Cùng với khả năng cảm nhận nhiệt độ nóng và lạnh, xúc giác có vai trò quan trọng đối với khả năng sinh tồn của con người. Đây là nền tảng của hoạt động tương tác giữa con người với thế giới xung quanh.
Làm thế nào các xung thần kinh có thể cảm nhận được nhiệt độ và áp suất? Câu hỏi này đã được lý giải bởi các chủ nhân của giải Nobel Y học 2021. Những khám phá mang tính đột phá của họ đã mở lối cho các hoạt động nghiên cứu sâu rộng dẫn đến sự hiểu biết của chúng ta về cách hệ thần kinh cảm nhận nhiệt độ nóng, lạnh cũng như các kích thích cơ học.
Đồng chủ nhân của giải Nobel Y học 2021: Ông David Julis và ông Ardem Patapoutian. Ảnh: Nobel Prize
Lễ công bố giải Nobel Y học diễn ra vào lúc 16 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) ngày 4-10 ở Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska - Thụy Điển.
Trước thềm lễ trao giải, giới chuyên gia nhận định 2 tên tuổi nổi bật trong năm nay là bà Katalin Kariko (người Hungary) và ông Drew Weissman (người Mỹ). Họ là những người tiên phong trong hành trình phát triển vắc-xin công nghệ mRNA và hiện đều công tác tại Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ).
Những phát hiện của họ, được công bố vào năm 2005, đã mở lối cho nỗ lực phát triển vắc-xin Covid-19 Pfizer/BioNTech và Moderna, vốn đã được tiêm cho hơn 1 tỉ người trên thế giới.
Theo các cuộc thăm dò ý kiến chuyên gia trước thềm lễ trao giải, những đột phá về phương pháp điều trị ung thư vú, hướng tiếp cận mới trong điều trị bệnh thấp khớp, cũng như nghiên cứu về di truyền học biểu sinh, kết dính tế bào và kháng kháng sinh cũng có cơ hội chiến thắng cao.
Năm ngoái, giải Nobel Y học được trao cho 3 nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M. Rice. Ảnh: Nobel Prize
Năm ngoái, giải Nobel Y học được trao cho 3 nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M. Rice vì những phát hiện tinh tế dẫn đến việc xác định một loại virus mới, virus Viêm gan C.
Ông Harvey J. Alter là nhà khoa học người Mỹ tại Viện Y tế Quốc gia (NIH), ông Michael Houghton là nhà khoa học người Anh làm việc tại Trường ĐH Alberta (Canada). Người thứ 3 là ông Charles M. Rice, chuyên gia về virus học người Mỹ tại Trường ĐH Rockefeller.
Theo sau Nobel Y học, giải Nobel Vật lý và Nobel Hóa học sẽ được trao lần lượt vào ngày 5-10 và 6-10.
Chủ nhân của giải Nobel danh giá sẽ được trao huy chương vàng cùng số tiền thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1,1 triệu USD).
Theo Cao Lực/Người Lao động