Chân dung bác sĩ của bệnh nhân nghèo Việt Nam thắng giải "Nobel châu Á" 2022

Google News

BS Tadashi Hattori – bác sĩ của bệnh nhân nghèo Việt Nam đã thắng giải Ramon Magsaysay - giải thưởng được xem là Nobel của châu Á cho hành trình chữa bệnh cứu người của ông.

Cuộc gặp “định mệnh”
Bác sĩ Hattori, sinh năm 1964 tại Osaka, tại Nhật Bản. Ông là con trai duy nhất trong gia đình. Bố của BS Hattori bị ung thư và qua đời vì sự tắc trách của bác sĩ. Cái chết của bố khiến ông đã quyết định theo đuổi ngành y, để cứu người.
Sau khi tốt nghiệp ngành Y khoa tại đại học Kyoto - một trong 8 trường đại học uy tín nhất tại Nhật, ông làm việc tại nhiều bệnh viện ở Nhật.
Chan dung bac si cua benh nhan ngheo Viet Nam thang giai
Bác sĩ Hattori - BS Nhật Bản có trái tim nhân hậu đã thắng giải Nobel của châu Á' 2022. Ảnh: Phật Giáo.
Cơ duyên của ông với Việt Nam bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với một bác sĩ của Việt Nam tại Hội nghị nhãn khoa tổ chức tại Nhật Bản vào năm 2001. Biết được khả năng chuyên môn của ông, vị bác sĩ này đã mời ông sang Việt Nam để giảng dạy cho các bác sĩ về kỹ thuật mổ dịch kính võng mạc.
Và một thông tin từ vị bác sĩ này đã khiến ông trăn trở, suy nghĩ. “Người bác sỹ ấy nói với tôi rằng ở Việt Nam có rất nhiều người phải chịu cảnh mù lòa vì quá nghèo, không có tiền chữa bệnh. Có khi họ mới chỉ ở độ tuổi trung niên”, BS Hattori nhớ lại.
Nhiều tháng liền, ông đã suy nghĩ về điều này. Lúc đó, tại Nhật Bản, ông đang có công việc ổn định và mức lương khá cao. Nhưng rồi, ông đã quyết định sang Việt Nam để mổ mắt miễn phí cho những bệnh nhân nghèo, chấp nhận phải nghỉ việc tại bệnh viện ở Nhật Bản.
Chuyến đi đầu tiên sang Việt Nam của ông kéo dài khoảng 1 tháng. Trong khoảng thời gian ấy, ông vừa trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại Việt Nam, vừa thực hiện phẫu thuật miễn phí giúp đỡ các bệnh nhân nghèo mắc các bệnh về mắt.
Ông cũng ghi chép lại những trường hợp ông chưa thể giúp đỡ được ở khắp các địa phương trong cả nước. Sau đó, ông trở về Nhật Bản kêu gọi các công ty y tế tài trợ tài chính để ông có thể giúp đỡ những trường hợp này.
Tuy nhiên, việc này không thành công. Lý do là vì ông đã nghỉ việc tại Nhật Bản, không làm cho một bệnh viện nào, nên không thể xin được tài trợ. Ông cũng nộp đơn lên Chính phủ Nhật Bản, nhưng cũng bị từ chối do họ chỉ giúp đỡ các tổ chức NGO (tổ chức phi chính phủ).
Quyết tâm cứu giúp người bệnh, ông đã dành chính tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để chi trả cho việc thiện nguyện. Và cái tên Hattori đã gắn với các bệnh nhân nghèo Việt Nam từ đó.
Tại Viện Mắt Trung ương, BS Hattori vừa tiếp tục vừa hướng dẫn cho các đồng nghiệp Việt Nam, vừa trực tiếp phẫu thuật cho các bệnh nhân. Viện Mắt Trung ương muốn gửi tiền thù lao cho ông, nhưng ông từ chối. BS Hattori cho biết, ông sang Việt Nam với mục đích là để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, chứ không phải nhận lương.
Năm 2005, ông sáng lập Tổ chức APBA (Asia - Pacific Prevention of Blindness Association - Hiệp hội Phòng chống mù lòa châu Á - Thái Bình Dương), thêm hàng ngàn bệnh nhân có cơ hội được cứu chữa khỏi nguy cơ mù lòa.
