Ngày 11/6, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thông báo ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã từ trần hồi 10 giờ 10 phút, ngày 11/6 tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, ngoài việc "vừa đánh vừa đàm", nhằm giành được những ưu thế, nắm rõ tình hình của đối phương, hoạt động tình báo cũng bí mật được thực hiện như là một mặt trận chống kẻ thù. Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, v.v. nhất là Trần Quốc Hương là những nhà tình báo lỗi lạc của Việt Nam.
Từ người thanh niên yêu nước
Trần Quốc Hương (1924-2020) còn có tên khác là Mười Hương được biết đến với nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam: Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Trưởng Ban Nội chính trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hơn hết, cuộc đời cách mạng của ông gắn với các hoạt động yêu nước, từng bước trưởng thành và đến vị trí đứng đầu tổ chức tình báo Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
|
Người chỉ huy tình báo Trần Quốc Hương. |
Ông sinh ra ở vùng chiêm trũng của huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam trong một gia đình nông dân, bố làm nghề mộc, mẹ làm ruộng. Mảnh đất nơi ông sinh ra nổi tiếng với các phong trào yêu nước trong lịch sử, nhất là những hoạt động chống Pháp trong thời cận đại.
Mười Hương tham gia cách mạng từ năm 1937 với các hoạt động đấu tranh ôn hòa, công khai. Ông bị đưa ra tòa án binh kết án vì tội dải truyền đơn và treo cờ cách mạng trên đường phố Hà Nội.
Ra tù, Mười Hương tiếp tục chắp nối với các cơ sở cách mạng ở Hà Nội và hoạt động trong lĩnh vực tiền thân của ngành công an. Ông được Đảng Cộng sản Đông Dương tin tưởng giao nhiệm vụ trong An toàn khu cùng Đội Cận vệ ở sát Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương điều tra tình hình, nắm mọi mặt của An toàn khu.
Tiếp đó, ông còn thực hiện nhiệm vụ tổ chức chiêu hàng quân Pháp, liên hệ, tìm kiếm các nguồn tin có lợi cho cách mạng. Đây là tiền đề dẫn ông vào với ngành tình báo đầy nguy hiểm và bí mật. Sau khi thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, Mười Hương tiếp tục nhận trọng trách mới với lĩnh vực báo chí, ông làm báo cách mạng ở chiến khu Việt Bắc.
Tới chỉ huy mạng lưới tình báo Việt Nam
Năm 1948, Mười Hương chuyển sang nhiệm vụ mới - làm tình báo quân sự. Công việc chính ông phụ trách là tổ chức các mạng lưới trinh sát trong các trung đoàn, tổ chức điệp báo vào các thị trấn để xây dựng cơ sở cách mạng.
Để nắm rõ hơn địa bàn và tình hình chính trị, Mười Hương trực tiếp tham gia vào các chiến dịch Đường 10, Hà Nam Ninh, Ninh Bình, Điện Biên Phủ, v.v.. “Người chỉ huy của những điệp viên huyền thoại” dùng để chỉ Mười Hương, người đã tổ chức cài cắm các tình báo viên vào cơ quan của đối phương, những nhân vật tình báo nổi tiếng như: Lê Hữu Thúy, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo.
Tài năng của Mười Hương bộc lộ ở việc ông sử dụng các tình báo viên vào các nhiệm vụ phù hợp với khả năng của từng người để có thể phát huy hiệu quả cao nhất có thể.
Ông vẫn trọng dụng Lê Hữu Thúy (cán bộ công an, trong cải cách ruộng đất bị ra khỏi ngành) khi nhận thấy những phẩm chất xuất sắc của nhân vật này. Lê Hữu Thúy là của nhân văn chương, có mối quan hệ rộng với các quan chức cao cấp đã không khó khăn khi cài cắm vào bên cạnh Ngô Đình Diệm với biệt danh Lê Nguyên Vũ.
