Trong “Chân, thiện, mỹ trong tầm nhìn đương đại”, Howard Gardner cho rằng, quan tâm đến chân - thiện - mỹ là nền tảng làm người của chúng ta trong cả ngàn năm. Từ đó, tác phẩm nói lên mối lo âu của ông về nguy cơ xói mòn, lung lay cái nền tảng ấy. Nỗi lo lắng của ông bàng bạc khắp các trang sách.
Trong cuốn sách, tác giả đặt ba phẩm tính chân - thiện - mỹ trong tầm nhìn của người đương thời, và ông nhìn thấy, trong xã hội, đặc biệt những xã hội tiên tiến, hiện lên sừng sững hai lực lượng hùng mạnh, dường như không chỉ ảnh hưởng mà còn có khả năng chi phối mọi ngóc ngách của tâm thức con người thời nay.
Một là tâm thức hậu - hiện đại hay như ông gọi phê bình hậu - hiện đại, và hai là truyền thông kỹ thuật số, đặc biệt là không gian mạng. Ông để nhiều tâm sức vạch ra những mối nguy tiềm tàng trong hai lực lượng mới này, chúng có những nguồn gốc và động lực khác nhau nhưng cùng mạnh, cùng hiệu quả và đáng ngại như nhau.
Ông hoan nghênh những công nghệ truyền thông mới bằng cách trình bày nội dung quen thuộc của phương tiện cũ dưới hình thức của phương tiện truyền thông mới. Đó là một quan niệm đúng đắn. Dù truyền thông có tối tân đến đâu thì nó cũng chỉ là phương tiện. Lợi hay hại là ở cách sử dụng nó. Và đấy chính là nhiệm vụ đề ra cho giáo dục…
Là nhà tâm lý học giáo dục hàng đầu thế giới, Howard Gardner có cái nhìn cẩn trọng và cân bằng cũng như mong muốn truyền nguồn cảm hứng của ông về bộ ba phẩm tính ấy cho lớp trẻ, cũng như gợi ra những biện pháp để giữ lại và nâng cao những giá trị ấy, trong xã hội và trong giáo dục.
Theo Mẫu Đơn/Báo Đà Nẵng