Chân dung “thủ lĩnh” đội chó kéo xe chở huyết thanh 100 năm trước

Google News

Togo - "thủ lĩnh" đội chó kéo xe chở huyết thanh năm 1925 đã đóng vai trò lớn trong việc cứu sống nhiều người dân ở thị trấn Nome, Alaska, Mỹ khỏi đợt bùng phát dịch bệnh bạch hầu.

Vào tháng 1/1925, thị trấn Nome ở Alaska, Mỹ bùng phát dịch bệnh bạch hầu. Do thị trấn này nằm ở vị trí xa xôi và thời tiết mùa Đông khắc nghiệt nên việc vận chuyển thuốc để cứu chữa bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, con chó tên Togo trở thành "thủ lĩnh" đội chó kéo xe chở huyết thanh cứu người năm 1925.
Khi số người chết vì bạch hầu tăng lên, giới chức trách Mỹ quyết định tìm kiếm giải pháp để nhanh chóng dập tắt dịch bệnh. Nguồn cung cấp huyết thanh gần Nome nhất là ở thành phố Anchorage, cách thị trấn bùng phát dịch bệnh bạch hầu khoảng 1.600 km.
Hành trình vận chuyển huyết thanh tới Nome là một thách thức lớn kể cả khi thời tiết thuận lợi. Sau khi xem xét các phương án, họ quyết định chuyển 300.000 đơn vị huyết thanh đến Nenana bằng đường sắt. Sau đó, đoàn chó kéo xe tiếp sức gồm nhiều đội sẽ tiếp tục vận chuyển số huyết thanh này vượt qua chặng đường khoảng 1.085 km để đến Nome.
Trong số những con chó kéo xe tham gia nhiệm vụ trên, Togo là con chó nổi bật. Nó được đặt tên theo vị tướng Nhật Bản Heihachiro Togo và là con chó kéo xe đầu đàn của người điều khiển Leonhard Seppala. Thuộc giống chó Husky Siberia, Togo có bộ lông màu nâu sẫm với các mảng màu kem, đen và xám. Đôi mắt xanh lam và nặng khoảng 22 kg.
Sau nhiều năm rèn luyện qua thực tế, Togo trở thành "thủ lĩnh" trong đội chó kéo xe của Leonhard Seppala. Vào cuối tháng 1/1925, Seppala lên đường cùng những con chó kéo xe giỏi nhất của mình và Togo làm nhiệm vụ dẫn đầu đội chó kéo xe.
Chan dung “thu linh” doi cho keo xe cho huyet thanh 100 nam truoc
"Thủ lĩnh" Togo của đội chó kéo xe huyền thoại năm 1925. Ảnh: Sigrid Seppala Hanks Collection, Carrie M. McLain Memorial Museum. 
Trong thời tiết -35 độ C, người chỉ huy Seppala tin tưởng vào bản năng của Togo những lúc không thể thấy đường đi phía trước do gió tuyết quá lớn. Vượt qua nhiều khó khăn, Seppala và đội chó kéo xe đã gặp và tiếp nhận huyết thanh từ đội của người điều khiển Henry Ivanoff.
Khi băng qua Sound, đội chó kéo xe của Seppala mắc kẹt trên một tảng băng trôi. Sau một hồi suy nghĩ, Seppala nảy ra sáng kiến buộc một sợi dây cho chó Togo rồi ném nó xuống nước. "Thủ lĩnh" Togo cố gắng kéo tảng băng bằng sợi dây nhưng được một lúc thì sợi dây bị đứt. Togo không bỏ cuộc và nỗ lực tóm lại sợi dây dưới nước rồi cố hết sức kéo cả đội đến vị trí an toàn.
Nhờ những nỗ lực của Togo, Seppala đã thành công giao lại huyết thanh cho đội khác ở Golovin, cách Nome 125 km. Ngày 3/2/1925, đội vận chuyển của người điều khiển Gunnar Kaasen và chó đầu đàn Balto tới Nome, kết thúc thành công chuyến xe chở huyết thanh lịch sử. Nhờ vậy, người dân mắc bệnh bạch hầu ở thị trấn Nome có được thuốc điều trị và dịch bệnh từ từ được khống chế.
Mặc dù con chó Balto được nhiều người biết đến nhờ hoàn thành chặng cuối dài hơn 80 km nhưng "thủ lĩnh" Togo mới được xem là "anh hùng" khi vận chuyển huyết thanh với quãng đường khoảng 150 km - chặng dài nhất và nguy hiểm nhất trong hành trình tiếp sức. Tổng hành trình vận chuyển huyết thanh dài 1.085 km được các đoàn chó kéo xe hoàn thành trong 5 ngày rưỡi, xác lập kỷ lục thế giới vào thời điểm đó. Togo "nghỉ hưu" ở Maine, Mỹ và chết lúc 16 tuổi.

Mời độc giả xem video: Chú chó thèm thuồng lén nhìn chủ ăn còn “sĩ diện hão”.


Tâm Anh (theo ATI)