Phòng Thí nghiệm Cúm: Tự tích lũy, học hỏi và mở rộng quan hệ quốc tế
Tập thể được tôn vinh cho giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 là đội ngũ các nhà khoa học nữ Phòng Thí nghiệm Cúm (Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) với các nghiên cứu nhằm giảm gánh nặng bệnh tật do dịch bệnh cúm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới.
Phòng thí nghiệm có 12 cán bộ khoa học, trong đó có 9 nhà khoa học nữ (chiếm 75% nhân lực) gồm: PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai; TS. Hoàng Vũ Mai Phương; PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng; ThS. Lê Thị Thanh; ThS. Ứng Thị Hồng Trang; ThS. Nguyễn Phương Anh; ThS. Trần Thị Thu Hương; cử nhân Phạm Thị Hiền; cử nhân Hoàng Thu Hương.
Trong các gương mặt đó, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai là người từng được nhận giải thưởng Nữ khoa học trẻ châu Á năm 2009; và PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng chính là nhà khoa học nữ đầu tiên nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu vào vào năm 2019.
Phòng thí nghiệm Cúm được xây dựng từ những năm 2003, khi dịch SARS xảy ra và Việt Nam là nước đầu tiên thông báo với Tổ chức Y tế thế giới về căn bệnh mới với triệu chứng viêm phổi không điển hình, tiến triển nhanh và lây truyền mạnh, tỷ lệ tử vong cao. Thời điểm đó, nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Hô hấp, đứng đầu là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, trực tiếp tham gia điều tra, thu thập mẫu, tiến hành chẩn đoán các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm đầu tiên được điều trị tại Bệnh viện Việt-Pháp bằng phương pháp sinh học phân tử (3/2003).
|
Tập thể các nhà nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm Phòng Thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương | Ảnh: BTC |
Với kinh nghiệp chống SARS, phòng thí nghiệm này tiếp tục tham gia vào cuộc chiến nghiên cứu với các loại virus corona và dịch bệnh mới như MERS (năm 2012). Và mới đây, bằng việc phân lập thành công virus corona chủng mới SARS-COV-2, Phòng thí nghiệm đã góp phần tạo điều kiện cho những nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm của virus tại Việt Nam, mở đường cho việc sản xuất kit xét nghiệm và nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19.
Bên cạnh đó, Phòng thí nghiệm cũng định hướng nghiên cứu vào các loại cúm mùa thường xuyên xuất hiện ở Việt Nam trên người như cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, và các loại cúm gia cầm như cúm A/H5N1, cúm AH7N9… phục vụ cho nhiều hoạt động y tế - xã hội.
Các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm đã công bố hơn 207 bài báo trên tạp chí uy tín trong và ngoài nước, trong đó có tới 130 bài báo trên các tạp chí SCOPUS/ISI nổi bật, bao gồm cả Nature, The New England Journal of Medicine, Emerging Infectious Diseases… Họ cũng thường xuyên hợp tác với các đối tác quốc tế như Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh CDC Hoa Kì, Tổ chức An ninh Y tế toàn cầu GHS, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford, ĐH Nagasaki, Tổ chức JICA Nhật Bản…
“Các kết quả của phòng thí nghiệm là cả một quá trình tích lũy, tự học hỏi, mở rộng quan hệ quốc tế và tận tâm với định hướng khoa học chuẩn xác”, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai chia sẻ. “Giải thưởng Kovalevskaia hôm nay mặc dù dành cho tập thể nữ, nhưng để đạt được thành tựu đó không thể không kể đến sự đóng góp của các đồng nghiệp nam đã cùng chung sức.”
PGS.TS Trần Thị Thu Hà: Hướng tới lợi ích cho vùng cao và những cộng đồng yếm thế
Với thành công nổi bật trong thực hiện quy trình nhân giống, nuôi trồng loài cây dược liệu và lâm nghiệp được áp dụng vào thực tiễn cho kết quả tốt, PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp (Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên) được chọn là cá nhân xuất sắc để trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 .
Các quy trình của Viện nghiên cứu của bà đã được chuyển giao ứng dụng trên 9 tỉnh Thái nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, phục vụ cho việc tái cơ cấu ngành nông-lâm nghiệp và tạo công ăn việc làm cho không ít người dân địa phương.
Hiện PGS.TS Trần Thị Thu Hà và tập thể Viện nghiên cứu sở hữu 12 giống dược liệu quý và 8 bằng giải pháp hữu ích được bảo hộ tại Việt Nam. Các giống cây nổi bật được chọn tạo và duy trì gồm các dòng Keo lá tràm, Keo lưỡi liềm, Bạch đàn, Thông đất, Giảo cổ lam, Tam thất nam, Kim ngân, Thảo quả… Viện cũng góp phần xây dựng nhiều cơ sở dữ liệu giống cây trồng và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài nguyên rừng.
