Hằng năm, cứ vào ngày 10/1 Âm lịch, tức là ngày Thần Tài, các gia đình lại sắm sửa đồ lễ, mua vàng lễ để cầu tài cầu lộc. Tuy nhiên, việc dọn dẹp, bài trí ban thờ sao cho phù hợp thì không phải ai cũng biết. Vào ngày này, mọi người thường lau dọn ban thờ, trang trí, bày biện lại ban thờ Thần Tài để đón lộc của năm mới.
Theo phong tục, ban thờ Thần Tài đặt dưới đất, nơi trang nghiêm hướng ra cửa chính. ban thờ là một chiếc khảm nhỏ sơn son thếp vàng, bên trong khảm là bài vị Thần Tài. Trước bài vị là bát hương kê trên một khay vàng giấy, hai bên bát hương là hai cây đèn nhỏ, một khay nước gồm 3 cốc nước và 2 chén rượu. Khi lau dọn và trang trí ban thờ Thần Tài cần chú ý những điều sau:
Không được xê dịch bát hương
Để chuẩn bị cho ngày mùng 10/1, chiều tối mùng 9/1 chúng ta đã phải tiến hành dọn dẹp ban thờ. Khi dọn dẹp ban thờ Thần Tài, tuyệt đối không được xê dịch bát hương bởi đây là vật quan trọng nhất, nơi giáng của các hương linh, thần, thánh, tổ tiên. Đây cũng là nơi thể hiện sự thành kính của mọi người trần thế đối với cõi tâm linh.
Vì vậy khi lau dọn cần chú ý, một tay chúng ta giữ bát hương, một tay lau dọn ban thờ xung quanh. Tuyệt đối không được nhấc bát hương ra để lau dọn hay xê dịch bát hương.
|
Việc dọn dẹp ban thờ trong ngày lễ Thần Tài rất quan trọng trong việc thu hút tài lộc về nhà cho gia chủ. |
Thứ tự lau dọn
ban thờ và bài vị tổ tiên, bát hương… đều cần lau rửa sạch sẽ bằng nước ấm. Lau dọn bài vị của thần Phật đầu tiên, sau đó mới đến bài vị tổ tiên và dọn dẹp bát hương.
Dùng một chiếc chổi chuyên dụng để quét dọn các bụi bẩn, mạng nhện hay tàn tro trên ban thờ, sau đó dùng khăn sạch thấm nước ấm lau lại. Sau khi ban thờ đã được lau dọn sạch sẽ, ta tiến hành đặt bài vị lại chỗ cũ rồi mới bắt đầu tỉa chân hương.
Chuẩn bị nước ngũ vị hương
Trong công tác lau dọn ban thờ, không được tự tiện lau dọn bằng nước mà phải dùng nước ấm, pha ngũ vị hương để lau dọn ban thờ tổ tiên.
Không mua các dung dịch hay nước ngũ vị hương bên ngoài vì rất phức tạp và nhiều hóa chất. Cần tự làm nước ngũ vị hương bằng các chất như sau: Hồi khô, quế khô, lá hương nhu, sả và lá bưởi hoặc vỏ bưởi để có hỗn hợp nước ngũ vị hương tự nhiên, rất thơm để lau dọn ban thờ vào ngày 9/1 để chuẩn bị cho ngày Tết Thần Tài 10/1.
Về thói quen tích trữ vàng trong nhà trong ngày 10/1, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho rằng cần phải thực hiện một cách chính xác. Dân gian có câu "Vàng thì hèn, bạc thì sang" do vậy trong ngày lễ Thần Tài, chúng ta không chỉ mua mỗi vàng mà phải mua với bạc.
Thâm thúy hơn, các cụ không chỉ đi mua cây vàng, cây bạc, chỉ vàng, chỉ bạc mà các mua các lai vàng có khắc 3 chữ Hán tự "Phúc, Lộc, Thọ" để trên ban thờ và két sắt hoặc nơi cất tiền bạc trong gia đình để mang hút Tài lộc về.
Chuẩn bị đồ cúng ngày vía Thần Tài
Theo dân gian, vào ngày vía Thần Tài người ta sẽ mua: 1 bình hoa, 1 con tôm, 1 miếng heo quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả,1 con cá lóc nướng, 1 con cua, chum rượu để cúng lấy vía Thần Tài. Với những lễ vật cúng Thần Tài đó, người ta sẽ bắt đầu lễ cúng ngày vía Thần Tài.
Theo Tiểu An / VTC