờ hai anh em học cùng trường, anh Thiện luôn quan tâm, sẵn sàng hỗ trợ em khi cần”.
Nhận xét về người học trò của mình, thầy giáo Trần Bình Minh nói: “Tôi rất tự hào vì đã có một học trò như em Thiện. Chăm chỉ, nỗ lực vượt lên số phận để thi đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam với thành tích cao. Quá trình học, Thiện là một trong những sinh viên có điểm cao nhất của bộ môn sáo trúc. Bên cạnh đó, em luôn là người truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần tích cực đến những thành viên khác. Tôi tin tưởng, Thiện sẽ ngày càng hoàn thiện hơn và không chỉ giúp cho bản thân mà còn giúp đỡ được nhiều bạn khiếm thị khác”.
Dẫu còn đó vô vàn những khó khăn, nhưng bằng sự lạc quan, tinh thần vượt khó, Nguyễn Đức Thiện đang cố gắng từng ngày, nỗ lực hết mình trên con đường mình lựa chọn, truyền cảm hứng sống tích cực cho cộng đồng.
“Tôi vẫn tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc, phát triển ban nhạc, Câu lạc bộ Hát xẩm, đồng hành cùng thầy giáo và những người bạn khiếm thị. Bên cạnh đó, tôi sẽ tìm thêm cơ hội để sản xuất âm nhạc, mở thêm lớp giảng dạy, giúp các bạn lứa sau có thêm niềm tin vào niềm đam mê của chính mình. Và dự tính trong tương lai, chúng tôi sẽ làm sách nói về âm nhạc dành cho người khiếm thị”, Thiện chia sẻ.
Theo Dương Linh/Hà Nội mới