Vì vậy, bà không lập gia đình rồi qua đời trong viện dưỡng lão ở tuổi 90 khiến người đời thương xót.
Trong thời đại vật chất, thật không dễ dàng gì để có thể yêu chỉ đúng một người từ đầu đến cuối. Vào cuối thời nhà Thanh, khi suy nghĩ vẫn còn khá bảo thủ thì tình cảm kiểu này càng hiếm có.
Năm 1911 đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến kéo dài hơn 2.000 năm, nhà Thanh chính thức diệt vong. Mặc dù vậy, chế độ mới cùng các quân đội nước ngoài vẫn còn dè dặt. Họ vẫn giữ lại cung đình và cho Phổ Nghi làm Hoàng đế bù nhìn trong Tử Cấm Thành. Năm 1922, ông kết hôn với hai người phụ nữ trong một ngày. Đó là Hoàng hậu Uyển Dung 16 tuổi và Văn Tú 13 tuổi làm phi tử.
Một ngày trước hôn lễ, Vương Mẫn Đồng khi đó mới 9 tuổi được vào cung tham dự buổi lễ. Lần đầu gặp Phổ Nghi, bà đã có ấn tượng tốt về tỷ phu có địa vị hơn người này. Bà thầm thề trong lòng rằng nếu không phải người đàn ông này, bà sẽ không lấy chồng.
Để hiện thực hóa mong muốn này, bà đã nỗ lực rất nhiều. Đến khi có cơ hội tiếp cận Phổ Nghi, bà lại không được lòng ông vì quá quê mùa. Vương Mẫn Đồng tên thật là Hoàn Nhan Đồng Ký. Cha bà là Hoàn Nhan Lập Hiền còn mẹ là cháu gái của Càn Long. Xét theo họ hàng thì bà và hoàng hậu Uyển Dung là chị em họ của nhau.
Vương Mẫn Đồng là con gái lớn trong gia đình, ở nhà dù được cưng chiều nhưng mẹ bà vẫn luôn dạy cho tính kỷ luật. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, tính cách hiền lành và cử chỉ của bà đều bộc lộ phong thái khiến mọi người mê mẩn. Nhưng cũng nhờ được dạy dỗ kỹ nên sau khi Uyển Dung được gả vào cung, bà đã chôn chặt tình yêu dành cho Phổ Nghi ở trong lòng.
Năm 17 tuổi, Vương Mẫn Đồng đến sống ở Thiên Tân cùng gia đình. Đây cũng là độ tuổi để nói đến chuyện kết hôn ở thời phong kiến. Vì gia tộc Ái Tân Giác La khá nổi tiếng nên bố mẹ của Vương Mẫn Đồng cũng cố tình chọn cho con gái của họ một chàng rể từ gia tộc đó là Trương La. Hai người rất xứng đôi vừa lứa và đáng lẽ ra sẽ có một cuộc hôn nhân như ý. Nhưng trước khi làm đám cưới, con trai của nhà Ái Tân Giác La đã có quan hệ với một "trai bao".
Vụ bê bối này khiến gia đình họ Vương cảm thấy rất xấu hổ, họ ngay lập tức hủy hôn. Cả gia đình chuyển về Bắc Kinh rồi trở thành hàng xóm của Mạnh Tiểu Đông. Vương Mẫn Đồng một lần nữa nuôi hy vọng được gả vào cung nhưng Phổ Nghi lúc này chỉ là một con rối, không có quyền quyết định.
Gia đình rất lo lắng về cô con gái tuổi tác ngày càng cao. Với sự giúp đỡ của hoàng hậu, họ đã lên kế hoạch gả cô cho Phổ Kiệt, em trai của Phổ Nghi. Tuy nhiên, Phổ Kiệt bị ép kết hôn với công chúa của Hoàng gia Nhật Bản.
Vương Mẫn Đồng tuy xinh đẹp nhưng quả là một vị cách cách xấu số, nhiều lần vấp ngã trên đường tình duyên và chưa thể tìm được người đàn ông đem lại hạnh phúc cho mình. Ngay cả khi mối quan hệ giữa Phổ Nghi và Hoàng hậu Uyển Dung gặp trục trặc, Uyển Dung bị đưa vào lãnh cung, Phổ Nghi cũng cưới 2 người phụ nữ khác mà không phải là Vương Mẫn Đồng.
Trải qua bao biến cố của triều đại phong kiến, Phổ Nghi cũng vào tù rồi lại được thả ra, trái tim của Vương Mẫn Đồng vẫn hướng về vị Hoàng đế năm nào. Nhưng ngay cả khi Hoàng tộc đứng ra mai mối, bà vẫn không được Phổ Nghi đáp lại. Ông thà cưới một người phụ nữ bình thường còn hơn dây dưa với những người thuộc chế độ cũ.
Sau này, gia cảnh của nhà họ Vương sa sút dần, họ chỉ có thể sống ở trong một ngôi nhà tồi tàn. Vương Mẫn Đồng dần thu mình, sống nội tâm. Bà tặng miễn phí một vài món đồ cổ trong nhà cho một người họ hàng ở Đài Loan và người đó giúp đỡ bà một món tiền để vào viện dưỡng lão. Một ngày, bà ăn bánh bao và không may qua đời vì tắc thở.
Cuộc đời của Vương Mẫn Đồng thật lận đận. Trao trái tim cho một người đàn ông không bao giờ thuộc về mình, dù cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể gây ấn tượng với đối phương. Cuối cùng để bản thân kết thúc cuộc sống trong cô độc.
Theo Tường San/ Bảo Vệ Công Lý