Triều đại nhà Thanh dù là triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc nhưng không thể phủ nhận rằng đó là một trong những triều đại thịnh vượng nhất của nước này. Khang Hy, Ung chính đã dẫn dắt nhà Thanh thịnh vượng và Càn Long tiếp nối, nâng tầm hơn nữa sự giàu có của quốc gia.
Thế nhưng, khác với đời ông cha, Càn Long lại là người ăn chơi trác táng, tiêu xài cực kỳ hoang phí và trọng dụng tham quan. Hoàng đế này cực kỳ sủng ái Hòa Thân - người được mệnh danh là "đệ nhất tham quan" trong lịch sử Trung Quốc. Ỷ vào sự sủng ái đó, Hòa Thân ra sức kéo bè kết cánh, cả triều đình từ trên xuống dưới đều tham ô. Tương truyền Càn Long chưa từng từ chối "tấm lòng" của bất cứ triều thần nào và không ngại nhận toàn bộ các lễ vật được dâng lên.
Đây cũng chính là khởi nguồn cho "quy tắc ngầm" phải có quà cáp, lễ lạt khi muốn quan viên xử lý việc nào đó. Từ đây, tư tưởng "có tiền là có tất cả" trở nên phổ biến, dân chúng, đặc biệt là phú hào bắt đầu coi thường kỷ cương phép nước, còn quan lại thì liên tiếp có những hành vi tham ô, nhận hối lộ. Dù vậy, Càn Long vẫn chẳng để tâm, thứ ông ta quan tâm nhất là luôn rủng rỉnh tiền bạc và được thỏa mãn thú ăn chơi hưởng lạc của mình.
Có lần, vua bày tỏ nỗi quan ngại của mình với Hòa Thân: "Trẫm hết tiền thì phải làm sao?". Hòa Thân đã khéo léo đáp lại: "Tiền đền tội", ý nhắc đến khoản tiền từ việc nộp phạt hoặc tịch thu tài sản của dân thường hay quan quân phạm tội. Thế nhưng, mặt trái của cách xử lý này chính là kẻ không tham lam thì lại bị lấy nhà, quan tham lại được thăng quan tiến chức. Ấy vậy mà Càn Long lại phê duyệt phương án này, cổ súy cho phong trào tham ô chốn quan trường. Chẳng trách mà càng về sau, nhà Thanh lại càng suy yếu, cuối cùng trở thành miếng bánh cho giặc ngoại xâm xâu xé.
Theo PV / SHTT&ST