Chân dung nữ anh hùng Việt Nam khi 19 tuổi, chỉ nặng 42 kg

Google News

Nữ anh hùng Việt Nam khi 19 tuổi nặng chỉ có 42kg nhưng vác hai hòm đạn nặng 98kg băng qua con đê, qua hào sâu, dưới mưa bom của giặc Mỹ để tiếp đạn cho bộ đội pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Nữ anh hùng Việt Nam khi 19 tuổi, chỉ nặng 42 kg, đã vác 2 hòm đạn nặng 98kg băng qua con đê

19 tuổi, cân nặng chỉ có 42kg, vác hai hòm đạn nặng 98kg băng qua con đê, qua hào sâu, dưới mưa bom của giặc Mỹ để tiếp đạn cho bộ đội pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Chiến sĩ của ta hy sinh, bị thương nặng, bà đã sơ cứu tại chỗ, sau đó đưa một chiến sĩ khác bị thương lên trên boong tàu ra hiệu cho trên bờ biết để ứng cứu. Tròn 21 tuổi được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, đó là chân dung nữ dân quân Nam Ngạn: Ngô Thị Tuyển.

Ngô Thị Tuyển sinh năm 1946 tại làng Nam Ngạn (nay là phường Nam Ngạn), thành phố Thanh Hóa trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em, lúc bé hàng ngày bà theo cha mẹ đi làm đồng, lớn lên lại theo các anh chị đi bốc vác thuê ở khu vực Hàm Rồng, sau đó được giác ngộ cách mạng rồi tham gia dân quân làng Nam Ngạn. Vào dân quân, cô gái Ngô Thị Tuyển mới được huấn luyện cách sử dụng các loại súng bộ binh, súng 12,7 ly, súng cao xạ 37 ly và cách băng bó vết thương…

Theo dòng hoài niệm của người nữ anh hùng, các trận đánh và những kỷ niệm một thời máu lửa như ùa về, giọng chậm rãi, bà kể với chúng tôi mà như đang tâm sự với chính mình: Năm 1965, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá cầu Hàm Rồng, cây cầu huyết mạch tiếp vận cho chiến trường miền Nam. Trong hai ngày 3, 4 tháng 4 năm đó tại khu vực Hàm Rồng, địch huy động 454 lượt máy bay, ném 627 quả bom, 58 quả bom nổ chậm, bắn hàng trăm tên lửa và rốc két xuống các trọng điểm giao thông trong toàn tỉnh Thanh Hóa.

Riêng cầu Hàm Rồng bị ném 350 quả bom, bắn 149 quả rốc két; nếu tính bình quân thì mỗi mét chiều dài cầu Hàm Rồng trong 2 ngày đã chịu hơn 2 quả bom và gần 3 quả rốc két, song cây cầu vẫn hiên ngang vắt qua dòng sông Mã như thách thức kẻ thù. Cũng 2 ngày này, quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái.

Chan dung nu anh hung Viet Nam khi 19 tuoi, chi nang 42 kg

Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Thị Tuyển. Ảnh: internet

Một hôm đoàn xe chở đạn từ thị xã Thanh Hóa ra tiếp tế đạn cho các trận địa pháo bên bờ Bắc cầu Hàm Rồng và tàu Hải quân của ta, đoàn xe phải dừng lại ở làng Nam Ngạn. Để kịp thời có đạn tiếp tế cho các trận địa bên bờ Bắc và tàu Hải quân của ta đánh trả máy bay Mỹ ngăn không cho chúng đánh phá cầu, lúc đó ta phải huy động dân làng Nam Ngạn ra vận chuyển đạn qua bờ Bắc và đưa đạn xuống tàu Hải quân để kịp thời chiến đấu.

