Cách tiếp cận tươi mới, táo bạo của "Những kẻ bị khước từ"

Google News

Trái với đa số những người đến thăm "Salon của Những kẻ bị khước từ", Renoir và nhiều họa sĩ trẻ khác đã sửng sốt và ấn tượng mạnh với cố gắng của Manet để hiện đại hóa hội họa.

Cach tiep can tuoi moi, tao bao cua

Tranh "Bữa trưa trên cỏ".

Tiêu điểm của thế giới nghệ thuật Paris là Triển lãm Salon. Cuộc triển lãm nghệ thuật hàng năm ban đầu được tổ chức cho các sinh viên năm cuối của Viện Hàn lâm Mỹ thuật. Cuối thế kỷ 18, nó mở cửa cho mọi người, và đó là cách duy nhất để các họa sĩ đưa nghệ thuật của mình đến với công chúng rộng rãi.

Được gọi là cuộc “Triển lãm của các Họa sĩ Đương thời”, Salon là cuộc tranh đua nghệ thuật được đánh giá cao nhất ở châu Âu hấp dẫn 20.000 khách thăm mỗi ngày. Được nhà nước bảo trợ từ năm 1673, nó phản ánh thị hiếu bảo thủ của Viện Hàn lâm Mỹ thuật, sau đó là Trường Mỹ thuật, và nó có thể tôn lên hoặc đánh đổ uy tín của một họa sĩ.

Người nộp đơn tràn ngập, do đó Salon phải lập ra một thủ tục bình chọn. Một ban giám khảo chọn các tác phẩm sẽ được trưng bày, quyết định chúng sẽ được treo ở đâu, rồi trao phần thưởng và huy chương.

Dù đã có những điều chỉnh về cách thức, hệ thống giám khảo đã gây ra những oán hận. Vào năm 1863, vì không quá một nửa trong khoảng 5.000 tác phẩm nộp được chấp nhận, không khó hiểu khi các nghệ sĩ bị loại nổi cơn thịnh nộ. Các tác phẩm bị loại được đóng ở mặt sau một chữ “R” (“refusés” - bị loại), điều đó làm nhục các nghệ sĩ và ngăn cản những người mua tiềm năng. Năm 1863, các họa sĩ bị khước từ than phiền một cách cay đắng và những lời oán thán đã đến tai nhà vua.

Lăng nhục

Muốn cho công chúng thừa nhận rằng ban giám khảo là đúng và để làm nguôi các họa sĩ bị khước từ, Napoleon III đã tổ chức một cuộc triển lãm khác.

Tất cả họa sĩ mà tác phẩm của họ bị loại đều được mời dự triển lãm, và hai tuần sau khi Salon chính thức mở cửa, khoảng 1.000 tác phẩm được trưng bày trong một phần khác cùng tòa nhà, tại khu vực “Salon của Những kẻ bị khước từ”.

Hàng nghìn khách đến thăm thú, chủ yếu để cười các tác phẩm, nhưng một số người nhận ra ban giám khảo của Salon được chính phủ tài trợ chỉ chọn một phong cách nghệ thuật nhất định, và các nghệ sĩ tài năng có tư tưởng khác đã bị đối xử bất công.

Trong số những người triển lãm ở "Salon của Những kẻ bị khước từ" có James McNeill Whistler (1834 - 1903) là học trò cũ của Gleyre, Paul Cézanne, Edouard Manet (1832 - 1883) và Pissarro.

Bức Cô gái trong trang phục trắng (The White Girl) của Whistler là một trong những tác phẩm được ngưỡng mộ nhất trong triển lãm, trong khi Bữa trưa trên cỏ (Le Déjeuner sur l’Herbe) của Manet, một bức vẽ sáng sủa, không chú trọng chi tiết bằng sơn dầu trên vải, mô tả hai người phụ nữ: một nửa trần, và một khỏa thân, đi picnic với hai người đàn ông ăn mặc lịch sự, bị coi là táo bạo phản cảm nhất.

Mặc dù hình tượng khỏa thân là điều thường thấy trong hội họa, nhưng nhân vật khỏa thân này không được đặt tên theo một nữ thần cổ đại, và cô ta cũng không bẽn lẽn một cách phù hợp, trái lại cô ta nhìn một cách táo tợn từ bức tranh hướng về người xem.

Việc đặt cạnh nhau các hình thức cổ điển với trang phục và hình ảnh khỏa thân hiện đại, lột tả bằng những nét bút thô, được coi là gây sốc. "Salon của Những kẻ bị khước từ" có thể làm giảm phần lớn giá trị của những người tham gia nó, nhưng nó bộc lộ một nỗi bất an ngày càng lớn trong cộng đồng nghệ thuật Pháp.

Triển lãm này được lặp lại vào các năm 1864 và 1873, và nó buộc các quy tắc của Salon [chính thức] phải thay đổi. Những họa sĩ trẻ hơn không nhất thiết phải được đào tạo ở Trường Mỹ thuật được thừa nhận nhiều hơn, nhưng phải rất lâu sau đó các phong cách mới mới được chấp nhận thay cho chủ nghĩa Hiện thực Hàn lâm truyền thống.

Những người tiên phong

Trái với đa số những người đến thăm "Salon của Những kẻ bị khước từ", Renoir và nhiều họa sĩ trẻ khác cũng như các nhà phê bình đã sửng sốt và có ấn tượng mạnh bởi cố gắng độc đáo của Manet để hiện đại hóa hội họa.

Delacroix qua đời vào mùa xuân 1863, bỏ lại những người đi tiên phong không có ánh sáng dẫn đường. Từ đó trở đi, Manet được những họa sĩ có tư tưởng tiên tiến coi như lãnh tụ của giới nghệ thuật tiên phong. Cách tiếp cận tươi mới của ông với hội họa đã truyền cảm hứng cho những tư tưởng mới và những lý thuyết mới, và lúc này nhiều người tin rằng nghệ thuật cần phải thay đổi.

Chủ nghĩa Hiện thực Hàn lâm

Phong cách nghệ thuật ưa chuộng được ban giám khảo của Salon lựa chọn có tên gọi là chủ nghĩa Hiện thực Hàn lâm. Phong cách hội họa này có đặc điểm là chính xác, chi tiết gần như ảnh chụp, chiaroscuro (tương phản sáng tối) kỹ lưỡng, không nhìn rõ nét bút, màu sơn mịn màng, thể hiện đề tài văn chương, lịch sử hay huyền thoại, cũng như tranh khỏa thân và chân dung.

Mặc dù Renoir nói ông “miệt mài học tập hội họa hàn lâm” và “nghiên cứu các tác phẩm cổ điển”, tranh của ông không đủ để được coi là hàn lâm.

Theo Susie Hudge/Omega PlusNXB Dân trí