Biết nhiều thứ tiếng
Theo nhiều sử liệu, ngay từ khi còn nhỏ, Trần Nhật Duật đã nổi tiếng thông minh, hiếu học, “sớm lộ thiên tri, ham thích hiểu biết về các tiếng nói và các giống người”. Lớn lên, ông không chỉ giỏi kinh sử, chính trị, quân sự, mà còn rất thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán của các các quốc gia lân bang và tộc người thiểu số trong nước. Nhờ có biệt tài hơn người, khi mới 20 tuổi, ông đã được triều đình giao đặc trách công việc liên quan đến các dân tộc.
“Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, vào thời vua Trần Nhân Tông, một lần, sứ thần nước Sách Mã Tích (Tumasik - tên cổ của Singapore) sang cống, triều đình không tìm được người phiên dịch. Trần Nhật Duật biết chuyện liền đến gặp sứ thần và nói chuyện trôi chảy bằng thứ ngôn ngữ lạ trong sự thán phục của những người có mặt. Sau chuyện này, nhiều người hỏi ông về việc biết tiếng nước Sách Mã Tích. Ông trả lời: “Thời vua Thái Tông, sứ nước ấy sang, nhân có giao du nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ”.
Một lần khác, theo thông lệ, khi sứ phương Bắc sang, triều đình phải sai phiên dịch viên làm trung gian, tể tướng không được trực tiếp đối thoại, đề phòng xảy ra sai sót thì đổ lỗi cho người phiên dịch. Nhưng tể tướng Trần Nhật Duật lại là ngoại lệ.
Tiếp sứ nhà Nguyên, ông thường nói chuyện trực tiếp với họ, ngồi uống rượu vui vẻ như bạn. Chính tiếng Hán lưu loát và sự am hiểu văn hóa Hán của ông khiến sứ nhà Nguyên tưởng Trần Nhật Duật là người Hán di cư sang Đại Việt. Sứ thần đặt câu hỏi: “Ông là người vùng Chân Định (một huyện ở Hà Bắc, Trung Quốc) đến làm quan ở đây chứ gì?”. Trần Nhật Duật ra sức giải thích, nhưng sứ Nguyên vẫn không tin vì người nước Việt không thể giỏi tiếng Hán như vậy.
Vốn thích giao thiệp với người nước ngoài, ông thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (phía Tây Hà Nội ngày nay - nơi có người Chiêm Thành sinh sống do hồi vua Lý Thánh Tông đi đánh trận, bắt được về cho ở đấy) có khi đến 3 - 4 ngày mới về; lại có khi ông đến chùa Tường Phù nói chuyện với người Tống.
Khi người nước ngoài đến kinh sư, thường đến nhà ông đàm đạo. Nếu khách Tống, ông sẽ kéo ghế ngồi gần nói chuyện; nếu người Chiêm hay người Man khác, ông đều theo phong tục của họ để tiếp khách. Tài ngoại ngữ của Trần Nhật Duật khiến vua Trần Nhân Tông rất thán phuc. Có lần vua còn nói đùa: “Chú Chiêu Văn (Trần Nhật Duật là chú ruột của vua Trần Nhân Tông) có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc nên mới giỏi tiếng các nước đó”.
|
Bìa tiểu thuyết dã sử Trần Nhật Duật. Ảnh: NXB Văn học |
Thu phục phản loạn
Chẳng những thành thạo tiếng Tống, Chiêm Thành… ông còn am hiểu nhiều mặt về tính cách, con người, phong tục, tập quán của những xứ đó. Từ đây, Trần Nhật Duật lập nhiều công lớn, để lại nhiều dấu ấn, lưu danh muôn đời.
Năm 1280, dưới thời vua Trần Nhân Tông, khi Đại Việt đang phải đối phó với cuộc xâm lược lần thứ 2 của quân Mông - Nguyên, thì Trịnh Giác Mật - một tù trưởng người Man ở đạo Đà Giang (Tây Bắc ngày nay) nổi lên chống triều đình. Vua sai Trần Nhật Duật mang quân đi dẹp.
Trịnh Giác Mật hay tin, bèn họp thủ hạ bàn kế giao chiến. Có ý định ám hại Trần Nhật Duật nên Trịnh Giác Mật sai người đưa thư dụ ông: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình cưỡi ngựa đến, Giác Mật xin hàng ngay”.
Nhận thư, các tướng ra sức can ngăn ông bởi nghi Giác Mật tráo trở, Trần Nhật Duật nói: “Ta biết tiếng của người Man, hiểu phong tục tập quán của họ, ta sẽ nói họ đều chịu ơn triều đình, đều là con dân trong một nước, trước sự xâm lăng của giặc Nguyên phải cùng nhau hợp sức đánh đuổi. Nhất định họ sẽ nghe ta, còn nếu như họ tráo trở thì triều đình còn có nhiều vương khác”.
Nói rồi, ông lên ngựa đến trại của Trịnh Giác Mật, chỉ mang theo mấy tên tiểu đồng cắp tráp đi hầu. Tới trại địch, ông thản nhiên đi giữa 2 hàng lính mặc quần áo kỳ dị, lăm lăm gươm giáo.
Khi gặp mật, Trần Nhật Duật nói chuyện với Giác Mật bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc vùng Đà Giang. Khi Giác Mật sai bưng mâm rượu lên, mời ông uống, Trần Nhật Duật không ngần ngại cầm thịt ăn, vừa nhai, ông vừa ngửa mặt, cầm bầu rượu từ từ dốc vào mũi hết sức thành thạo. Trịnh Giác Mật kinh ngạc thốt lên:
“Chiêu Văn Vương là anh em với ta rồi”. Trần Nhật Duật nói: “Chúng ta xưa nay vẫn là anh em”.
Trịnh Giác Mật nhanh chóng quy thuận, mang gia thuộc đến doanh trại Trần Nhật Duật xin hàng phục triều đình. Miền Đà Giang được ông thu phục bằng sự tinh thông ngôn ngữ và thấu hiểu văn hóa dân tộc, không phải đổ máu. Yên ổn được biên giới, nhà Trần toàn tâm toàn ý, dốc sức để chống lại quân Nguyên xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên lần thứ hai (1285) và thứ ba (1287 - 1288), Trần Nhật Duật được giao nhiệm vụ chặn đánh quân địch từ Vân Nam tiến sang, trấn thủ lộ Tuyên Quang, giữ trại Thu Vật (Yên Bình, Yên Bái). Ông cũng chính là người chỉ huy quân đội nhà Trần đánh tan đội quân của Toa Đô ở cửa Hàm Tử vào năm 1285. Đánh giá về ông, sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, chép “công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/ Giáo dục và Thời đại