Các trận địa pháo của ta đang đánh trả máy bay Mỹ ném bom, đạn pháo 37 ly gần cạn kiệt, nếu ngừng bắn trả là cầu Hàm Rồng có thể bị phá hủy bất cứ lúc nào, việc phải chuyển ngay một số hòm đạn để tiếp tế là rất cấp bách. Khi chuyển đạn có hai hòm đạn dính vào nhau nặng 98 kg, tình thế gấp rút mà gỡ ra từng hòm lại mất nhiều thời gian không kịp cho bộ đội chiến đấu. Lúc đó như có một sức mạnh thần kỳ nào đó, cô dân quân Ngô Thị Tuyển đã nhờ hai nữ dân quân đỡ hai hòm đạn lên vai rồi vác luôn hai hòm đạn chạy băng qua đê ra sông tiếp đạn cho bộ đội khi máy bay địch đang gầm rú trên bầu trời. Lúc đó bà Tuyển mới 19 tuổi và cân nặng chỉ có 42 kg. Chính bà cũng không ngờ lúc đó lại vác được hai hòm đạn nặng 98kg băng qua hào sâu, dưới mưa bom để tiếp đạn cho bộ đội.

Khoảng hai tháng sau sự kiện người nữ dân quân nặng 42kg vác hai hòm đạn nặng 98kg tiếp tế cho bộ đội, các nhà báo Liên Xô và Đức đã tìm đến tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu thực hư, họ bảo: "Chúng tôi không tin khi Hàm Rồng còn chiến tranh ác liệt, cô gái Ngô Thị Tuyển nặng có 42 kg lại vác một lúc hai hòm đạn nặng 98 kg, hôm nay chúng tôi đề nghị làm lại". Bà đã quyết tâm làm để trả lời cho họ biết thế nào là Phụ nữ Việt Nam và sức mạnh Việt Nam. Lần này bà đã không ngần ngại gánh với trọng lượng 105kg lương thực chạy đi chạy lại nhiều lần để họ quay phim, chụp ảnh và họ phải thốt lên: "Chúng tôi tin rồi!".

Thêm một kỷ niệm không thể nào quên đối với nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển, vào ngày 26 tháng 5 năm 1965, lúc đó hai chiếc tàu Hải quân ta đi đánh tàu biệt kích Mỹ ở ngoài khơi vào muộn, bị máy bay Mỹ phát hiện, tàu của ta vừa di chuyển lên cụm pháo bảo vệ Hàm Rồng vừa phải chiến đấu với máy bay Mỹ từ cửa Lạch Hới vào, khi hai chiếc tàu đến địa phận làng Nam Ngạn, phát hiện thấy trên tàu phát tín hiệu cần hỗ trợ, lúc đó bà Tuyển đang trực chiến gần đó đã kịp thời bơi ra tiếp cận được tàu, thấy nhiều chiến sĩ của ta bị hy sinh và bị thương, trong đó có một chiến sĩ bị thương nặng, rách cả một đoạn bụng, bà đã sơ cứu tại chỗ sau đó lại bê một chiến sĩ bị thương lên trên boong tàu ra hiệu cho trên bờ biết để ứng cứu.

Với những hành động dũng cảm phi thường trong suốt quá trình chiến đấu và phục vụ cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng hai Huân chương chiến công hạng Nhất và hạng Nhì và được chọn là đại biểu của tỉnh Thanh Hóa đi dự Đại hội liên hoan Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. Năm 1967, khi vừa tròn 21 tuổi, nữ dân quân Nam Ngạn Ngô Thị Tuyển được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huy hiệu Bác Hồ…

Nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý đã được tặng nhưng hạnh phúc lớn nhất với bà Ngô Thị Tuyển là kỷ niệm được gặp Bác Hồ tại Đại hội Liên hoan Anh hùng đầu năm 1967, lần đó bà tham gia Đoàn Chủ tịch, được ngồi cạnh và trò chuyện với Bác, lúc đó Bác hỏi: "Cháu Tuyển có gia đình chưa và học hành thế nào". Sau đó Bác đề nghị các đại biểu dự Đại hội phát biểu ý kiến. Cô dân quân Nam Ngạn mạnh dạn phát biểu về quan điểm "hai nên" và "hai chớ" (nên học tập, khiêm tốn; chớ chủ quan thỏa mãn, chớ xa rời quần chúng). Phát biểu xong Bác nói: Các cháu nên học tập "hai nên, hai chớ" như cháu Tuyển vừa phát biểu. Chính lời dặn đó của Bác Hồ đã theo bà suốt cuộc đời quân ngũ cũng như khi về hưu sau này.

Theo Mai Thanh Hải/Báo QĐND