Bằng những hoạt động đầy sáng tạo nhưng thận trọng, ông Vũ đã từng bước chiếm được lòng tin của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Ông còn làm tốt vai trò phụ tá cho Huỳnh Văn Nhiệm, Trần Kim Tuyến, Đỗ Mậu, từ đó càng tạo ra vỏ bọc chắc chắn giúp Lê Hữu Thúy nắm cặn kẽ tình hình đồng thời có những hoạt động nhằm khoét sâu mâu thuẫn nội bộ của đối phương, làm suy yếu lực lượng này từ bên trong. Những bước đi khéo léo nghệ thuật này đều được sắp xếp bởi bàn tay của Mười Hương.
|
Nhà tình báo Lê Hữu Thúy. |
Người chỉ huy của những điệp viên hàng đầu
Đối với Vũ Ngọc Nhạ, Mười Hương cho rằng cần phải bám vào Cha Từ (Lê Hữu Từ, một người Công giáo rất có ảnh hưởng trong giáo dân và giới chức sắc lúc đó, nhất là ở vùng Nho Quan, Ninh Bình). Vũ Ngọc Nhạ là người công giáo, trung úy tự vệ của Phát Diệm, theo Mười Hương, ông cần tiếp cận với cha Quỳnh để tìm cách tiếp cận với cha Từ (hai cha thân nhau).
Từ đây, Vũ Ngọc Nhạ đã chiếm được lòng tin và có chỗ đứng trong công giáo để có thể nắm bắt các thông tin nội bộ và hoạt động một các thuận lợi hơn. Cha Từ dùng Vũ Ngọc Nhạ tác động tới Ngô Đình Cẩn để bắt tay với Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm, còn Ngô Đình Cẩn thông qua ông Nhạ để kết thân với cha Từ (dòng họ Ngô muốn nắm Công giáo, trong khi trước đó, cha Từ thân người Pháp, trong khi Ngô Đình Diệm lại thân Mỹ).
Hiểu và nắm rõ được điều này, Mười Hương đã tìm cách thông tin tới Vũ Ngọc Nhạ, ngay cả khi ông này bị bắt giam, cần tiếp tục giữ vỏ bọc và làm theo cách thức cũ. Nhờ đó, giảng hòa được cả hai bên đồng thời lợi dụng được cả họ Ngô và cha Từ.
Không phải vô cớ mà thế giới đánh giá Mười Hương là người sắc sảo, nhạy cảm và sáng suốt, khi mà có thời gian ông bị giam trong tù mà vẫn phát huy được vai trò chỉ đạo các mạng lưới bên ngoài, trường hợp liên lạc với Vũ Ngọc Nhạ là một minh chứng.
|
Nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ. |
Mười Hương đã thành công với Phạm Xuân Ẩn khi có cách nhìn và đánh giá tình hình sáng suốt. Khi gặp Phạm Xuân Ẩn đang làm thư ký nhà đoan, đồng thời làm tình báo về việc quân Pháp vận chuyển vũ khí. Tuy nhiên, tình hình Việt Nam có sự thanh đổi mau lẹ, Mỹ dần thay chân Pháp.
Mười Hương đã có đề xuất kịp thời khi bàn với Phạm Xuân Ẩn nhìn gương những người đi trước mà đi sang Mỹ học nghề báo chí. Trở về nước, Phạm Xuân Ẩn nhờ những mối quan hệ và được Trần Kim Tuyến giúp đỡ biệt phái sang Việt tấn xã phụ trách những phóng viên ngoại quốc tại đây.
Tiếp đó, ông tiếp tục hoạt động tình báo trong các vỏ bọc phóng viên hãng thông tấn Reuters, rồi tuần báo Time. Với vai trò là phóng viên, có quan hệ rộng với quan chức, Phạm Xuân Ẩn đã tiếp cận và biết được nhiều thông tin mật của quân đội, cảnh sát và cả tình báo.