PGS. TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp - Trường Đại học Nông lâm (ngoài cùng bên phải) đang hướng dẫn sinh viên về phương pháp cấy ghép, nhân giống cây dược liệu
|
PGS. TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp - Trường Đại học Nông lâm, ĐH Thái Nguyên (bìa phải) đang hướng dẫn sinh viên về phương pháp cấy ghép, nhân giống cây dược liệu | Ảnh: BTC |
Đồng thời, bà cũng là người sáng lập và phát triển mô hình Viện nghiên cứu theo cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm – từ quy mô 3 cán bộ hồi năm 2008, giờ Viện đã có trên 100 cán bộ thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển lâm nghiệp cho khu vực vùng núi phía Bắc. Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp và môi trường Việt Nam - doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên cũng ra đời từ dự án của Viện. Khi công ty này mở rộng ra 2 tỉnh Hà Giang, Quảng Nam, các chi nhánh của nó cũng đều trở thành doanh nghiệp KH&CN tiên phong tại địa phương.
Tham gia công tác phát triển vì phụ nữ, 2 năm qua, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã bồi dưỡng thành công 5 cán bộ nữ dân tộc ít người trở thành lãnh đạo của các doanh nghiệp KH&CN tỉnh Hà Giang. Chị cũng tham gia tư vấn hàng chục dự án ở nhiều quy mô khác nhau với mục tiêu tập trung bảo tồn các giống cây đồng thời phát triển kinh tế-sinh kế cho các đối tượng nghèo và vùng núi xa xôi hẻo lánh.
“Thực sự, miền núi vẫn chưa thể sánh vai cùng miền xuôi. Chúng tôi rất quan tâm đến các bạn học sinh, sinh viên về quê, làm sao giúp các bạn đi theo con đường nghiên cứu để phát triển lâm nghiệp”, PGS.TS Trần Thị Thu Hà chia sẻ điều trăn trở của mình. “Bản thân tôi hứa sẽ hoàn thiện các công trình nghiên cứu ở địa phương hướng tới lợi ích cho các khu vực miền núi, trung du, đồng bào thiểu số và cả phụ nữ.”
Một truyền thống được tiếp nối
Đại diện tập thể các nhà khoa học nữ Phòng thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (đứng thứ 3,4,5 từ trái sang) và PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên (Thứ 2 từ phải sang) được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019
|
Đại diện tập thể các nhà khoa học nữ Phòng thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (thứ 3,4,5 từ trái sang) và PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên (thứ 2 từ phải sang) được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 | Ảnh: TTXVN |
Ngày 19/5, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019.
Sự kiện diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), với sự tham dự của nguyên Phó Chủ tịch nước, GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; và lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ Y tế, cùng nhiều đại diện từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong nước.
Với truyền thống lâu đời từ năm 1986, Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà toán học Nga Sophia Kovalevskaia là giải thưởng quốc gia đầu tiên dành cho các nhà khoa học nữ Việt Nam có cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Tính đến nay, đã có 19 tập thể và 48 cá nhân được trao giải.
GS.TS Nguyễn Thị Doan cho biết, năm nay Ủy ban Giải thưởng đã nhận được hàng chục bộ hồ sơ xuất sắc trong năm qua. Các hồ sơ này được từng thành viên trong Ủy ban nghiên cứu độc lập. Trong kì họp cuối cùng, các thành viên trình bày đánh giá của mình để Ủy ban tổng kết và đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo Ủy ban Giải thưởng, những người giành Giải thưởng Kovalevskaia không chỉ cần đóng góp cho nền khoa học nước nhà cũng như thế giới, mà còn cần đóng góp cho các chính sách của Việt Nam, và phải được chứng minh ứng dụng thực tiễn hiệu quả.
|
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 | Ảnh: TTXVN |
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vị thế của Giải thưởng Kovalevskaia trong cộng đồng khoa học trong tương lai”, người đứng đầu Ủy ban Giải thưởng cho biết.
Những nhà khoa học giành giải thưởng Kovalevskaia từ trước đến nay đã thực sự truyền nhiệt huyết tới đông đảo sinh viên nữ, thôi thúc các em quyết tâm học tập, nghiên cứu, cống hiến để nối tiếp thành công của các thế hệ đi trước - GS.TS Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi lễ.
Trong khuôn khổ buổi lễ, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia đã trao học bổng (trị giá 500 USD/suất) cho 3 nữ sinh chuyên Toán có thành tích xuất sắc của trường PTTH Chuyên khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam trao học bổng (trị giá 10 triệu đồng) cho 2 nữ sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. Thường trực Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao 30 suất học bổng (trị giá 2 triệu/suất) hỗ trợ các sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã có thành tích học tập tốt.
Theo Ngô Hà/khoahocphattrien