“Siêu nhân hóa” (dịch từ transhumanism) là niềm tin hoặc lý thuyết cho rằng loài người có thể tiến hóa vượt ra ngoài giới hạn thể chất và tinh thần hiện tại để trở thành bất tử hoặc siêu phàm, đặc biệt là bằng phương tiện khoa học và công nghệ.
Những người theo trường phái siêu nhân hóa đấu tranh cho việc sử dụng công nghệ mới, tăng cường sử dụng tế bào gốc, công nghệ nhân bản vô tính trong sinh sản, công nghệ lai tạo người/ máy, công nghệ gene và sửa chữa gene, những thứ sẽ làm biến đổi giống loài chúng ta theo chiều hướng không thể đảo ngược, với mục đích cải thiện điều kiện sống của con người.
Trong cuốn sách Cách mạng siêu nhân hoá, thuyết siêu nhân hoá được tác giả Luc Ferry nghiên cứu phân tích dưới góc độ của một đời sống lý tưởng, không còn bệnh tật, nơi con người sẽ chỉ chết vì các tác động ngoại cảnh. Trên lập trường ấy, câu hỏi lớn mà cuốn sách này đặt ra là: Con người sẽ làm gì khi trở nên bất tử? Liệu những gì ta vẫn coi là quan trọng, quý giá vẫn còn nguyên giá trị khi ta không còn sợ chết nữa, khi ta có tất cả thời gian trên đời cho riêng mình?
Liệu ta có trở nên chán nản và lười biếng? Ta có gì để học nữa sau vô số thập kỷ tồn tại? Liệu ta có còn muốn chinh phục, khám phá, tiếp tục hoàn thiện bản thân? Tình yêu có trở nên nhàm chán? Ta có còn muốn hoặc còn có thể sinh con không? Ta thấy một cuốn sách, một bản nhạc hay vì ta biết nó sẽ có hồi kết, vậy một “sự sống bất tận” liệu có còn hấp dẫn và ý nghĩa?
Luc Ferry chỉ ra rằng từ đầu thiên niên kỷ mới, người ta bắt đầu thảo luận về cách mạng siêu nhân hóa với những góc nhìn khác nhau, thậm chí còn trái ngược hoặc thù địch. Phe ủng hộ chia thành hai quan điểm, một bên cho rằng việc “cải tiến” con người cần diễn ra trên sự tiếp nối của chủ nghĩa nhân văn, tin rằng con người có khả năng tự hoàn thiện vô hạn, còn một bên mong muốn tạo ra một giống loài người mới, một “hậu thế” được lai ghép, lai tạo với máy móc, công nghệ để trở nên vượt trội về cả thể chất và trí tuệ.
Phe phản đối yêu cầu phải dừng tất cả, bởi bản chất con người là vô hình và bất khả xâm phạm, và việc tạo ra sự lai tạp giữa người/máy/động vật, những thứ không phải con người nữa là điều không thể chấp nhận được và đe dọa tới sự công bằng, cân bằng của xã hội.
Dù ở phe nào trong cuộc tranh luận, rõ ràng là các nhà nghiên cứu đều thể hiện niềm tin rằng “siêu nhân hóa” thực sự có thể xảy ra và xem xét khả năng này một cách nghiêm túc. Khi tin tưởng rằng tương lai “siêu nhân hóa” là một điều khả thi, người ta sẽ bắt đầu suy nghĩ về việc đặt ra các giới hạn, các quy định và luật pháp để áp dụng ở phạm vi quốc tế, và đó là một lo lắng chính đáng.
Trước một thực tế là công nghệ sinh học, Internet vạn vật, dữ liệu lớn và công nghệ robot đang ngày một phát triển, Cách mạng siêu nhân hoá là cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn toàn cảnh, dễ hiểu nhất về thuyết siêu nhân hóa, về sự thay đổi tất yếu, kèm theo những chuyển giao giữa các hệ thống kinh tế và tư tưởng trên toàn thế giới. Cùng với đó là những dự đoán về tương lai và những con đường khả dĩ mà ta có thể chọn lựa.
Theo Tiền Phong