Những tin tức tình báo được Phạm Xuân Ẩn ghi chép tỉ mỉ là tài liệu quan trọng để Việt Nam dân chủ cộng hòa nắm được thông tin trong các chiến dịch Chiến tranh đặc biệt, Ấp chiến lược, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
|
Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. |
Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo chiến lược dưới sự chỉ huy của Ban địch tình Xứ ủy Nam Bộ và trực tiếp được Mười Hương phụ trách. Ngay từ những ngày đầu xây dựng cơ sở trong lòng đối phương, Mười Hương đã "chỉ bảo" cho nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo từng bước, từng bước một.
Phạm Ngọc Thảo bấy giờ có một lý lịch cách mạng vang dội, nhiều người biết đến. Ông từng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10, Trường Ban Quân báo Nam Bộ, sinh ra trong một gia đình trí thức Công giáo. Mười Hương đã cân nhắc rất nhiều trước khi giao nhiệm vụ cho Phạm Ngọc Thảo.
Theo ông, không thể để Phạm Ngọc Thảo giấu đi được lý lịch kháng chiến, vậy tại sao anh ta bỏ lý lịch làm việc với đối phương. Mười Hương tiếp tục phân tích, cần nhìn thấy đặc điểm của anh em nhà Ngô Đình Diệm, họ cố gắng xây dựng và thể hiện tinh thần quốc gia theo kiểu của mình, họ mong muốn tìm được người chống cộng sản.
Đây là kẽ hở dể Phạm Ngọc Thảo có thể sử dụng với vai trò là một người Công giáo xuất sắc, có kháng chiến, yêu nước nhưng quốc gia và không cộng sản. Và theo Mười Hương, cần phải bắn thông tin này tới Ngô Đình Thục để ông này giúp đỡ.
Để họ Ngô tin, Phạm Ngọc Thảo cần bám vào lý lịch gia đình, gốc rễ Công giáo và cộng sản không bao giờ tổ chức, phát triển người Công giáo vào Đảng. Từ đó, Phạm Ngọc Thảo xây dựng được lòng tin trong lòng họ Ngô và có nhiều hoạt động tình báo giúp cho cách mạng, nhất là việc nắm tình hình nội bộ của Việt Nam Cộng hòa, thả nhiều tù binh cách mạng trong thời gian làm tỉnh trưởng ở Bến Tre và trực tiếp tham gia vào các cuộc đảo chính trong nội bộ Việt Nam Cộng hòa.
|
Nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo. |
Để có được những dự cảm chỉnh xác về đường hướng hoạt động của các tình báo viên, ngoài khả năng thiên bẩm của bản thân, Mười Hương đã trả qua những năm tháng đấu tranh, lao tù khắc nghiệp của thực dân Pháp và sau đó là của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông từ bị Pháp bắt giam với tội danh rải truyền đơn và treo cờ cách mạng.
Trong thời gian hoạt động ở miền Nam, Mười Hương đã bị chỉ điểm và bị hung thần miền Trung Ngô Đình Cẩn bắt và giam ông ở khu chín hầm. Tại đây, ông đã can đảm đấu tranh, tìm cách liên lạc với bên ngoài, vừa nắm tình hình, vừa có những chỉ đạo cho các điệp viên. Cuối cùng Ngô Đình Cẩn phải thả ông với lý do không khai thác được gì.
Khi đề cập về chiến công mà ông và các cộng sử đạt được, Mười Hương đã khiêm tốn khi trả lời: Chỉ huy là Trung ương Đảng, là cả một lực lượng cách mạng, tôi là người được giao lại các đầu mối. Cái chính của tôi là cái anh chỉ trỏ, chỉ tay năm ngón thôi. Còn các anh ấy giỏi nên lập được nhiều chiến công lớn, vô cùng quan trọng cho cách mạng.
Một lần khác, Mười Hương lại nhấn mạnh: Các anh ấy (chỉ những nhà tình báo nổi tiếng của Việt Nam cùng thời dưới sự chỉ đạo của ông) chỉ nhận chỉ đạo đường hướng thôi, còn tài tự tài năng của mình đã lập công lớn. Chứ công việc bí mất, độc lập như vậy, sao cầm tay chỉ việc được.
Đan Linh