Cũng từ sự hỗ trợ của ông, có thêm rất nhiều bác sĩ trẻ Việt Nam được đào tạo về kỹ thuật mổ dịch kính võng mạc, mang đến nhiều cơ hội sáng mắt cho bệnh nhân khiếm thị.
Với những đóng góp trong sự nghiệp phòng chống mù lòa, năm 2007, ông được Bộ Y tế Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”.
Nhớ lời dặn của bố “luôn sống vì mọi người”
Từ một bác sĩ Nhật Bản đang có cuộc sống ổn định, công việc tốt, mức lương cao, điều gì đã thôi thúc ông “bỏ” tất cả để trở thành một bác sĩ Việt Nam với nhiều khó khăn phải vượt qua như vậy? Chia sẻ về điều này, ông cho biết, chính bố ông là người đã truyền cảm hứng cho ông về việc làm thiện nguyện.
“Trước khi chết, bố tôi đã dặn tôi hãy luôn sống vì mọi người”, BS Hattori chia sẻ.
Ông cũng ghi nhớ bài học từ một người thầy của mình: “Hãy luôn đối xử với bệnh nhân như cha mẹ của mình”.
Chan dung bac si cua benh nhan ngheo Viet Nam thang giai
BS Hattori luôn ghi nhớ lời dặn của bố: "hãy sống vì bệnh nhân nghèo". Ảnh: TP Móng Cái.
Từ cuộc gặp “định mệnh” với vị bác sĩ Việt Nam năm 2001, cuộc sống của ông chia ra làm 2 phần: một ở Việt Nam và một ở Nhật Bản, trong đó, phần nhiều là ở Việt Nam.
Mới đầu, khi biết ông mang toàn bộ số tiền tiết kiệm “dưỡng già” cho hai vợ chồng đi giúp bệnh nhân nghèo, vợ ông rất giận, không nói năng gì trong 3 ngày liền. Nhưng rồi, khi hiểu ra được tấm lòng và ý nguyện của chồng, bà đã ủng hộ ông.
Thời gian đầu, bà theo ông sang Việt Nam, nhưng rồi, số giờ ông dành cho gia đình quá ít ỏi, bà lại trở về Nhật Bản.
Từng ấy năm gắn bó với Việt Nam, BS Hattori đã vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn, trong đó có cả sự hy sinh hạnh phúc riêng tư. Thế nhưng, mỗi con mắt của bệnh nhân nghèo được cứu, với ông, đó là sự bù đắp vô giá.
Chứng kiến khoảnh khắc bệnh nhân, từ em bé tới cụ già vỡ òa hạnh phúc khi nhìn lại được ánh sáng sau bao năm chìm trong bóng tối, trái tim ông ngập tràn xúc động. Và mỗi ngày, ông lại thêm yêu thương, gắn bó với mảnh đất Việt Nam mà với ông, sự gần gũi, hồn hậu của người dân nơi đây khiến ông có cảm giác giống như ở quê hương Nhật Bản.
Cảm phục tấm lòng của ông, nhiều nhà hảo tâm đã giúp ông về tài chính. Điều đó giúp ông có thêm điều kiện để có thể thực hiện được tâm nguyện của mình.
Giờ đã ở tuổi 58, BS Hattori vẫn miệt mài với công việc thiện nguyện của mình. Với nhiều bệnh nhân nghèo Việt Nam, trái tim ấp áp của ông cũng tựa như ánh sáng mặt trời mà ông đã giúp họ tìm lại được.

Giải thưởng Ramon Magsaysay được thành lập vào năm 1957 nhằm tôn vinh những người đã quên mình “cống hiến cho các dân tộc châu Á”. Giải thưởng này được đặt theo tên của Tổng thống Philippines Ramon Magsaysay. Ông Magsaysay qua đời trong một vụ tai nạn máy bay năm 1957. Đây là giải thưởng được mệnh danh là Nobel của châu Á. Ngày 31/8, theo công bố, BS Hattori nằm trong 4 người thắng giải năm nay. Những người thắng giải sẽ được vinh danh tại một buổi lễ trực tiếp tại thủ đô Manila của Philippines vào tháng 11.

Mời quý độc giả xem video: "Y bác sĩ Đà Nẵng kiệt sức giữa tâm dịch Covid-19". Nguồn: THDT.



Nguyễn Mai