Cạnh mộ quý phi của Càn Long có hài cốt một phụ nữ?

Google News

Sau khi tìm được ngôi mộ của vị quý phi của Càn Long, người ta vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện cạnh đó có hài cốt một người phụ nữ khác. Danh tính của người này khiến ai cũng phải sốc.

Thanh Đông lăng là một quần thể lăng mộ hoàng gia của triều đại nhà Thanh nằm ở Tuân Hóa, thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Đây là nơi chôn cất của 5 vị hoàng đế: Thuận Trị, Khang Hi, Càn Long, Hàm Phong, Đồng Trị, cùng 15 hoàng hậu, 136 phi tần, 3 hoàng tử và 2 công chúa của triều đại nhà Thanh.

Khoảng những năm 1980, giới khảo cổ đã tìm hiểu khu lăng mộ của vua Càn Long và phát hiện ngôi mộ của vị phi tần có tên Thuần phi (Thuần Huệ Hoàng quý phi). Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhất là người ta còn tìm thấy một ngôi mộ khác chứa thi thể một người phụ nữ bên cạnh mộ của Thuần phi. Chính danh tính của người phụ nữ này đã mở ra một bê bối mà vua Càn Long đã muốn che giấu bấy lâu nay.

Vua Càn Long.

 

Thân thế chủ nhân ngôi mộ

Khi tìm được hài cốt của một người phụ nữ khác bên cạnh ngôi mộ của Thuần phi, giới khảo cổ chưa rõ danh tính của người này. Liệu người phụ nữ này có liên quan đến Thuần phi hay không?

Được biết, Thuần phi có nhan sắc mỹ miều, từng được vua Càn Long sủng ái nhưng sau này, 2 người con trai do bà sinh ra đều không nhận được sự yêu mến của vua cha, người thì bị hủy tư cách nối ngôi, người bị cho làm thừa tự cho vương gia. Sau đó, Thuần phi cũng không được nhà vua chú ý đến nữa. Do đó, người phụ nữ được chôn bên cạnh Thuần phi chắc chắn cũng không phải người phụ nữ mà vua Càn Long yêu thích.

 

Bức vẽ hiếm hoi khắc họa chân dung Kế hoàng hậu

 

Mãi sau đó, hậu thế mới tìm được danh tính của người phụ nữ này. Đó chính là hoàng hậu thứ hai của vua Càn Long: Kế hoàng hậu (hay còn gọi là Ô Lạt Na Lạp, Na Lạp hoàng hậu, Như Ý hoàng hậu). Vậy tại sao một vị mẫu nghi thiên hạ, có thân phận cao quý lại bị an táng cạnh một người có thân phận thấp hơn mình, hơn nữa ngôi mộ cũng không được chăm sóc một cách tửtế, đàng hoàng?

Sự thật vua Càn Long che giấu

Trước khi được sắc phong hoàng hậu, Ô Lạt Na Lạp vốn là Nhàn phi. Nhờ có năng lực quản lý hậu cung, bà được mẹ củavua Càn Long chỉ định làm người kế nhiệm sau khi Phú Sát hoàng hậu qua đời, phong làm Kế hoàng hậu.

Tuy nhiên, vua Càn Long vốn không có nhiều tình cảm với vị hoàng hậu thứ hai này. Dù vậy, Kế hoàng hậu chưa từng làm chuyện gì quá đáng khiến hoàng đế chán ghét, vẫn luôn quý mến và tôn trọng nhau. Hơn nữa, bà còn là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, không chỉ xinh đẹp mà còn thông minh, sắc sảo và nhân hậu, được nhiều người khâm phục.

 

Nhân vật Kế hoàng hậu trong bộ phim "Hậu cung Như Ý truyện" do nữ diễn viên Châu Tấn đảm nhiệm.

 

Bi kịch chỉ xảy ra khi vua Càn Long muốn đi tuần tra phía nam. Không rõ vì lý do gì, Kế hoàng hậu đột nhiên ra quyết định cắt đi mái tóc của mình ngay trước mặt vua. Đây vốn là điều vô cùng cấm kỵ, đặc biệt là đối với phụ nữ, chỉ trừ khi nhà có tang. Do đó, hành động này bị coi như phạm thượng. Trước khi cắt tóc, Kế hoàng hậu còn đuổi hết cung nữ và thị vệ ra ngoài để tránh liên lụy tới họ.

Sau này, nhiều người bắt đầu suy đoán về lý do khiến Kế hoàng hậu tự tay xuống tóc. Có người cho rằng bà đã chán ghét thế tục, chán ghét Càn Long, không muốn đấu tranh chốn hậu cung nên mới cắt tóc đi tu. Có người lại cho rằng Kế hoàng hậu làm vậy là bởi cảm thấy bất mãn vì bị vua thất sủng, phản đối hành động nạp kỹ nữ làm thê thiếp của Càn Long. Đến tận bây giờ, lý do ấy vẫn chưa rõ ràng.

 

 

 

Phần mộ của Kế hoàng hậu tồi tàn hơn nhiều so với phần mộ của Thuần phi bên cạnh.

 

Tuy nhiên, tại thời điểm ấy, hành động đại nghịch bất đạo này đã khiến vua Càn Long vô cùng tức giận, lập tức giam lỏng Kế hoàng hậu và thu hồi 4 sắc phong của bà. Ngày 19/8/1766, Kế hoàng hậu qua đời trong cung của mình. Khi đó, hoàng đế càn Long đang đi săn tại khu săn bắn Hoa Mộc Lan, nghe tin vợ qua đời nhưng không hề tạm hoãn chuyến đi săn, còn ra lệnh cho người con trai thứ 12 của mình trở về cung để giải quyết chuyện gia đình.

Theo lệnh của vua Càn Long, tang lễ của Kế hoàng hậu được tổ chức như đám tang của Hoàng quý phi. Tuy nhiên trên thực tế, đám tang được đơn giản hóa rất nhiều, hoàn toàn không hoành tráng với chức vị của một hoàng hậu. Quan tài của Kế hoàng hậu cũng được đóng từ loại gỗ rẻ tiền. Sau khi bà được chôn cất bên cạnh ngôi mộ của Thuần phi, hoàng đế cũng không cho lập bài vị và hủy bỏ mọi tài liệu liên quan đến Kế hoàng hậu. Người ta suy đoán, uẩn khúc đằng sau sự thất sủng của Càn Long với Kế hoàng hậu cùng cái chết của bà còn to lớn hơn rất nhiều, đáng tiếc gần như không còn tài liệu nào ghi chép lại.

 

 

 

Một khu của Thanh Đông lăng, nơi chôn cất các vị hoàng hậu và quý phi thời nhà Thanh.

 

Khi Kế hoàng hậu mất, vua Càn Long đã chỉ dụ rõ: "Hoàng hậu tính khí thay đổi, không thể giữ đạo hiếu thuận với Thái hậu. Khi đến Hàng Châu, hành động sai trái, cử chỉ điên loạn. Về tang lễ, tất nhiên không thể cứ theo Hiếu Hiền hoàng hậu mà xử lý, nên lấy quy cách an táng Hoàng quý phi mà làm".

Kế hoàng hậu là hoàng hậu nhà Thanh duy nhất không được để lại tên hậu, những di cảo để tôn vinh bà cũng không còn. Đám tang của bà được tổ chức qua loa, chôn cất cạnh một vị quý phi, không có bài vị, chẳng khác nào một cung nữ vô danh. Khi được hậu thế tìm thấy, ngôi mộ của Kế hoàng hậu xập xệ và hoang tàn hơn ngôi mộ của Thuần phi bên cạnh rất nhiều, phần quách đã mục ruỗng, bên trên xiêu vẹo, khiến nhiều người không khỏi xót thương cho một vị mẫu nghi thiên hạ.

Theo Khánh Hằng/Thời đại plus